Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

QUÀ CỦA BỐ

Khi con chưa tròn năm, bố tạm xa hai mẹ con, đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Ngày bố về, con đã hơn 4 tuổi. Quà của bố cho cô con gái rượu là một con lật đật và một bộ đồ lắp ráp mô hình bằng kim loại.
Bàn tay bé xíu bắt đầu tập làm quen với cờ-lê, mỏ-lết, tuốc-nơ-vít, cùng ốc và vít. 100 mô hình từ dễ đến khó, từ cái ghế, cái bàn cho đến tàu thuỷ, xe tự hành trên mặt trăng. Con đã miệt mài với những mô hình, dễ thì một buổi, khó thì có khi cũng vất vả đến hai, ba ngày. Rất say sưa, mê mải!
Con bắt đầu biết thế nào là kết cấu, thế nào là bền vững. (Rất tiếc ngày đó không có máy chụp hình như bây giờ. )                 Món quà đó không chỉ là một món đồ chơi, nó chính là kỹ năng sống bố tặng cho con, là món quà con ứng dụng mỗi lúc, mỗi nơi cho đến tận bây giờ.
Khi mày mò để lắp ráp những mô hình, con đã hiểu ra rằng, bất cứ cái gì cũng có nguyên lý của nó. Mình chỉ cần nắm bắt được thì sẽ dễ dàng giải quyết hoặc hoàn thành nó. Điều kiện đủ là sự kiên trì và cần mẫn. Cứ thế, cho đến giờ, bất cứ việc gì, con đều bắt đầu bằng bước - tìm hiểu nguyên lý hoặc bản chất của vấn đề. Bước tiếp theo, chỉ còn là thời gian và sự kiên trì.
Cùng với 100 mô hình, bố bắt đầu luyện chữ cho con. Sau ba tháng, con đã biết đọc, biết viết, và bắt đầu làm toán. Khi đó con chưa tròn 5 tuổi. Thời đó trẻ 6 tuổi sẽ học lớp vỡ lòng, 7 tuổi mới vào lớp 1. Tròn 6 tuổi, con đã học xong chương trình toán của lớp 3, bố mẹ xin cho con vào thẳng lớp 1. Chính vì thế, con đi học nhẹ nhàng hơn các bạn cùng lứa và luôn dẫn đầu lớp.
Ngày bé, bố rèn con rất nghiêm khắc, đúng kỷ luật quân đội. Lúc nào cũng chỉ có học, không được ra đường chơi, trừ mùa hè. Bà ngoại cũng phản ứng rất dữ dội với bố vì "suốt ngày nhồi chữ vào đầu con bé". . Lúc đó, con ấm ức lắm! Dần dần, khi va chạm nhiều, con mới hiểu rằng, nếu mình có nguyên tắc của riêng mình và tuân thủ nó, mình sẽ tránh được khá nhiều phiền phức từ xung quanh.
Đến giờ, khi đối mặt với khó khăn, con mới chợt nhận ra rằng, món quà của bố là vô giá. Áp lực học hành với một con bé mới chỉ hơn 4 tuổi, cho đến giờ cũng ngang ngửa với áp lực cuộc sống mà con đã trải qua. Được rèn luyện từ nhỏ, con đã vượt qua được khá nhiều khó khăn mà bạn bè và người thân cũng phải kinh ngạc. Trải qua nhiều áp lực, sức chịu đựng của con cũng được tôi luyện.
Và bây giờ, con đã và đang áp dụng phương pháp của bố để dậy dỗ các tình yêu của con. Món quà của bố con vẫn đang sử dụng sau hơn 40 năm cuộc đời mình.
Con nhận từ bố sự quyết đoán, nhận từ mẹ sự khéo léo, mềm mỏng. Kết hợp lại, con có một cuộc sống tuy không hoàn hảo nhưng vẫn rất đáng sống!
Viết cho ngày sinh nhật bố - 07/08/2014
Tuyết Hà
-----------------

22 nhận xét:

  1. Gửi chị Tuyết Hà: Tôi thấy buồn cho tuổi thơ của chị, chị đã bị người cha giáo dục theo phương pháp quân phiệt, nhồi sọ, theo ý muốn của ông ấy. Với cách giáo dục áp này, có thể chị hơn những người khác 1 ít kiến thức, 1 lượng kỹ năng, 1 số bằng khen... Nhưng, để làm gì? Chị đã mất 1 quãng đời đẹp nhất và vô giá – Tuổi thơ!
    Cuộc sống tốt nhất là con người phát triển đúng hướng theo khả năng của mình, khi được quyền tự do trong học tập. Nếu bị ép buộc học tập/làm việc vượt quá khả năng của mình, cuộc sống sẽ trở nên tồi tệ.
    Chị Hà thân mến ơi! Tôi xin chị, xin chị đừng đày đọa con mình bằng cách giáo dục phản khoa học và xin chị đừng nhắc đến Liên – Xô – 1 chính thể độc tài tồi tệ! Chủ nghĩa cộng sản ở LX và chủ nghĩa quốc xã ở Đức đã chống lại sự phát triển của cả loài người trong suốt TK 20… Xin chị hãy tỉnh ngộ!

    Trả lờiXóa
  2. Khi 4 tuổi: “Cha tôi có thể làm bất cứ điều gì”
    5 tuổi: “Cha biết tất cả mọi thứ”
    6 tuổi: “Cha tôi thông minh hơn cha bạn”
    8 tuổi: “Cha không hẳn biết chính xác tất cả mọi thứ”
    14 tuổi: “Thời trước của cha, mọi thứ khác bây giờ”
    16 tuổi: “Cha chẳng biết gì về điều đó cả”
    18 tuổi: “Cha thật là lạc hậu”
    21 tuổi: “Cha tôi ư? Ông ý thật cổ hủ và cố chấp”
    27 tuổi: “Hình như cha đã từng nói về điều này…”
    30 tuổi: “Có lẽ phải hỏi xem cha nghĩ thế nào về chuyện này”
    35 tuổi: “Tôi nên hỏi ý kiến cha khi bắt đầu việc này”
    40 tuổi: “Làm thế nào cha có thể xoay xở được những lúc như thế này…”
    45 tuổi: “Cha thực sự đã vất vả quá. Cả cuộc đời của cha…”
    50 tuổi: “Xin cha đừng bỏ con”
    55 tuổi: “Giờ đây, tôi sẵn sàng từ bỏ tất cả để có cha bên cạnh và được phụng dưỡng người…”
    đối với cá nhân tôi bây giờ cũng đã có con.
    nhưng trong tim tôi cha tôi vẫn là người hoàn hảo- dù tại xã hội ông chưa hoàn hảo.
    tôi cũng chỉ mong mình dậy được con như cha tôi đã từng dạy tôi.
    (ST)

    Trả lờiXóa
  3. Ngoài lề một chút bác Bồng thông cảm nhe!
    Hôm nay 30 tháng 9 Hà nội đang hô hào vận động nhân dân treo cờ từ hôm nay đến hết ngày 12/10 để CHÀO MỪNG GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ ? Sao Hà nôi treo cờ "SỚM" thế bác BỒNG ơi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một nét văn hóa hình thức
      ru ngủ được khối cừu đấy

      Xóa
    2. Giờ nghe "Giải phóng" là thấy "Phỏng..."! Hãi quá! Lính TC giết và hãm hiếp thường dân VN cũng mang danh "Quân giải phóng TQ" đấy!

      Xóa
    3. Ự...ứ...hự....Bác đang ở xa "thiên triều" xa Thủ đô HN, chuyện tại sao khó biết. Nhưng kêu gọi treo cờ sớm, để còn thời gian đi vận động nhắc nhở, có khi ả xử lý ai không treo ờ.
      Đất nước này lãnh đạo trên cao nhất
      Đầy tớ la "trí thức đỉnh cao"
      Tớ có sai lại kêu nài chủ giúp
      Tớ có sai thì ... núp bóng được ngay!
      He...hè ...hè...

      Xóa
  4. Mẹ tôi, nguyên là "đảng viên trung kiên, một lòng hy sinh cho cách mạng", kệ mấy đứa con nheo nhóc, gầy đói, ghẻ lở đầy mình, tự lo bản thân chúng - đã chết đầu TK 21. Người ta nói 3 ngày sau khi "ra đi", người chết chưa biết mình chết. Bởi vậy, hai ngày sau cái chết của bà, tôi thấy bà rất sống động, tuy là trong giấc mơ. Bà nói bâng quơ:
    - Sai hết cả rồi...
    Kể lại với chị Hai, tôi nghe chị băn khoăn:
    - Chắc má chết không được ngày?...
    Nay thì tôi biết, bà đã được cõi bên kia "định hướng" lại, và bà cảm thấy đã sai lầm chọn đường đi khi còn sống?

    Trả lờiXóa
  5. Cha tôi: "Các anh không phải cấp nhà cho tôi. Tôi tự lo (mua) được".
    Cha bạn tôi: "Tôi không nhận cái biệt thự của tướng ngụy đâu. Tôi có đất nhà ở Gò Vấp".
    Tôi và bạn tôi: "Chúng ta tự hào vì có những người cha là cộng sản chân chính (đời cũ). Và nay chúng ta không thể tự hào khi bị những người "cộng sản đời mới - cộng sản chân phụ" đạp dí cho thành mãi mãi là những người thuộc giai cấp vô sản! Chúng đâu có dám tự xưng là vô sản? Luôn né tránh điều đó! Chúng cố hợp thức hóa sự giàu có hoành tráng nhưng bất nhân!"

    Trả lờiXóa
  6. Phương Nam nhắm mắt phê chăng?!

    Người cha này đã dạy con ông rất tốt nhé. Dạy con quan sát, tư duy và gieo mầm đam mê khoa học. Kỷ luật là thứ cần có cho việc này. Cha tôi cũng đã dạy tôi như thế và giờ tôi vẫn vô cùng biết ơn ông.

    Đừng cấm người ta nhắc tới LX 1 cách thiểu năng như thế. Cũng như tôi không thể cấm bác nhắc tới các cụ nhà bác chỉ vì họ đã sống trong thời phong kiến.

    Hãy biết ơn cha mẹ dù họ có là thế nào và hãy biết tôn trọng lòng biết ơn cha mẹ của người khác.

    Nguyễn Phương

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn Phương Nam có ý kiến riêng thôi. Vả lại, nghe tác giả 40 năm sau lại lôi món đồ chơi Liên Xô XHCN ra và ấn cho đứa con (cháu của ông ngoại nó), tôi cũng ngán... hơn cơm nếp!

      Xóa
  7. Không thấy người cha này dạy con về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu với nhân dân. Giờ đây lớn lên chứng kiến nỗi bất hạnh và đau khổ của nhân dân Tuyết Hà cảm thấy thế nào hay bạn bằng lòng với một cuộc sống tuy không hoàn hảo nhưng vẫn rất đáng sống, còn những chuyện người khác thì mặc kệ

    Trả lờiXóa
  8. Bài viết của Tuyết Hà hay và đầy ý nghĩa.
    Ai sinh ra cũng có bố và kĩ niệm sâu sắc đi suốt cuộc đời.
    Toi sinh ra ở cuối một dòng sông lơn,với bãi dâu xanh rì ven sông.Đó là làng Xuân Phổ đầu sân bay Quảng Ngãi.
    Một sáng tiếng máy bay ầm ầm kéo đến và thả bom,bom xăng cháy dữ dội,ngôi trường của tôi tan nát và 4 chú chăn bò chết cháy,2 chú rơi xuống ,2 chú vẫn ôm chặt cây Phượng đang mùa Hoa đỏ thắm.
    Hòa bình Bố tôi về từ chiến khu KUMTUM,mẹ tôi mắc từng sợi tơ cùng ba tôi,tôi ngồi bên cạnh và đọc những bài thơ của La-Phông-Ten.Tôi không thể quên cô Pe-ret đầu đội đỉnh sữa....Rồi một hôm,Ba tôi bị tù và giết chết...Mẹ tôi chỉ cho tôi những bài học từ những bài thơ ngày ấy.
    Khi những người chiến sĩ giải phóng bị giết chết và những người quốc gia khiên bêu giữa chợ....Tôi biết chỉ có con đường phải đánh đỏ chế độ quốc gia,nếu chết thì như đồng đội thôi mà,Tôi chưa lớn nhưng từ biệt mẹ tôi đi đánh giặc,nhưng luôn bên cạnh là sách vỡ và học đến mức các đồng chí phì cười,vì ai cũng không tin mình còn sống lâu hơn.
    Tôi như con cóc muốn thành con bò,và không để bình sữa trên đầu rơi theo ước vọng....
    Kháng chiến thành công,tôi cũng thành công trước sự ngạc nhiên đồng đội.Sao Tôi lại đậu đại học và tốt nghiệp đại học được...ngạc nhiên quá chứ.Nhưng sao họ lại ngạc nhiên nhỉ,khi tôi chế hổn hợp thuốc nổ mạnh như bom MỸ mà chỉ 0,5 kg,chỉ 2 lạng diệt nguyên lô cốt to bành..
    Khi thù hận gieo mãi thù hận thì không thể sống khác,đó là lời dạy của bà nội tôi và bố tôi.
    Công Sơn nhớ kĩ niệm về bố.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cách hành văn của Công Sơn không hề tương xứng với trình độ đại học mà Dơn khoe, nhận thức chính trị thì nông cạn, đầy hận thù những người thuộc chế độ VNCH

      Xóa
    2. ' kỷ niệm " chứ không phải "kĩ niệm" nhé Công Sơn, trình đại học mà sao lạ thế

      Xóa
    3. Bằng ĐH mua mà...

      Xóa
  9. Ngày còn bé, tôi được cha tôi dạy phải yêu Đảng, yêu CNXH, yêu chế độ còn hơn bản thân mình. Lớn lên tôi nhận ra rất nhiều điều bất cập. Tôi phản đối Đảng gay gắt, tôi yêu Tổ quốc, yêu nhân dân tôi, tôi rưng rưng nước mắt khi thấy đồng bào mình bị bọn cầm quyền đối xử quá tàn bạo, đẩy vào cảnh khốn cùng, cướp nhà, cướp đất. Bất đồng giữa cha và tôi ngày càng lớn. Rồi mãi thời gian sau này cha không còn nhắc đến Đảng và chế độ nữa. Ông đau đớn và cay đắng. Và rồi một hôm tôi đánh bạo hỏi cha : sao lâu nay con không thấy cha nhắc đến những người lãnh đạo, những đồng chí chủa cha vậy, cha trả lời : chúng không phải là đồng chí của cha, đồng chí của cha đâu còn mấy đâu, còn lũ đó là lũ bất lương, chúng mạo danh cha và các đồng chí của cha đó con à. Cha xin lỗi con vì cha và các đồng chí của mình không đưa con và nhân dân đến 1 xã hội tốt đẹp mà chúng ta từng mơ ước, đã từng xem nó là lý tưởng, từng vì nó mà không ngại hy sinh, mất mát. Tôi nghe cứ như ai cứa dao vào tim

    Trả lờiXóa
  10. Bố tôi năm nay đã 80 tuổi có 55 năm tuổi đảng còn tôi 55 tuổi. " đúng bằng tuổi đảng của cụ"
    Bố tôi xin tạm nghỉ sinh hoạt đảng,đã mười năm nay ,bố tôi trải qua hai cuộc kháng chiến
    Chống pháp ,chống mỹ bố tôi về với quân hàm thương tá nay cụ cũng yếu nhiều
    Ba lần bố tôi gọi tôi đến bên giường cụ dặn con không được vào đảng không nghe đảng
    Bố nhìn rõ hết cả rồi lên 10 năm nay bồ khong sinh hoạt con biết đấy
    Bố chính,bố dã bị đảng lừa và bao năm bố nghe đảng đi lừa người khác
    Bây giờ bố thấy hận hận lắm " mặc dù bố chưa giết người chưa làm hại bất cứ ai"

    Trả lờiXóa
  11. Một thế hệ người Việt kể cả k phải ĐV và k hiểu gì về Đảng vẫn nổi xung lên khi con cháu có ''những lời nói k hay về đảng về Bác'' và ''có những lời lẽ k hay về TQ'' ? Đó là cái giỏi mị Dân của Đảng! Và cái tài giỏi của Mao Trach Đông là''làm cho các đồng chí của mình tự giết lẫn nhau tự giết Đồng Bào vốn đã sinh ra Đảng nuôi Đảng...?
    NGLUY

    Trả lờiXóa
  12. Mấy ông đi Liên Xô thời đó toàn là dân trốn lính, buôn lậu. Hay ho đếch gì đâu mà kể?

    Trả lờiXóa
  13. Cách dạy con của người cha Tuyết Hà quá thực dụng, tôi đoán chắc chị này cũng thuộc dạng vô cảm. Còn tôi, tôi biết ơn cha tôi vì ông đã cho tôi học hành đầy đủ, ông cũng cho tôi biết hái hoa, bắt bướm, biết dạo chơi đồng quê, làm quen với những chú trâu, chú bò, những người nông dân hiền hậu chất phác, tuổi thơ tôi thật tuyệt vời. Kỷ niệm đó theo tôi đến lúc trưởng thành, dù gặp khó khăn đến mấy tôi vẫn lạc quan tiến về phía trước, và một trái tim đồng cảm với nhân dân

    Trả lờiXóa
  14. Đừng nhắc gì tới Liên Xô của Lenin, Stalin, Putin... là hay nhất. Đỡ bị dị ứng.

    Trả lờiXóa
  15. Có nhà văn từng nói,đại để con người ta không thể tắm lần thứ hai trên một dòng sông.Ý tứ câu này thật sâu sắc,rằng cuộc đời người cũng giống như dòng sông,mỗi lúc mỗi nơi mỗi khác.

    Khi bạch kim còn chỉ là thứ kim loại chưa có nhiều ứng dụng công nghệ ,câu cửa miệng quý như vàng là chính xác nhưng nay do công nghệ phát triển,bạch kim trở nên quý hiếm và đắt hơn vàng nên nói quý như vàng cũng chưa chuẩn mực rồi .

    Mâu thuẫn thế hệ ngày nay càng ngày càng lớn bởi nhịp điệu cuộc sống tăng nhanh gấp trăm ngàn lần khi xưa,vậy nên kinh nghiệm nhà nông thế hệ trước kiểu như nhất nước nhì phân tam cần tứ giống là không còn đúng nữa thậm chí phải hiểu ngược lại.

    Chỉ có mục tiêu phấn đấu để tự hoàn thiện mình cho hợp thức hợp thời là ít biến đổi nhất còn phương thức để tự hoàn thiện mỗi thời khắc mỗi khác.

    Trước đây chỉ cần giỏi một chuyên môn (nhất nghệ tinh nhất thân vinh)thì nay chưa chắc đã hay.

    Trong kinh tế thị trường muốn đạt tầm thân vinh thì phải thạo một nghề biết tường tận nhiều nghề khác để chúng bổ sung hỗ trợ cho nhau.

    Nếu cứ cha làm thế nào con làm vậy sẽ không thể có "con hơn cha được",nhà vì vậy cũng là chưa có phúc đâu.

    Trả lờiXóa