Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

Cimexcol – Nỗi đắng cay còn đó - Kỳ 3

*  ĐẶNG HUỲNH LỘC
             (tiếp theo) ... Được đánh giá là vụ án “đặc biệt nghiêm trọng” nên Tòa án tối cao trực tiếp xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm. Nhưng qua tám ngày diễn ra phiên tòa, những người dự khán khá bất ngờ khi thấy nội dung vụ án không “nghiêm trọng” như vậy. Cimexcol là một đơn vị kinh doanh do tư nhân góp vốn, không được ngân sách cấp vốn nhưng các bị cáo lại bị truy tố sáu tội danh: tham ô tài sản XHCN; cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ; buôn bán hàng cấm và đặc biệt là tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
                Khi trao đổi với chúng tôi về vụ án Cimexcol, bà Võ Thị Thắng, nguyên thành viên hội đồng xử án, băn khoăn: “Hoạt động Cimexcol bằng nguồn vốn tư nhân, kinh doanh được miễn thuế ba năm, do đó không thể kết tội họ tư túi chính từ nguồn vốn của chính cá nhân họ, càng không thể kết tội họ tham ô tài sản XHCN”.
             Không phụ trách nhưng phải chịu trách nhiệm (?!)
            Bản án kết tội ông Lê Văn Bình (Năm Hạnh) “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
             Với hành vi không cải tạo đoàn xe của Ba, bản án nhận định: “Bị cáo (Lê Văn Bình) biết rõ đoàn xe chuyên dùng hợp tác của Dương Văn Ba sau 18 tháng hoạt động kéo gỗ ăn công với Minh Hải, đến cuối năm 1980 đoàn xe này phải giao lại cho nhà nước quản lý. Hết thời hạn cam kết, Ba lờ đi. Bị cáo cũng không kiên quyết cải tạo đoàn xe, để sau này Ba bán đoàn xe bỏ túi riêng”. Ông Năm Hạnh giải thích: Việc cải tạo đoàn xe của Ba diễn ra năm 1980, thời điểm đó bị cáo (tức ông Năm Hạnh) còn là trưởng Ban Tuyên giáo huyện Vĩnh Lợi nên không biết. Đến cuối 1986, bị cáo được bầu làm chủ tịch tỉnh. Thời điểm đó đã có Chỉ thị 16 của Ban Bí thư ngưng cải tạo công thương, bị cáo không thể cải tạo đoàn xe của Ba được, vì làm như vậy là chống chủ trương đổi mới...
              Tòa cho rằng ông Năm Hạnh thiếu trách nhiệm vì đã sử dụng Dương Văn Ba, tạo điều kiện để Ba phạm tội. Năm Hạnh giải thích: Ba là người của UBND TP.HCM cử sang thời kỳ Minh Hải hợp tác với TP.HCM trước năm 1983. Bị cáo không phải là người nhận Ba, vì thời điểm đầu năm 1983, khi Cimexcol mới thành lập, bị cáo đang làm chủ tịch huyện Giá Rai, chưa về UBND tỉnh.
               Về hành vi thiếu kiểm tra hoạt động của Cimexcol, để cho Cimexcol phạm tội, Năm Hạnh giải thích: Hoạt động Cimexcol, Ban thường vụ tỉnh ủy cử bốn ủy viên thường vụ phụ trách, gồm Tám Khanh (Tống Kỳ Hiệp - PV) - Trưởng ban Nội chính, Bảy Khế (Mai Thanh Ân) - Trưởng ban Tổ chức, Năm Tân (Đoàn Quang Vũ) - Kiểm tra Đảng, Ba Quân (Hoàng Hà) - Giám đốc Công an tỉnh. Sau đó còn cử thêm Trần Hữu Vịnh (Hai Thống) - Phó Bí thư tỉnh ủy phụ trách chung. Trong năm thường vụ được phân công phụ trách Cimexcol không có bị cáo nên bị cáo không thể kiểm tra Cimexcol như tòa buộc tội.
              Người khác ký, mình phải tội
              Về bảo lãnh cho Cimexcol Minh Hải vay vốn, Năm Hạnh giải thích: “Cimexcol là đơn vị thử nghiệm kinh doanh theo cơ chế mới, ngân sách không cấp vốn, đơn vị tự vay vốn, tự hoàn vốn. Nếu không bảo lãnh thì làm sao Cimexcol có vốn kinh doanh? Nếu bị cáo bảo lãnh mà Cimexcol kinh doanh thua lỗ thì bị cáo phải chịu trách nhiệm. Cuối năm 1987, khi Cimexcol ngưng hoạt động để thanh tra, đơn vị này có tổng tài sản hơn 12,5 triệu đô la. Đoàn kiểm tra 13 Trung ương cũng xác nhận đến thời điểm này, Cimexcol có lãi hơn hai triệu đôla nên việc bảo lãnh cho Cimexcol vay vốn kinh doanh của bị cáo không thể bị xem là phạm tội”.
             Về bảo lãnh lô hàng cà phê Cimexcol mua trong nước, xuất khẩu bằng quota Lào, Năm Hạnh giải thích: Không có quy định nào cấm đơn vị kinh tế trong nước sử dụng quota nước ngoài xuất khẩu. Còn việc ký bảo lãnh để giải phóng lô hàng này là do ông Lê Khắc Bình - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM lúc Minh Hải liên kết với TP chứ không phải Lê Văn Bình, là tôi (tất cả những người có mặt tại phiên tòa cười ồ lên).
             Về cái chết của Trang Thanh Khả, Năm Hạnh giải thích: Anh Sáu Khả bị kỷ luật cảnh cáo đảng do tham ô khi làm giám đốc Công ty Gỗ. Kiểm điểm Sáu Khả là do Sở Thương nghiệp tiến hành, đề nghị cảnh cáo cũng chưa được tổ chức phê chuẩn. Trong thời gian này, Sáu Khả xin đi trị bệnh và tự sát tại Bệnh viện Thống Nhất. Bị cáo đâu phải là bảo vệ của Sáu Khả để túc trực thường xuyên bên cạnh Sáu Khả mà phải chịu trách nhiệm khi Sáu Khả tự sát...
              Bản án còn đề cập đến việc Năm Hạnh chỉ đạo Cimexcol nhập hơn 2.000 chiếc xe hai bánh, bán giá rẻ hơn thị trường, làm thiệt hại 1.062 lượng vàng (tất cả những gì bị xem là thiệt hại của Cimexcol được bản án đề cập đều quy ra vàng!). Năm Hạnh giải thích: Lúc Cimexcol nhập và bán xe hai bánh, tôi đang đi học ở Liên Xô. Sau này nghe báo lại Cimexcol nhập hơn 2.100 xe hai bánh, giá nhập trung bình 160 đôla/chiếc, tỉnh chủ trương bán cho cán bộ hơn 400 chiếc giá rẻ để giảm chi phí xe công, giá bán cho cán bộ mỗi chiếc là 300 đôla, lời gần gấp đôi giá nhập. Số còn lại bán ra thị trường bên ngoài cho những người ứng vốn để Cimexcol nhập xe 800 đôla, rẻ hơn thị trường gần 200 đôla nhưng lời gấp ba, bốn lần giá nhập...
           Ông Nguyễn Quốc Sử, nguyên tỉnh ủy viên, Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Minh Hải, nói: “Mặc dù diễn biến tại phiên tòa như vậy, trước hàng chục ngàn người, có cả lãnh đạo hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được mời tham dự nhưng Năm Hạnh vẫn lãnh án một năm tù, được hưởng án treo!”.
             Khi tiếp cận vụ án Cimexcol Minh Hải, có một chi tiết mà tôi không thể tự lý giải. Đó là việc vì sao Toà án Nhân dân tối cao khi đã thông báo bằng văn bản cho hầu hết các địa phương và cơ quan báo chí ở Đồng bằng sông Cửu long là vụ án sẽ xét xử vào ngày 27-2-1989. Khi một ngày trước đó, tại Bạc Liêu Hội đồng xét xử đã có mặt, các đại biểu đã được mời đến, khoảng 60 nhà báo cũng đã sẵn sàng thì bất ngờ ngày 27-2 phiên toà bỗng lại không diễn ra. Trong những ngày cuối cùng trước khi ông Năm Hạnh qua đời tôi mới hiểu được nguyên nhân. Bằng những nét chữ nắn nót của một người đã kiệt lực, cố chống chọi bệnh tật, ông Lê Văn Bình (Năm Hạnh) viết: “Tôi bị khởi tố cuối năm 1988. Đầu tháng 2-1989 tôi nhận được cáo trạng và giấy triệu tập của Tòa án tối cao đưa tôi ra xét xử vào ngày 27-2 khi tôi vẫn còn là đại biểu hội đồng Nhân dân tỉnh và là đại biểu Quốc hội. Đến ngày xử, phiên tòa đột nhiên đình lại do chờ thủ tục bãi miễn đại biểu Quốc hội của tôi. Đến cuối tháng 3-1989, Chủ tịch nước Võ Chí Công ký quyết định đình chỉ hoạt động đại biểu Quốc hội của tôi nhưng khi phiên tòa xét xử xong tôi mới nhận được. Sau khi phiên tòa kết thúc (22-4), tôi đã lãnh án tù thì hơn một tháng sau tôi mới nhận được thông báo của Văn phòng Hội đồng nhà nước ký ngày 6-6-1989 thông báo tôi không còn là đại biểu Quốc hội”.
            Nhưng sau đó, khi tiếp xúc với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông giải thích: Phiên toà hoãn lại theo yêu cầu của Chính phủ Lào. Cũng có thể cùng một sự kiện hoãn xử trong vụ án này có hai nguyên nhân. Nguyên nhân nào cũng khó hiểu.
              Tôi nhất quyết không ký vào bản án
               Bà Võ Thị Thắng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết: Gần 20 năm trước, tôi là một trong năm thành viên tham gia hội đồng xét xử vụ án Cimexcol ở Minh Hải với tư cách hội thẩm nhân dân. Diễn biến phiên tòa cho thấy chứng cứ buộc tội không thuyết phục, thậm chí có dấu hiệu oan sai. Do vậy mà tôi đã không đồng tình và không ký vào biên bản nghị án xét xử các bị cáo và tôi cũng đã không ký vào bản án. Cùng ngồi ghế hội thẩm với tôi trong vụ án này có anh Phan Thanh Viễn (nhà thơ Viễn Phương - PV) cũng đồng tình với tôi. Nhưng bản án vẫn được tuyên. Sau khi tuyên án tại phiên tòa vài ngày, anh Nguyễn Quang Thanh, thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án Cimexcol, đến nhà tôi ở TP.HCM mang theo bản án, yêu cầu tôi ký tên. Tôi lại tiếp tục kiên quyết từ chối. Anh Thanh bảo tôi rằng nhà thơ Viễn Phương đã ký rồi, tôi ký hay không cũng chỉ là thủ tục, bản án vẫn có hiệu lực pháp luật vì tôi là thiểu số. “Nếu chị không đồng ý với bản án thì ghi ý kiến bảo lưu” - anh Thanh bảo tôi. Trước khi ký tên, tôi ghi vào bản án là tôi không đồng tình với bản án xét xử Cimexcol vì không đủ chứng cứ buộc tội.
                Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UB MTTQ TP.HCM: Vụ án đã xét xử quá vội vàng.
               Những buổi đầu khi nền kinh tế mới mở cửa, Công ty Cimexcol là một trong những công ty làm ăn khá, nổi đình nổi đám một thời gian. Khi vụ án xảy ra, có nhiều ý kiến cho rằng cần thận trọng khi điều tra, xét xử. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra có nhiều vấn đề chưa rõ ràng nhưng đã vội vàng đưa ra xét xử nên bản án quá nặng nề và có nhiều ý kiến không đồng tình.
              Qua vụ án này cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng phải hết sức khách quan, phải giữ độc lập, không nên bị ảnh hưởng bởi người này người kia. Dù vụ án đã qua lâu nhưng đã thấy không đúng thì phải sửa. Tôi rất tán thành việc Báo Pháp Luật TP.HCM lật lại vụ án Cimexcol Minh Hải.
               Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP.HCM: Lật lại vụ án là cần thiết
             Tôi cho rằng 20 năm trước, vụ án Cimexcol đã từng gây rúng động trong xã hội. Nay nếu lật lại cũng sẽ một lần nữa gây rúng động như thế. Dù kết quả cuối cùng, đúng sai như thế nào thì việc lật lại một vụ án có nhiều ý kiến ngược chiều là điều cần thiết. Điều này còn tăng thêm uy tín của người dân vào nhà nước và các cơ quan tố tụng. Nhất là với những người đang có vị trí đứng đầu nhà nước nên thể hiện ý chí về quyền lực, pháp luật và cả lòng nhân hậu để soi rọi vấn đề còn nhiều bàn cãi của vụ án. Và lẽ ra những người trong cuộc, những người có quyền lực có thể lên tiếng mạnh mẽ từ 20 năm trước chứ không phải đến hôm nay.
               Luật sư Lê Thành Kính, Đoàn luật sư TP.HCM: Cần sớm tái thẩm vụ án
               Thời điểm lúc xét xử vụ án Cimexcol, hệ thống pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự chưa được hoàn thiện. Đến năm 1985 mới có Bộ luật Hình sự, đến năm 1987 mới có Luật Tố tụng hình sự. Trước đó chỉ dùng các sắc lệnh thôi nên các vấn đề pháp lý về luật nội dung (Luật Hình sự) cũng như luật hình thức (Luật Tố tụng hình sự) chưa đi vào cuộc sống. Do đó, các cơ quan tố tụng chưa có cơ sở để bảo đảm sự công bằng cho người phạm tội hoặc không phạm tội.
              Tuy nhiên, càng ngày hệ thống pháp luật càng hoàn thiện, Luật Hình sự được bổ sung, Luật Tố tụng hình sự được sửa đổi, về nguyên tắc các cơ quan tố tụng cần phải ngồi lại xem xét các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc đã xét xử trước đây. Nếu thấy oan sai thì có thể áp dụng các quy định pháp luật cho phép như trong trường hợp này là tái thẩm để khôi phục quyền lợi cho những người bị oan sai, bảo đảm công bằng xã hội, pháp luật công minh. Và lẽ ra khi đã có cơ sở pháp lý đủ để xem xét lại vụ án thì cần lật lại vụ án sớm hơn chứ không phải đợi đến hôm nay mới lên tiếng là quá chậm và có thể làm mất thời hiệu để lục lại vụ án theo trình tự tố tụng. Tuy muộn nhưng cũng cần thiết lật lại vụ án này.
                   Cận cảnh
                   5. Tính thời sự của bản kiến nghị 12 năm trước
              Hội đồng xét xử “bắt tội” ông Năm Hạnh không “cải tạo” đoàn xe của Dương Văn Ba cho Cimexcol thuê kéo gỗ từ Lào về Việt Nam. Nhưng thời điểm đó, ông Năm Hạnh chưa lên chức chủ tịch tỉnh và cũng không được phân công phụ trách theo dõi hoạt động của Cimexcol.
                 Chánh án TAND tối cao Phạm Hưng đã từng đề nghị tái thẩm vụ án nhưng vẫn rơi vào im lặng...
                  Trong quá trình lật lại hồ sơ vụ án Cimexcol Minh Hải, chúng tôi tìm thấy bản kiến nghị của ông Nguyễn Văn Để (Tư Vân), nguyên ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Minh Hải, đề ngày 15-11-1996 gửi đến các cơ quan trung ương. Chúng tôi xin trích đăng bản kiến nghị này.
                Cimexcol không lỗ như án tuyên
                 Mở đầu bản kiến nghị, ông Nguyễn Văn Để viết: “Ngay từ đầu tôi nhận biết được rằng việc tiến hành chỉ đạo và xét xử vụ án này không bảo đảm tính khách quan, trung thực. Thực tế đã chứng minh rõ phiên tòa của tòa án tối cao tiến hành một vụ án mang tính điển hình của cả nước, với một bản án sơ thẩm đồng thời chung thẩm... nhưng lại là một phiên tòa để lại nhiều sai trái nhất về pháp luật từ khâu khởi tố, điều tra đến xét xử; hình thành một bản án gần 60 trang đầy rẫy những sai sót – xét xử không đúng người, không đúng tội, không đúng pháp luật, mất dân chủ; kết tội oan sai cho nhiều người và để lại biết bao hậu quả khác rất nặng nề khó có thể khắc phục nổi”.
                Tiếp theo, ông Để nêu những luận cứ để chứng minh các nội dung trong bản án không đúng sự thật. Ông Để viết: “Công ty Cimexcol không hề có mất cân đối 4,6 triệu đôla và cũng không hề để lại món nợ 5,3 triệu đôla mà “nhân dân Minh Hải phải còng lưng gánh chịu nhiều năm” như bản án kết tội... mà Cimexcol kinh doanh lãi trên ba triệu đôla.
- Báo cáo của đoàn thanh tra số 13 do đồng chí Trần Kiên làm trưởng đoàn ký, thời điểm ngày 30-9-1987 về trước Công ty Cimexcol kinh doanh lãi 2,235 triệu đôla.
- Báo cáo của đoàn thanh tra Sở Tài chính tỉnh Minh Hải trước thời điểm khởi tố vụ án (30-9-1987) một năm Cimexcol lãi 1,6 triệu đôla.
- Báo cáo của đoàn thanh xử lý tài chính Cimexcol do UBND tỉnh Minh Hải thành lập sau vụ án, phản ánh từ thời điểm khởi tố vụ án (30-9-1987 trở về trước) nêu rõ tài sản của Công ty Cimexcol bị bỏ ngoài sổ sách không được đưa vào cân đối gần tám triệu đôla...”…
(Còn tiếp)
             Đ.H.L
-------------

5 nhận xét:

  1. Cái gì đây ?
    Đọc toàn bộ 03 kỳ về bài viết "Cimexcol – Nỗi đắng cay còn đó" mới hay "đảng lãnh đạo" và "nhà nước không tam quyền phân lập" tai hại và ngu muội thế nào đối một dân tộc! Doanh nghiệp từ của một tư nhân, tiền túi bỏ ra (nhà nước không khen thì thội) rồi lại để Tòa án của đảng kết tội là tham ô TSXHCN để bị vào tù và chết tức tưởi (ông Ba). Không những thế, để giữ uy tín cho đảng (dân tộc, đất nước) và nhà nước (không tam phuyền phân lập) thì ông Nam Hạnh (Chủ tịch UBND tỉnh) phải thế mạng ngồi tù (không có tội). Đay thật sự là sự giả dối có thừa! Đau là dzây! Cái gì đây?
    (a) Sự độc quyền về cái gọi là đảng...một khai niệm mơ hồ, nhưng có con người cụ thể (dấu mặt) cầm quyền từng thời gian chỉ đạo hành dân và bức hại đồng chí (hết nhân nghĩa, nghĩa tình con người) chỉ tham quyền lực và uy danh cá nhân. Thế thì còn gì là người!.
    (b) Nhà nước VN không giống một ai trên thế giới này; không tam quyền phân lập nhưng khi xét xử hình thức như tam quyền phân lập, cũng công tố, cũng thẩm phán...kết thúc thì bắt mọi người ký vào coi như khách quan giết hại con người và bóp chết nền kinh tế mới ngoi lên.
    Dau buồn và uất hận cho sáng kiến của một ai đó đưa ra lý thuyết đảng và nhà nước độc quyền và sự ngu muội của đội ngũ lãnh đạo làm hại nhân dân.
    Đấy cái ác là ở một người (nghi) giết cả một doanh nghiệp và nhiều con người vô tội Qua vụ này đáng khen Đoàn thanh tra 13 của UBKT Trung ương. Nhưng cũng vô tích sự. Vì không cứu được các đồng chí vô tội!
    Bài học cho hôm nay cần nhanh chóng hạ thấp (có thể bỏ) sự lãnh đạo của đảng đối với vấn đề dân sự của dân theo qui định của luật pháp. Ai sai xử người đó.
    Đền nghị xem xét lại vụ án "Cimexcol –Minh Hải đẻ minh oan cho số phận ông Ba và những người bị từ oan!

    Trả lờiXóa
  2. Đừng nói cách nay hơn ba mươi năm, ngay bây giờ Tòa án cũng không có độc lập xét xử, tình hình này còn có thể kéo dài./.

    Trả lờiXóa
  3. Đã lỡ bắt về tội Chính trị rồi, nhưng không có chứng cứ, mắc cỡ, không biết gỡ. Quay sang chụp mũ tội Kinh tế, may ra kiếm miếng, đống thời tung dư luận Bắt là đúng. Cấp ủy ta, Công an ta, tòa của ta xưa nay vẫn thế.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói gì cho xa, như vụ ông Cù huy hà Vũ, bắt người thì "2 bao cao su dùng rồi" làm tang chứng, nhưng ra toà thì xử về tội chính trị !
      Cái nền tư pháp của nước CHXHCNVN là nơi tạo ra những vở hài kịch, làm trò cười cho thế giới !

      Xóa
  4. Ông Lâm Văn Thê là một trong những nhân vật thực dụng, thủ đoạn, bất tài, phá ngang trong đảng, Chỉ riêng ở 2 tỉnh cực nam là Kiên Giang, Cà Mau đã chỉ đạo xử oan sai vụ Bỉnh Họt, vụ Cimexcol.

    Trả lờiXóa