Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Về sự cố sập hầm dẫn nước thủy điện Đa Dâng

                                                                           * * NGUYỄN CHÍ
Vụ sập đường hầm dẫn nước thủy điện Đạ Dâng (TĐĐD) khiến 12 công nhân bị mắc kẹt hơn 80 giờ đã được giải cứu. Người người đều vui mừng phấn khởi. Và bây giờ là lúc chúng ta có thể thảo luận : nguyên nhân nào dẫn đến sập hầm ? ai phải chịu trách nhiệm?
Năm 2000 Chí tôi đã được mời tham gia thiết kế TĐĐD nhưng sau đó do những rắc rối từ nội bộ của một công ty con thuộc Cenco5 nên đã ngừng lại.
Nay nhân vụ sâp hầm TĐĐD, lại nghe ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Long Hội (chủ đầu tư TĐĐD) trình bày là: “Địa chất ở khu vực này rất phức tạp…. Hơn nữa, thời gian này trời mưa kéo dài hơn 1 tháng, nước và đất chảy ra từ các khe của phần chắn cũng là một trong những nguyên nhân làm sập hầm”. Như vậy theo ông Thăng nguyên nhân sập hầm là do …trời.
 Vì lẽ trên Chí tôi muốn có vài lời với mục đích góp vui cho các còm sĩ.
***
Vài nét sơ lược về thủy điện Đa Dâng
Công trình TĐĐD được xây dựng trên sông Đa Dâng thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, cách Nhà máy Thủy điện Suối Vàng (Ankroet) 6 km vế phía hạ lưu và cách thành phố Đà Lạt khoảng 14 km về phía Tây.
Căn cứ vào quy hoạch thủy điện nhỏ của Bộ Thủy Lợi thực hiện từ năm 1990, kết hợp vời điều tra khảo sát tại thực địa, trong thiết kế (năm 2000) chúng tôi đã đề xuất 3 phương án với công suất từ 4 – 10 MW trong đó có phương án dẫn nước sang suối Dachmo (chuyển lưu vực) bằng đường ống dẫn nước chứ không làm đường hầm.
 Lý do:
-  Với CTTĐ nhỏ (quy định của Bộ Công Nghiệp: Công trình TĐ có công suất dưới 30 MW là TĐ nhỏ) thông thường người ta không làm đường hầm, vì thủy điện nhỏ vốn đầu tư ít trong khi đầu tư cho đường hầm rất tốn kém nên dự án sẽ không hiệu quả. Ví dụ : khi xây chung cư cao cấp người ta phải bố trí thang máy, nhưng khi xây nhà ống một trệt và 1 đến 2, 3 lầu người ta chỉ làm cầu thanh bộ.
-  Việc xây dựng đường hầm gắn liền với với yêu cầu khảo sát địa chất công trình nghiêm ngặt qua các giai đoạn: Khảo sát sơ bộ, khảo sát phục vụ thiết kế kỹ thuật và khảo sát trước khi thi công (đây là một trong những khâu quan trọng nhất). Trong các giai đoạn khảo sát này cần phải bố trí nhiều mũi khoan để không bỏ sót những khu vực có địa chất xấu (đá bị phong hóa mãnh liệt, có xen kẹp sét gây thấm v.v…). Vì vậy gây tốn kém kinh phí cho nhà đầu tư
Cần lưu ý rằng theo “Hướng dẫn thiết kế đường hầm thủy lợi-thủy điện” HDTL-C-3-77 (tài liệu này được dịch nguyên văn từ tiêu chuẩn thiết kế của Liên Xô) thì “khi thiết kế đường hầm cần phải tránh những đoạn có địa chất công trình bất lợi (như có sự phá hủy kiến tạo, đá bị phong hóa mạnh, có thấm nước lớn gây trượt, sụt lở v.v…)”. Theo đó hàng loạt công trình thủy điện như Hòa Bình, Yaly, Đại Ninh, Hàm Thuận- Đa Mi v.v…đều có  đường hầm dẫn nước đi qua khu vực có đá gốc rắn chắc hoặc phong hóa nhẹ. Đến nay các đường hầm này vẫn hoạt động tốt, an toàn,
Về mặt năng lượng chúng tôi đã chọn phương án dẫn nước sang suối Dachmo để có công suất thiết kế 10 MW. Phương án này có nhược điểm là về mùa kiệt sông Đa Dâng sẽ thiếu nước (vì nước đã chuyển sang suối Dachomo để phát điện). Nếu chọn công suất lớn hơn 10 MW (14 MW như tư vấn Trung Quốc thiết kế hiện nay) phải cần lượng nước nhiều hơn. Như vậy sông Đa Dâng ở hạ lưu công trình sẽ cạn kiệt gần như hoàn toàn. Nói theo ngôn ngữ của các nhà báo là “sẽ gây ra một thảm họa về môi trường”. Bài học về thủy điện Đăk Mi 4 vẫn còn nóng hổi:  Nước từ TĐ Đăk Mi 4 trên sông Vu Gia đổ về sông Thu Bồn làm cho sông Vu Gia ở hạ lưu công trình cạn kiệt nước. Dân tình Tp Đã Nẵng kêu trời vì không có nước dùng)
Về sự cố sập hầm dẫn nước thủy điện Đa Dâng
Bây giờ chúng ta trở lại sự cố sập hầm TĐĐD.
Những gì chúng ta quan sát được qua các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày gần đây có thể khẳng định rằng: Đường hầm TĐĐD đã đi qua khu vực địa chất xấu. Chính ông Thăng cũng thừa nhận : “Địa chất ở khu vực này rất phức tạp “.
Đây không phải là khu vực đá gốc rắn chắc hoặc phong hóa nhẹ như theo “Hướng dẫn thiết kế đường hầm” HDTL-C-3-77 khuyến cáo. Như vậy có các khả năng sau:
Đơn vị khảo sát địa chất đường hầm khảo sát sai.
Lập báo cáo địa chất sai. Khảo sát sai có thể xẩy ra trong hai trường hợp:
a.)   Do tư vấn thiết kế lập đề cương khảo sát sơ sài. Đơn vị khảo sát địa chất làm đúng đề cương. Báo cáo địa chất được lập dựa trên một số mũi khoan sơ sài đi qua đá gốc, bỏ sót những khu vực địa chất xấu.
b.)  Tư vấn thiết kế lập đề cương khảo sát đúng, chi tiết. Đơn vị khảo sát địa chất không làm đúng đề cương. Báo cáo địa chất được lập dựa trên những số liệu không trung thực (ví dụ: chỉ khoan sâu 20 m, báo cáo là 40m. Chỉ khoan 50 lỗ, báo cáo là đã khoan 100 lỗ v.v..).
Đơn vị khảo sát địa chất đường hầm khảo sát đúng.
 Lập báo cáo địa chất đúng là đường hầm đi qua khu vực địa chất xấu, đất thấm nước mạnh và dễ sụt lún. Khả năng này có thể xẩy ra trong hai trường hợp:
a.)  Mặc dù biết khu vực đường hầm đi qua có địa chất xấu như báo cáo địa chất nhưng đơn vị thiết kế đã không thay đổi tuyến (tìm vị trí có đá gốc rắn chắc) hoặc không có  thiết kế xử lý chi tiết, đúng kỹ thuật cho khu vực địa chất xấu .
b.)  Đơn vị thiết kế đã có thiết kế xử lý chi tiết cho khu vực địa chất xấu, Nhà thầu thi công đã không làm đúng thiết kế.
Từ các các giả thiết về nguyên nhân sự cố như đã nêu trên, dù là nguyên nhân nào thì các pháp nhân sau đây đều phải liên đới chịu trách nhiệm: Chủ đầu tư, tư vấn giám sát, cơ quan phê duyệt dự án.
Rõ ràng sập hầm TĐĐD hoàn toàn là do con người gây ra. Mọi ý kiến đổ lỗi cho khách quan (địa chất xấu, mưa gió, thời tiết, bất khả kháng  v.v..) chỉ là ngụy biện, nhằm trốn trách trách nhiệm.
     N.C (Tác giả gửi BVB)                                                                                  

------------

Giá mà “ông đa” có tai


“Sự cố sập hầm xảy ra là bất khả kháng, do yếu tố tự nhiên vì địa chất yếu, trời lại mưa kéo dài cả tháng. Không ai lường được địa chất phức tạp như vậy”. Đây là lời phát biểu của chủ đầu tư sau “thảm họa Đạ Dâng” khiến 12 công nhân mắc kẹt trong vụ sập hầm lò suốt 82 giờ đồng hồ.
Sập lò là do “ông địa”. Sập lò là do ông giời. Sập lò là bởi “bất khả kháng”. Hóa ra công trình 500-700 tỉ đồng cũng trông giời như cái lò vàng tặc. Thông thường như việc nứt cầu là tại trời mưa, như đường nẻ là tại nền địa chất yếu. Cách lý giải như vậy là rất rõ ràng. Rõ ràng ở việc chủ đầu tư ráo hoảnh, đang né hết trách nhiệm bằng cách đổ cả cho đất, cho giời, có khi còn là do cả số phận nữa.
Nó ráo hoảnh đến nỗi lời xin lỗi gắn kèm có vẻ gì đó như là sự khiên cưỡng.
Giá mà “ông địa” có tai, giá mà ông giời có mắt thì chắc chắn cũng phải ngửa cổ hỏi giời rằng vậy thì hàng tỉ tỉ đồng khoan thăm dò địa chất, hàng tỉ tỉ đồng thiết kế kỹ thuật thì để làm gì (!?).
Cũng may là còn có người minh oan cho “ông địa”.
“Việc quy tội cho nền đất xấu là ngụy biện. Tôi đã từng làm nhiều công trình có nền đất xấu hơn. Rõ ràng, nhà thầu quá chủ quan và thiếu các biện pháp an toàn cần thiết”- ông Hoàng Khắc Bá - chuyên gia địa chất công trình nền móng (Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng) nói. 
Còn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thì khẳng định: “Có thể do địa chất yếu, nhưng người khảo sát, người thi công phải có biện pháp...”. Với sự cẩn trọng cần thiết, bộ trưởng nói hiện tại chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân sập hầm, nhưng ông cho rằng cần phải để các chuyên gia, các cơ quan chức năng liên quan điều tra, xem xét một cách nghiêm túc.
Cuộc giải cứu thành công không phải là lý do, không thể coi như một cái thở phào để có thể đổ lỗi hết cho giời đất. Bởi chừng nào giời đất còn là nguyên nhân cho những thảm họa, chừng nào người ta vẫn nói đến sự cố bất khả kháng như một hình thức bao biện cho trách nhiệm thì chừng đó những sự cố vẫn còn xảy ra và các cụ đã nói cấm có sai câu nào rồi “phúc bất trùng lai, họa đơn vô chí”.
Đào Tuấn/(Lao Động)
----------------

14 nhận xét:

  1. Trương Minh Tịnhlúc 09:53 25 tháng 12, 2014

    Tôi đã từng là cán bộ công nhân viên. Tôi biết rất rõ : Trọng phe phái .Dìm nhân tài.. .....Cho rằng "hồng hơn chuyên".Nên mấy ông làm cái gì cũng dzõm.

    Trả lờiXóa
  2. "Thưa các đồng chí!
    Sập hầm là do đất từ trên hầm sập xuống. Chắc chắn là do Ông Địa ở đây thuộc thế lực thù địch, mới chống phá lại sự phát triển của chúng ta. Đó là bằng chứng rất rõ. Yêu cầu phải triệu tập ông ta để điều tra làm rõ!"
    (Nhửng người có chách nhiệm)

    Trả lờiXóa
  3. Như thế này mãi thì đất nước sẽ ra sao ? sẽ đi về đâu ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. về ..... thiên đường xhcn chứ về đâu nữa....

      Xóa
    2. "Đi về đâu hỡi dân?... Khi trong lòng không chút nắng!... Giấc mơ đời xa vắng..."

      Xóa
  4. Để thiết kế một công trình thủy điện ,dù to hay nhỏ cần rất nhiều kỹ sư ,chuyên gia thiết kế các chuyên nghành khác nhau nên việc thẩm tra ,phê duyệt dự án không thể vì thế mà giao cho địa phương hay những cty tư vấn nhỏ lẻ không đủ kinh nghiệm thực hiện như hiện nay.

    Các sở công thương không thể có đủ chuyên gia các bộ môn để thẩm duyệt nên sự cố đã xảy ra thường xuyên tại các công trường xây dựng thủy điện nhỏ.

    Việc toan tính tiết kiệm bằng cách cắt bỏ khối lượng khảo sát,giảm giá thiết kế cho được một đồng từ khâu tư vấn thiết kế ,giám sát thi công có thể phải trả giá 10 đồng nhiều hơn vì công trình thiếu những phương án tối ưu hơn,hay sự cố có thể xảy ra do thiếu tài liệu khảo sát.

    Trả lờiXóa
  5. Hồi còn con nít, chúng tôi thường có câu "ăn gian nó giàn ra đó" và "Trời có mắt".
    Rõ ràng đây là do "gian lận" trong khảo sát, thiết kế, phê duyệt và thi công. Tất cả đều kí hoàn tất đảm bảo.
    Một sự cố tày trời như thế mà trả lời theo kiểu do ...trời đất, số phận... thì còn bao công trình sau này sẽ rồi lại qua quýt thôi. Đây là do không trọng nhân tài và không có trọng tài phán xét!
    Mọi thiệt hại đều đổ đầu dân : THUẾ!

    Trả lờiXóa
  6. Báo TN nói do giàn cây chống hầm "chất lượng kém" nên sập!
    Nó nói lên bản chất thật của những kẻ đang "làm ăn" trong xã hội/ché độ này!

    Trả lờiXóa
  7. Tai nạn sập hầm này là do sự yếu kém của "con người mới XHCN"! Không phải thiên tai địch họa.

    Trả lờiXóa
  8. Chính cái "quyền làm chủ TẬP THỂ",và sự "định hướng XHCN" trong mọi lĩnh vực của XHVN đương đại là NGUYÊN NHÂN CỦA MỌI NGUYÊN NHÂN đã "tạo" ra vô vàn những điều trái ngang không chỉ đe dọa tính mạng của con người,tài sản của quốc gia,mà hơn thế còn đe dọa cả sự tồn vong của DTVN...

    Trả lờiXóa
  9. Cách trả lời của chủ đầu tư nầy là tiển lệ TỐT cho các nhà thầu XD sau này: Nếu xây nhà,nhà có sập thi nhà thầu bảo là do ĐẤT yếu tự lún,nếu xây cầu mà cầu sập thì cũng do ĐẤT yếu tự lún,....và cuối cùng là ông vua tổng Trọng sẽ kết thúc bằng câu:"tất cả các việc XÂY DỰNG này đều do trời đất hết ví như ta đây xây dựng XHCN không hoàn tất cũng do trời đất ạ..!

    Trả lờiXóa
  10. "Đến hết thế kỉ này củng chưa chắc xây được cái thuỷ điện an toàn"

    Trả lờiXóa
  11. Chúng tôi đi không thấy phố, thấy nhà
    Chỉ thấy mưa sa trên nền cờ đỏ...

    Trả lờiXóa