Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Đồng bằng sông Cửu Long – 40 NĂM NHÌN LẠI - Kỳ 7

Bồi trúc đê biển Tây Nam bộ
* LÊ PHÚ KHẢI
(tiếp theo)
NÓI RÕ THÊM VỀ HAI VÙNG MẶN – NGỌT, ĐÊ BIỂN, ĐÊ BAO... 
Trong bài “Đê bao Đồng bằng sông Cửu Long không sai lầm “vĩ đại”…”, tôi chỉ muốn phản biện bài viết của tác giả Đảng Xanh trên mạng xã hội ngày 23/03/2014 mà thôi. Những vẫn đề liên quan đến đê bao như vùng mặn, vùng ngọt, đê biển… trong sự vận động của sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long suốt gần 40 năm qua là đề tài lớn cho những cuốn sách, những luận án tiến sỹ khoa học… nó vượt ra ngoài khuôn khổ của một bài báo. Vì vậy trong bài viết này, tôi chỉ muốn nói thêm về vùng mặn vùng ngọt, đê bao, đê biển… một cách thật ngắn gọn… để độc giả trong và ngoài nước có khái niệm về những vấn đề này của một miền đất nước vô cùng phong phú, tươi đẹp là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cũng cần phải nói thêm, nếu dân số nước ta cứ là 20 triệu như 1945 thì chẳng cần phải làm gì cả với Đồng bằng sông Cửu Long như tác giả Đào Văn Tùng đã viết trong bài “Thực trạng đê bao’’ trên mạng xã hội vừa qua ... 
Trước hết nói về vùng mặn.
Vùng nhiễm mặn ven biển đông và vùng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích tự nhiên đến gần 2 triệu hecta, nối liền từ Gò Công đến ven biển Tây tại Hà Tiên, bao gồm một phần tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và phần lớn Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.
Mặn được đánh giá là tài nguyên, nhưng mặn chỉ phù hợp với dải rừng đất ướt ven biển, với những nơi hội tụ đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản đem lại lợi nhuận cao, nhanh, và nghề làm muối. Trái lại, mặn hủy diệt cây trồng nông nghiệp và kìm hãm phát triển dân cư, gây trở ngại lớn cho cuộc sống con người. Vì thế mà các nước giàu có như Mỹ, Nhật chỉ tiêu thụ tôm chứ không nuôi tôm.
Ở những vùng nhiễm mặn Đồng bằng sông Cửu Long, từ lâu, mặn đã bị coi là “kẻ thù” của nông dân. Vì thế, từ chỗ hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời mùa mưa, ở vùng mặn, người nông dân đã biết “luồn lách” để sống! Họ tìm cách be bờ giữ ngọt, quai đê lấn biển, đào kênh dẫn ngọt, trữ ngọt mùa mưa, tiết kiệm mùa khô… ở vùng mặn chỉ làm được một vụ lúa trông vào nước trời, năng suất thấp. Khát khao đổi đời của người nông dân vùng mặn Đồng bằng sông Cửu Long kéo dài theo năm tháng. Nhưng ngọt hóa cả vùng rộng lớn thì sức của người nông dân cá thể không làm nổi.
Từ năm 1975, bằng nỗ lực của Nhà nước và nông dân, sau nhiều năm phấn đấu, các công trình thủy lợi đầu mối: dẫn ngọt – ngăn mặn, nhằm ngọt hóa nhiều vùng đất rộng lớn đã hoàn thành. Phải lần lượt kể đến những chương trình ngọt hóa Gò Công cho 54.000 hecta, Tầm Phương – Trà Vinh cho 7.000 hecta, Vàm Đồn – Bến Tre cho 8.000 hecta… và các chương trình lớn, có tác dụng dẫn ngọt, ngăn mặn cho hàng trăm ngàn hecta như nam Măng Thít (Trà Vinh – Vĩnh Long), Quản Lộ – Phụng Hiệp (bán đảo Cà Mau) của Quyết định 99TTg do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký vào ngày 9/02/1996 đã được thực hiện trong 5 năm. Nước ngọt phù sa từ sông Tiền, sông Hậu đưa về đã xóa bỏ được bao cuộc đời mặn chát cơ hàn bấy lâu nay. Những ai đã từng chứng kiến mùa khô dài dằng dặc, đất nẻ đến tận đáy ao, gió chướng mang nặng hơi mặn từ biển dội vào, tàn phá làng mạc, mới thấy hết giá trị của những dòng nước ngọt đem đến cho nông dân vùng mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Lúa từ 1 vụ năng suất thấp đã ùa lên thành 3 vụ năng suất cao. Rồi vườn tược, cây trái mọc lên từ phù sa nước ngọt. Huyện Gò Công Đông nghèo đói xưa kia, nay làm lúa 3 vụ có chất lượng cao, bán được giá nhất tỉnh, hơn cả vùng Cai Lậy, Cái Bè ở phía Tây nổi tiếng giàu có xưa nay, đó là điều mới lạ ở Tiền Giang! Ở huyện Vĩnh Lợi nằm trong vùng ngọt hóa bán đảo Cà Mau, những tá điền nghèo khó của công tử Bạc Liêu xưa kia, nay bỗng nhiên nhà tường sáng choang nhờ nước ngọt sông Hậu đã về tới vùng hạ! Người viết bài này đã chứng kiến tận mắt những hình ảnh trên.
Các chương trình ngọt hóa đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của một vùng đất đai rộng lớn có mật độ dân cư cao ở Đồng bằng sông Cửu Long những năm qua là sự thật không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, vào năm 2000, hiện tượng hàng trăm nông dân đã đồng tình đi phá đê bao ngăn mặn để nuôi tôm. Có nơi còn đi tới 30 – 40 cây số chở nước mặn về để nuôi tôm trong vùng đã quy hoạch ngọt hóa. Thế là thôn ấp náo loạn, mất đoàn kết nghiêm trọng trong cộng đồng giữa người trồng lúa và nuôi tôm.
Khảo sát nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long, gặp gỡ nhiều người trồng lúa và nuôi tôm, nhiều cán bộ khoa học và nhiều nhà quản lý xung quanh chuyện lúa – tôm chúng tôi có thể lý giải sự kiện mặn – ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long như sau:
- Thứ nhất, do khách quan giá tôm có lúc lên quá cao. Tại huyện Vĩnh Châu ven biển Sóc Trăng vào những năm 1998 – 1999 giá tôm mua ngay tại chân ruộng có lúc lên đến 150.000- 160.000 đồng 1 ký. Một ký tôm có thể bằng 4 – 5 giạ lúa. Cái giá “mê hồn” này đã khiến một số người quên mất rằng, nước ngọt không phải chỉ dành riêng cho cây lúa, mà còn là cho sản xuất nói chung kể cả sản xuất công nghiệp và nhất là cho đời sống của con người. Phù sa nước ngọt tạo nên cảnh quan bạt ngàn đồng lúa, xum xuê cây trái mộng mơ của Đồng bằng sông Cửu Long mà bao thế hệ đã dày công xây đắp. Còn với mặn thì ngoài con tôm không có gì nữa. Hơn nữa, nuôi tôm là một công nghệ, phải có vốn lớn và phải hội đủ những điều kiện cần thiết. Không ít nông dân đã phá sản, phải bỏ xứ ra đi vì chưa hội đủ những điều kiện cho nghề nuôi tôm. Chính vì vậy mà tại hội nghị “Khôi phục, nâng cấp đê biển, đê cửa sông Đồng bằng sông Cửu Long” tại TP.HCM ngày 14/07/2000, khi bàn đến vấn đề mặn – ngọt, Cố vấn Võ Văn Kiệt đã nói: “Môi trường ngọt là môi trường cao cấp, là vấn đề chiến lược ở Đồng bằng sông Cửu Long”.
- Thứ hai là nguyên nhân chủ quan. Khi quy hoạch các vùng ngọt hóa, ở vùng giáp ranh mặn ngọt, công tác điều tra cơ bản, điều tra xã hội học làm không kỹ, “Đã bất chấp ý kiến của bà con” như Cố vấn Võ Văn Kiệt đã phê phán trong hội nghị 14/07/2000. Có thể lấy huyện Thới Bình (Cà Mau) làm ví dụ. Khi dẫn ngọt về, thay đổi cơ cấu sản xuất từ tôm sang lúa đã bị dân chúng và cả cấp lãnh đạo địa phương phản đối. Một số nơi khác cũng có tình trạng như vậy. Chính phủ đã có sửa đổi và đã quyết định mở rộng diện tích nuôi tôm cho Cà Mau. Thiết nghĩ mọi chuyện đã rõ ràng: ngọt hóa là chiến lược, là lợi ích lâu dài cho toàn cảnh Đồng bằng sông Cửu Long.
May mắn cho Đồng bằng sông Cửu Long là đã có các mô hình hài hòa lúa – tôm, mặn – ngọt như ở Gò Công, Sóc Trăng. Do quy hoạch tốt, có đê biển ngăn bão, đê ngăn mặn phân biệt vùng tôm, vùng lúa mà vùng ngọt hóa và vùng mặn của Gò Công và Sóc Trăng cả lúa 2 vụ và nghề nuôi tôm đều phát triển vượt bậc. Tỉnh nghèo Sóc Trăng đã vượt lên, đứng đầu cả nước về kinh ngạch xuất khẩu tôm năm 2000. Sóc Trăng, Gò Công là mô hình để rút kinh nghiệm cho nhiều tỉnh ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Về đê ngăn mặn.
Tiêu biểu nhất là đê ngăn mặn của tỉnh Sóc Trăng. Nếu cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long không cần đến một hệ thống đê điều nào cả là hoàn toàn không đúng.
Sóc Trăng là một trong những tỉnh nghèo nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, với 319.000 hecta đất nông nghiệp ven biển nhiễm mặn chỉ làm được lúa 1 vụ năng suất thấp. Đời sống của đồng đồng bào dân tộc Khmer ở đây rất khó khăn. Đêm 26 rạng ngày 27/10/1992 biển Sóc Trăng đã bất thần nổi giận. Một đợt sóng thần đã ngoạm vào khúc bờ dài hơn 70km thuộc hai huyện Vĩnh Châu và Long Phú. Sóng thần dâng cao tới gần 2 mét nước chồm sâu vô bờ từ 500 đến 4000m. 13km đê ngăn mặn đã bị phá hủy hoàn toàn, cuốn trôi theo 11 cống ngăn mặn, 420 hecta cây đặc sản tỏi và hành tím, 160 hecta lúa và 4300 hecta nuôi tôm bị mất trắng.
Khác với lũ đầu nguồn sau khi nước rút còn để lại phù sa mới an ủi cho đồng ruộng mùa sau. Trái lại, sóng thần đem hàng vạn tấn cát vô đồng, vùi lấp, xáo trộn địa hình và nước mặn sẽ làm cho đất chai cứng, mùa sau còn tiếp tục mất mát. Ngay sau trận sóng thần kinh hoàng đó, khi các nhà báo phỏng vấn Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thanh Bình (Sáu Bình) là: Sóc Trăng có cần Trung ương hỗ trợ gì không?, Chủ tịch Sóc Trăng đã trả lời một câu bất ngờ đến thú vị “Sóc Trăng không xin TW gì cả, chỉ xin TW một… con đê!”.
Có lẽ trên đời này chỉ có các “anh Hai Nam bộ” mới có lối xin “kỳ lạ”, “một con đê’’!. Nhưng xét cho cùng thì Chủ tịch Sóc Trăng thật là khôn ngoan. Cái xứ Sóc Trăng này lạ lắm, ở Vĩnh Châu, trẻ con chơi đùa với nhau nói ba thứ tiếng: Việt, Khmer, Hoa… Nhưng TW lấy đâu ra một con đê ngăn mặn dài hàng trăm km để cho Sóc Trăng. Vì thế sau hơn một năm trời dồn sức, dồn của nhân dân các dân tộc (Việt, Khmer, Hoa) ở Sóc Trăng đã làm nên một kì tích là hoàn thành tuyến đê biển và đê dọc theo cửa sông dài hơn 200km. Hệ thống đê ngăn mặn này có chiều rộng 6m, cao 1,5m; xe bốn bánh có thể đi lại dễ dàng vào mùa khô, có đê ngăn mặn, Sóc Trăng thay da đổi thịt. Từ 64.000 hecta lúa hai vụ đã tăng lên 90.000 hecta ngay năm sau. Đến hè thu 1995, Sóc Trăng có hơn 100.000 hécta lúa hai vụ. Có nước ngọt, hoa màu cây trái, nghề mới (làm nấm rơm) được mở ra. Dân Khmer có công ăn việc làm không phải bỏ xứ đi tha phương. Sau 4 năm Sóc Trăng đã gia nhập thành viên “Câu lạc bộ 1 triệu tấn”, sánh vai cùng các bậc đàn anh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong việc làm đê ngăn mặn ở Sóc Trăng, có một câu chuyện đáng được ghi lại. Đó là sự việc xảy ra ở xã Thạnh Thái Thuận huyện Mỹ Xuyên. Gia đình bác Tám Tiệm, một nông dân cần mẫn đã để dành nhiều năm để lên một ngôi nhà tầng. Khi bác Tám Tiệm khởi công xây nhà thì cán bộ thủy lợi đã đến năn nỉ bác đừng xây. Vì đê biển sẽ chạy qua chính giữa nền nhà bác! Nhưng bác Tám không thể tin được đê có thể chạy đến tận nơi xa xôi này. Bác tuyên bố: Nếu các chú làm được con đê chạy đến tận nơi đây thì tui sẽ tự tay phá nhà! Vừa ăn tân gia được hơn tuần lễ thì đê chạy tới thiệt. Thắp hương khấn vái ông bà xong, bác Tám đã tự tay cầm búa phá nhà cho con đê… phóng thẳng! Chuyện con đê ngăn mặn ở Sóc Trăng là như thế!
Về hệ thống đê bao.
Đê bao ở Đồng bằng sông Cửu Long là để ngăn cách vùng ngọt và mặn. Nó còn là chỗ dựa vững chắc để người dân vùng ngập lũ hàng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long “chung sống với lũ” một cách rất hiệu quả. Trận lũ lịch sử năm 2000, vùng Đồng Tháp Mười mênh mông như biển cả. Nước ngập lên đến nóc nhà. Nhưng 400 hecta khu dân cư của thị trấn Vĩnh Hưng của Tỉnh Long An vẫn bình yên giữa biển nước Đồng Tháp Mười nhờ một hệ thống đê bao vững chắc. Người viết bài này đã vượt 50km trên biển nước Đồng Tháp Mười từ Tân Thạnh đến Vĩnh Hưng và tận mắt chứng kiến cán bộ và nhân dân thị trấn đang đào cả sân vận động để lấy đất gia cố đê bao, vì lúc đó nước ngoài đê đã cao hơn mặt đất thị trấn 2m! Chủ tịch huyện Vĩnh Hưng lúc đó là anh Tư Ích đã trả lời chúng tôi: Năm ăn năm thua! Nhưng các Sơn Tinh ở Vĩnh Hưng đã thắng Thủy Tinh! Tư lệnh Quân khu 7 lúc đó là một ông Thiếu tướng đã đến thăm, trợ giúp đồng bào thị trấn Vĩnh Hưng mấy tạ gạo… bằng máy bay trực thăng !!!.
Các nhà nghiên cứu về lũ cho rằng, cách đắp những khu đất cao làm các cụm dân cư vượt lũ, tạm gọi là các “cao nguyên nhỏ” còn có một cái lợi là chỗ lấy đất sẽ là các hố sâu chứa nước, không làm dâng cao thêm mực lũ ở các nơi khác như trong trường hợp đắp đê bao. Có thể lấy Gò Tháp ở xã Đốc Bình Kiều tỉnh Đồng Tháp làm ví dụ. Khu trung tâm xã là một quả đồi được đắp cao, ở đó trường học, bệnh xá, chợ búa, trụ sở ủy ban… Thật sự an toàn trong mùa lũ. Các xã vùng lũ đã định cư cần phải có khu trung tâm như Đốc Bình Kiều. Về mùa lũ, các hộ trong xã đã có nhà trên cọc, trên nền cao, có ghe xuồng đi đến khu trung tâm… thì đó là một hình mẫu đẹp và độc đáo của vùng lũ.
Tất cả những cố gắng của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long gần 40 năm qua đã làm nên kỳ tích xuất gạo vào loại hàng đầu thế giới nhưng cuộc sống của họ rất lầm than.
Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long càng xuất khẩu gạo càng khổ. Vì quốc doanh xuất khẩu gạo chỉ lo đi buôn gạo mà không lo cho cây lúa. Nhưng nếu ai muốn lo cho nông dân thì họ xua đuổi ngay!. Năm 1993 Công ty American Rice Incorporated (ARI) Califonia đã qua Việt Nam hợp tác, họ muốn cải tiến nhà máy ở Trà Nóc Cần Thơ để sấy, tách màu gạo… Chọn giống IR64 làm giống chính. Giám đốc công ty ARI là Ông Richard Mic Combs đã nói với Giáo sư Võ Tòng Xuân lúc đó rằng: Tôi chẳng tử tế gì với nông dân các ông đâu, nhưng nếu để chúng tôi kinh doanh lúa gạo thì hàm lượng chất xám trong gạo của Việt Nam cao hơn, chúng tôi bán được giá cao hơn hẳn VN đang bán, vì thế sẽ mua lúa cho nông dân giá cao hơn hẳn giá họ đang phải bán… Giáo sư Võ Tòng Xuân đã nói với lãnh đạo tỉnh Cần Thơ lúc đó rằng, ai mua lúa cho nông dân giá cao thì phải vỗ tay hoan nghênh họ. Nhưng ông B.S là lãnh đạo Cần Thơ lúc đó đã trả lời giáo sư Võ Tòng Xuân một câu xanh rờn: Phải để các doanh nghiệp lúa gạo sống chứ! thế là ARI… nhổ neo!
Vậy là người ta chỉ chăm bẵm cho các doanh nghiệp quốc doanh. Vì sao mà họ chăm băm thì trẻ con cũng biết! Còn nông dân thì bỏ mặc. Đó là bất công nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay!
Năm 2008 trong hội nghị đánh giá “Thực hiện liên kết bốn nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) nông dân Nguyễn Văn Thôi ở xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An đã phát biểu trên diễn đàn: Khi nhà nông sản xuất lúa gạo thì phải mua phân bón vật tư theo giá thị trường. Nhưng để giữ an ninh lương thực quốc gia, nhà nước có thể đình chỉ xuất khẩu lúa gạo bất kỳ lúc nào. Nông dân chịu thiệt thòi lớn. Nhưng khi lúa gạo rẻ, nông dân khốn khó thì không ai ngó ngàng tới!
Ở Việt Nam thì thế, nhưng ở các nước như Nhật thì nhà nước mua lúa gạo của nông dân gấp đến 8 lần giá thị trường để giữ vững an ninh lương thực cho 100 triệu dân Nhật, theo giá sư Võ Tòng Xuân thì cứ mỗi ngày nước Mỹ phải chi 1 tỷ đôla để trợ giá cho nền nông nghiệp đứng đầu thế giới của họ, ở khối EU cũng thế.
Ở các nước nông nghiệp hàng đầu như Mỹ, Canada, nếu đi trên máy bay nhìn xuống, cái người ta thấy rõ nhất là các nhà kho khổng lồ (Si –lô) do nhà nước và các doanh nghiệp xây dựng để chứa lương thực cho nông dân. Ở Pháp, nước xuất khẩu nông sản thứ 2 thế giới (sau Mỹ), đứng đầu châu Âu, các tổ chức nghề nghiệp nông nghiệp OPA (Organisation Professionelle Agricole) có quyền cùng với Chính phủ và Bộ nông nghiệp quản lý nền nông nghiệp Pháp. Liên đoàn toàn quốc các xanh-đi-ca (Syndicats) của những người khai thác nông nghiệp viết tắc là FNSEA trở thành nhóm có thế lực hùng mạnh trong chính trường Pháp.
Đồng bằng sông Cửu Long đang khẩn thiết yêu cầu Nhà nước đầu tư xây dựng kho bãi bảo quản lương thực cho nông dân, đầu tư vốn cho doanh nghiệp (cả quốc doanh và tư doanh) để họ thu mua và tồn trữ lương thực cho nông dân. Chờ khi được giá các doanh nghiệp mới xuất như các nước trong khu vực đã làm. Trong trường hợp các doanh nghiệp lỗ, Nhà nước phải bù lỗ cho doanh nghiệp. Chính sách an ninh lương thực quốc gia dựa trên nền tảng như thế mới bền vững và công bằng với giai cấp nông dân. Đạo lý là thế.
VI - NHÌN LẠI QUÁ TRÌNH CHUNG SỐNG VỚI LŨ ĐỂ ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG NGẬP LŨ 
Trước tiên cũng cần nói rõ thêm về khẩu hiệu “Chung sống với lũ” mà tôi là người đầu tiên đưa nó lên phương tiện thông tin báo chí. Tháng 10 năm 1997, anh Lê Huy Ngọ lên làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Lần đầu tiên vô Sài Gòn, anh kêu chuyên gia thủy lợi Nguyễn Nhiệm đang công tác tại Văn phòng II của Bộ ở đường Pasteur đến giao nhiệm vụ: Cậu tìm xem ai là người đầu tiên nêu khẩu hiệu “Chung sống với lũ” để tôi thưởng. Anh Nhiệm mời tôi đến Văn phòng II chơi; rồi đưa tôi đi nhà hàng ăn trưa. Anh kể lại nhiệm vụ Bộ trưởng Ngọ mới giao và nhờ tôi, một người hay viết về Đồng bằng sông Cửu Long tìm hộ tác giả đó. Anh còn nói: “Bộ trưởng mới giao việc cho tôi, anh Phú Khải cố giúp tôi việc này”. Tôi bảo với anh Nhiệm: “Cứ yên tâm, mai tôi sẽ trả lời anh ngay”. Anh Nhiệm mừng lắm.
Hôm sau tôi mang đến cho anh Nhiệm 5 bản photo 3 bài viết của tôi trên báo: Bài thứ nhất: Ơi Đồng bằng sông Cửu Long – báo xuân Sài Gòn Giải Phóng Nhâm Thìn 1992. Bài thứ 2 nhan đề: Chung sống với thiên nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long (đăng 3 số báo Sài Gòn Giải Phóng từ số 31/10/1994 đến số 1-11-1994 và số tiếp theo). Bài thứ 3: Né lũ (báo Văn Nghệ Hội Nhà văn Việt Nam 5-11-1994).
Đưa 1 xấp báo cho anh Nhiệm, tôi nói: Anh đọc kỹ 5 bài báo này theo thứ tự thời gian đăng. Nếu anh không tìm thấy văn bản nào, bài báo, cuốn sách hay quyết định, công văn nào trước đó đã nêu khẩu hiệu “Chung sống với lũ” thì tôi là tác giả của khẩu hiệu “Chung sống với lũ”. Anh Nhiệm mừng lắm, cảm ơn tôi. Ba ngày sau, anh điện cho tôi lên Văn phòng II ăn cơm với anh Ngọ, để anh Ngọ thưởng cho tôi. Bữa cơm ở Văn phòng II có cả chị Năm Triều, Tổng giám đốc công ty Lương thực miền Nam và một vài nhà báo khác. Lúc đã ngà ngà say, anh Ngọ nói: “Giá bây giờ có cái chiếu rải xuống đất ngồi mà nhậu thì hay quá!”.
Tôi nhớ mãi câu này, vì ai đời đang ngồi bàn có ghế tựa lưng để ăn nhậu rất sang trọng lại ước ngồi chiếu ở dưới đất(!). Ông Ngọ đúng là một “Bộ trưởng của nông dân!”. Tiệc xong cậu Nhạn, thư ký của Bộ trưởng đưa tôi một chai rượu Tây và nói: “Bộ trưởng tặng thưởng nhà báo!”. Viết lại câu chuyện, tôi chỉ muốn nói rõ một điều là, tôi chỉ có công gọi đúng tên sự vật khách quan là nhân dân đang “Chung sống với lũ” chứ tôi không phát kiến ra cái gì mới lạ cả.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đọc rất kỹ các bài báo viết về vùng Đồng bằng sông Cửu Long, về lũ. Có lần ông hỏi tôi: “Vợ chồng ông Phú Khải sống với nhau thế nào?” Câu hỏi đột ngột quá khiến tôi chưa biết trả lời ra sao… thì ông nói: Phải sống hòa thuận, chứ như “Chung sống với lũ” hiện nay mà Phú Khải viết thì không ổn!.
Và sau đó, hàng loạt những chương trình để “chung sống với lũ” như khu dân cư vùng lũ, cơ cấu lại thời gian gieo xạ lúa hè thu để né lũ, thời gian học của học sinh vùng lũ được khai giảng sớm hơn và kết thúc năm học sớm hơn các vùng khác trong nước v.v… đã được Chính phủ dưới thời ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng, tiến hành có hiệu quả. Năm 1998 Đồng bằng sông Cửu Long lũ rất thấp, sâu bệnh hoành hành, thất mùa lúa mùa cá… ông Võ Văn Kiệt lúc đó là Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng trong một cuộc họp đã nói một câu tôi chưa nghe thấy bao giờ: “Không có lũ cũng là thiên tai với Đồng bằng sông Cửu Long!”.
Chúng ta hôm nay đang lên án mạnh mẽ những kẻ xây đập trên thượng nguồn sông Mê Kông làm ảnh hưởng đến dòng chảy, làm khô cạn nguồn lũ về vùng hạ lưu … càng thấm thía lời nói, càng thấy sự sáng suốt Võ Văn Kiệt – con người sinh ra từ phù sa nước ngọt, từ nắng mưa hào phóng của Đồng bằng sông Cửu Long!.
Xưa kia, hai vùng đất hoang rộng lớn là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên ít có người ở, chỉ có người đến canh tác, thu hoạch nông sản xong rồi về, hoặc đến đập lúa ma, nhổ bàng mà thôi. Cái thời đó, lũ đến lũ đi… mặc lũ, không phải đặt vấn đề “Chung sống với lũ”. Sau 1975, chính các chuyên gia Liên Xô cũng khuyên chúng ta nên để hoang vùng Đồng Tháp Mười làm du lịch và tin rằng chim chóc ở vùng Đông Nam Á sẽ gom hết về Đồng Tháp Mười, vì đây là vùng đầm lầy hiếm có của thế giới!. Lời khuyên đó chí lý, nhưng sức ép ghê gớm từ cái dạ dày (của cả nước) những năm sau ngày thống nhất đất nước đã buộc chúng ta phải tiến hành khẩn hoang, làm lúa và đưa dân đến các vùng hoang hóa. Chính vì vậy mà vấn đề “Chung sống với lũ” đã được đặt ra.
Quyết định 99TTg ngày 9-2-1996 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đầu tư lớn về thủy lợi và giao thông cho Đồng bằng sông Cửu Long, vùng lũ được ưu tiên hàng đầu. Khách quan mà nói, khi đã làm lúa, trồng màu, xây trường, lập chợ, mở đường giao thông… trong vùng đất hoang rộng lớn của Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên mà xưa kia lũ tràn, thì nếu không có các công trình “Chung sống với lũ” mà Nhà nước và nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long đã kiến tạo trong những năm qua, chắc chắn cuộc “chung sống” này còn khó khăn, tổn thất hơn nhiều. Chiến lược “Chung sống với lũ” là vấn đề sống còn, lâu dài với Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy phải được nhìn nhận rõ ràng những nội dung cơ bản của nó; cái gì đã làm tốt, cái gì chưa làm được… để tiếp tục làm tốt trong tương lai …
Thứ nhất, vào vùng lũ sinh cơ lập nghiệp thì trước hết phải biết cách làm lúa trong vùng lũ. Công thức mà chúng ta đã tìm thấy ở các huyện đầu nguồn của tỉnh đầu nguồn như: An Giang, Đồng Tháp và một phần của Long An … là phải chọn giống lúa hè thu ngắn ngày, kết hợp với các bờ bao lửng để ngăn lũ sớm, thu hoạch lúa hè thu trước 15 tháng 8 dương lịch hàng năm trước khi lũ lớn. Bờ bao lửng là một phát kiến của nhân dân vùng lũ để ngăn lũ sớm, gặt xong lúa hè thu rồi thì lũ tràn bờ, hoặc khơi cho lũ vào ruộng để lấy phù sa và tôm cá, tuyệt đối không làm đê ngăn lũ triệt để, cản trở dòng chảy của lũ, làm lũ dâng cao ở những nơi khác. Bờ bao lửng còn có tác dụng để bơm nước ra, kịp làm vụ đông xuân cuối mùa lũ.
Làm đê bao ngăn lũ tuyệt đối như ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang thì chỉ được vài năm đầu thuận lợi, sau đó thì không ổn, phải xem xét lại. Lũ không vào được Chợ Mới thì lượng nước đó sẽ làm lũ dâng cao lên thêm ở các nơi khác, rất nguy hiểm. Đất Chợ Mới sẽ ngày càng suy kiệt vì thiếu phù sa, tôm cá. Với những vùng trái cây nằm trong vùng lũ ở hạ nguồn như Long Hồ ở tỉnh Vĩnh Long, Thốt Nốt (Cần Thơ), Cái Bè, Cai Lậy (Tiền Giang)…  thì phải làm bờ bao ngăn lũ triệt để, bảo vệ vườn cây trái, nhưng phải có quy hoạch cụ thể, do chính quyền các địa phương đứng ra làm “nhạc trưởng”, và vẫn phải chú ý đến các kênh rạch dẫn phù sa vào và thoát nước trong vùng miệt vườn…
(còn tiếp)
-------------

3 nhận xét:

  1. Sáng nay xem bộ phim từ đồng cỏ thành đồng lúa của Đài truyền hình Cần Thơ, nói về quá trình cải tạo đồng tháp mười, từ một vùng đất chua phèn trở thành một vựa lúa, giúp cho chúng ta thấy công lao vô cùng to lớn của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt, một con người vừa có tâm vừa có tài, luôn nặng lòng vì nước vì dân,đã đưa đất nước ta từ chỗ thiếu ăn, trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo nhất, nhì thế giới. Hãy truy tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và đúc tượng đồng của Ông tại vùng đồng bằng sông Cửu Long để ghi nhận công lao to lớn của Ông. Đồng thời phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho ông Chín, ông Phụng và những người đã đóng góp công sức để cùng nguyên thủ tướng cải tạo thành công đồng bằng sông Cửu Long như ngày nay. Nay đất nước tìm được những con người như các Ông hiếm lắm, họ chỉ biết vun vén quyền lợi cá nhân gia đình họ mà thôi,...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Võ văn Kiệt mà không biết "vun vén quyền lợi cá nhân và gia đình" :-) Vậy thì Võ Hiếu Dân là ai, ai trong nghề bất động sản ở Saigon mà không biết bà ta, Võ Hiếu Dân học đại học Tổng Hợp Saigon mà không qua thi cử, ai làm được như bà ta vậy.

      Xóa
  2. Hãy truy cứu và trừng trị những cá nhân, nhóm lợi ích đã tìm cách hãm hại nữ Anh hùng - Bà Ba Sương, thật là nhục nhã cho bọn chúng,không làm gì có lợi cho đất nước và nhân dân mà lại đi tìm cách hãm hại một người phụ nữ chân yếu, tay mềm, không chồng, không con, luôn nghĩ đến lợi ích cho nước, cho dân. Xin chúc Bà mạnh khỏe, Bà hãy yên tâm, có Luật Nhân - Quả đó Bà a.

    Trả lờiXóa