Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Ngành hàng không 'đặc thù' nên được 'trái luật'?

 
 “Nếu bây giờ cho ngành hàng không quy định đặc thù thì nhiều ngành khác cũng đòi đặc thù, vậy sẽ xử lý thế nào?”.
LTS: Dự thảo sửa đổi Thông tư 01/2011 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), bổ sung một số điều về bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay, đang gây ra nhiều tranh cãi. Trong đó có quy định đội ngũ nhân sự kỹ thuật cao, phi công, muốn nghỉ việc phải báo trước 180 ngày.
Dưới đây là một số ý kiến ghi nhanh của lãnh đạo Bộ GTVT, chuyên gia, luật sư.
“Cơ chế đặc thù”
- Ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ GTVT: Bộ GTVT dựa theo điều 70 Luật Hàng không quy định chế độ đặc thù của ngành hàng không dân dụng.
Bộ luật Lao động quy định nếu xin nghỉ việc thì phải báo trước ít nhất 45 ngày (đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn). Nhưng do hàng không là ngành đặc thù nên trong dự thảo thông tư sửa đổi chúng tôi mới đưa ra quy định trong điều kiện phi công muốn nghỉ việc phải báo trước 180 ngày.
Trước lo ngại Việt Nam đã hội nhập kinh tế thế giới và hàng không là ngành có độ mở hội nhập cao, quy định như vậy có trái với thông lệ quốc tế, nhất là khi các hãng hàng không Việt Nam đang thuê phi công nước ngoài, thứ trưởng Tiêu khẳng định, quy định này không ảnh hưởng, bởi mỗi quốc gia có quy định cho mình và khi tuyển dụng phi công phải chấp thuận quy định đó.
- Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), một trong những cơ quan giúp việc Bộ GTVT xây dựng Dự thảo sửa đổi thông tư 01/2011: Để đưa ra dự thảo này Vụ pháp chế dựa theo căn cứ Bộ luật Lao động và điều 70 Luật Hàng không dân dụng. Cụ thể, Luật Hàng không dân dụng cho phép Bộ trưởng Bộ GTVT được quy định chế độ lao động, kỷ luật đặc thù của nhân viên hàng không. Còn Bộ luật lao động đưa ra thời hạn lao động thông báo nghỉ việc “ít nhất” 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn và “ít nhất” 30 ngày đối với lao động xác định thời hạn.
Ở đây Bộ GTVT căn cứ tính đặc thù của lao động ngành hàng không dân dụng nên phải đưa ra con số báo trước là 180 ngày. Luật lao động quy định ít nhất 45 ngày, nhưng không quy định cứng thời hạn chỉ được nói trước trong vòng 45 ngày.
Việc xây dựng văn bản tất nhiên phải đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động. Và Vụ Pháp chế xây dựng văn bản này theo đúng quy trình của luật ban hành văn bản. Trước khi đưa ra lấy ý kiến cũng đã họp xin ý kiến của lãnh đạo Bộ GTVT.
Hiện nay, Dự thảo đang xin ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ LĐTB&XH, Bộ Tư pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Sau khi các cơ quan này có ý kiến, Bộ GTVT sẽ tổng hợp lại và xem xét một cách toàn diện dự thảo thông tư này.
“Thông tư không thể to hơn luật”
- Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐTB&XH: Dự thảo thông tư quy định phi công nghỉ việc phải báo trước 180 ngày là trái với Bộ luật Lao động. Bởi, Điều 37 và 38 của Bộ luật Lao động quy định trong trường hợp này, muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng thì người lao động chỉ cần báo trước 45 ngày với hợp đồng không xác định thời hạn, còn nếu xác định thời hạn thì chỉ cần báo trước 30 ngày.
Bộ GTVT không thể vận dụng cách hiểu rằng luật không quy định thời hạn tối đa, mà chỉ quy định thời gian tối thiểu để đưa ra quy định phải báo trước bằng văn bản 180 ngày như dự thảo.
Đây mới là dự thảo, nhưng nếu khi ban hành Thông tư chính thức mà vẫn quyết giữ quy định như trên thì sẽ trái quy định của Bộ luật Lao động.
"Thông tư không thể to hơn luật được!"
- Ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam: Tôi khẳng định là tất cả mọi vấn đề liên quan đến người lao động thì đều phải tuân thủ pháp luật về lao động. Đây là văn bản có tính pháp lý cao nhất liên quan đến quyền lợi của người lao động hiện nay.
Bởi vậy, tất cả các văn bản dưới luật như các Nghị định, Thông tư đều phải tuân thủ theo Bộ Luật lao động và không được phép trái Luật. Bộ Luật lao động hiện hành đã quy định rất rõ: người lao động ký loại hợp đồng không xác định thời hạn khi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng cũng chỉ phải báo trước 45 ngày. Thời hạn báo trước có thể nhiều hơn 45 ngày tùy thuộc vào người lao động, nhưng đó là thời hạn phải tuân thủ và đảm bảo không trái luật.
Với bất cứ trường hợp đặc thù nào thì cũng phải tuân thủ Bộ Luật lao động trước đã. Khi sửa đổi Bộ Luật lao động sao anh không có ý kiến là ngành tôi đặc thù? Nếu trong trường hợp là đặc thù thật thì trong luật phải có quy định riêng. Nếu bây giờ cho ngành hàng không quy định đặc thù thì nhiều ngành khác cũng đòi đặc thù, vậy sẽ xử lý thế nào? Chúng ta có tính đến phương án sửa Bộ Luật lao động không?
Luật đã ban hành, trước những đòi hỏi từ thực tế có những quy định không còn phù hợp thì cũng phải sửa. Tuy nhiên trong trường hợp này tôi thấy chưa có gì thực sự cần thiết để phải sửa cả. Trong trường hợp nếu cần thiết phải sửa thì cũng phải sửa xong luật và luật có hiệu lực mới được áp dụng.
Không thể nào lại có trường hợp ban hành một thông tư mà nhìn vào đã thấy trái luật như vậy. Không thể có chuyện Luật một đằng còn bên dưới muốn quy định kiểu gì cũng được.
- Ông Phillip Hazelton, Cố vấn trưởng Dự án Quan hệ Lao động, (Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam- ILO): Với kinh nghiệm tư vấn về quan hệ lao động cho nhiều nước, tôi thấy việc yêu cầu thời gian báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian ngắn hơn hay dài hơn quy định phụ thuộc vào hợp đồng lao động mà doanh nghiệp ký kết với người lao động.
Nếu hợp đồng lao động không đề cập đến các vấn đề này và không liên quan đến các trường hợp cụ thể doanh nghiệp phải chi tiền để đào tạo cho người lao động thì quy định riêng thống nhất với Bộ Luật lao động.
Theo đó, nếu trong hợp đồng lao động có yêu cầu người lao động phải làm việc trong một thời gian nhất định để bù lại chi phí mà chủ lao động đã phải bỏ ra để đào tạo nghề hoặc chuyên môn cho người lao động thì hợp đồng có thể đàm phán về khoảng thời gian bắt buộc người lao động phải làm việc, miễn là thời gian này không quá dài.
Thương lượng giữa người lao động và chủ sử dụng sẽ luôn luôn có những bất đồng, do vậy để giải quyết các bất đồng này Chính phủ cần phải đưa ra một khung pháp lý làm nền tảng cho thương lượng. Ở Việt Nam, khung pháp lý chính là Bộ Luật lao động.
Vũ Điệp - Lê Phượng/TVN
---------------

3 nhận xét:

  1. Bà dì tôi rất giàu, do của thừa kế và biết tiết kiệm, làm ăn giỏi, không bao giờ đi máy bay.
    - Thượng Đế chỉ cho loài chim bay thôi. Người cãi lại bay lên, chỉ có nhận tai họa!

    Trả lờiXóa
  2. Che do doc tai da o la nhung thang nguoi khon kiep lanh dao .Da la LUAT thi lam gi co dac thu dac theo.that la. trong luc do no doi hoi dan den phai chap hanh luat no dac ra de tri .Con bon no tuy co ung bien Chi co CS moi dam xai luat nhu vay

    Trả lờiXóa
  3. Ơ hay, cái cô Nga này, ít nhất cũng là cử nhân luật mà hẳng hiểu gì việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật gì cả. Thế ra quy định của Bộ to hơn luật à?

    Trả lờiXóa