Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Chiến tranh, thống nhất và tương lai

* DƯƠNG DANH HUY
Tôi vẫn nhớ rõ những gì xảy ra ngày 30/4/1975.
Sáng hôm đó, gia đình tôi và gia đình cô tôi đang đi trên đường Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng Tám), Sài Gòn, thì có một quả đạn nổ phía trước. Sau này mẹ tôi kể người ta nằm la liệt, có một ông xích lô bị lòi ruột, ôm ruột mình đi vào lề đường ngồi bệt xuống. Chị em tôi khóc vì áp suất làm tức ngực, khó thở. Em họ tôi, vài tháng tuổi, bị mảnh đạn ghim vào mắt. Lúc đó tôi không hề cảm thấy đau đớn gì, vẫn còn đứng được, nhưng máu tuôn xuống mặt và ngực, âm ấm như khi xối nước gội đầu...
Dượng tôi, một người chín chắn và tài giỏi, được cả gia đình nội tôi quý mến, ngước mặt lên nhìn tôi, có vẻ như ngạc nhiên và lo ngại cho tôi, rồi gục xuống lần cuối.
Bố tôi chở tôi vào nhà thương Nhi Đồng và tối đó xe cứu thương chuyển tôi sang nhà thương Chợ Rẫy. Người bị thương nằm đầy mặt đất, các bác sĩ phải chọn người để cứu. Vì bị thương đầu, tôi bị liệt vào dạng nếu sống được đến sáng thì bác sĩ mới cứu chữa. Tôi được xếp cạnh giường một bé trai khoảng cùng tuổi, có vẻ như không trong tình trạng nguy kịch như tôi, tối đó cậu còn nói chuyện được với gia đình, và họ có vẻ lạc quan hơn bố mẹ tôi. Nhưng tới sáng hôm sau thì cậu đã chết.
Những ngày sau đó, tôi được điều trị và dần dần bình phục. Tôi nằm trong khu vực bệnh não. Từ phía bên kia tòa nhà, thỉnh thoảng có những tiếng gào thét điên cuồng. Người ta nói đó là từ những người lính bị chiến tranh làm khủng hoảng thần kinh.
Một hôm, tôi sắp hàng sau một bé gái hơi nhỏ hơn tôi để các cô y tá khám vết thương. Gỡ băng đầu của em ra, họ kinh hoàng dội ngược lại. Tôi nhìn xem tại sao thì thấy đầu em có một cái lỗ, nhìn vào thấy não. Theo người mẹ, em bị thương vì người ta bắn chỉ thiên và đạn rơi trúng đầu. Người mẹ là một người đàn bà quê, trước đó chưa từng lên Sài Gòn, hoàn toàn lạc lõng, mẹ tôi chỉ bà đường đi nước bước. Bà nói với mẹ tôi, “Không biết người ta đánh nhau để làm gì?”
Điều kinh khủng nhất về lịch sử hiện đại Việt Nam là trong hai mươi năm chiến tranh dân tộc Việt Nam đã phải gánh chịu hàng trăm ngàn hay hàng triệu lần những gì gia đình tôi đã trải qua và trông thấy, thậm chí phải gánh chịu nhiều điều còn đau thương hơn.
Những năm sau 30/4/1975, chính sách của Việt Nam với miền Nam ít phải nói là thiếu đức, thiếu tài. Hoàn toàn nhân sự từ trên xuống đến ít nhất là trưởng cơ quan, như hiệu trưởng, giám đốc bệnh viện, doanh nghiệp, đều được, hay bị, thay thế bằng người của bên thắng cuộc. Tất nhiên không thể đùng một cái đào tạo được một hàng ngũ có đủ trình độ, khả năng và đức tính cho những vị trí đó, nhưng châm ngôn của người ta lúc đó là “cần hồng hơn chuyên” và “tiến thẳng lên xã hội chủ nghĩa, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa”. Hệ quả là nhiều vị trí lãnh đạo ở mọi cấp ở miền Nam rơi vào tay những người không có trình độ, khả năng, mà chỉ huênh hoang, hoạnh hoẹ và hành hạ là chính. Ngoài ra còn chính sách “học tập cải tạo” và sự kỳ thị trong giáo dục, công việc kéo dài trong nhiều năm.
Nếu cho rằng lúc đó Việt Nam không có ngược đãi, chính sách lúc đó là hòa hợp, hòa giải dân tộc, thì điều đó chỉ có nghĩa rằng sự ngược đãi ở Việt Nam không tệ như ở Kampuchea Dân Chủ, và chính sách hòa hợp, hòa giải lúc đó vẫn không so sánh được với ở Mỹ sau nội chiến của nước này, hay ở Nhật sau Thế Chiến 2.
Điều đó đã góp phần cho sự chia rẽ dân tộc hậu thống nhất đất nước. Một phần vì ý thức hệ mới là quá xa lạ, quá khó chấp nhận, với người miền Nam nói chung và giới trí thức, trung lưu, tiểu tư sản nói riêng, một phần vì chính sách quản trị sai lầm, có lẽ trong những năm sau 30/4/1975 ở miền Nam có nhiều ác cảm với bên thắng cuộc hơn cả trong chiến tranh. Có lần, vào đầu thập niên 80, một người bác tôi hỏi một người cậu họ tôi, là bộ đội từ Bắc vào, một cách khá mỉa mai, “Anh thấy người miền Nam nghĩ gì về các anh?” Người cậu, khá chất phác, trả lời, “Họ chỉ nhìn chúng em với nửa con mắt.”
Với một ý thức hệ không thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, nhiều sai lầm trong việc quản trị đất nước, sai lầm trong ngoại giao, sau 1975 Việt Nam ngày càng nghèo yếu.
Ông ngoại tôi có một người em khi mười mấy tuổi tổ chức đánh kho gạo Pháp, sau đó tập kết ra Bắc, làm lên chức khá cao (trong khi ông ngoại tôi lại làm việc cho Pháp). Năm 1975, ông chú tôi (em ông ngoại) vào Sài Gòn gặp gia đình tôi, ông nói trong năm, mười năm nhà nào cũng sẽ có tủ lạnh, tivi. Ông phê phán việc “ôm chân đế quốc”, “bơ thừa sữa cặn” và sự “phồn vinh giả tạo”. Tới năm 1980, ông nói, “Tụi bay phải đi [vượt biên], không thôi sẽ chết đói, ở quê mình đói lắm rồi.”
Năm 1988, khi Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma, họ bắn chìm ba tàu Việt Nam. Không chiếc nào là tàu có khả năng hải chiến. Hai chiếc là tàu vận tải Trung Quốc viện trợ cho VNDCCH để chuyên chở vũ khí trên đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc chiến 1954-1975. Chiếc thứ ba là tàu đổ bộ Mỹ viện trợ cho VNCH. Người Việt đã dùng ba chiếc tàu này cho việc đánh giết lẫn nhau, và cuối cùng thì cả ba chiếc đều chìm xuống đáy Biển Đông dưới tay Trung Quốc. Số phận ba chiếc tàu này là một biểu tượng đau đớn về lịch sử hiện đại bất hạnh của Việt Nam: chém giết nhau rồi thành mồi của Trung Quốc.
Ngay cả sau Đổi Mới, Việt Nam vẫn liên tục lỡ nhiều cơ hội và không thực hiện hết tiềm năng của mình.
Vào giữa thập niên 90, tôi hỏi ông chú tôi về đời ông. Khi kể về mỗi tuần nhân viên phủ thủ tướng và gia đình quây quần lại chung quanh nghe ông Hồ Chí Minh nói chuyện, đôi mắt người cách mạng già hom hem, da bọc xương, sáng bừng lên. Nhưng ông nói thêm, giọng hơi buồn, “Bây giờ các đồng chí không đi đúng đường của Bác.” Cho tới nay tôi vẫn không hiểu rõ ý ông là gì. Điều có thể thấy được là giả sử như 40 năm sau này Việt Nam cho du khách vào tham quan nhà của các ông Nông Đức Mạnh và Lê Khả Phiêu thì khả năng là cảm nghĩ và nhận định của nhiều người sẽ khác với khi tham quan nhà sàn của ông Hồ Chí Minh.
Tác hại của việc gieo trồng hàng loạt những người không có trình độ, khả năng, mà chỉ huênh hoang, hoạnh hẹ và hành hạ vào vị trí lãnh đạo các cấp ở miền Nam không chỉ ở việc gây chia rẽ vào những năm sau 1975. Tác hại lâu dài hơn là đó là một loạt mầm độc cho guồng máy nhà nước và đã góp phần làm cho guồng máy đó giảm hiệu quả, thêm tham nhũng. VNCH bị cho là tham nhũng, những người có chức năng không làm đúng với nhiệm vụ của mình. Còn có quan điểm cho rằng điều đó đã góp phần làm cho VNCH thua. Ngày nay có ý kiến cho rằng CHXHCNVN còn tham nhũng hơn cả VNCH ngày xưa. Nếu đúng vậy thì vô cùng nguy hiểm cho việc phát triển đất nước cũng như việc bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ và độc lập.
Điều kinh khủng thứ nhì về lịch sử hiện đại Việt Nam là bốn mươi năm sau khi cuộc chiến chấm dứt, tương lai Việt Nam vẫn còn bấp bênh, có những thử thách ngày càng lớn trong nhiều lĩnh vực. Trong khi con rồng phương Bắc, vốn là mối đe dọa truyền kiếp, đã thức dậy và bắt đầu mơ giấc mơ Trung Hoa thì có vẻ như bốn mươi năm sau khi cuộc chiến dài hai mươi năm chấm dứt Việt Nam vẫn chưa tỉnh ngủ.
DDH (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông)
---------------

21 nhận xét:

  1. Bài viết thưc sự gây xúc động lớn cho người đọc.
    Nếu cho thăm "nhà của các ông Nông Đức Mạnh và Lê Khả Phiêu thì khả năng là cảm nghĩ và nhận định của nhiều người sẽ khác với khi tham quan nhà sàn của ông Hồ Chí Minh."
    "Mẹ Việt xót đau
    Khi con mẹ giết nhau
    Xương phơi đầy trắng đồng"

    "Ai làm cho vợ xa chồng
    cho con xa mẹ cho lòng ta đau"

    Lãnh đạo ĐCS VN không phải là tinh hoa của dân tôc mà hầu hết là lũ lưu manh bán nước hại dân. Nước Đức thông nhất đâu cóa tốn xương máu và súng đan như VN.
    Hãy hoc mở to mắt ra để thấy "Đường lối đúng đắn tài tình của ĐCS VN" !!!

    Trả lờiXóa
  2. Nỗi đau này của cả dân tộc . 40 năm chưa có hòa giải được dân tộc kể cả bên thắng cuộc. Chỉ có dân chủ mới tìm được người tài đức ra giúp nước chứ quy hoạch chỉ định của ông Tổng Trọng, và ông Tô Duy Rứa thì chỉ là cách sắp ghế cho người cùng ê kíp, không cho tự do ứng cử, bàu cử, tranh cử thì thôi rồi lượm ơi!

    Trả lờiXóa
  3. Cuộc chiến tranh mà hệ thống tuyên truyền của nhà nước Việt Nam cộng sản vẫn thần thánh hóa là cuộc chiến tranh “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, “Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước” thực chất chỉ là cuộc nội chiến tội lỗi, người Việt bắn giết người Việt, hệ quả tất yếu của hiệp định Genève cắt đôi đất nước Việt Nam thành hai tiền đồn, hai trận tuyến của hai ý thức hệ quyết liệt đối kháng, tiêu diệt nhau, chia đôi dân tộc Việt Nam thành hai thế lực thù địch không đội trời chung, hai tên lính xung kích của hai lực lượng đối kháng đó. Việc chia cắt độc đoán, phũ phàng, oan nghiệt đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam hoàn toàn do những người cộng sản thực hiện, cộng sản Tàu mưu toan và áp đặt, cộng sản Việt cam tâm cúi đầu chấp nhận.

    Trả lờiXóa
  4. Năm 1965, quân đội Mĩ đổ vào Việt Nam cũng như năm 1944 quân đội Mĩ đổ bộ vào châu Âu trong chiến tranh thế giới thứ hai, cũng như năm 1950 quân đội Mĩ đổ bộ lên bán đảo Triều Tiên đều không có mục đích xâm lược, không đánh chiếm lãnh thổ mà chỉ để làm trách nhiệm của một đồng minh và làm trách nhiệm của một nước lớn bảo đảm một thế giới ổn định, công bằng, bảo vệ những giá trị tự do, dân chủ của con người, ngăn chặn thảm họa phát xít thời thế chiến hai và ngăn chặn thảm họa cộng sản đang như bệnh dịch nhấn chìm thế giới vào hận thù đấu tranh giai cấp, vào bạo lực chuyên chính vô sản và nô dịch con người.

    Trả lờiXóa
  5. Nếu thực sự là cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước thì khi quân đội Mĩ giảm vai trò, giảm sự có mặt trong cuộc chiến, mức độ ác liệt của cuộc chiến phải giảm và khi quân đội Mĩ rút hết khỏi Việt Nam thì cuộc chiến phải kết thúc. Không! Từ năm 1970, Mĩ thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, quân đội Mĩ giao lại vai trò chủ thể chiến trường cho quân đội Việt Nam Cộng hòa, quân đội Mĩ không trực tiếp tham chiến nữa, họ chỉ trợ chiến, yểm trợ hỏa lực. Khi quân đội Việt Nam Cộng hòa độc lập tác chiến trên các mặt trận, trực tiếp đối đầu với những người lính Việt Nam phía bên kia là lúc diễn ra những trận đánh đẫm máu nhất, những người lính Việt Nam ở cả hai phía, Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Cộng sản chết trận nhiều nhất. Những điểm quyết chiến ở Snoul, Mỏ Vẹt, biên giới Việt Nam – Campuchia, ở đường 13, ở đường 9 – Nam Lào, ở thành cổ Quảng Trị trở thành những cái cối xay thịt nghiền nát hết trung đoàn, lữ đoàn lính Việt Nam này đến trung đoàn, lữ đoàn lính Việt Nam khác của cả hai phía

    Trả lờiXóa
  6. Ngày 30.4.1975 sau thoáng vui nông nổi mau qua đi, người dân liền phải nhận ra một sự thật cay đắng. Sự thật của lịch sử trớ trêu: Cái hung tàn thắng cái văn minh. Sự thật trắng tay của người dân. Bao thế hệ người dân Việt Nam đổ máu trong cuộc chiến đấu cho đất nước độc lập, cho người dân được tự do. Cuộc chiến kết thúc, trở về xã hội dân sự mới lồ lộ ra một thực tế: Tự do của người dân không có mà độc lập của đất nước cũng không! Quyền yêu nước của người dân cũng bị tươc đoạt. Đất nước ngày càng phụ thuộc và mất dần vào tay kẻ thù truyền kiếp của lịch sử Việt Nam nhưng là đồng chí cùng lí tưởng, cùng ý thức hệ, là bạn vàng bốn tốt của Đảng Cộng sản Việt Nam!

    Trả lờiXóa
  7. Lịch sư VN đã từng trãi qua những cuộc chiến phân tranh nhưng kẽ gây ra nhiều tổn hại về tinh thần, vật chất, văn hoá của VN nhiều nhất là đảng CS và sau chiến tranh, kẻ đối xư hèn hạ, nhỏ nhen , hiễm ác với dân mình bên phe thua cuộc cũng chính là đảng CSVN.
    Hậu quả của sự ngu dốt, nông cạn hèn ác điêu ngoa này đã kéo dài và tiếp tục làm hư thối đất nước, dân tộc từ lúc CS cại tri miền Bắc trước 75 và cả nước sau ngày 30-4-75

    Trả lờiXóa
  8. Kết luận :mọi tội lỗi, khổ đau của dân tộc Việt Nam đều do DcsVietnam gây ra. Chứng minh rõ nhất l là 40 năm qua!

    Trả lờiXóa
  9. Tôi nghĩ cái thời gian trước 30.04 nó đã thuộc về quá khứ và lịch sử . Gía như , này nọ cũng chẳng làm được nữa . Bao nhiêu triệu người ngã xuống , bao nhiêu chục triệu người sống khổ đau , đói khát mấy chục năm trời, bậy giờ chúng ta không lấy lại được .Hãy nhìn vào hiện tại và bàn đến tương lai của dân tộc.
    Cái nhà sàn đơn sơ của bác Hồ thì dân trong nước rồi khách nước ngoài được "mời" đến thăm . Còn cái trống đồng và tượng bác Phiêu ở trong nhà bác tổng bí thư Lê Khả Phiêu và cái "cung vua" của bác tbt Nông đức Mạnh phóng viên quốc doanh "lỡ" đưa lên báo thì ngay lập tức có chỉ thị phải gỡ bỏ ngay !!!. Tại sao vậy ???.Tại sao đảng lại sợ sự thật ???.Hay là đảng sợ dân biết "đại diện cao cấp nhất của giai cấp VÔ SẢN" giàu có và sống sung sướng như vua !!!

    Tôi đã nói nhiều rồi tiền ai cũng thích , những người "trong sạch ,đạo đức cách mạng cao" như các bác tổng bí thư , tổng thanh tra chính phủ cũng còn thích nữa là . Do vậy cần phải xây dựng một chế độ xã hội dân chủ , minh bạch và thượng tôn pháp luật mới ngăn chặn nạn tham nhũng được. Chứ cứ duy trì chế độ độc tài , toàn quyền như hiện nay , thì đất nước còn lâu mới khá !

    Đất nước và dân tộc được thế giới kính trọng như Singapo và Hàn quốc mà chính quyền có "độc tài" . nhưng pháp luật kỷ cương như Pắc Chung Hy hay Lý .Q Diệu tôi cũng chấp nhận .Và tôi nghĩ đạị da số người dân vn chấp nhận .Đằng này đảng đã độc tài , dân mất tự do lại còn không được một cái gì . người dân nước CHXHCN VN PHẢI tha phương cầu thực làm thuê , làm mướn khắp cả hành tinh .

    Trả lờiXóa
  10. Ngày nào chưa xoá bỏ được sự độc quyền của đcsvn thì ngày đó đất nước vẫn còn trì trệ,văn hoá xuống cấp,mất dần biển đảo,danh dự dân tộc bị xem thường...
    Sự độc quyền của đcsvn là nguyên nhân của mọi nguyên nhân

    Trả lờiXóa
  11. => có chiến tranh,có thống nhất / nhưng KHÔNG CÓ TƯƠNG LAI - CHO DÙ MỘT CHÚT XÍU !!!

    Trả lờiXóa
  12. ông đai đội trưởng của tôi sau này cấp bậc trung tá nhiều năm nay cứ dịp 30/4 ông ấy đều thắp hương cầu nguyện cho cả hai phía

    Trả lờiXóa
  13. 30/4 hàng năm là dịp kỷ niệm 20 năm dân tộc việt tàn sát lẫn nhau. Sao ko biết xấu hổ mà cứ khoe khoang , là con người có bộ óc chứ đâu phải loài súc vật mà đi cấu xé với nhau.bị bọn tàu và liên xô lợi dụng bao nhiêu lâu mà còn chưa hiểu,

    Trả lờiXóa
  14. "Sự giả dối được lặp đi lặp lại sẽ trở thành "sự thật", mà chúng ta mang đến cho dân chúng!"
    Sư phụ của tuyên giáo - Tiến sĩ Phát xít Goebel - đã nói như vậy!

    Trả lờiXóa
  15. Buồn & Thương!
    Bác Bùi Văn Bồng ơi! Đọc xong bài của Dương Danh Huy dưới tiêu đề “Chiến tranh, thống nhất và tương lai”, tâm trí thấy buồn và thương cho dân tộc Việt.
    Thứ nhất, cuộc chiến đã cách nay 40 năm, nhưng nỗi đau và sự trăn trở còn đó. Nhưng rất ít người, lãnh đạo đất nước và dân tộc có trách nhiệm, nhìn thẳng vào sự thật (a) về cuộc chiến (giải phóng hay giai cấp, ý thức hệ hoặc huynh đệ tranh quyền), (b) về chính sách sau cuộc chiến (sự phân biệt thắng thua hay vì cuộc sông con người của cả hai bên), (c) về chính sách hòa hợp và hòa giải những người Việt cùng tham gia cuộc chiến (bỏ qua đau thương, mất mát, đoàn tụ hay tiếp tục chia rẽ, hận thù). Tất cả những nỗi niềm và trăn trở đó, nay còn nguyên và mơ màng cả hai phía.
    Thứ hai, đường lối và chính sách chuẩn bị trước khi giải phóng miền Nam được cho là cứu thoát người dân khỏi sự kìm kẹp, áp bức và thôn tính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và đế quốc Mỹ. Thế nhưng, khi lực lượng cộng sản chiếm và nắm trọn quyền kiểm soát miền Nam, thì áp dụng một cách ngược lại. Trắng đen, địch ta lẫn lộn. Những tiếng nói và ý kiến của dân chúng đều cho là sự chống đối. Thế là mọi người dân ngỡ ngàng, lo sợ và thất vọng. Làn sóng di tản và chạy trốn đi các nước bùng phát. Vượt biên tìm miền đất mới. Sự thật này thuộc trách nhiệm của ai? Rất ít khi (thực là không có) được đưa ra trao đổi và thảo luận cho rõ ràng và thấu tình đạt lý. Buồn và thương cho dân tôi là cái đó!
    Thứ ba, chiến tranh Năm Băc giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa đã kết thúc 40 năm. Hiện nay, là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Thế mà! Năm nào cũng như năm nào, trong suốt 40 năm qua, cứ sắp đến ngày 30 tháng 4 các phương tiện truyền thông đại chúng ở Trung ương và các địa phương của đảng và chính quyền cùng các đoàn thể cùng nhau “lên đồng” nói vống lên và nói lấy được là chiến thắng giải phóng miến Nam thống nhất đất nước, đẹm lại tự do hạnh phúc cho nhân dân; chiến thắng là do đường lối chủ trương đúng dắn và sự lãnh đạo sáng suốt và tài ba của đảng cộng sản Việt Nam. Trong lúc đó, những người miền Nam (cả Bắc di cư 1954), những công chức, viên chức trước đây làm việc cho chính quyền và những sỹ quan, binh lính tham gia quân lực Việt Nam Cộng hòa, sau khi bắt buộc đi cải tao về mất việc làm, 40 năm qua âm thầm cam chịu, ngạm ngùi, tủi hờn là người thua cuộc (theo Việt Nam Cộng hòa và làm tay sai cho đế quốc Mỹ).
    Thứ tư, câu hỏi đặt ra là, có nhất thiếu phải tuyên truyền, trên báo, trên đài, trên truyền hình về nỗi đau thương và mất mát quá to lớn về sinh mạng và tài sản của dân tộc Việt Nam ở cả hai miền, hai chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa một khi cuộc chiến đã lùi xa 40 năm. Nay sao cứ phải đơn phương nói lại?
    Bởi lẽ, cuộc chiến đã đi qua 40 năm, nay các phương tiên thông tin đại chúng của đảng cộng sản khơi lại nỗi đau thương và mất mát của nhân dân hai miền là việc làm có thâm ý xấu. Việc tuyên truyền đó, chỉ khoét sâu thêm nỗi đău của dân tộc và hố ngăn cách về hòa hợp và hòa giải. Vì thế, sẽ không sao thực hiện được chính sách hòa hợp và hòa giải dân tộc (miền Bắc và miền Nam, người theo VNDCCH và VNCH, người trong nước và đồng bào ra nưới ngoài) một cách đoàn kêt, chính danh, tự giác và tự nguyện.
    Chỉ có hòa giải và hòa hợp dân tộc thì mới có sức mạnh toàn dân tộc Việt, đồng tâm cùng hướng tới mục tiêu: Xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng và văn mình!


    Trả lờiXóa
  16. Đọc các com của các độc giả thì thấy lòng người ly tán, mặc dù nước nhà thống nhất được 40 năm rồi, 1 thế hệ sinh ra lớn lên trưởng thành. Cuộc chiến tranh 1954-1975 là cuộc chiến ý thức hệ, với người Việt ai sinh ra thời điểm đó đều đấu tranh cho hệ tư tưởng, bây giờ nên nhìn về tương lai nhiều hơn, đấu tranh cho dân chủ, công bằng và tiến bộ XH

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "nên nhìn về tương lai nhiều hơn" ?

      Tôi thấy cũng không khó.
      Nếu mà, với quyền trong điều 4 hiến pháp của mình, cái đảng cộng sản quyết điịnh: 1 người không đảng viên CS, làm thủ tướng,.. thì sẽ có bước tiến.
      Nhưng chắc là không, vì họ chỉ muốn duy trì cái ghế của họ.

      Xóa
    2. Việc vi phạm Hiệp định Paris 1973 mà gọi là "Thống nhất", làm sao không LY TÁN!

      Xóa
  17. Tực sự tôi đã quá sợ cải lương cách mạng phát trên HTV! Toàn ca ngợi sự chết chóc, mang danh "hy sinh cho CM"! Ngày nay vẫn mong nhồi sọ ư?

    Trả lờiXóa
  18. Việt Nam là một thằng Chí Phèo tự rạch mặt mình để nhận đc sự bố thí của nhà giàu Bá kiến ( Liên Xô, Trung cộng và Mỹ). Anh em huynh đệ đánh nhau để cầu sự thương hại của người khác, Lòng tự hào dân tộc, phải chăng đã bị đặt nhầm chỗ.

    Trả lờiXóa
  19. Có ai đủ tin tưởng để làm ăn chân tình với một người không biết tự trọng , dù cho Đó là những con người xem ra rất hùng dũng và sang trọng .

    Một nền văn hoá thiếu tự trọng khi giáo dục bóp méo lịch sử dân tộc chính mình ngay từ trong học đường . Một xã hội thiếu tự trọng về nhân phẩm , nhân cách . Một nhà nước thiếu tự trọng về đối nội không thành thực trong đúng sai giữa việc làm và lời nói , thiếu tự trọng đối ngoại khi chịu lép vế với nước mạnh trong im lặng .

    Tương lai VN phụ thuộc về tinh thần tự trọng hôm nay của cả một dân tộc , không chỉ riêng ĐẢNG , hay Nhà Nước , hay Nhân Dân . Tinh thần Tự Trọng trong cả ba đối tượng chính của toàn bộ dân tộc hầu như qua kém so với thế giới . Chỉ nhìn vào đây đã cảm nhận được tương lai của VN sẽ đi về đâu trước tiến bộ về dân chủ & tự do của thế giới .

    Trả lờiXóa