Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

NGHỊCH LÝ NHÂN SỰ

* NGUYỄN THỊ TỪ HUY
Đánh giá về năng lực của đảng viên, đặc biệt là của các đảng viên đứng ở cương vị quản lý các cấp, hiện nay có hai luồng ý kiến khác nhau, khác đến mức đối lập nhau. Không cần phải so sánh các tin tức trên hai luồng báo chí đối lập (lề phải/lề trái) để có nhận xét này. Chỉ cần đọc báo chính thống cũng thấy được sự mâu thuẫn trong đánh giá về năng lực lãnh đạo và quản lý của hệ thống cán bộ.
        Một mặt, bản thân các đảng viên tự coi mình là những người xuất sắc. Họ tự coi mình là « những người con ưu tú của dân tộc », đưa dân tộc « đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác » ; điều này được ghi trong hầu như các sách của nhà nước khi đánh giá về vai trò của đảng, và được ghi trên các khẩu hiệu chăng đầy các đường phố mỗi dịp lễ lạt, kể cả không lễ lạt.
Mặt khác, không ít người nhìn các đảng viên như là các tội phạm lịch sử đã đẩy dân tộc vào những thảm cảnh : nghèo đói, lạc hậu, giáo dục băng hoại, văn hóa suy đồi, tài nguyên kiệt quệ, đất nước lệ thuộc vào Trung Quốc. Nghĩa là xét về năng lực lãnh đạo và quản lý họ là những người rất kém cỏi. Kém cỏi thì mới để xảy ra tình trạng như vậy.
Tại sao cùng một đối tượng mà lại nhận được những đánh giá trái ngược đến như vậy ?
Ai trả lời được câu hỏi này ?
Khi bắt đầu viết blog này tôi đã tự nhủ mình rằng đây sẽ là không gian của các câu hỏi, rằng tôi sẽ đảm nhận cái vai trò của người đặt câu hỏi. Và hy vọng sẽ nhận được câu trả lời từ trí tuệ của mọi người, trong đó hy vọng lớn nhất đặt vào các bạn sinh viên, những người mà trong bối cảnh của nền giáo dục hiện nay chỉ được dạy cho cách học thuộc lòng, bị bắt phải học thuộc lòng, chứ không được dạy cho cách đặt câu hỏi, và cách tự tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi, tức là tự tìm kiếm cách giải quyết các vấn đề của cuộc sống thực tế.
Trở lại với câu hỏi trên đây và hai luồng ý kiến đối nghịch trên đây, bản thân tôi dĩ nhiên chẳng thể nào có được câu trả lời đầy đủ.
Ở đây, xin nhắc lại, tôi chỉ tập trung vào một điểm : ý kiến đánh giá về năng lực quản lý và lãnh đạo của đảng, mà đảng thì không trừu tượng, trái lại đảng hiện thân trong các thành viên của đảng, nghĩa là nói đến đảng là nói đến các đảng viên.
Và tôi giới hạn vấn đề vào một điểm nhỏ hơn nữa : LỰA CHỌN người để kết nạp đảng viên và để đặt vào vị trí quản lý. Về thời gian, chỉ xét từ thời điểm Việt Nam bắt đầu xây dựng và phát triển đất nước một cách độc lập, tức là từ sau 1975 ; bởi vì chính từ thời kỳ này mới có thể đánh giá năng lực quản lý và lãnh đạo công cuộc tái thiết và phát triển quốc gia trong hòa bình, về mọi mặt : kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học…, nghĩa là bài này không đề cập đến thời kỳ chiến tranh.
Đảng viên cho rằng những người được lựa chọn là những người xuất sắc, có nghĩa là bản thân họ là những người xuất sắc. Trái lại, nhận định của một bộ phận xã hội cho rằng những người được đảng lựa chọn là kém năng lực. Nhận định này dựa trên tình trạng bê bối và băng hoại toàn diện của xã hội Việt Nam hiện nay.
Ta thử xét từ góc độ nhìn nhận của những người đảng viên.
Để công bằng thì phải nói rằng, trước khi việc bổ nhiệm nhân sự được tiến hành theo cách thức mua bán như hiện nay, tiêu chí lựa chọn của đảng quả là từng dựa trên năng lực, đảng đã muốn chọn những người xuất sắc, dĩ nhiên là xuất sắc theo thang đánh giá của đảng, trong đó có điều kiện về lý lịch và nhân thân. Lấy ví dụ về trường hợp kết nạp sinh viên vào đảng : người ta không chọn sinh viên kém để cho vào đảng. Để được vào đảng sinh viên phải thuộc diện xuất sắc, và theo tiêu chí hiện hành thì đó là những sinh viên được điểm cao, có hạnh kiểm tốt. Tuy nhiên điểm của sinh viên lại tùy thuộc vào cách dạy, cách ra đề và cách đánh giá bài thi của giáo viên. Do vậy, trên thực tế, giữa một sinh viên đạt điểm cao và một sinh viên đạt điểm trung bình, khó biết được trên thực tế ai giỏi hơn ai. Với cách đánh giá kiểu bộ đề, bài văn mẫu, hiện nay, thì phẩm chất được đánh giá cao là trí nhớ tốt, khả năng học thuộc lòng, chứ không phải sự thông minh, sáng tạo và năng lực tư duy độc lập. Tuy vậy, không loại trừ việc những sinh viên đạt điểm cao là những sinh viên giỏi thực sự.
Và tiêu chí hạnh kiểm tốt ở trường học chúng ta đồng nghĩa với khả năng vâng lời, ở trình độ sinh viên thì đó là khả năng trung thành với lý tưởng của đảng. Các phẩm chất được dạy ở trường: yêu tổ quốc, yêu đồng bào, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm (tất cả mọi học sinh đều phải học thuộc lòng, vì năm điều này được dán trong mọi trường học), trên thực tế bị xếp ở dưới cái yêu cầu phải trung thành với đường lối và nghị quyết của đảng. Càng về sau, yêu cầu trung thành với đảng càng trở thành tiêu chí thiết yếu trong việc lựa chọn cán bộ cho bộ máy nhà nước.
Trên thực tế, đảng cũng đã chọn được những người có năng lực, và có đạo đức. Bởi như đã nói, đảng không phải là cái gì trừu tượng, mà là từng đảng viên cụ thể, ở những vị trí cụ thể, và ở những địa phương cụ thể. Những con người cụ thể đó vẫn có thể có những cách làm việc, ứng xử riêng của mình, cho dù hiện nay bộ máy gần như muốn đồng hóa tất cả.
Hãy nhìn trường hợp Bí thư Hội An, ông Nguyễn Sự. Người đàn ông gầy gò đi một chiếc xe máy cũ tàng. Ông là người đã giữ linh hồn cho Hội An. Theo một cách khác, cũng có thể nói ông là người mang lại linh hồn cho Hội An, đã biến Hội An thành một thành phố được du khách yêu thích bậc nhất ở Việt Nam, vì đến Hội An họ nhìn thấy lịch sử, quá khứ, nhìn thấy các giá trị tinh thần. Lịch sử, quá khứ, bản sắc, các giá trị tinh thần là những thứ mà các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn đang mất dần. Sự biến dạng của chùa Trăm Gian là nỗi đau của người Hà Nội. Và Thương xá Tax đang là nỗi đau của người Sài Gòn. Phá hết, hủy hoại hết như vậy thì làm gì còn lịch sử !!! Một dân tộc sẽ như thế nào nếu không có ký ức lịch sử ? Ông Nguyễn Sự không chỉ làm cho Hội An trở thành điểm du lịch yêu thích, ông đã giữ lại ký ức lịch sử cho không chỉ người Việt Nam. Du khách Nhật, du khách Trung Quốc, du khách Pháp đến Hội An đều có thể tìm lại hình ảnh tiền nhân của mình qua các dấu tích để lại ở thành phố nhỏ bé này, nó nhỏ đến mức gây cảm giác luyến tiếc cho những người dạo phố. Đó là cảm giác mà tôi đã có khi đến Hội An. Tôi đã ước gì Hội An rộng hơn, lớn hơn, có nhiều phố xá hơn, để có thể bù đắp thêm phần nào cho sự xuống cấp về tinh thần và văn hóa của đa số các thành phố khác trên đất nước này.
Tuy nhiên, chính ở điểm này mà ta có thể đặt vấn đề ngược lại. Có thể vì Hội An nhỏ như thế nên ông Nguyễn Sự mới giữ được nó như thế. Ở một thành phố lớn, nơi có nhiều quyền lực kinh tế xâu xé lẫn nhau, ông Nguyễn Sự có làm được điều mà ông đã và đang làm cho Hội An ?
Trường hợp Bí thư Hội An cho thấy rằng không phải toàn bộ đảng viên hay toàn bộ những người đang làm việc cho bộ máy đảng đều là những người thiếu năng lực quản lý hay thiếu đạo đức. Trong bộ máy vẫn còn có những người làm việc cho các giá trị chung của cộng đồng, và có đủ khả năng để làm việc đó. Nhưng những người như thế rất hiếm hoi. [Mở ngoặc để nêu một câu hỏi : tại sao, điều gì trong thể chế này không tạo điều kiện để có nhiều người như thế, trái lại khiến cho họ rơi vào tình trạng hiếm hoi, đơn độc, và ngày càng hiếm hoi hơn ? Câu hỏi này sẽ dẫn tới câu hỏi khác (mà câu trả lời không phải là mục đích của bài này) : một thể chế chính trị như thế nào thì khuyến khích được những người như ông Sự phát triển và tạo điều kiện cho họ xuất hiện phổ biến trong xã hội ?]
Nói về trường hợp ông Nguyễn Sự để tự nhắc nhở rằng : cần phải chống lại cỗ máy phi nhân của cơ chế độc đảng hiện hành, nhưng sẽ sai lầm nếu chống lại con người. Nếu một số lãnh đạo trong các cơ chế độc tài có thể từ bỏ lợi ích của mình (trường hợp gần đây nhất là Then Sen, hiện là đương kim tổng thống Miến Điện) là bởi họ có khả năng nhận ra tính phi nhân của bộ máy đang mang lại lợi ích cho riêng cá nhân họ nhưng lại làm hại cho cộng đồng của họ. Và họ nhận ra được điều đó nhờ phần nhân tính ở trong họ, vì họ là con người, và cái phần con người đó khiến họ có đủ lý trí và sức mạnh để tách ra khỏi bộ máy.
Câu hỏi là : trường hợp ông Nguyễn Sự rất hiếm hoi, vậy có nghĩa là việc ông được lựa chọn không đại diện cho cách lựa chọn người để kết nạp đảng viên và bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo các cấp ?
Paris, 19/10/2014

N.T.T.H/ Blog RFA/TTHN
---------------

11 nhận xét:


  1. Giới lảnh đạo Có công nhưng không có tài ( chỉ nhờ có quan hệ)
    Cấp ở dưới thừa tài nhưng thiếu quan hệ..( do đó bị đì bị ém).
    Mất mùa thì tại thiên tai
    Được mùa là bởi thiên tài đảng ta
    ...hihihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Công" gì, nếu nhân dân không đổ xương máu? Mà cuối cùng là công ốc, chỉ béo bọn tham nhũng!

      Xóa
    2. càng phốt càng chủ chốt

      Xóa
  2. Tại sao quan trí thấp thảm hại? Vì chỉ duy nhất một cách để "làm nhân sự" là "mua-bán" . Những thằng "máu mua" mới mua được , những thằng này thì mục tiêu mua ghế là để kinh doanh : phải bằng mọi giá để bù lỗ và phải có LÃI. Làm nhân sự ở VN là vậy , chẳng cần "thế lực thù địch" nào , rồi cũng tự xụp đổ thôi!

    Trả lờiXóa
  3. bài viết không ấn tượng lắm tuy nhiên tôi có thể giải thích thế này: Đương nhiên là trong hàng ngũ ĐVCS không phải tất cả là ngu dốt và ngược lại không phải tất cả là xuất sắc.Trong tập thể đấy vẫn có một số ít những người giỏi tuy nhiên vì thể chế độc tài nên dù có giỏi anh cũng không thể phát huy cái giỏi đó! bởi phần đông là người bất tài nên họ sẽ tìm cách kéo những người có thực tài xuống vì lòng đố kỵ,tính ích kỷ,lợi ích nhóm..v.vv tóm lại độc quyền sẽ không phát triển được đó là chân lý

    Trả lờiXóa
  4. Vấn đề mà bạn Từ Huy đặt ra là rất lớn nhưng nội dung đề cập của bạn trong bài viết chưa tương xứng,nếu không nói là khá nghèo nàn.

    So sánh sinh viên khá giỏi và trung bình trong môi trường đào tạo hiện nay,bạn cho rằng sinh viên trung bình và sinh viên khá giỏi chưa biết ai hơn ai.

    Cá biệt thì có thể đúng nhưng ở diện rộng,những sinh viên học giỏi trước hết là người có ý thức học tập, chăm chỉ ,biết cách học,biết cách tiếp thu kiến thức và những sinh viên này thường dễ dàng có được việc làm và phát huy năng lực ngay sau khi tốt nghiệp còn sinh viên yếu kém chỉ trông chờ vào mối quen biết hay chạy chọt bằng tiền và phần lớn những văn bản ấm ớ là của đội ngũ cán bộ công chức CCCCC(5C) này.

    Kết quả công việc cụ thể của một cán bộ ,Đảng viên chưa chắc đã đủ để đánh giá năng lực của người đó mà phải thông qua thử thách việc khó trong các môi trường hoàn cảnh khác nhau mới biết chính xác năng lực thực tế của một cán bộ.

    Như bác bí thư Hội an hay Bí thư Đà nẵng chẳng hạn,tại địa phương các bác ấy là "vua ",ngoài pháp luật ra ,bên trên các bác ấy không vướng ai,không phải giải trình báo cáo ai nên bằng uy tín và năng lực cá nhân các bác ấy có thể thực hiện hoàn chỉnh kế hoạch đề ra ở địa phương.Khi về Trung ương thì khác ,uy tín và năng lực chưa đủ ,phải có sự khéo léo trong quan hệ cấp trên cấp dưới ,nói chung là "nhiều cha con khó lấy chồng " hơn.

    Có thể thấy môi trường làm việc ,thời thế quyết định rất nhiều tới kết quả công việc.

    Cũng chỉ là một người VN,nếu ở trong nước ,nhiều khả năng anh ta cũng chỉ là một công dân VN bình thường nhưng sang Đức anh ta lại có thể là một Phó thủ tướng .Hay người quyền lực nhất thế giới hiện tại là TT Hoa kỳ Obama chẳng hạn,nếu ở quê cha Kenya hay ở nơi sinh thành là Indonesia,làm sao ông ta có thể trở thành người quyên lực nhất thế giới được.

    Nói như trên để thấy trong đội ngũ cán bộ công chức viên chức,Đảng viên đảng CSVN hiện nay không phải không có nhiều người tài đức nhưng thể chế tổ chức quản lý Nhà nước VN hiện nay có nhiều khiếm khuyết nên người tài đức không thể phát huy.

    Không riêng ở VN,ở đâu cũng vậy,cơ chế toàn trị không những không khuyến tài mà là ngược lại ,nó là cơ chế khuyến nịnh nên dù anh có tài ,có đức ,có thể nhìn xa trông rộng ,có thể tạo động lực cho xã hội phát triển mà anh không theo nếp cũ dù đã nếp cũ đã thành hủ bại anh cũng chả là gì.

    Lãnh đạo một quốc gia chỉ ưa và xem ổn định là điều kiện tiên quyết như ở VN hiện nay đương nhiên là căm ghét sự sôi động của quá trình phát triển.

    Tư duy giữ ổn định bằng mọi giá của lãnh đạo VN trong trường hợp này chính là tư duy là trì độn bảo thủ ,phản lại sự tiến bộ xã hội và là nguyên nhân gây tụt hậu ,ách tắc chính trị ,kinh tế ở VN hiện nay chứ không phải nguyên nhân là do cán bộ yếu kém hay có vấn đề gì đấy về nghịch lý nhân sự trong lựa chọn cán bộ.

    Lẽ ra phải cải cách thể chế,dân chủ hóa xã hội để cải thiện môi trường xã hội,tiếp động lực cho kinh tế phát triển ,tránh tụt hậu,ách tắc thì Đảng CSVN lại phát động NQ4 về chỉnh đốn cán bộ vì thế mà hành động trêch hướng,không phát huy được hiệu lộng quyền tham nhũng băng hoại xã hội tiếp tục ngày càng phức tạp trong thực tiễn.

    Trả lờiXóa
  5. Chẳng vậy mà mục tiêu lý tưởng và mục đích sống ngày nay Thanh niên nói riêng và XH VN nói chung, đều nằm cái vòng , gần như công thức : [ làm quan chức thì được no cơm, ấm cật, ăn trên ngồi trốc - muốn làm quan thì phải là đảng viên - muốn thành đảng viên phải "ngoan hiền, biết vâng dạ" - đảng viên muốn làm quan thì phải có quan hệ ( hậu duệ,tiền tệ) ] . Bởi do cái vòng nhân - quả độc hại đó đã sinh sản ra hàng loạt đảng viên trẻ chỉ phấn đấu và chỉ biết cái ghế mình ngồi và cái túi đựng tiền . Giai đoạn chiến tranh các đảng viên từ 1980 trở về trước, hầu hết vì lý tưởng giải phóng và bảo vệ Đất nước và ( ảo tưởng) thiên đường XHCN . Giai đoạn sau 1980 trở lại đây ngày càng bị biến thái, bộ phận không nhỏ thành đảng viên xôi thịt, salong ( Tiền -Tình - Tội ). Quốc nạn tham nhũng là một trong nguyên nhân chủ yếu gây nên sự suy sụp của nền kinh tế, nợ quốc gia tăng chất cao như núi tản viên. Tham nhũng từ đâu, do ai ? - Từ cơ quan công quyền Nhà nước, từ đảng viên là quan chức chính quyền , DNNN, Ngân hàng của NN, Công an, Quân đội. Vì vậy, diện mạo của người đảng viên nói riêng và tổ chức đảng cộng sản VN nói chung đã bị biến dạng xấu xí, mất tín nhiệm đối với người dân. Đó là sự thực không thể bàn cãi!

    Trả lờiXóa
  6. Lãnh đạo CS trên thế giới nói chung, là những người sống sót sau các cuộc đấu đá nội bộ gọi là phê bình và tự phê bình. Đó là những người tròn xoe hay nói cách khác là không có va chạm với ai, ngậm miệng ăn tiền, giỏi đóng kịch và che chắn. Đó phải là người không đưa ra sáng kiến hay nói sự thật mà chỉ nhắm mắt, bịt tai nói theo nghị quyết rồi lựa gió bẻ măng. Những người đưa ra sáng kiến hoặc nói lên sự thật trai với nghị quyết (như ông Dương Bạch Mai trước đây hay Kim Ngọc, Trần Xuân Bách, Trần Độ...sau này) thì không thể trụ lại trong ĐCS. Điều đó dẫn đến sự giáo điều xơ cứng trong phát triển, trong chính sách... Giáo điều kiểu như làm ruộng là phải con trâu đi trước, cái cày theo sau. Ai nói làm ruộng không cần trâu sẽ là một sự khác biệt lạ lùng và bị loại khỏi cuộc chơi. Xã hội xơ cứng, trì trệ là vì vậy. Đã có nhiều thời cơ cho VN (rất nhiều) nhưng đã vuột mất vì chờ cấp ủy họp ra nghị quyết.Ôi nghị quyết của ĐCS, kim chỉ Nam cho đảng viên không bị sai đường lối đồng thời cũng là cái cùm, cái gông xích vào cổ đảng viên và nhân dân.

    Trả lờiXóa
  7. mảnh đất hình chữ S là xứ sở của mọi nghịch lý

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói thật, hình dạng VN trông không... tốt. Thường quốc gia có hình kiểu tròn, vuông, lục lăng thì phát triển rất tốt.

      Xóa
  8. Hãy so sánh xem, giửa Seoul của Hàn quốc và Sài-gòn của VNCH, ở cùng những năm 1961 của thế kỷ trước, xem ai hơn ai !
    http://www.qsl.net/wd4ngb/17thpics6.htm
    http://www.businessinsider.com/old-1960s-photos-of-seoul-korea-2013-4?op=1
    https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/sets/72157627418171481/

    Còn bây giờ, thôi đừng so sánh chi cho mệt !

    Trả lờiXóa