Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Ba chìa khóa phát triển

* GIÁP VĂN DƯƠNG
Năm 2015, Việt Nam kỉ niệm 70 năm ngày độc lập. Nếu tính cuộc đời làm việc trung bình của mỗi người là 30 năm, thì Việt Nam đang ở giữa thế hệ thứ ba sau ngày độc lập.
Cha ông ta nói, không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Hy vọng trong thế hệ thứ ba này, Việt Nam sẽ vươn lên chạm ngưỡng nước phát triển. Muốn vậy, những cánh cửa phát triển phải được mở ra. Vấn đề đặt ra: Đâu là chìa khóa, và ai đang nắm giữ những chìa khóa, để mở cánh cửa phát triển này?
Năng lực lãnh đạo
Chìa khóa đầu tiên và phát huy tác dụng ngay tức thì, đó là năng lực lãnh đạo của những người cầm lái, ở bất cứ lĩnh vực và cấp độ nào. Năng lực lãnh đạo hiện đang không tương xứng với các đòi hỏi của phát triển. Các mô-típ lãnh đạo thời chiến hoặc nặng tính quan trường kiểu phong kiến đã lạc hậu, nhưng vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong thời bình, mà điển hình là sự áp đặt máy móc bởi những mệnh lệnh ‘hành là chính’, hoặc các chính sách trên giời, từ trên xuống dưới…
Để giải quyết rốt ráo bài toán năng lực lãnh đạo, không có cách nào khác là cải cách cơ chế bầu cử, bổ nhiệm công chức và trọng dụng người tài.
Câu chuyện năng lực lãnh đạo và trọng dụng người tài đã được nhiều người gióng lên suốt hàng chục năm qua nhưng không có chuyển biến gì đáng kể. Vậy những người thuộc thế hệ thứ ba, tức những người vẫn được coi là trẻ, lại không ở trong hệ thống, cũng không thuộc diện được ‘cơ cấu’, sẽ làm gì trong bối cảnh này?
Rất may là năng lực lãnh đạo ngày nay không còn chỉ bó hẹp trong lĩnh vực chính trị. Dù rằng, chính trị là lĩnh vực quan trọng nhất cần phải cải cách để tạo sự phát triển, nhưng các lĩnh vực khác cũng đang rất cần những tài năng lãnh đạo trẻ để thổi thêm luồng sinh khí mới và để được dẫn dắt. Đó có thể là trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, hoặc các hoạt động thuần túy dân sự v.v…
Trong sự liên thông mang tính bản chất, sự thay đổi tích cực trong đời sống dân sự sẽ có tác động trở lại với các hoạt động chính trị. Vì suy cho cùng, mục đích tối hậu của chính trị là để phục vụ người dân, giúp họ sống tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn. Nếu không thì chính trị không thể tồn tại lâu dài.
Vậy nên, nếu bạn là thủ khoa mà thi trượt công chức thì cũng đừng lấy đó làm buồn. Sẽ đáng buồn hơn nếu bạn tìm cách yên phận ở trong hệ thống, thay vì bước ra ngoài để trở thành một lãnh đạo trẻ, tham gia vào việc dẫn dắt đời sống phát triển. Nhìn xa hơn thì chính các bạn sẽ là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của đất nước chứ không phải những công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về”.
Có chìa khóa trong tay, nhưng có dám dùng nó để mở cánh cửa phát triển hay không thì lại đòi hỏi lòng quả cảm để vượt qua thói quen nương tựa đã trở thành cố hữu.
Đổi mới sáng tạo
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, một trong những nút thắt cổ chai phát triển của Việt Nam hiện thời là năng suất lao động quá thấp so với các nước phát triển. Cùng khoảng thời gian làm việc, cùng sức vóc mà một người của họ làm việc bằng hàng chục người của mình, thì làm sao ta có thể cạnh tranh với họ được? Giải pháp là đâu? Là thực sự đổi mới sáng tạo, vì đâu còn đường nào khác.
Không chỉ dừng ở sáng tạo công nghệ, lĩnh vực quản trị  kinh tế - xã hội và ngay cả trong việc quản trị đời sống cá nhân cũng đang cần những đổi mới sáng tạo rốt ráo (trong cuộc chạy đua này, ai quản trị cá nhân tốt, ai biết rõ mục tiêu, ai sử dụng được thời gian hiệu quả, người đó sẽ chiến thắng).
Đó là những việc có thể làm ngay, và quan trọng hơn, lợi thế của việc thực hành đổi mới sáng tạo thuộc về thế hệ thứ ba, những người trẻ tuổi.Khi tiến hành đổi mới sáng tạo, cái giá phải trả chỉ là sự trì trệ bế tắc, ngắc ngoải lâm sàng, nhưng cái được là cả không gian phát triển mới. Vậy thì còn chần chừ gì nữa? Sao còn ngồi đó than vãn, thay vì đứng lên, cầm chiếc chìa khóa đổi mới sáng tạo này để mở ra những chân trời mới.
Phát triển giáo dục
Chiếc chìa khóa thứ ba, được nói đến nhiều nhất và cũng có tác động lâu dài nhất, là phát triển giáo dục. Vậy những người thuộc thế hệ thứ ba này có thể làm được gì trong một môi trường giáo dục nhằm đào tạo con người công cụ nặng tính áp đặt? Câu trả lời là rất nhiều, thậm chí không giới hạn.
Sự phát triển công nghệ, đặc biệt là của giáo dục số, đã gỡ bỏ hầu hết các rào cản giáo dục mà thế hệ trước phải gánh chịu. Giờ đây, nếu muốn thì bất cứ ai cũng có thể tự bù đắp những khiếm khuyết của hệ thống giáo dục hiện thời, thông qua tiếp cận các chương trình giáo dục trực tuyến toàn cầu của các đại học danh tiếng trên thế giới.
Như thế, thay vì trông chờ một sự thay đổi được ban phát không biết bao giờ mới tới, những người thuộc thế hệ thứ ba hoàn toàn có thể tự thân khai sáng, tự kiến tạo sự thay đổi theo cách của riêng mình. Đến đây, những chìa khóa phát triển đã hiện ra trước mắt. Và chính thế hệ thứ ba này, trong đó có bạn và tôi, là người đang nắm giữ những chiếc chìa khóa của phát triển.Vấn đề là có đủ muốn để đứng lên và mở những cánh cửa phát triển hay không mà thôi.
Singapore chỉ cần một thế hệ để vươn lên từ một làng chài nghèo thành quốc gia ‘hạng nhất’; Hàn Quốc cũng chỉ cần chưa đầy hai thế hệ sau cuộc chiến tàn khốc để vươn lên từ nước đói nghèo thành nước phát triển.
GVD/Tia sáng
--------------

7 nhận xét:

  1. Đọc xong thì thấy rằng coi như mấy ông vixi chẳng có ba chìa khóa vàng đó.
    Vậy là chúng ta vẫn bị nhốt...

    Trả lờiXóa
  2. Người xưa nói ( không ai giàu ba họ , không ai khó ba đời ) Việt Nam còn chế độ đảng trị như hiện nay , e còn năm đời sau , nhân dân, đất nước vẫn đói nghèo .

    Trả lờiXóa
  3. Ba chìa khóa cho tiến bộ và phát triển phải làL
    ĐA NGUYÊN, ĐA ĐẢNG, TAM QUYỀN PHÂN LẬP
    còn tất cả những cái chìa khóa khác đều là chìa dỏm, của tàu cộng thì chỉ để lừa bịp niềm tin "ziển zông" mà thôi.

    Trả lờiXóa
  4. Ông này cùng tên nhưng khác họ với tôi, 3 chìa khóa phát triển mà ông ấy đề cập đều không mới, quần chúng ND đã nói cả hàng 4-5 chục năm nay rồi, nhưng lãnh đạo có bao giờ nghe đâu?, thế nên đất nước VN nghèo hèn là vậy.
    Sức sáng tạo trong dân không thiếu, phần lớn nông dân, công nhân, bác sỹ làm việc ở DNTN lao động chăm chỉ cần cù, họ đều bươn chải kiếm sống hằng ngày, năng suất lao động thấp hiện nay trước hết tại các cơ quan công quyền, chính phủ, các DNNN được NN bao cấp, các ban bệ của đảng, các hội ăn lương từ ngân sách NN, chính những người mang danh công chức NN là những người có năng suất lao động thấp.
    Còn năng lực lãnh đạo?, phải nói thẳng với kiểu bầu bán lãnh đạo hiện nay, VN còn lâu mới có những nhà kỹ trị giỏi, tập hợp quanh họ là những chuyên gia KT, nhà hoạch định chính sách hàng đầu, vì sao lại thế?, vì đảng cử, dân bầu lấy lệ!.
    Phát triển giáo dục? Hồ Chí Minh đã nói từ ngày thành lập nước VNDCCH rồi, ông cha ta nói lâu rồi, từ thời vẫn là PK.
    Năng lực phát triển của 1 đất nước thời nay phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: 1 là kinh tế thị trường, bình đẳng tự do kinh doanh, cạnh tranh, dân chủ, người dân trực tiếp bầu lãnh đạo. 2 là tố chất con người của đất nước đó. Bằng chứng: Hàn Quốc và Philipin, 2 nước này đều là đồng minh của Mỹ, chịu ảnh hưởng của văn hóa, dân chủ Mỹ, sau hơn 60 năm hòa bình phát triển (từ 1951-1953 đến nay), 2 nước này có mức sống người dân khác hẳn nhau, thì đấy là do nội lực con người của Hàn và Phi khác nhau.
    VN thì sao?, ông Lý Quang Diệu, cựu thủ tướng của Singapo cho rằng: con người VN có chỉ số thông minh xếp thứ 2 đông nam á, chỉ sau Singapo, cái này được các nước xung quanh VN thừa nhận, vấn đề còn lại là cái độc quyền lãnh đạo, độc quyền bầu cử của VN mà thôi.
    Văn kiện đại hội đảng ghi: "...phấn đấu đến năm 2020 đất nước ta cơ bản trở thành 1 nước công nghiệp...", đến nay, năm 2015 mà vẫn không SX nổi cái ốc vít cho Samsung thì công nghiệp cái gì?. Các thế hệ lãnh đạo cao nhất từ NVL, ĐM đến LKP, NĐM, NPT đều không hoạch định được con đường phát triển CN nước nhà: máy móc, thiết bị, phụ tùng đều mua, nhập khẩu hết, trong khi DN trong nước có những máy, thiết bị thừa sức làm được. Đã xác định nền nông nghiệp nước nhà nuôi sống hơn 90 triệu dân, lại còn xuất khẩu hơn 4 triệu tấn gạo mỗi năm, sao NN không hỗ trợ những DN đầu tư vốn vào nông nghiệp, nghành nghề như: máy, thiết bị nông nghiệp, công nghệ bảo quản, chế biến nông nghiệp, thức ăn gia súc, phân bón, giống, thuốc trừ sâu, lo đầu ra sản phẩm nông sản cho nông dân?, hay là nhập tuốt, mặc kệ dưa hấu, vải thiều, thanh long, cá tra, ba sa, tôm v.v... cho các đầu mối thu mua, đầu mối bán?, dẫn đến ép giá, gây thiệt hại cho nông dân, ông NN lo đầu ra cho nông sản thì các đầu mối thu mua, nông dân đều được hưởng lợi.
    Chỉ cần ưu tiên cho nông nghiệp phát triển, ưu đãi những DN phục vụ cho nông nghiệp bằng cách hỗ trợ vốn, thuê mặt bằng, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm đã kéo theo 1 loạt những DN làm các nhành nghề khác như: cơ khí, chế tạo máy nông nghiệp, thiết bị chế biến, nhà xưởng v.v.... làm ăn theo.
    Các ngành khác thì sao?, thiết bị y tế, giáo dục nhập, giao thông vận tải nhập, nhập khẩu tuốt, thế thì nền công nghiệp chế tạo những thứ ấy làm sao mà ngóc lên được, trở về thực tế SX cái ốc vít cho Samsung không được là vì nguyên nhân như vậy.

    Trả lờiXóa
  5. Ba chìa khóa để một quốc gia phát triển , theo tôi (Dương Trọng Hoàn ), là XÃ HỘI DÂN SỰ _ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN _ THỊ TRƯỜNG CANH TRANH.

    Trả lờiXóa
  6. Cái chìa khóa cơ bản là CÓ TÍNH NGƯỜI!

    Trả lờiXóa