Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Đồng bằng sông Cửu Long – 40 NĂM NHÌN LẠI - Kỳ 1

 * LÊ PHÚ KHẢI
                                              LỜI TÁC GIẢ
Nhà báo Lê Phú Khải
“Đồng bằng sông Cửu Long – 40 năm nhìn lại” là một đề tài lớn, là công việc của một viện nghiên cứu khoa học, nó vượt quá sức của tôi. Nhưng với lòng yêu mến mảnh đất cuối cùng của đất nước có đồng ruộng bao la, miệt vườn tươi tốt, sông ngòi chằng chịt, “bằng phẳng một cách kỳ lạ” đã làm tôi ngỡ ngàng ngay từ lúc mới đặt chân đến sau ngày đất nước thống nhất. Và con người, “những con người cực kỳ bé nhỏ, nhỏ như một dấu chấm, nhưng lại cực kỳ to lớn, lớn như lịch sử đất nước, tạo ra cả một miền trù phú” (Băng Sơn) đã lưu giữ tôi lại đất này. Với tư cách một phóng viên thường trú nhiều năm tại Đồng bằng sông Cửu Long, tôi ghi chép lại những điều tai nghe mắt thấy và những suy nghĩ, “đánh giá” của mình về sự phát triển nông nghiệp sau 40 năm của Đồng bằng sông Cửu Long, với hy vọng cung cấp một ít tư liệu cho những nhà nghiên cứu sau này.
Cánh tay gầy guộc của tôi ráng sức viết về một vùng đồng bằng trù phú của đất nước, chắc chắn sẽ có rất nhiều thiếu sót mong bạn đọc chỉ giáo.
TP.Hồ Chí Minh 8/2014
Lê Phú Khải
*          *          *
I – VÀI TRANG TƯ LIỆU
Sông Mê Kông lớn nhất vùng Đông Nam Á, bắt nguồn từ những dãy núi tuyết phủ vùng Tây Tạng Trung Quốc, dài 4200 km, chảy qua 6 nước: Trung Quốc, Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long là phần cuối cùng của châu thổ sông Mê Kông, có diện tích tự nhiên 39.000 km2 chiếm 5% diện tích toàn lưu vực. Bắt đầu từ Phnôm Pênh nó chia thành hai nhánh: bên phải là sông Ba Thắc khi chảy vào Việt Nam mang tên sông Hậu, bên trái là Mê Kông khi chảy vào Việt Nam mang tên sông Tiền. Phần chảy trên địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long có độ dài chừng 220 đến 250 km. Có một điều thú vị là, sông Mê Kông có một nhánh nhỏ bắt nguồn từ Điện Biên Phủ của Việt Nam. Đó là sông Pa Thơm do hai con sông nhỏ là sông Nậm Rốm và Nậm Lúa nhập làm một khi sang đất Lào, gặp sông Mê Kông ở Ban-Chim.
Mỗi năm dòng sông vĩ đại này chảy đi 500 tỷ mét khối nước, chuyển chở gần 1000 triệu tấn phù sa màu mỡ. Mê Kông có lưu lượng trung bình là 13.200 m3/giây. Vào mùa lũ, thường là từ tháng 8 đến tháng 10 dương lịch hàng năm lưu lượng tăng gấp bội.
Khi vào Việt Nam, 80% lưu lượng Mê Kông đổ vào sông Tiền, 20% vào sông Hậu. Nhưng sông Vàm Nao đã thông bớt nước sông Tiền về sông Hậu và bình quân mỗi bên chiếm 50% lưu lượng. Lũ năm 1961 lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, có lưu lượng đỉnh lũ ở Kratie là 62.400 m3 /giây với tổng lưu lượng lũ 90 ngày lớn nhất là 3399x10m3. Lũ Mê Kông khi vào Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm nhiều do tác dụng điều tiết của Biển Hồ và các vùng ngập lụt trên đất Campuchia, dạng lũ “bẹt” và thời gian kéo dài. Lũ vào Đồng bằng sông Cửu Long theo hai hướng: Từ vùng ngập lũ trên đất Campuchia khoảng 10-15% tổng lượng. Lũ theo sông Tiền và sông Hậu khoảng 80-90% tổng lượng. Lũ theo  dòng chính thoát ra biển Đông, một phần nhỏ thoát ra biển Tây và sông Vàm Cỏ. Lũ vào Đồng Tháp Mười chủ yếu tràn từ biên giới Campuchia sang chiếm 80%, một phần chảy từ sông Tiền vào qua các kênh Hồng Ngự, Mường Lớn và An Bình chiếm 12%. Ngoài ra, lũ Đồng Tháp Mười do mưa tại chỗ sinh ra, khoảng 3,5 - 4 tỷ m3. Ngập lũ vùng Tứ giác Long Xuyên chủ yếu do nước lũ Mê Kông từ các vùng ngập lụt bên Campuchia và từ sông Hậu qua các kênh nối sông Hậu với kênh Rạch Giá – Hà Tiên chảy vào. (Theo tài liệu của Phân viện khảo sát quy hoạch thủy lợi Nam Bộ 9-1998).
Lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long hiền hòa, còn được gọi là lũ lành, xưa kia đồng bào gọi mùa lũ là “mùa nước nổi”. Mức lũ “nổi” lên trung bình 6cm/ngày, cao nhất không quá 30cm/ngày. Trái lại, ở sông Hồng mức nước lũ dâng lên rất nhanh, có khi đến 9cm/giờ. Nhiều nơi như Đồng Tháp Mười, Châu Đốc lũ ngập sâu đến 3 – 4 mét. Lũ là tài nguyên lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm, nó đem đến nước ngọt phù sa bón cho đồng ruộng, đồng thời vệ sinh đồng ruộng (diệt chuột bọ sâu bệnh) nó còn cung cấp cá, tôm cho con người.
Vì thế, đã có lần, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói với người viết cuốn sách nhỏ này rằng: Ở Đồng bằng sông Cửu Long, không có lũ cũng là thiên tai!
Vùng ngập lũ hàng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long gần 2 triệu hecta, thường bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc vào tháng 11 dương lịch hàng năm. Vùng lũ Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre… Mức ngập sâu từ 0,5 đến 4 mét. Khoảng 1 triệu hécta có mức ngập sâu trên 1 mét. Mức lũ được xác định bằng đỉnh lũ cuối tháng 9 đầu tháng 10 tại Tân Châu – An Giang với ba cấp: lũ nhỏ < 4m, trung bình: 4 – 4,5 mét, lớn > 4,5 mét. Chế độ lũ sông Mê Kông thất thường. Trong 50 năm (1931 – 1980) xảy ra 22 lần lũ lớn và 2 lần lũ nhỏ. Có khi 4 – 5 năm liền lũ lớn liên tiếp…
Trong hơn 30 năm, kể từ năm 1981 đến nay, người viết cuốn sách nhỏ này với tư cách là Phóng viên thường trú của Đài Tiếng Nói Việt Nam tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã chứng kiến trận lũ lớn nhất vào năm 2000, tiếp đó là vào năm 2001.
Trận đại hồng thủy năm 2000 làm bàng hoàng cả nước. Lũ về rất sớm, sớm hơn 1 tháng so với mọi năm. Mực nước sông Hậu tại Châu Đốc là 4,9 mét còn cao hơn đỉnh lũ năm 1961, năm lũ lớn nhất. Cả vùng lũ Đồng bằng sông Cửu Long bị nhấn chìm trong lũ. Hơn 400 người chết, thiệt hại lên đến gần 4000 tỷ đồng (thời giá năm 2000). Năm 1988 lũ lại quá thấp. Sâu bệnh, chuột bọ hoành hành, công làm cỏ ăn hết công lúa. Phù sa, tôm cá lại không có. Chi phí sản xuất (phân bón, thuốc trừ sâu) quá lớn. Vì thế, lũ quá lớn và không có lũ đều là thiên tai với Đồng bằng sông Cửu Long.
Người đầu tiên thám hiểm sông Mê Kông là ông Antonio De Faria, người Bồ Đào Nha vào năm 1540 nhằm mục đích truyền giáo và buôn bán. Từ năm 1641 đến 1642, một người Hà Lan là ông Gerrit Van Wuys Thaff đã thám hiểm đến Viên Chăn. Người Pháp quan tâm đến Mê Kông sau khi đã chiếm được Sài Gòn và Campuchia năm 1863. Cuộc thám hiểm có hệ thống bởi người Pháp là hai ông Ernes Doudard De Lagree và Francis Garnier vào các năm 1866 – 1868.
Theo thạc sỹ C.Hart Schaaf, cựu ủy viên Ủy ban Mê Kông thì: “Đây là người khổng lồ đang ngủ, chứa trong lòng nó một khối tiềm năng to tát về thủy điện, về dẫn thủy nhập điền cũng như khả năng phòng lụt…”
Theo Quỹ bảo vệ thiên nhiên thì Mê Kông có nhiều loài cá rất quý như: cá úc, cá trê, cá đuối gai độc khổng lồ, cá nhái răng nhọn, cá chép lớn, cá tầm, cá hồi ăn thịt, các loại cá này có thể nặng tới 90kg và dài tới 1,8 mét. Cá úc khổng lồ Mê Kông được coi là loài cá nước ngọt lớn nhất, cùng họ với cá nhám chó đã được đưa vào danh sách những loài bị đe dọa diệt chủng vào năm 2003.
- Đồng bằng sông Cửu Long xưa nay ít bão, từ năm 1918 đến năm 1929 có 98 cơn bão tiến vào biển Đông, nhưng chỉ có 7 cơn bão đã dạt đến Đồng bằng sông Cửu Long và tắt dần, không ảnh hưởng gì lắm. Có lẽ mà vì thế trong văn bản của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn “Báo cáo quy hoạch kiểm soát lũ Đồng bằng sông Cửu Long để ngày 24/10/1997, ngay trong phần đầu “Vài nét về tự nhiên, tiềm năng và lũ Đồng bằng sông Cửu Long” đã có nhận định: “Đất đai phì nhiêu, nguồn nước phong phú, nhiệt độ ổn định, ánh sáng dồi dào, không có bão(!)”. Thật là trớ trêu, chỉ hơn một tuần lễ sau, ngày 2/11/1997 cơn bão số 5 đã tàn phá dữ dội các tỉnh ven đồng bằng. Tại cuộc họp khẩn cấp của chính phủ tại Thành phố Hồ Chí Minh để khắc phục hậu quả cơn bão số 5, chủ tịch Cà Mau là ông Bảy Trị (Phan Thạnh Trị) khi nói về thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra đã cho rằng: Cà Mau chưa có “kinh nghiệm” chống bão nên… thì cố vấn Võ Văn Kiệt (quê Vĩnh Long) đã ngắt lời, nói: Cái đó “cho qua”, vì ngay cả tôi đây, đã hơn 70 tuổi, lớn hơn đồng chí nhiều mà đã thấy bão bao giờ đâu (!). Cả hội nghị đã bật cười!. Người viết những dòng chữ này có mặt trong cuộc hội nghị đó, thấy rằng mình có “trách nhiệm” viết lại chi tiết này về bão ở Đồng bằng sông Cửu Long!!!
- Địa hình Đồng bằng sông Cửu Long đơn giản, cao trung bình 2 mét. Nghiêng từ Tây Bắc xuống Đông Nam, biên độ 4 đến 0 mét. Đất tự nhiên chia làm 4 nhóm chính: đất phèn 1.885.900 hecta chiếm 47,14%, đất phù sa ngọt 960.700 hecta chiếm 24,01%, đất nhiễm mặn 703,500 hecta chiếm 17,50%, phần còn lại là đất phù sa cũ, đất cát ven biển, đất ngập triều và đất núi, đất than bùn… Đường xá, sông rạch chiếm 12% diện tích. Trên cơ sở thổ nhưỡng, địa chất, thủy văn, khí hậu và kinh nghiệm sản xuất, các nhà nghiên cứu đã chia Đồng bằng sông Cửu Long làm 6 vùng sinh thái nông nghiệp và 34 tiểu vùng (sẽ nói ở phần sau).
- Khi chiếm được Nam Bộ, thực dân Pháp làm kênh mương với mục đích chủ yếu là giao thông vận tải, nhưng lại mang nước ngọt về vùng chua phèn mặn. Vì thế kênh mương đào đến đâu thì dân kéo đến làm nhà bên bờ kênh và làm ruộng từ kênh mương vào nội đồng. Sản lượng thóc gạo tăng nhanh, thực dân Pháp nắm độc quyền xuất khẩu gạo với giá rẻ mạt mà chúng mua của nông dân. Tiền lời thu được ở lúa gạo đủ để chúng nuôi toàn bộ lực lượng chiếm đóng và kinh phí hành chánh và xây dựng ở nước ta.
Ngay từ năm 1860 (một năm sau khi phá đồn Gia Định) Pháp đã mở cảng Sài Gòn bán gạo cho 246 chiếc tàu, chở đi 54000 tôn-nô trị giá 5 triệu frans. Đến năm 1930, diện tích lúa ở Nam Bộ là 2.443 ngàn hecta xuất 1.300 ngàn tấn. Nhưng năng suất làm lúa của nông dân đồng bằng lúc đó chỉ 1 tấn đến 1 tấn 2/1 hécta.
Từ ngày thống nhất đất nước, từ 1 vụ lúa năng suất thấp, đến nay phần lớn đã làm lúa hai vụ (Đông Xuân Hè Thu), có nhiều nơi làm đến 3 vụ lúa năng suất cao, đưa sản lượng từ 4,7 triệu tấn năm 1976 lên 13 triệu tấn năm 1995; 14,7 triệu tấn năm 1996. Năm 1999, tổng sản lượng lúa của cả đồng bằng đã đạt 16,5 triệu tấn. Năm 2013 vừa qua, sản lượng lúa của đồng bằng đạt tới 24 triệu 850 ngàn tấn. Kiên Giang là tỉnh đứng đầu với 4 triệu 470 ngàn tấn, An Giang đứng thứ hai với 3,9 triệu tấn, Long An 2,8 triệu tấn…
Tính đến 15 tháng 6-2014 cả Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất khẩu được 2,5 triệu tấn gạo, giá trị gần 1tỷ USD.
Đồng bằng sông Cửu Long có một đội ngũ nông dân tiên tiến đông đảo mà không vùng nào trong cả nước có được. Về trồng lúa có thể nêu: Hai Chung ở Lương Hòa Lạc – Chợ Gạo – Tiền Giang, Sáu Đức ở xã Lương An Trà, Tịnh Biên – An Giang có đến 100 hecta làm lúa xuất khẩu. Lê Văn Lùng ở Tân Lập – Tịnh Biên – An Giang. Bác Lùng có 20 hecta lúa, bác bỏ ra 3 hecta làm từ thiện, mua xe cấp cứu cho Trạm Y tế xã. Trồng vườn có bác Mười Quảng ở Cù Lao, Thới Sơn, Tiền Giang; có Chín Hóa, Tư Thành ở Chợ Lách, Bến Tre trồng sầu riêng hạt lép nổi tiếng… Có thể nói danh sách những nông dân trồng lúa tiên tiến ở Đồng bằng sông Cửu Long dài đến vô tận…
Về nuôi trồng thủy sản có Trần Văn Tám ở thị trấn Ô-Môn – Cần Thơ, Ngô Văn Ấn  ở ấp Thới An, xã Thới Thuận – Bến Tre, Nguyễn Văn Tiếu ở ấp Tân Thuận, xã Bình Đức Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Những nông dân này luôn tiếp cận với khoa học trong sản xuất, giao du với các giáo sư nông học, có người còn đón cả các đoàn sinh viên các trường đại học về nhà mình ăn ở cả tháng để thực tập ngay trên đồng ruộng, ao hồ của gia đình mình… để học hỏi từ các giáo sư, sinh viên những kiến thức khoa học mới mẻ áp dụng cho sản xuất.
- Tài nguyên thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long rất phong phú. Theo kết quả điều tra của chương trình quốc gia 60-02 (1980 - 1985) về đồng bằng thì các khu hệ mang tính nhiệt đới có 507 loài cá, tôm, trong ruộng có 121 loài, tôm biển có 30 loài. Ở cả ba môi trường nước ngọt, nước lợ, nước mặn có rất nhiều loài. Có 201 loài có căn cứ địa là Biển Hồ, 202 loài di chuyển giữa biển và cửa sông với căn cứ địa là biển. 146 loài ở biển hay tụ tập vào ruộng và đồng cỏ giáp ranh sông – biển. Rừng ngập mặn thường xuyên cung cấp cho đất một lớp thảm mục dày làm thức ăn cho vi sinh vật. Các vi sinh vật lại lần lược làm thức ăn cho tôm cá, bò sát... Nghề nuôi tôm ruộng ngập mặn là một nguồn lợi kinh tế lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1998, tỉnh Sóc Trăng đã xuất được 122 triệu USD hàng thủy sản, đứng đầu cả nước, tiếp đó là CAFATEX của Cần Thơ với gần 100 triệu USD. Năm 2013 vừa qua, cả đồng bằng có sản lượng thủy sản là 3 triệu 300 ngàn tấn. Đứng đầu là Kiên Giang với 581 ngàn tấn, Đồng Tháp là 473 ngàn tấn, Cà Mau là 440 ngàn tấn.
- Trái cây là sản phẩm có giá trị đứng thứ ba ở Đồng bằng sông Cửu Long sau lúa gạo và thủy sản. Năm 1960-1961 chính quyền Sài Gòn kiểm tra canh nông ghi nhận Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn 20.195 hecta vườn cây ăn trái, cho sản lượng 126.900 tấn/năm. Sau nhiều năm phục hồi, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường ngày nay, miệt vườn đồng bằng đã phát triển đến số lượng trên 200.000 hecta vào đầu những năm 2000. Nói đến sự trừu phú của Đồng bằng sông Cửu Long trước hết phải nói đến miệt vườn, vì một hécta vườn cho lợi bằng từ 5 đến 10 hecta lúa. Miệt vườn tập trung ở vùng Chợ Lách Bến Tre, Long Hồ Vĩnh Long, Cái Bè Tiền Giang, Cần Thơ... Mỗi năm miệt vườn Đồng bằng sông Cửu Long cho 2,4 triệu tấn trái cây, chiếm 60% sản lượng trái cây cả nước. Hiện nay ta có Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam tại Long Định Tiền Giang.
- Rừng ở Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là rừng tràm. Tổng số lượng rừng ngập mặn trước năm 1950 có đến 250.000 hecta. Đến năm 1975 còn có 92.000 hecta do bị Mỹ rải chất độc hóa học trong các năm 1964,66,68,70 và 72. Sau năm 1975 rừng ngập mặn được trồng mới, có lúc đã lên đến 137.000 hecta vào năm 1980, sau đó lại bị tàn phá để nuôi tôm. Nhờ chính sách giao đất giao rừng cho nhân dân kết hợp trồng rừng và nuôi tôm, rừng ngập mặn Năm Căn được phục hồi trở lại. Năm 1995 đã có 115.000 hecta rừng. Tỉnh Cà Mau đã phấn đấu để định hình lâm phần 176.000 hecta. Rừng tràm là một hệ sinh thái của vùng phèn trũng nội địa ngập nước hàng năm từ 2 đến 5 tháng. Rừng tràm là một nơi cư trú của nhiều loài động vật dưới nước, trên cây: chim, cá, ong mật v.v... Đồng bằng sông Cửu Long có rừng tràm U Minh và Đồng Tháp Mười, đến năm 1972còn 174.000 hecta, năm 1977 còn 110.000 sau đó lại bị tiếp tục tàn phá. Đến nay còn giữ lại được một số diện tích đáng kể ở U Minh và Đồng Tháp Mười.
- Nhiệt độ trung bình ở Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm vào khoảng 26-27 độ và ít chênh lệch giữa tháng nóng nhất và lạnh nhất trong năm. Tuy nhiên sự thay nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn, từ 7 đến 8 độ C.
- Độ ẩm của khí quyển ở Đồng bằng sông Cửu Long tương đối thấp so với Bắc và Trung Bộ. Lượng nước mưa khá điều hòa, trung bình 1900mm/năm, một vài vùng như Cà Mau, Kiên Giang có khi lên đến 2000mm/năm. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 dương lịch, chiếm 90% lượng mưa cả năm. Giữa mùa mưa vào khoảng tháng 8, có thời gian hạn ngắn, gọi là “ Hạn Bà Chằng”.
Hiện trạng giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long trước khi có Quyết định 99TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về đường sông có 37 con sông với tổng chiều dài 1706 km, 137 kênh rạch lớn dài 2780km, 33 rạch 466km, các luồng lạch nhỏ 11.404 Km. Mạng lưới sông rạch chằng chịt này tạo nên mạng lưới giao thông thủy rất thuận lợi cho Đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống kênh rạch có độ sâu từ 1m trở lên có độ dài 13.000 km chiếm 30% tổng chiều dài sông toàn quốc. Mật độ sông, kênh rạch là 0.3km/km2. 75% khối lượng vận tải hàng hóa trong vùng do đường sông đảm nhiệm, vận chuyển hành khách chiếm 25-30%. Hai tuyến vận tải chính là TP.HCM – Cà Mau và TP.HCM – Kiên Giang. Dọc theo tuyến đường thủy có 5 cảng lớn nằm trên hai tuyến chính là: Mỹ Tho, Cao Lãnh, Vĩnh Thái, Cần Thơ, Long Xuyên. Quan trọng nhất là cảng Cần Thơ. Đường bộ có tổng chiều dài 6.600 Km không kể đường giao thông nông thôn. Phần lớn được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Trong đó có 12 quốc lộ tổng chiều dài 1601 km, đường tỉnh dài 2499 Km, số còn lại là đường huyện. Hệ thống cầu 386 chiếc với chiều dài 20.314 mét, đa phần được xây dựng từ các năm 1920 – 1940, trọng tải thấp, gây trở ngại cho giao thông thủy. Đường nông thôn quá ít, lại chưa vào cấp, cầu khỉ còn nhiều nên còn 400 xã vùng sâu ô tô loại nhỏ chưa vào được. Tuy nhiên, đường bộ vẫn đảm nhiệm 75 – 80% khối lượng vận chuyển hành khách và 25 - 30% hàng hóa. Trước đây, Đồng bằng sông Cửu Long có đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh đi Mỹ Tho nay chưa được phục hồi. Đường hàng không mới có hai tuyến đưa vào khai thác là Trà Nóc (Cần Thơ) và Phú Quốc (Kiên Giang).
- Sáu vùng sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long:
* Vùng 1: Vùng nước ngọt phù sa ven sông Tiền sông Hậu, diện tích 949.000 hecta.
* Vùng 2: Vùng phù sa nhiễm mặn ven biển Đông, diện tích 904.000 hecta, chạy dài từ Gò Công đến Giá Rai.
* Vùng 3: Vùng bán đảo Cà Mau, có diện tích 778.000 hecta có tiềm năng giàu có về sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp.
* Vùng 4: Vùng đất trũng Tây sông Hậu, có diện tích 380.000 hecta. Xa sông Hậu, đất phèn nhẹ có phù sa bồi, ngập úng. Đây là địa bàn của lúa mùa dài ngày, lúa cấy hai lần trước kia.
* Vùng 5: Vùng Tứ giác Long Xuyên, có diện tích 504.000 hécta, đất phèn, ngập lũ từ 1 đến 2 mét. Tứ giác Long Xuyên có bốn góc là 4 thị xã: Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá. Có tiềm năng khai hoang tăng vụ, có di chỉ Óc eo.
* Vùng 6: Vùng Đồng Tháp Mười, diện tích trên 600.000 hecta, chiếm 70% đất của ba tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang. Vùng này ngập lũ trong mùa mưa từ 2 đến 4 mét. 
         Từ đầu thế kỷ 20 lúa nổi đã được nhập vào đây từ Thái Lan và Nam Lào. Người Pháp đã dày công nghiên cứu vùng này. Vào năm 1937 bắt đầu đo đạc, làm bản đồ các đường đồng mức và nghiên cứu thủy văn. Nhà văn Nguyễn Hiến Lê là một kỹ sư thủy lợi, đã viết cuốn sách nổi tiếng “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười” từ chuyến đi khảo sát này vào năm 1937. Người Mỹ, người Nhật và người Hà Lan cũng đã tổ chức nghiên cứu ở đây, đều kết luận đất xấu và khó làm. Muốn cải tạo phải đầu tư quá nhiều, kết quả sản xuất lại không chắc. Sau này ta khai thác tốt vùng Đồng Tháp Mười.
Những cuốn sách đã xuất bản sau 1975 về Đồng bằng sông Cửu Long đáng lưu ý là: Đồng bằng sông Cửu Long của tác giả Phan QuangNhà xuất bản Văn Hóa 1981 đã tái bản đến 5 lần; Đồng bằng sông Cửu Long – 40 năm của Trần Bạch Đằng (NXB TP.HCM 1985). Những vấn đề đất phèn Nam Bộ - Lê Huy Bá, (NXB TP.HCM 1982); Mấy vấn đề văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long (Viện Văn hóa xuất bản 1984); Đồng bằng sông Cửu Long - Lê Minh, (NXB TP.HCM, 1984); Minh Hải địa chí - Trần Thanh Phương, NXB Mũi Cà Mau, 1985); Cửu Long địa chí - Trần Thanh Phương, (NXB Cửu Long – 1989); Lịch sử khẩn hoang vùng đất Nam Bộ - Huỳnh Lý chủ biên, (NXB TP.HCM – 1987); Các hệ thống sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long - Đặng Kim Sơn, (NXB TP.HCM – 1986); Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Giáo sư Dương Hồng Hiên, (NXB TP.HCM – 1989); Cách mạng ruộng đất ở miền Nam Việt Nam - Lâm Quang Huyên, (NXB Khoa học xã hội – 1997). Đồng Tháp Mười hôm nay - Lê Phú Khải(NXB TP.HCM 1989, đã tái bản); Viết từ Đồng bằng sông Cửu Long - Lê Phú Khải (NXB TP.HCM 1995 – đã tái bản); Hồ sơ đồng bằng sông Cửu Long - Lê Phú Khải (NXB Thanh Niên, 2000); Chung sống với lũ - Lê Phú Khải, (NXB Thanh Niên, 2001)...
(còn tiếp)
L.P.K (Tác giả gửi BVB yêu cầu đăng nhiều kỳ)
--------------

12 nhận xét:

  1. Hay và bổ ích lắm, cảm ơn nhà báo lão thành Lê Phú Khải ! Mong được đọc những trang tiếp theo.

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết tham khảo công phu từ nhiều nguồn tài liệu
    giá trị.Chỉ xin góp ý nhỏ là nhà văn Nguyễn Hiến Lê
    không phải kỹ sư mà là một cán sự công chánh,tốt
    nghiệp trường Cao đẳng Công chánh.

    Trả lờiXóa
  3. anh Hai Điên Điểnlúc 19:50 20 tháng 4, 2015

    Hiếm đất nước nào có được vùng Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long như ở Vn. "Châu thổ" - đất ngọc . Nhưng với thể chế, cơ chế CNXH, vùng ĐBSCL không thể phát huy thế mạnh, trái lại, lãng phí rất lớn, như phung phí tiềm năng mà thiên nhiên đã ban tặng.
    Bọn lãnh đạo đại gia ăn đất, hợp sức với nhau chiếm đất của dân, phá hoại cơ cấu sản xuất. Nông dân làm ra đồng nào chúng cũng hốc hết. Xuất khẩu lúa gạo, cá , trái cây chúng cũng chia nhau nuốt sách, không chìa lại cho nông dân được một miếng!
    Chững nào không còn bị cái gông đảng CS và cái gọng kìm CNXH xiết chặt, hà khắc với nông dân, thực sự người dân được làm chủ, thì vùng đất này mới khá lên được. Quá tiếc!

    Trả lờiXóa
  4. Tôi đã đọc toàn bộ cuốn sách của nhà báo Lê Phú Khải. Viết rất công phu, bằng các trải nghiệm thực tế lăn lộn 40 năm ở đồng bằng sông Cửu Long của tác giả. Sách có nhiều hình ảnh minh họa và được bổ cập bởi một số bài viết của chuyên gia nông nghiệp và thủy lợi làm cho cuốn sách càng thêm phong phú và có giá trị. Xin cám ơn tác giả LPK

    Trả lờiXóa
  5. Nguyễn Trường Sơnlúc 00:13 21 tháng 4, 2015

    Người dân Đồng bằng sông Cửu Long rất cần cù, và sáng tạo. Họ đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của nước Việt. Nhưng hiện tại, vẫn còn nhiều người nghèo, ốm đau nhiều, không học hết phổ thông...
    Nhà nước nên xem lại , các chính sách về nông thôn, nông nghiệp, ngư nghiệp cho đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước

    Trả lờiXóa
  6. Nếu không thay đổi xã hội VN một cách triệt để, không những Đồng bằng Cưu Long mà cả nước ngày càng như gà mắc tóc...

    Trả lờiXóa
  7. Tôi hoàn toàn xa lạ với nhà báo Lê Phú Khải,nhưng nghe được bài nói chuyện của ông với nhà báo Trần quang Thành,tôi rất tâm đắc và mến mộ tài đức của ông ! Xin được cầu chúc tuổi già của ông luôn luôn trong sự thanh bình & toại ý !

    Trả lờiXóa
  8. Còn mặt trái của nó sao không thấy đưa ra. Số người phụ nữ lấy chồng ngoại đứng đầu cả nước, với giá tiền rất bèo, chỉ có 3 000 USD là gia đình họ sẽ gã ngay, không cần biết qua bên đó sống chết ra sao thì ra, bao nhiêu đó cũng đũ biết đời sống họ khó khăn như thế nào.còn số lượng đi khắp cả nước làm gái thì củng đứng hàng top

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chưa đến hồi kết "40 năm nhìn lại" mà!
      Đây chỉ là phần đầu tác giả giới thiệu khái quát tư liệu thôi. thetran nguyen đừng nóng ruột!

      Xóa
  9. Nông dân giờ khổ cực lắm, miền nào cũng vậy cả

    Trả lờiXóa
  10. Từ số liệu trong bài, ta thấy thành tựu và hạn chế trong khai thác ĐBSCL dưới chế độ CHXHCNVN:
    Thành tựu lớn nhất là đã có quyết sách đúng để cải tạo và khai thác ĐBSCL thành trung tâm NN lớn có tầm cỡ thế giới (mà nhiều nhà KH nước ngoài trước đây còn hoài nghi).
    Nhưng hạn chế là đã hủy hoại diện tích rừng ngập mặn và rừng tràm nhiều hơn cả ...chiến tranh, phá vỡ cân bằng sinh thái vùng châu thổ, mà cái nguy hiểm nhất là xu hướng này đang ... phát triển nhanh hơn cả phát triển KTXH trong vùng.

    Trả lờiXóa
  11. Ta sinh ra ở chế độ này phải chịu ,khốn nạn cái thân tôi

    Trả lờiXóa