Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

Ngai vàng thoáng chốc, tâm hồn trường sinh

* MAI QUỲNH NGA
"Vua Hàm Nghi là một trong những họa sĩ đầu tiên của Việt Nam bắt đầu vẽ theo truyền thống châu Âu - với thể loại tranh sơn dầu, bằng sự tính toán theo phép phối cảnh. Hàm Nghi cần phải được coi là người mở đầu cho nền hội họa hiện đại của Việt Nam. Và điều rõ ràng là ông đã trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp". Cố giáo sư, tiến sĩ N.L.Nikulin, nhà Việt Nam học người Nga từng nhận định như thế trong một bài viết.
"Tử Xuân, ơi hỡi, hoa vừa chớm nở/ Đã rơi cánh tả tơi trong bão tố phũ phàng/ Cùng một lúc đã đập vỡ bao hy vọng, bao bông hồng/ Và phá hủy cả những cung điện lộng lẫy sơn son và ngào ngạt hương trầm".
Khi đọc bài thơ "Tử Xuân" của nữ sĩ Judith Gautier tặng vua Hàm Nghi, Amandine Dabat đã băn khoăn suy nghĩ về một vị vua thuở nước mất nhà tan. Hậu duệ đời thứ 5 ở Pháp của cụ tổ Hàm Nghi (theo nhánh công chúa Như Lý - thứ nữ của vua Hàm Nghi) như cô làm sao hiểu hết nỗi đau đớn ấy. Nhưng trong sâu thẳm, cô vẫn ghi nhớ lời cha mình: gia đình ta tự hào có tổ tiên là người Việt Nam. Cô băn khoăn mường tượng về mảnh đất hình chữ S, nơi cô chưa từng được đặt chân tới, cố đô Huế giờ đã lắm đổi thay.
Bà nội, người tặng cô bài thơ, bảo rằng: Tử Xuân chính là bút danh của vua Hàm Nghi khi ông cầm cọ trong những năm tháng bị lưu đày ở Alger (thủ đô Algerie). "Tôi không ngờ gia đình mình lại có một di sản tuyệt vời như vậy mà chưa ai nghiên cứu, tìm hiểu. Tôi liền hỏi giáo sư hướng dẫn luận án tiến sĩ của mình về đề tài này, rồi lục tìm tư liệu về cuộc đời nghệ sĩ đặc biệt của ông". Cơ duyên đó đưa đẩy bước chân cô về Việt Nam, theo dấu vua Hàm Nghi ở Algerie, Pháp... để tìm điều ẩn tàng khiến nữ sĩ vĩ đại người Nga Sepkina Kupernhic thán phục: "Trên những chiếc bàn khắp nơi là phác thảo của hoàng tử, tranh của cha âng, chúng cho tôi biết rằng trong thân hình nhỏ bé như chiếc ngà voi kia ẩn giấu tâm hồn của một nghệ sĩ lớn".
Vua Hàm Nghi đến Alger vào tháng 1/1889. Ông không được gọi là nhà vua An Nam nữa mà là hoàng tử An Nam. Điều kiện ăn ở trong biệt thự Cây Thông rất tốt nhưng nhà vua luôn bị chính phủ Pháp giám sát gắt gao. Một sĩ quan người Pháp được cử theo dõi vua Hàm Nghi nhận thấy lúc rảnh rỗi, nhà vua thường vẽ. Biết ông có tài, viên sĩ quan giới thiệu ông học lớp họa của Marius Reynaud - một họa sĩ Pháp theo khuynh hướng phương Đông. Những khi bậc thầy hội họa này truyền thụ mỹ thuật cho ông hoàng mất ngôi bị lưu đày, người ta có cảm giác đang ngồi trong giờ họa ở Trường mỹ thuật Paris.
Vua Hàm Nghi bắt đầu vẽ từ năm 1889 nhưng không có bức vẽ nào thuộc giai đoạn 1889 đến đầu 1899  được lưu lại đến bây giờ. Người ta chỉ biết thông tin tác phẩm thông qua thư từ mà ông gửi bạn bè. Ông kể mình vẽ bãi biển, vẽ tĩnh vật như cái bình, quả cam, cái trống nhỏ… hoặc vẽ chân dung phụ nữ. Sở dĩ số lượng tác phẩm bị mất khá lớn vì năm 1962, khi xảy ra cuộc chiến tranh ở Algerie, nhà của vua Hàm Nghi bị cháy và cướp sạch. Gần 100 tác phẩm may mắn còn lưu lại đến bây giờ là những bức ông tặng người thân, bạn bè, được họ lưu giữ và đưa về Pháp. Bức tranh được coi là cổ nhất còn giữ được đến bây giờ là bức sơn dầu mô tả con đường nông thôn vẽ năm 1899.
Cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 là giai đoạn mà nền hội họa hiện đại Việt Nam chỉ mới manh nha và bức "Bình văn" hoặc bức "Chân dung cụ Lê Hy" (1895) được lấy làm mốc khởi đầu. Rõ ràng, thời điểm vua Hàm Nghi vẽ tranh theo kỹ thuật phương Tây bắt đầu sớm hơn Lê Văn Miến - người được coi là họa sĩ mở đầu cho nền hội họa hiện đại Việt Nam. Do đó, nhận định của GS Nikulin về vị trí tiên phong của vua Hàm Nghi trong nền hội họa hiện đại Việt Nam không phải là thiếu cơ sở.
Theo nhận xét của Amandine Dabat, tác phẩm của vua Hàm Nghi khá hàn lâm. Các bức tranh phong cảnh của ông thường chịu ảnh hưởng của trường phái ấn tượng, hậu ấn tượng và trường phái Nabi. Một số bức có ảnh hưởng của phong cách Paul Gauguin (một trong những họa sĩ tiêu biểu nhất của trường phái ấn tượng).
Trong các bức tranh của nhà vua, hình ảnh con người rất hiếm hoi. Nếu có, họ cũng chỉ là một hình bóng chấm phá, chìm khuất giữa đất trời, thiên nhiên rộng lớn. Hình bóng ấy bao giờ cũng cô lẻ, hun hút trên con đường về. Triết lý hội họa phương Đông (vẽ cảnh và người để gợi tâm trạng, nghĩ suy) thấm nhuần vào hồn tranh của cựu hoàng xa Tổ quốc.
Những bức tranh thực hiện từ năm 1904, màu sắc tươi tắn hơn, sử dụng nguyên tắc đậm nhạt, sáng tối, khác hẳn vẻ trầm buồn, u uẩn của những bức vẽ trước đây. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi nụ hoa hạnh phúc đang bừng nở trong lòng cựu vương. Ông kết hôn. Hai con gái và một con trai lần lượt ra đời trong niềm vui vỡ òa. Ông mua đất trên một ngọn đồi và xây biệt thự Gia Long giữa khung cảnh thiên nhiên thơ mộng để hằng ngày thỏa sức tung cọ.
Thế nhưng hạnh phúc riêng tư vẫn không thể nào xoa dịu hoàn toàn nỗi đau mất nước và nỗi khắc khoải hoài thương cố quốc. Trong bức "Cây ô liu già" (1905) và "Chiều tà" (sáng tác năm 1915, được đấu giá tại Paris ngày 24/11/2010), bố cục rất giống tranh Việt Nam. Đó là thân cây to, cận cảnh, nằm đơn độc giữa đồng cỏ hay núi đồi mênh mông, xa hút gợi về cây đa, lũy tre giữa đồng lúa. Hình ảnh thân cây đơn độc là ẩn dụ cho một con người cô đơn, bơ vơ mà đường về cố quốc thì xa ngái. Thời gian này, ông áp dụng kỹ thuật mới là sử dụng phấn màu để vẽ. Cùng một khung cảnh, nhưng ông vẽ vào những thời điểm khác nhau để nghiên cứu sự thay đổi của ánh sáng. Đứng ở vị trí ngược sáng và vẽ hoàng hôn là một chủ đề lặp lại nhiều trong các sáng tác của ông.
Một bức tranh sơn dầu vua Hàm Nghi vẽ năm 1899.
"Trong tư liệu của vua Hàm Nghi còn có bài nghiên cứu về kỹ thuật vẽ theo trí nhớ. Giả thuyết của tôi là nhà vua đã vẽ lại hình ảnh phong cảnh Việt Nam mà ông đã lưu trong ký ức tuổi thơ" - Amandine Dabat nói.
Nếu đọc theo trật tự đúng của tiếng Hán thì bút danh của ông phải là Xuân Tử, nghĩa là người con trai của mùa xuân. Nhưng khi ký bằng chữ Hán hoặc chữ quốc ngữ lên tranh, ông cố ý ký là "Tử Xuân" để đúng theo trật tự ngữ pháp Việt Nam
Năm 1899, nhà vua học thêm điêu khắc. Cứ hai năm một lần, ông lại đến Paris thọ giáo nhà điêu khắc lừng danh Auguste Rodin. Hàm Nghi làm nhiều tượng bằng thạch cao, đồng, đất sét... và chủ yếu là tượng phụ nữ toàn thân hoặc bán thân, nhưng đến nay không còn lại bức nào ngoài hình chụp lưu lại. Một bức tượng tiêu biểu của ông là "Nàng Eva" thực hiện năm 1925. Ngay cả trong từng thớ đồng, nỗi u hoài của Hoàng tử An Nam vẫn phảng phất. Tay trái  Eva cầm quả táo cắn dở, đầu nàng gục lên cánh tay phải như khóc than cho thiên đường đã mất.
Sinh thời, vua Hàm Nghi không muốn công chúng biết đến mình là một họa sĩ. Ông coi nghệ thuật là chốn để trải lòng và nuôi dưỡng tâm hồn trong những năm tháng lưu biệt xứ người. Thế nên, triển lãm tranh vua Hàm Nghi tại một phòng tranh ở Paris năm 1926 được xem là đặc biệt. Catalogue của triển lãm này hiện được gìn giữ tại Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Pháp. Cuốn catalogue có danh mục 50 tranh trưng bày. Thế nhưng, không phải tranh nào cũng được đặt tên và ghi chú thời gian, địa điểm thực hiện. Vậy nên, trong thư gửi cho con gái trước ngày triển lãm, ông viết: "Cha rất tiếc là con không có mặt ở đây. Bởi vì nếu con có mặt ở đây thì con đã giúp cha tìm được năm thực hiện bức tranh này. Và con sẽ có ý tưởng thật hay để đặt tên cho bức tranh". 
Công chúng biết đến vua Hàm Nghi như một vị vua yêu nước, thương dân, sẵn sàng từ bỏ ngai vàng để lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Pháp. Ông bị bắt, bị lưu đày. Và dường như trong tận cùng đau khổ, đày ải, con người nghệ sĩ phát tiết. Vua Hàm Nghi cũng có lẽ như thế chăng? Ông đã phát triển năng khiếu mỹ thuật trong không gian riêng tư, đầy tự nhiên và thổi nỗi buồn cố quốc vào cây lá xứ lạ, tạo nên những tác phẩm mang đậm tâm thức Việt ẩn trong lớp vỏ Tây phương.
Amandine Dabat sinh năm 1987. Cô là nghiên cứu sinh Tiến sĩ lịch sử mỹ thuật Việt Nam của Trường Đại học Sorbonne - Paris IV.  Luận án tiến sĩ "Vua Hàm Nghi - một cuộc đời nghệ sĩ" được cô thực hiện trong 5 năm (2009-2014) và sẽ bảo vệ trong năm nay. Nguồn tư liệu Amandine Dabat nghiên cứu chủ yếu được cung cấp từ kho tư liệu gia đình và hậu duệ những người bạn thân thiết của vua Hàm Nghi tại Pháp. Tư liệu này gồm khoảng 2.500 giấy tờ và thư từ mà vua đã để lại cho các con.
M.Q.N/CAND
---------------
(*) - Vua Hàm Nghi (1871 – 1943) là vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn. Ông có tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, còn có tên là Nguyễn Phúc Minh. Ông là con thứ 5 của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn và là em ruột của Ưng Đăng (vua Kiến Phúc) và Chánh Mông - vua Đồng Khánh sau này.
Sau khi vua Tự Đức qua đời trong tình cảnh không có người nói dõi vào tháng 7/1883, các vị quan chủ chiến Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết quyết định đưa Nguyễn Phúc Ưng Lịch, khi đó mới 13 tuổi lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Hàm Nghi. 
Ưng Lịch được chọn vì là một người có đủ tư cách về dòng dõi, nhưng chưa bị cuộc sống giàu sang của kinh thành làm vẩn đục tinh thần tự tôn dân tộc do từ nhỏ sống trong cảnh bần hàn, dân dã với mẹ. Và quan trọng hơn cả, do vua còn trẻ nên hai vị quan cấp tiến có thể định hướng theo đường lối kháng chiến một cách dễ dàng.
Việc vua Hàm Nghi lên ngôi khiến chính quyền bảo hộ Pháp tức giận, nhưng phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì sự đã rồi.  
Những tháng sau đó, mối quan hệ giữa triều đình Huế và thực dân Pháp ngày càng trở nên căng thắng. Tôn Thất Thuyết quyết đinh ra tay trước để làm chủ tình hình. Đầu tháng 7/1885, ông đem quân đánh trại lính Pháp ở đồn Mang Cá. Quân Pháp nhanh chóng phản công, đánh bại quân triều đình. Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi rút chạy về thành Tân Sở (Quảng Trị). 
Tại Tân Sở, theo kế hoạch của lực lượng kháng chiến, vào ngày 13/7/1885 vua Hàm Nghi đã ban bố chiếu Cần Vương làm dấy lên một phong trào chống Pháp rộng khắp. Tân Sở thất thủ mấy ngày sau đó, buộc lực lượng khởi nghĩa phải rút về các vùng rừng sâu để hoạt động.
Trải qua các biến cố lớn, vua Hàm Nghi dần dần nhận thức được vai trò chính trị của bản thân, không còn cảm thấy bị cưỡng ép như trước. Ông đã khẳng khái từ chối lời chiêu dụ của vua anh Đồng Khánh cũng như Paul Bert - Toàn quyền Pháp ở Đông Dương.
Do sự phản bội của của Nguyễn Đình Tình và Trương Quang Ngọc, hai thành viên của đội quân kháng chiến, vua Hàm Nghi bị bắt vào đêm 26/9/1888, Nhà vua đã chỉ thẳng vào mặt Trương Quang Ngọc mà nói: "Mi giết ta đi còn hơn là mi mang ta ra nộp cho Tây". Khi đó, ông mới 17 tuổi.
Triều đình muốn đưa Hàm Nghi về Huế, nhưng người Pháp lo sợ ảnh hưởng của ông nên đã Hàm Nghi cần phải được đưa đi tĩnh dưỡng để đày ông sang xứ Algeria ở Bắc Phi. 
Cựu hoàng Hàm Nghi sống tại Algeria đến cuối đời. Ông mất ngày 4/1/1943 vì ung thư dạ dày tại biệt thự Gia Long, thủ đô Alger và được chôn cất ở Sarlat, vùng Aquitaine, nước Pháp. 
--------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét