Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

TỰ SỰ ĐẦU XUÂN

* ĐẶNG KIÊN TRUNG
Những ngày đầu Xuân Ất Mùi, lướt qua các trang mạng quen thuộc tôi bắt gặp khá nhiều bài viết đọc rất thú vị. Có mấy bài về hai loại vấn đề tôi đặc biệt quan tâm, xin ghi lại đây suy nghĩ của mình chia sẻ với các tác giả và mạo muội trao đổi cùng ai quan tâm đến thời cuộc.
Phạm vi bài viết này tôi đề cập loại vấn đề thứ nhất: Đó là “Hòa giải dân tộc” theo bài viết Xuân Ất Mùi lạm bàn về hòa giải dân tộc” của Ts Tô Văn Trường đăng trang Kim Dung – Kỳ Duyên. Dưới bài viết, trang nầy giới thiệu bài “Tết Giáp Ngọ – Buồn!!” của Nguyễn Minh Đào có đoạn nội dung cùng chủ đề với bài của ông Trường.
Mở đầu bài viết, sau 4 câu thơ ông Trường viết chuyện mâm ngũ quả ngày tết trên bàn thờ tổ tiên đầy ắp trái cây màu xanh, vàng mươn mướt, hiếm có trái cây màu đỏ nên cần điểm xuyết mấy trái ớt màu đỏ au, roi rói cho rộn ràng, đa sắc; cũng như mâm cơm gia đình không thể thiếu ớt dù cay xé lưỡi. Ông Trường mượn chuyện ẩn dụ để nói chuyện “quốc gia đại sự” rất cần những ý kiến “phản biện” trái chiều về mọi vấn đề, cho dù nó có cay. Ông đề cập tiểu thuyết “Dòng đời” của ông Nguyễn Trung ra đời cách đây 10 năm, cốt truyện nói về hòa giải dân tộc, ông Trường cho biết ông Nguyễn Trung chân thành khuyên ông “đừng mất công sức, thời gian đụng đến đề tài “Hòa giải dân tộc” vì nó vô vọng trong thể chế hiện nay!”. Đúng vậy, ông Trường viết: “… hòa giải là bài toán không dể giải (loại NP-hard). Chừng nào người dân còn chưa được hưởng quyền tự do dân chủ thực sự, chừng nào 61 người ký tên vào bản thư ngỏ còn được liệt vào danh sách đen, chừng nào xã hội nhiều mặt còn không được tử tế như xưa và chừng nào trong nội bộ phe thắng cuộc cũng còn chưa hòa giải được, thì đừng nói chi đến hòa giải với bên thua cuộc”.
Trong bài “Tết Giáp Ngọ – Buồn, ông Nguyễn Minh Đào có đoạn trải lòng tâm sự: “…Buồn vì đất nước sắp bước vào năm thứ 40 từ ngày hòa bình lập lại, mà lòng người phân ly từ trong các cuộc chiến chưa hòa giải! Thãm trạng nầy đến bao giờ chấm dứt và trách nhiệm thuộc về ai?! Vết thương đau trong lòng người “bên thua cuộc” và với cả người dân không thuộc bên nào chưa liền sẹo, phát sinh vết thương mới trong lòng người “bên thắng cuộc”, trong đó không ít “công thần” của chế độ, hay nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi bất bình trước hiện tình đất nước, kiến nghị với Đảng sửa đổi chủ trương, chánh sách không hợp lòng dân nhưng đâu được lắng nghe!...”.
Hồi kháng chiến chống Mỹ ai cũng biết, đường lối chính trị của Đảng có hai loại “chiến lược” và “sách lược”. Hòa giải dân tộc là loại “sách lược”, nó ra đời và tồn tại trong giai đoạn nhất định cuộc chiến, đến khi xe tăng hút đổ cổng dinh Độc Lập xem như chấm dứt “sứ mạng lịch sử”! Hồi đó, ít ai nghi ngờ sự chân thực của Ban lãnh đạo cấp cao của Đảng, đến khi những chủ trương, chánh sách thất nhân tâm của Đảng thực thi sau “giải phóng”…; trong đó, ác độc nhất là cầm tù hàng vạn sĩ quan, viên chức cao cấp chế độ cũ nhiều năm dưới mỹ từ “học tập cải tạo”, người ta mới nhận ra hòa giải dân tộc chỉ là trò bịp không hơn không kém!
Đến nay, sau 40 năm “non sông thu về một mối”, hòa giải dân tộc vẫn là bài toán nan giải, theo tôi có nguyên nhân sâu xa từ trong chiến tranh, những người lãnh đạo cấp cao của Đảng ngày nay xem hòa giải dân tộc vẫn chỉ là vấn đề “sách lược”, thực hiện được chăng hay chớ cho những mục tiêu trước mắt! Như Ts Tô Văn Trường dẫn lời vị chuyên gia trí thức Việt kiều danh tiếng nào đó nói: “Tôi cho rằng sẽ không bao giờ có hòa giải. Những người  cộng sản nói hòa giải thực chất là kêu gọi qui hàng, trước đây qui hàng thì được bỏ tù không giết. Còn bây giờ qui hàng là họp tác những gì mà họ cho họp tác…”. Tiếp theo, vẫn lời vị chuyên gia Việt kiều nêu sự kiện Tổng thống Mandela ở Nam Phi và trong nội chiến Nam Bắc ở Mỹ, Tổng thống Lincoln không trả thù bên thua trận, mọi chiến binh đều được đối xử ngang nhau với bên thắng trận. Còn “ở Việt Nam thi hành chánh sách trả thù rõ ràng…”– Vị trí thức Việt kiều này nói!
Trong bài của Ts Tô Văn Trường, ông nhắc đến lịch sử nước nhà có giai thoại về hòa giải như Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải  hiềm khích từ lâu, nhưng trước họa đế quốc Nguyên Mông xăm lược nước ta hai ông bỏ qua mối hận thù riêng, cùng chung lòng chung sức điều binh khiển tướng chống quân xăm lược bảo vệ non sông đất nước. Ông Trường viết: “Sau khi đánh bại quân Nguyên, các quan dâng lên vua Trần Nhân Tông tài liệu về những người từng đầu hàng giặc xin xử lý, nhờ có vua anh minh nhìn xa trông rộng, chủ trương hòa giải, nên không đọc mà ra lệnh đốt hết tài liệu dể yên lòng người”.
Ông Trường viết tiếp:“Sau Cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh sử dụng các nhà trí thức và giới tư sản của chế độ thuộc địa, cả vua Bảo Đại, nhờ thế có nguồn lực nhân tài và tài chính mà xây dựng chính quyền và kháng chiến. Rõ ràng mục tiêu của Hồ Chí Minh là đoàn kết toàn dân tộc vì độc lập, tự do của Tổ quốc”.
 Qua hai cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ dài đăng đẳng với nhiều triệu người Việt Nam hai bên chiến tuyến bỏ mình, mất mát đau thương ngất trời…!! Tôi cứ mãi hối tiếc, giá như sau “thắng lợi hoàn toàn” tháng Tư năm 1975, Ban lãnh đạo cấp cao của Đảng biết thương yêu sẻ chia đồng bào ruột thịt của mình đã gánh chịu quá nhiều khổ đau trong chiến tranh, gạt qua một bên ý thức hệ cộng sản, không áp dụng chánh sách “cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội” gây thêm khổ đau cho người dân, đặt lợi ích quốc gia – dân tộc trên hết, trên cơ sở tiếp quản nền kinh tế miền Nam gần như nguyên vẹn, để người dân được tự do làm ăn trong khuôn khổ luật pháp thông thường của một quốc gia, thực hiện chánh sách hòa giải dân tộc do Đảng đề xướng, noi gương các bậc hiền nhân trên thế giới và trong nước ngày xưa xóa bỏ hận thù, không cầm tù sĩ quan, viên chức cao cấp chế độ cũ, mở rộng vòng tay đón nhận họ đoàn kết trong Đại gia đình Việt Nam… Được như vậy, không xảy ra “vấn nạn thuyền nhân”, lòng người không phân ly, đất nước không tụt hậu và không phải để đến hôm nay sau 40 năm vẫn còn bàn chuyện hòa giải dân tộc ngất ngư không lối thoát…!
Ôi! Bức tranh hoa mỹ của đất nước tôi vẽ trên đây, có lẽ để tự xoa dịu nỗi đau buồn, tức tưởi trong lòng tôi từ lâu, bánh xe lịch sử làm sao có thể quay ngược thời gian, biến những ước mơ ảo huyền “giá như” của tôi thành sự thật! Nhưng chẳng lẽ hòa giải dân tộc “vô vọng trong thể chế hiện nay” như lời ông Nguyễn Trung sao?
Ts Tô Văn Trường viết một câu “như đinh đóng cột”: “Ai cũng hiểu rằng nếu không thống nhất được lòng dân, thì dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ ngóc đầu lên được”. Con đường đi tới hòa giải dân tộc gặp nhiều cản ngại chủ yếu từ phía thế lực bảo thủ cầm quyền, nhưng tôi hy vọng có thể thực hiện được bằng con đường đấu tranh ôn hòa của những người đảng viên chân chính, của các bậc lảo thành dày công với nước, của đội ngũ nhân sĩ, trí thức yêu nước…; cùng các tầng lớp đồng bào và áp lực quốc tế đòi Đảng phải thay đổi thế chế chính trị, sửa đổi Hiến pháp năm 2013 theo tinh thần nội dung Hiến pháp năm 1946, thực hiện dân chủ đa nguyên, xóa bỏ các điều luật phi lý trấn áp người bất đồng chính kiến… Đồng thời, Ban lãnh đạo Đảng, cụ thể Bộ Chánh trị phải thực sự cầu thị, ra “Sách Trắng” nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ, chân thành xin lổi đồng bào, đồng chí – nạn nhân của Đảng, cùng với việc đề ra quyết sách đối nội, đối ngoại hợp lòng dân, hợp xu thế thời đại, khắc phục khuyết điểm, yếu kém làm xoay chuyển cục diện kinh tế – xã hội của đất nước vượt qua khó khăn, khủng hoảng…, mở đường thực hiện hòa giải dân tộc, xây dựng khối đoàn kết đồng bào trong nước và cộng đồng Người Việt nước ngoài thành một khối thống nhất ý chí và hành động chung sức chung lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh.
Được như vậy phúc lớn cho dân tộc, uy tín của Đảng cộng sản Việt Nam sáng ngời trên trường quốc tế, người dân hàm ơn Đảng, lịch sử dân tộc đời đời ghi tạc công ơn của  Đảng.
*        *        *

Tôi đọc bài “Nơi không trộm cắp, ăn mày” báo Thanh Niên điện tử ngày 20-2-15 viết về xã Huồi Tụ của người Mông ở vùng cao huyện Kỳ Sơn – Nghệ An. Theo bài báo: Ngày xưa xã Huồi Tụ là vùng nghèo đói nhất Nghệ An, nay đời sống người dân khá hơn nhiều, nhà nào cũng có xe máy, ti vi và những vật dụng hiện đại khác, nhưng cốt cách của người dân vẫn thế: trung thực và tự trọng; một quả chuối, quả dứa trên rừng đã có chủ rồi thì không tự tiện hái ăn. Lúa là tài sản rất quý của người dân nhưng không cần ai trông coi. Trâu bò, heo gà cứ thã rông không cần chăn giử. Xe máy của dân đi rừng, đi rẫy, để hai ba ngày bên đường cũng còn nguyên. Luật tục ở đây còn qui định cha con, anh em, người thân trong dòng họ và cộng đồng phải có tránh nhiệm đùm bọc, giúp đở nhau, ai để cha con, anh em bị đói có tội với dòng họ. Người không may mắn, gặp hoạn nạn, đói kém thì anh em trong dòng họ và cộng đồng phải giúp đở, chia sẻ. Con cháu mồ côi thì ông bà, anh em phải cưu mang. Ai không làm được việc nầy sẽ bị lên án và bị dòng họ, dân bản bỏ rơi… Già làng Lỳ Cha Giờ nói: “ Ở đây, con cái từ nhỏ đã được cha mẹ, ông bà dạy rằng ăn trộm, ăn xin là hành vi rất xấu xa, không được làm…Từ xưa, các bản làng của người Mông đã hình thành luật tục qui định xử phạt nghiêm ngặt đối với người ăn trộm, ăn xin…”.
Đọc bài viết nầy, tôi chợt nhớ phố cổ Hội An và ông Bí thư Nguyễn Sự.  Báo chí có nhiều bài viết cả nước đều biết tôi không phải nhắc lại. Nhà văn Nguyên Ngọc ghi nhận: “Nếu không có Nguyễn Sự sẽ chẳng giữ được Hội An. Nguyễn Sự là tập trung tinh túy của người Hội An: Trí tuệ, năng nổ nhưng thật bình dị, chân thật. Sở dĩ ông làm được nhiều điều cho phố cổ vì được dân thương. Quan chức ít ai giống anh, liêm khiết, thương dân, biết văn hóa bao giờ cũng mong manh luôn lo lắng, suy nghĩ, gìn giử, không chủ quan”.
Tôi không rõ nước ta hiện nay có nơi nào như ở xã Huồi Tụ và phố cổ Hội An? Còn nhớ, quê tôi ngày xưa dưới chế độ thực dân, phong kiến cuộc sống người dân rất bình yên, xã hội lành mạnh; hay như hồi kháng chiến chống Pháp, Mỹ trong vùng giải phóng do Nông hội tự quản tôi từng biết cũng vậy, người dân tuy sống trong cảnh bom rơi, đạn nổ, đời sống vật chất khó khăn, thiếu thốn nhưng an ninh trật tự rất tốt, “nhà không đóng cửa, ngoài đường không mất của rơi”, không nghe thấy xảy ra trộm cắp, gây gổ, đánh nhau, người dân thương yêu, đùm bọc nhau trong tình làng nghĩa xóm… Vậy mà vì sao đất nước sau 40 năm hòa bình thống nhất đạo đức xã hội suy đồi, tội ác lộng hành, đời sống xã hội bất an không như ngày xưa, hay như xã Huồi Tụ và phố cổ Hội An ngày nay? Báo Tuổi Trẻ ngày 25/2/15 đăng bài “1.001 lý do để… đánh đấm!” cho biết: Trong những ngày tết Ất Mùi cả nước đánh nhau 6.200 trường họp phải nhập viện, trong đó có 15 ca tử vong. Ngay cả những nơi thờ tự uy nghiêm như Đền Gióng, đền thờ Đức Thánh Trần… cũng xảy ra đánh nhau đổ máu. Ôi! Xã hội nước ta ngày nay sao đến nông nỗi này?!
 Bức tranh toàn cảnh đời sống xã hội đất nước đượm màu u ám, xã Huồi Tụ và phố cổ Hội An nổi lên như hai ngôi sao sáng. Thiết tưởng các cơ quan chức năng cần đề xuất Chánh phủ chỉ đạo tổng kết kinh nghiệm hai nơi này phát động cả nước “Học tập và làm theo Huồi Tụ, Hội An” tôi nghĩ sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, hơn là ra  chỉ thị, nghị quyết máy móc, khô cứng, chung chung không dễ thực hiện!
Tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, tội ác lộng hành… như căn bệnh nan y, vì sao? Mấy ngày tết tôi đọc bài “Vì đâu đạo đức xã hội xuống cấp như hiện nay” của Anh Vũ đăng trên một trang mạng, tác giả viết:
“Nguyên nhân gốc rể của việc đạo đức xuống cấp trong xã hội là do người ta xa rời dần với văn hóa truyền thống của dân tộc, để du nhập từ nước ngoài học thuyết “đấu tranh” với tên gọi “học thuyết Mác – Lê Nin”…“Văn hóa truyền thống của dân tộc mang tính Thiện rất lớn… Còn học thuyết “đấu tranh” của Mác – Lê Nin thì trái ngược với văn hóa truyền thống dân tộc,… khiến đạo đức xã hội suy đồi trầm trọng…”
Đó là nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân trực tiếp theo ý kiến Luật sư Ngô Ngọc Trai trong một bài viết:
“… việc xây dựng chánh sách phát triển kinh tế – xã hội còn nhiều bất công, khiến cho tầng lớp lao động nghèo bị bỏ rơi từ đó sinh ra tội phạm…? Sống trong cảnh nghèo người ta ít có cái để mất và sẳn sàng làm liều hơn là cảnh giàu… cũng có nghĩa là từ bất công mà sinh ra tội phạm…”
40 năm qua, từ khi cầm quyền trong cả nước, việc chăm lo cho người nghèo Đảng và Nhà nước nói nhiều làm ít, số người nghèo trong nước không hề giảm, tết năm nay Chánh phủ phải xuất hơn 9 ngàn tấn gạo cứu đói ở 8 tỉnh với hơn nửa triệu nhân khẩu. Đó là một minh chứng “tầng lớp lao động nghèo bị bỏ rơi” như lời Luật sư Ngô Ngọc Trai, nên người nghèo bao năm vẫn nghèo, đến nỗi cái ăn còn thiếu làm sao có cơ hội thoát nghèo. Trong khi đó thực hiện đường lối “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo, Chánh phủ đổ tiền của vào các tập đoàn kinh tế nhà nước như thùng không đáy, vỗ béo những kẻ cầm đầu bất tài, ăn hại! Nếu với quan điểm và cung cách lãnh đạo, điều hành nền kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước như hiện nay, trong năm mười năm tới đất nước nầy sẽ đi về đâu?!
 Đ.K.T/Viet-studies
-------------

3 nhận xét:

  1. Chấm dứt cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ, phe Miền Bắc không có diễn binh, không ăn mừng chiến thắng, không lừa phỉnh “hòa hợp, hòa giải dân tộc”. (Mặc dù phe Miền Bắc là phe chính nghĩa, đập tan chế độ nô lệ ở Miền Nam). Mà chỉ có một “Ngày tủi nhục quốc gia” để cùng nhau xưng tội, cầu nguyện, xin tha thứ lẫn nhau. Nhờ đó mà có được nước Mỹ đứng đầu thế giới hiện nay.

    Trả lờiXóa
  2. Buồn và tiếc cho dân tôi!
    Bài "Tự sự đầu xuân" của Đặng Kiến Hưng suy nghĩ sâu, viết hay và rất đáng suy nghĩ!
    Trong chiến tranh (Pháp, Mỹ, Tàu Cộng) nhân dân Việt Nam thu phục được lòng tin của người dân phía bên kia trận tuyến và thắng được đối phương, chính là nhờ có sự suy nghĩ và chỉ huy (về chiến lược, sách lược về chiến trường, chiến dịch) thống nhất từ Bộ tổng Tham mưu của QĐNDVN mà đứng đầu là Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Bộ tổng Tham mưu khi đó gồm những tướng tài, những mưu sỹ có tầm, có tâm, có tài, có trí, có ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Tàu...) và thông thạo về thực tiễn chiến trường Việt Nam và Đông Dương. Không có Bộ tổng Tham mưu thì tài năng của Tướng Giáp và sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam không thành hiện thực và được uy danh như ngày nay. Chính sách vừa đánh, vừa đàm và phân hóa, hòa giải dân tộc cũng khởi thủy và ra đời tư những bộ óc của những con người ở Bộ Tổng Tham mưu QĐND mà ra. Đánh giặc đúng là trai thời chiến!
    Hòa bình lập lại, thống nhất đất nước là một thời cơ. Cả dân tộc Việt (bên thắng và thua cuộc) đều hồ hởi, chờ đón sự hòa hợp, sự sum họp sau hơn 20 năm đất nước bị chia cắt và bà con, anh em xa nhau. Nhưng điều đó hoàn toàn xa lạ với những người con bên thua cuộc (có thể cả bên thắng cuộc). Tôi có dịp ngồi đàm đạo, trao đổi với một số viên chức cao cấp trong chính quyền Việt Nam Công hòa (đã bị chính quyền bên thắng cuộc bắt đi cải tạo) nay sang định cư với con cháu ở nước ngoài. Các vị này cho biết: "Khi đó (tháng 4-1975), đa số anh em chúng tôi chờ đợi các ông vào tiếp quản để bàn giao công việc về quản lý hành chính, về dự án phát triển kinh tế, về hạ tấng cơ sở ở thành thị và nông thôn. Nhưng bị hẫng hụt bởi lời tuyên bố"Các ông đã thua hoan toàn, không có gì phải bàn giao". Nghe câu tuyên bố đó, chúng tôi thấy mình khờ dại và hối tiếc sao không di tản ngay từ đầu, mà ngồi đây chờ quân giải phóng vào và kết cục chúng tôi bị bắt đi cải tao trong các trại giam ở rừng xanh, nước độc". Đó sự buồn và tiếc nuối là như vậy!
    Sau thống nhất đất nước, vấn đề đặt ra là .Bộ tổng Tham mưu về phát triển kinh tế là cơ quan nào, không rõ. Về danh nghĩa là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (xưa là UB Kế hoạch, Bộ KH) nhưng thực tế, Bộ KH Và ĐT không qui tụ được để trở thành Bộ tổng Tham mưu về quản lý và phát triển kinh tế. Bộ KH&ĐT những năm trước đây chỉ là quản lý hình thức, còn thực tế việc quyết định là do các bộ chuyên ngành và Phó Thủ tướng phụ trách ngành, lĩnh vực. Vì thế, hòa bình lập lại và thống nhất đất nước, toàn đảng, toàn dân và toàn quân quay lưng ra Biển Đông và quay mặt hướng lên Rừng Xanh hô hào khai thắc gỗ và lâm sản (phá Rừng) để xây dựng và tiến lên chủ nghĩa xã hội (chưa hình dung ra bóng dáng). Hệ quả, đến nay Rừng Xanh cơ bản phá xong, phá sạch và phá toàn diện từ đỉnh núi xuống chân khe suối, mép sông ở Tây Bắc, Tây Nguyên, miền Bắc và Miền Nam đều "đồi trọc hóa" và "xa mạc hóa" XHCN như nhau (!)
    Môi trường Rừng Xanh không biết quí trọng và gìn giữ. Môi trường Xã hội sống nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Cần Kiệm bị xuống cấp và phá hủy. Anh em trong một dòng họ, một gia đình chưa hòa giải được xích mích, thì làm sao có hòa hợp.
    Bao giờ dân Việt có được một Người đứng đầu Đất nước và Dân tộc, có một Tầm nhìn, đủ Nhân cách và Tầm hiểu biết về cuộc sống làm người để tiến hành cuộc đại Hòa giải và Hòa hợp dân tộc ở Việt Nam ?.
    Khó quá ta !

    Trả lờiXóa
  3. Họp mặt đầu năm, cánh đàn ông chúng tôi bắt chước Asean, lên bục đứng cạnh nhau, tréo tay cầm - tay phải thằng này chéo qua cầm tay trái thằng bên cạnh.
    Cánh đàn bà la ó:
    - Mấy thằng cha này! Điên hết rồi chắc?!

    Trả lờiXóa