Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

“THỨC CÙNG BÓNG TỐI” - Tập thơ hay nhất năm 2014

'MẶT TRỜI KHIẾM THỊ' VÀO THƠ

* TRẦN MẠNH HẢO
            Sau khi chúng tôi (TMH) đưa lên FB một số bài thơ, câu thơ hay của nhà thơ khiếm thị Nguyễn Việt Anh trích trong tập thơ lục bát “Thức cùng bóng tối” ( NXB Hội nhà văn 10-2014) chưa đầy một ngày đã có mấy chục “còm” hưởng ứng khen thơ hay. Trong số “còm” này, có lời của nhà thơ Trần Đăng Khoa ( tên FB là “Đảo chìm” viết như sau : “Nhiều câu quả là hay thật, và hay nhất là không ngửi thấy mùi Trần Mạnh Hảo. Sợ bố Hảo lại vẽ ra một nhà thơ, như lão đã từng vẽ ở... thế kỷ trước. Bác đưa hết thơ cô bé này lên fb đi. Tuyệt !”.
Thưa với nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nguyễn Việt Anh, tác giả tập thơ lục bát “Thức cùng bóng tối”, không phải là một cô bé, mà là một người đàn ông đã 32 tuổi, hiện sống tại Hà Nội. Năm 15 tuổi, cậu thiếu niên Nguyễn Việt Anh mắt đang sáng rỡ như mọi người đã bị ngã đứt dây thần kinh thị giác, hỏng hai con mắt, bị mù . Nghĩa là suốt 17 năm nay Nguyễn Việt Anh sống toàn phần trong bóng tối.
Mất đôi mắt, mặt trời đối với Nguyễn Việt Anh cũng chỉ là mặt trời khiếm thị. Anh đã tập nhìn bằng trái tim mình: Nhìn bằng tai, nhìn bằng tay, nhìn bằng xúc giác, vị giác, nhìn bằng hơi thở, nhìn bằng cả bàn chân và nhìn bằng chiếc gậy dắt anh đi…
Hóa ra trong tâm hồn và thân xác nhà thơ trẻ này đã xuất hiện tinh thần nghìn tay nghìn mắt của Phật. Anh đã nhìn thấy những gì mà người có đôi mắt sáng chưa hẳn đã nhìn thấy. Có lẽ trong nền thi ca Việt Nam và thi ca thế giới chưa ai viết về giọt mưa hay như  Nguyễn Việt Anh trong bài thơ 2 câu sau :
“Giọt mưa làm ướt nỗi buồn
Hay buồn làm ướt tâm hồn giọt mưa ?”


Nhà thơ chắc đã mang “tâm hồn giọt mưa” trong nỗi buồn ướt nước mắt của mình, hay giọt mưa từng là hóa thân của anh, một giọt mưa cô đơn, một giọt mưa buồn, một giọt mưa khiếm thị ? Chỉ đọc câu lục bát thần kỳ này của Nguyễn Việt Anh đã khiến tôi ngơ ngẩn suốt cả chiều. Tôi đang có cảm giác phiêu bồng như thuở xa xưa được đọc bài thơ lục bát tuyệt vời của nhà sư Huyền Quang dịch bài thơ chữ Hán “Hữu không” của Đạo Hạnh thiền sư thời Lý :
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Kìa xem bóng nguyệt lòng sông
Ai hay không có, có không là gì ?
               /(Hữu không
Tạc hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu, không như thuỷ nguyệt,
Vật trước hữu không không)/.
           Thế giới trong lòng ta hay thế giới ngoài ta cái nào thật hơn ?
           Tính “sắc không” nhà Phật ám ảnh hồn thơ Nguyễn Việt Anh khi chừng như anh đã vượt qua bể khổ đắng cay như hai câu viết về bóng với hình trong loạt thơ 2 câu :
“Nâng ly bóng chạm với hình
Tưởng ta cay đắng một mình mà đôi”
Thân không còn đôi mắt, nhà thơ dùng tâm nhãn nhìn ra thế giới. Anh cụng ly với bóng mình. Tưởng chỉ mình cay đắng, hóa ra bóng cũng đắng cay ! Không nhìn thấy ánh sáng, không thấy mặt trời nhưng nhà thơ khiếm thị vẫn nhìn thấy bóng mình đang sẻ chia cay đắng cùng anh. Hình như hai nỗi cô đơn cộng lại làm con người bớt cô đơn chăng ? Nhưng hai nỗi đắng cay cộng lại có thành ngọt ngào ?
Nhà thơ khiếm thị hình như có thiên nhãn bên trong; anh có khả năng thấy cái thật xa hơn cái thật gần; anh ngẫm nghĩ về cái lẽ đuổi theo thì mất mà buông ra thì còn, cái thân xác vuột mất nhưng cái hồn thì ở lại, tưởng thực mà hư, tưởng hư mà thực:
Xin độc giả đọc bài "Em" trang 26 :
Em là thực hay là mơ
Xa thì rõ gần lại mờ...mờ sương
Sao em như thể làn hương
Đuổi tìm thì mất nhãng buông thì còn ?
Nguyễn Việt Anh viết về cái nhớ thương đến tận cùng: Yêu đến dửng dưng, thương đến lạnh lùng cằn khô, nhớ đến cạn kiệt thờ ơ, mong nhớ quá tới mức hững hờ...Bài "Không đề 4" trang 33 là bài lục bát tài tình của một người yêu đến cạn lòng cạn ý. Những câu thơ viết nhẹ như không mà day dứt lòng người, mà làm lòng ta chẳng đặng đừng thương cảm:
                                    Yêu em yêu đến dửng dưng
Thương em thương đến lạnh lùng cằn khô
Nhớ em nhớ đến thờ ơ
Mong em mong đến hững hờ cả em
Anh có câu thơ viết về cái hôn rất hay, mãnh liệt chưa từng có trích trong bài "Ngọn lửa":
Trong ta ngọn lửa chập chờn
Muốn hôn lại sợ nụ hôn cháy bùng
Chao ôi hôn em anh sợ lắm: Sợ lám cháy bùng em bởi anh đang là lửa hôn rơm mà !
Nguyễn Việt Anh mượn chuyện em nhổ tóc sâu cho anh mà nghĩ ngợi đến muôn vàn mai hậu, nghĩ đến nấm mồ anh sau này ai nhổ cỏ, khiến người đọc rùng mình bi thương trong bài "Tóc và cỏ", trang 48:
Giờ em nhổ tóc dùm anh
Ai người nhổ cỏ giúp mình ngày sau
Yêu đi cho tóc bền màu
Lo gì cỏ mọc trên đầu một mai
Câu thứ bốn của bài thơ này làm bài thơ sâu lắng, ngậm ngùi, nâng chuyện em nhổ tóc sâu cho anh lên một tầm triết học mới: Cỏ thiên thu là tóc xanh của con người mãi mãi…Em cũng đâu còn để nhổ tóc cho anh !
Nguyễn Việt Anh có nhiều tứ thơ lạ, bất ngờ. Thơ anh ngẫm chuyện đời buồn vui, thảng thốt. Chỉ có chuyện ta vui đùa ném sỏi xuống hồ mà anh cũng viết thành thơ, viết thành một nỗi niềm sâu kín: Có khi cái vui vô tình của ta là cái đau buồn của kẻ khác, cái nghịch ngợm của ta có khi làm thương tổn cá tôm trong bài "Thú vui", trang 52:
Nhặt những hòn sỏi ven bờ
Ném vào vô định mặt hồ du dương
Thú vui tưởng rất bình thường
Ai ngờ chú cá bị thương một ngày…
Nhà thơ khiếm thị không nhìn thấy hòn sỏi, không nhìn thấy cái hồ, không nhìn thấy cá bị thương do hòn sỏi vô tình ném xuống. Nhưng tâm hồn anh có đủ sỏi, đủ hồ, đủ cá cho bao bạn đọc đến ném và đến đọc thơ anh, đặng bất chợt xót xa cho chú cá bé nhỏ biết đâu vừa bị thương vì trúng đạn sỏi! Bài thơ này anh viết với tâm trạng một thiền sư, một con người giàu lòng bác ái muốn ôm vào lòng mình vạn vật dấu yêu.
Với những câu lục bát bình dị, sâu lắng của con người sống và nhìn bằng nội tâm, Nguyễn Việt Anh làm ta ngạc nhiên ngay cả trước cái vô thường của biển trong bài "Trước biển", trang 55:
Hải âu giờ đã khác rồi
Cái vỏ ốc cũng qua thời mê say
Cát là cát của hôm nay
Chỉ riêng con sóng vỗ đầy ngày xưa
Câu thứ tư bài thơ này là thần bút: “Chỉ riêng con sóng vỗ đầy ngày xưa”…Sóng xưa vẫn vỗ trong lòng anh đầy ắp. Hôm nay vẫn là ngày xưa. Tâm hồn nhà thơ không có không gian và thời gian, biển của tình yêu không có quá vãng, hiện tồn và vị lai…Mọi cái thay đổi nhưng tâm hồn anh vẫn còn nguyên biển ấy, sóng ấy. “Vỗ đầy ngày xưa” quả là diễm lệ lưu tình; sóng nay vẫn vỗ vào biển xưa đầy ắp nỗi niềm hôm nay…
Một chiếc lá rơi vào tay thi sĩ cũng u hoài trầm mặc, cũng mang số phận con người từng phút phải chia li với chính mình hay chia tay với hoài niệm khổ đau theo gió cuốn đi chiếc lá ước lệ cuối cùng của buồn thương u uẩn trong bài "Trắng tay", trang 56:
Thu đi em cũng đi rồi
Chỉ còn hoang vắng tôi ngồi với cây
Ngậm ngùi đón chiếc lá bay
Biết đâu gió giật khỏi tay nỗi buồn
Còn một giọt buồn cầm trên tay gió cũng có cơ giật mất. Buồn ơi, em như một chiếc lá vàng rơi cuối cùng của cây đời yêu dấu đậu vào tay anh một thời xa vắng, xin gió đừng tàn nhẫn giật phăng ! Còn một chiếc buồn cỏn con cũng không giữ nổi, nhà thơ anh còn cái gì để nhớ để thương ngoài chút lá vàng của mùa thu cũ ?
Trong tập thơ lục bát này, Nguyễn Việt Anh đã tặng bạn đọc nhiều câu thơ hay; ví dụ câu hay trang 58, bài "Vô hình":
Em tin trong cõi vô hình
Có bàn tay đỡ tay mình không em ?
Từ cõi hữu hình, nhà thơ buông một nghi vấn vào cõi vô hình: Rằng trong cõi hư vô kia có ai chìa cho anh một cái gậy, một bàn tay dìu anh không? Hỏi tức là anh đã trả lời: Cái tâm nhân hậu của anh lúc nào cũng chìa niềm nâng đỡ anh dù trong đời thật hay trong cõi vô hình mai sau.
Tôi yêu câu thơ hay bất ngờ này:  “Gửi em trang giấy viết đầy trắng tinh” trong bài "Viết cho em", trang 59:
Suốt đêm thức với mưa rơi
Thức hoài chẳng biết trả lời sao đây
Tâm tư thật khó giãi bày
Gửi em trang giấy viết đầy trắng tinh
Ba câu đầu chỉ là sự, câu kết mới là tình, là cõi mênh mông của tuyết trắng tình yêu gửi em mà chỉ người khiếm thị Nguyễn Việt Anh mới nhìn thấy, để hồn anh “viết đầy trắng tinh” lên màn đêm vĩnh cửu vây quanh.

*

Hầu hết phẩn cuối tập thơ là những câu thơ hay, chúng tôi chỉ xin trích ba câu lục bát làm bằng:
Trăng dan díu với dòng sông
Bỏ tôi khuyết với mênh mông đất trời...
Trăng đa tình bỏ tôi dan díu với dòng sông khiến cả đất trời cùng khuyết ! Nhà thơ đang dan díu với ngôn từ thơ  ca bỏ người đọc cùng khuyết với vầng trăng…Cho hay cái mênh mông đất trời trong cái nhìn tâm nhãn của Nguyễn Việt Anh cũng vừa ló thành trăng lá lúa…
Nguyễn Việt Anh trong hành trình đi tìm cái tôi đã hóa con dế mèn thi ca đào rỗng nội tâm mình, xem trong mình có mấy cái tôi; hay có ai ngộ nhận mình nấp trong hồn mình làm ra mấy cái tôi giả chăng ? Nhưng anh không thấy cái tôi nào ngoài cái chân tôi; rằng tôi chính là tôi trời đất ạ:
Ngoài trời còn có trời cao
Trong tôi biết có tôi nào tôi hơn
Tìm thấy mình rồi nhưng anh lại vấp phải bậu cửa kiếp người có tên là sắc không; rằng sao ta vẫn có chút nghi ngờ mình không không có có:
Gồng mình lên để nói không
Chi bằng nói có cho lòng nhẹ vơi…
Vâng, có tôi đây, tôi là Nguyễn Việt Anh, tôi đang có mặt trên cuộc đời này để mang vầng mặt trời khiếm thị vào tập thơ lục bát: “Thức cùng bóng tối”…
Có lẽ đây là tập thơ hay nhất năm 2014 mà chúng tôi hân hạnh giới thiệu cùng bạn đọc ?
Nguyễn Việt Anh, chàng trai khiếm thị sinh năm 1982 đang sống ở Hà Nội, với số điện thoại : 0973820249 . Bạn đọc nào muốn có tập thơ lục bát hay này xin gọi về cho Nguyễn Việt Anh…
Thật lạ lùng, một nhà thơ thiếu đôi mắt đã có tài biến tất cả tay chân, biến khứu giác, xúc giác, vị giác, linh giác, vô giác, biến tâm hồn và tư tưởng mình thành rất nhiều con mắt để nhìn sâu vào con người, nhìn sâu vào vạn vật. Và ở đó, anh đã gặp một người tình chung thủy, ấy chính là thi ca. Anh đã sờ thấy một giọt sương lúc rạng đông đang rớm lệ và hỏi: Sương ơi em có mù không ? Và hạt sương chừng như đang trả lời anh: Chúng ta, em và anh đang cùng ánh mặt trời ban mai chơi trò bịt mắt bắt dê…Không, Nguyễn Việt Anh hình như đang thầm trả lời: Sương ơi, anh cùng em đang chơi trò bịt mắt bắt thơ đấy.,.
Sài Gòn ngày 22-12-2014
T.M.H.(Tác giả gửi BVB)
----------------

13 nhận xét:

  1. Nắng hanh vàng

    Hôm nay trời lạnh, nắng khô khan, mai nở chào Xuân mấy đóa vàng.
    Có kẻ đi ngang rơi nước mắt: "Chao ôi mình nhớ quá Quê Hương!".

    Gần bốn mươi năm, trời giá rét, nắng hanh vàng đẹp cuối mùa Đông.
    Là mùa Xuân mới quê nhà cũ, là nhớ sao là trưa nắng trong...

    Nhiều kẻ xa quê từ rất sớm, nhiều người lưu lạc mới vài năm...
    Lòng ai cũng giống như khuôn đúc, một mạch nguồn khơi tại Việt Nam!

    Ai nói "Ở tù trong nhất nhật cũng bằng tại ngoại mấy thiên thu",
    thì đây không phải niềm đau đớn, thì cũng câu hờn cuộc biển dâu?

    Có người cầm bát đi mua Tết chỉ một đồng thôi, thật dễ thương!
    Mình muốn bán ai đồng nước mắt mà buồn không giọt lệ nào tuôn!

    Thì thôi...Người đó đi qua, mất, mình muốn đi theo sợ lỡ làng.
    Mình sống ở đâu đời cũng lỡ, một lần ai đó xuống đò ngang...
    *
    Một lần ai đó, mình tha thiết, nắng héo hon hoài con mắt xưa...
    Muốn rút ruột gan mình bán tiếp, Tết này, ai nhỉ kẻ mua Thơ?

    Nắng sẽ héo hon lòng cũng héo tưới giùm tôi với hỡi người dưng
    câu thơ này viết không dừng lại cho xót xa dài muôn nẻo Xuân...

    Trần Vấn Lệ

    -------
    Mười Lăm Năm Nhớ ôi Là Nhớ

    Hình như ngọn gió Ban Mê Thuột vừa mới bay qua thành phố này. Có mấy con ong đang hút nhụy bỗng dưng vỗ cánh vút mình bay. Hương cà phê thoảng mùi thông núi, lành lạnh như mùi nước Dakmil. Cô gái mặc “chăn” như gái Thượng đưa tay vuốt tóc ngẩn ngơ nhìn. Nhìn lên trời: Chỉ màu mây trắng. Nhìn tháp nhà thờ: Lơ lửng chuông. Mây với tiếng chuông đâu cũng giống. Nhớ Ban Mê Thuột: Mỗi tôi buồn!
    Non nửa trăm năm biệt xứ bùn, cũng là xứ bụi, xứ cà phê, sao lòng tôi vẫn còn nguyên lính: Ði, một lần đi chẳng hẹn về. Ði, bỏ nước đi sau cải tạo, mười lăm năm đã mười lăm năm. Nhiều khi nghe gió mang mùi lạ, nghe gió, hình như gió Việt Nam! Nhớ lắm những cô con gái Thượng ngực trần chăn quấn thắt lưng thon, gùi mang vắt vẻo lên đường dốc, hai gót chân mềm ửng dấu son. Ở đây, gái Mỹ thường mang váy, gió thổi bung rền như mây giăng, người đẹp giấu chân giày bó ống, mơ hồ chút bụi gió tung tăng

    Mười lăm năm, nhớ, ôi là nhớ! Ngọn gió rừng xa lay núi gần. Tôi đứng hành lang tay ấp ngực, sớm chiều tim đập tiếng chuông ngân. Sớm chiều em ở đâu lòng biển, có biết là anh nhớ lắm không? Ai khiến hòa bình ta tản lạc, mây trời với gió tẻ muôn sông. Ai khiến em yêu chi lính nhỉ, và anh yêu lắm gái cao nguyên, nửa trăm năm vẫn chưa tàn mộng, ngọn gió quê người lạ tưởng quen!

    Ngọn gió chiều nay thổi tự đâu? Tự Ban Mê Thuột? Phớt qua lầu. Hành lang tôi đứng tay ôm ngực, giọng Huế em mềm như tiếng ru.

    Trần vấn Lệ



    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mới xuất hiện comt trang này, thơ Trần Vấn Lệ (người họ trần hỏi giọt lệ?) khá giàu hình tượng, cấu tứ không tản, ngôn từ có sự chọn lọc, BVB tặng TVL 4 câu nhé, coi như giao lưu:

      Ngắt nhành cỏ biếc chạm nhẹ xuân
      Em nơi đâu thế, xa hay gần?
      Nắng hồng – hương lửa mùa xuân trước
      Giọt sương đọng nhớ cũng tần ngần.

      Xóa
    2. Trần: đời
      Vấn: vương
      Lệ: nước mắt
      Đúng là tên của một thi sĩ. Đây chỉ là một trong số khoảng chục bút danh của ông mà thôi.
      Được biết ông là một giáo sư dạy Việt văn ở trường Trung học Bùi thị Xuân Đà lạt, sau đó phải nhập ngũ, hình như cấp bậc sau cùng là Trung úy, Sau 75 bị 6 năm cải tạo, vượt biên, hiện đang định cư tại Mỹ
      Ông làm thơ dễ như hơi thở hàng ngày, ông viết ra giấy, bạn bè thu gom lại đem in. Được biết ông có một số lượng hơn 20 ngàn bài thơ đã được xuất bản .
      Ông là người sống rất âm thầm, không facebook, không website, không đăng báo.
      Tôi chỉ là người thích thơ ông, nên sưu tầm mấy bài, đưa lên trang Bác Bồng mà thôi. Dù sao cũng cảm ơn Bác Bùi văn Bồng.

      Xóa
  2. Đọc lại những ý kiến của mình trên báo TT&ĐS, ông Khoa có thấy mình nói hợp lý hợp tình không? Riêng tôi, thấy ông có hơi hướng của tuyên giáo. Hay đó đang là nhiệm vụ của ông?

    Trả lờiXóa
  3. Chỗ Đó Tôi Không Về Nữa

    Chỗ đó, tôi xa đất nước mình, ngàn đêm thao thức một bình minh; ngàn đêm tôi biết mình mơ ngủ, lặn hụp trên dòng sông rất xanh… Chỗ đó, tôi không về trở lại, ngàn năm buồn quá một lần xa. Con chim ngọn trúc chưa ngừng hót, nắng rọi mênh mông những mái nhà. Chỗ đó, tại sao là vĩnh biệt hỡi người tóc xõa trán âm u. Khi em trở bước, lòng ai khóc? Tiếng khóc nào che bóng nguyệt mờ? Chỗ đó, trời ơi tôi để lại trái tim ứ máu chiến trường xưa, bao nhiêu bè bạn ngừng hơi thở, khói đạn thay vòng nhang tiễn đưa…

    Chỗ đó, em ơi anh đã chết, còn con sông đó chở tình em; hôm nao em có qua đình nhớ đếm ngói giùm anh, nhớ kẻo quên…
    07-26-2009
    Trần vấn Lệ
    --------

    Một Bài Thơ Nhảm

    Có một người đàn ông gặp một người đàn bà. Lời đầu tiên người đó thốt ra: Chị xinh đẹp nhất trong phòng hội, Chị mở miệng cười như đóa hoa...

    Người đàn bà đó xanh con mắt mà lạ lùng thay má đỏ hồng: Xin cảm ơn anh lời nói quá, ở đây tất cả đều người dưng!

    Thưa Chị, người dưng tôi biết chứ, nhưng mà với Chị chẳng người dưng. Ðưa tay nàng vỗ lên vầng trán rồi nhẹ nhàng xoay mặt trở lưng...

    Ðời nhẹ nhàng chấm hết ở đây, không ai tin có chuyện sau này. Dĩ nhiên phòng hội khi tan họp, ai nhớ gì chi chuyện của ai?

    Ðời nhẹ nhàng nhưng chẳng lạnh tanh, một hôm không hẹn nắng lung linh, người đàn ông đó đi thơ thẩn lại gặp người xưa con mắt xanh!

    Người đàn ông đó vòng tay nói: Chào Chị, hôm nay thật đẹp trời, gặp Chị thấy yêu trời đất lạ bởi vì Chị giống đóa hoa tươi!

    Người đàn bà ngó hai con bướm, tay chỉ ra vùng cỏ thật xanh: Ðâu có cành hoa nào mới nở, anh nhìn kìa bướm lượn quanh quanh...

    Người đàn ông ngó theo tay chỉ thấy cỏ mùa Xuân đám cỏ non, gió dịu dàng lay từng chút nắng rồi chàng đắm đuối tới hoàng hôn!

    Rồi khi quay lại, nàng đâu mất, cả mặt trời thôi cũng mất theo. Chàng nhớ lại câu chàng mới nói, cả câu còn sót một lời yêu!

    Chàng yêu trời đất hay ai vậy? Trời đất mơ màng bóng tối sa. Ai cũng mơ hồ như cổ tích nhạt nhòa tê tái một màu hoa...

    Thời gian vô nghĩa đến vô duyên mà ngộ tình yêu lại nhãn tiền, gặp gỡ trời xui chung một hội, ngược xuôi không được ghé chung thuyền!

    Chàng tương tư, chết trên đồng cỏ để mặc hoa cười mỗi rạng đông. Nấm mộ của chàng nhang tắt ngúm, từng trang cổ tích nước trôi sông!

    Ba ngàn năm nữa, bài thơ nhảm này nhói lòng ai chắc có nàng? Lúc đó ra sao? Ðầu đã bạc! Ai vòng tay nhắc chuyện thời gian?

    Trần vấn Lệ
    07-05-2009

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trần vấn Lệ! Anh (em ) là ai?
      Đọc thơ bạn làm tôi buồn lay lắc!
      Nhớ mênh mông góc nhỏ tôi nằm.
      Anh lính trẻ gối đầu trang nhật ký.
      Nấm mồ cơi, gió cuốn về trời!!

      Xin lưu những dòng thơ viết như văn của bạn!
      Và xin đọc những dòng này khi tra dư tửu hậu.
      Bạn đang ở đâu? Xin chúc bạn cùng gia đình hạnh phúc, sống để thấy được ngày quê hương đổi mới!

      Xóa
  4. Nguyễn Duy có bài thơ còn hay hơn bài TRE XANH. Nhưng tre xanh đã vào sách giáo khoa và được ca cẩm mấy chục năm rồi không ai muốn thay bài khác hay hơn kể cả ND. Nói về quê Thanh ND có câu : Có gì lạ lắm đi thôi
    Ở gần thì mất, xa xôi lại còn
    Có một số người có tí tiếng tăm cứ muốn thiên hạ phải nghe mình hơn cả cán bộ tuyên giáo ấy chứ.Nhiều lão làng khi gặp người hơn mình nhưng không chịu ơn họ lãng tránh vì thế xướng ca vô loài và nhà thơ đích thực thường lẫn lộn, giá trị bị đảo lộn./.

    Trả lờiXóa
  5. Em Hồi Mười Bảy Bỏ Anh Đi

    Hôm nay tưởng nắng thế mà mưa!
    May sót hôm qua chút nắng thừa
    Để vẫn vàng hoa xanh biếc cỏ
    Để mình âu yếm mối tình xưa…
    Hôm nay mưa tới ngang tầm xế
    Mưa nhẹ nhàng sao nặng trái tim…
    Mưa giống như mưa Đà Lạt cũ
    Mưa hồi anh đứng đợi chờ em!

    Hôm nay anh vẫn như hồi đó
    Vẫn mướt lòng như mới nhớ nhung…
    Trái đất đã xoay vòng thứ mấy
    Trái tim chưa bỏ được mùa Xuân!

    Hôm nay có thể mùa Thu tới
    Ai đuổi mà Xuân Hạ phải đi?
    Có thể mình không còn bối rối
    Mà buồn nhớ lắm buổi chia ly!

    Hôm nay ai ngó lên Đà Lạt
    Ngó hộ giùm tôi hai cội đào
    Bên phố Bà Trưng, trên dốc đá
    Ngôi nhà tôi nhớ, thấy ra sao?

    Ngôi nhà mái đỏ khi trời nắng
    Xam xám buồn hiu lúc gió mưa…
    Em áo dài ơi chiều rất trắng
    Mờ chăng nhân ảnh bóng người xưa?

    Trần Vấn Lệ
    ------

    Happy Valentine’s Day

    Mai Lễ Tình Yêu, em biết rồi
    Quà Tình Yêu có, giống nhau thôi:
    Trái tim và bó hoa hồng đỏ
    Hai thứ…và thêm Một Nụ Cười!

    Không có ai buồn khi tiếp nhận
    Món quà yêu quý của Tình Nhân
    Chỉ thương những kẻ đời đơn chiếc
    An ủi mình còn…thấy Nắng Xuân!

    Mai lễ Tình Yêu, năm mới Tết
    Nắng Xuân ấm áp, gió Xuân êm
    Mình tung bay khắp hoa hồng đỏ
    Mình giữ lại mình Hai Trái Tim!

    Hãy nói rất êm, bước nhẹ nhàng
    Anh làm con bướm trắng lang thang
    Em là hoa nở trong vườn biếc
    Hình ảnh đẹp này Của Thế Gian!

    Mai Lễ Tình Yêu em hãy chờ
    Tiếng chuông Chùa chắc rất nên thơ
    Và chuông của Giáo Đường đâu đó
    Mỗi tiếng ngân là một ước mơ…

    Trần Vấn Lệ
    -------

    Sáng Mù Sương Trắng


    Sáng mù sương trắng núi người ta, em ạ lòng anh lại nhớ nhà... Non Nước, mười năm trời cách biệt, còn Quê Hương đó, biết bao xa!

    Quê Hương giờ chẳng đồng xanh lúa, chẳng phải dòng sông nước lửng lờ, chẳng phải mái tranh làn khói quyện... mà rưng rưng lệ bóng sương xưa!

    Nếu quên mà được Ban Mê Thuột, thì tiếng chim kêu chẳng nhức lòng! Buổi sáng, bao la bầy sáo sậu gọi nhau bát ngát một con sông...

    Sông núi nơi đây cũng có tình hèn chi cây lá mới còn xanh! Hèn chi anh thấy mình đau đớn. Sương trĩu cành kia, nhớ quặn tim!

    Không có bài thơ cho buổi sáng, ngày dài trống trải sẽ bao nhiêu? Em ơi anh ngó sương trên núi, nói thế có bù cho mến yêu?

    Em sẽ làm sao mai mốt này khi thơ anh nắm ở bàn tay? Giọt sương có thể không còn đọng, nhưng bốn phương trời mây vẫn bay...

    Trần vấn Lệ
    --------

    Hoa Hướng Dương


    Bây giờ mà ở Ban Mê Thuột, ta dẫn em luồn mấy lũng sương, mình kiếm lại thời không biết nhớ, mình đi tìm lại thuở mình thương

    Mình thương gì nhỉ? Em cười mỉm. Không lẽ nai vàng ngơ ngác Thu? Không lẽ lá vàng rơi xuống suối? Ðá mòn giày trận trái mù u?

    Em ơi đất nước nơi này lạ, còn chút sương lòng đủ nhớ nhung. Lát nữa, em tan cùng với khói, ta tàn hơi thở tạ non sông!

    Khác chi đâu thuở ta lìa Huế, lỡ để hồn trên những đọt cau, rồi gió trút đi, mưa nhỏ giọt. Quê Hương từ đó chuyện chiêm bao!

    Bây giờ ta biết ta hiu quạnh. Tưởng tượng em gần, em đã xa! Cái mỉm cười kia là thoáng nhớ, thân tình vụng dại thuở mười ba

    Không bao giờ nữa ta về Huế, cũng hết chào em tiếng núi rừng. Vĩnh biệt Trường Sơn mai ướt tóc, chiều đây con mắt chợt rưng rưng!

    Em ơi một nụ hôn lần cuối, mai nở lòng ta đóa hướng dương.

    Trần vấn Lệ



    Trả lờiXóa
  6. Mười lăm năm nửa em mười sáu

    Mười lăm năm nữa em mười sáu...lúc đó là em tuổi-nguyệt-rằm.
    Em có nghĩ rằng ai đứng ngó / em và mơ mộng rất xa xăm?

    Mười lăm năm nữa nhiều hay ít, nói trước bây giờ có kịp không?
    Cái thước thời gian từng nấc tới / bao giờ thước xếp trước mênh mông?

    Bao nhiêu câu hỏi thời niên thiếu / anh thật không ngờ cuộc chiến tranh /
    đã xếp bút nghiên và cũng xếp / thước thời gian của một riêng anh!

    Em mười sáu tuổi anh xa lắm, nay cuối Truờng Sơn mai Cửu Long.
    Lính bộ một đôi lần biết biển...mà đi tàu để chỉ lên rừng!

    Em mười sáu tuổi anh quên mất có mặt trăng tròn rất dễ thương.
    Lúc đó anh nằm lăn nát đất, nát bao năm chẳng thấy nguôi hờn...

    Em mười sáu tuổi bây giờ khác. Mình gặp nhau trong cảnh ngộ kỳ.
    Đá nát vàng phai không thể có / mà thời gian có cánh bay đi!

    Một ngàn năm nữa...không hò hẹn, anh vẻ vời chơi cho có thơ!
    Biết nói với ai mình lỡ hết những mùa Xuân mộng những Thu mơ...

    Em ôm mãi mãi trăng mười sáu, anh vuột đôi tay tiếng thở dài.
    Nếu có kiếp sau anh chỉ ước / Má đừng sinh nữa đứa con trai...

    Nước bốn ngàn năm giặc vẫn còn. Mặt trăng con quạ cắn lên non.
    Nó đang quặm mổ từng gân máu /nhả xuống bài thơ những khói sương!

    Trần Vấn Lệ
    ------
    Ai mơ hồ cái bóng

    Chưa bao giờ trăng ngủ…bởi trăng thao thức hoài. Chưa bao giờ là đủ cho lòng tôi nhớ ai! Nhiều khi ai đâu biết, ai đó là cành hoa / mà tôi là bướm sáng / bay tìm một quê nhà…Và ai đâu có xa / trong tiếng tim tôi đập. Hỡi ơi ai / nước mắt / chảy tràn con mắt tôi. Non nước còn nổi trôi / huống chi người bụi bặm. Tôi nhớ ai nhớ lắm / làm con trăng khuyết mòn. Con trăng nằm trên non, có khi nằm cuối biển, ai làm trăng đau điếng / chạy trốn trời trong mây? Cành hoa tôi ôm đây / còn màu trăng vàng ánh. Từng bài thơ tôi lạnh, tôi nhớ ai Thiên Thu!
    Trăng trôi trong sương mù…Ai ơi đang nghiêng mặt / trên cõi đời nước mắt / đã nhòe chưa Quê Hương? Tôi nhớ thuở trong vườn / hứng hoa cau bay rụng, gặp ai tôi xúc động: Ôi người hay hương hoa?
    Quê Hương là quê nhà. Quê nhà không chỉ một! Tôi cảm ơn lòng tốt / ai cho tôi biết yêu, yêu buổi sáng buổi chiều, yêu chùm cây nhánh cỏ, yêu con chim con thỏ…Yêu Quê Hương xa xăm…Từ đó tôi biết trăng / không bao giờ đã ngủ. Và…chắc ai biết rõ / tôi nhớ ai hơn Em?

    Hoa bông giấy đầy thềm, em ơi tôi lúng túng, em mơ hồ cái bóng, bập bồng trăng bao la…

    Trần vấn Lệ.

    Trả lờiXóa
  7. Đất nước của tôi đất nước thơ.
    Trừ thơ chế độ chỉ thơ buồn.
    Dốc tiền - cái hội xây thơ mới.
    Dốc ngược - trôi sông cũng dư thừa!

    Trả lờiXóa
  8. Buồn Tay Vẽ Một Bài Thơ

    Khi em hiện đến cõi đời này,/ em biết gì không? - Em không biết bay! Anh có cánh mà anh phải bỏ…để từ bữa đó có hai tay!
    Khi em hiện đến em là đất, đất sẵn đây và anh hốt lên, lấy một khúc xương anh trộn đất – người anh yêu quý phải là em!
    Hồi đó trần gian chưa có biển, nơi mình nương náu là vườn hoa, mình ăn trái chín trên cành hái, mình uống nước nguồn suối chảy ra…
    Kìa cây xanh tốt, ba mùa héo! Em chỉ cây và sợ chúng mình, vui vẻ ba năm rồi sẽ hết, em buồn duyên số quá mong manh…
    Anh cười, anh dỗ em đừng sợ, mỗi một ngày ta đủ một ngày; chuyện của hôm qua không nhắc nữa, chuyện gì chưa tới để ngày mai…
    Em cười, từ đó, anh không đói. Em cũng no lòng bởi mến yêu: Một chữ Yêu thôi tình bát ngát, không bao giờ có chữ Buồn Hiu!
    Vậy mà…không biết sao em mất! Anh phủi bàn tay anh, bụi bay…Anh phủi người anh, anh cũng bụi. Và rồi hai đứa mất trong mây…
    Em ơi, anh gọi ai đây nhỉ? Tiếng gió vừa rung tấm cửa gương? Tiếng trái tim anh lần cuối đập? Tiếng rơi tí tách một chùm sương?
    Thưa em, không có chi đây cả, em chỉ là người trong giấc mơ! Em đẹp vô cùng trang giấy trắng, buồn tay anh vẽ một bài thơ!

    Trần Vấn Lệ

    Trả lờiXóa
  9. Tôi cũng mong như Đảo chìm - TĐK, bác TMH đưa tất cả tập thơ lên fb để mọi người được thưởng thức

    Trả lờiXóa
  10. Tôi không thấy hay, thưa bác Hảo bốc đồng ạ!

    Trả lờiXóa