Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Chủ nghĩa xã hội thật sự là gì?

Kim DungBất ngờ, bạn bè iu quí gửi cho bài viết này. Duyên phận của con trai mình khiến gia đình mình trở thành thông gia với gia đình anh Trần Xuân Bách, khi đó, anh TXB còn sống. Và khi đó, mình cũng thấy hết nỗi cô đơn của người “ngã ngựa” trên chính trường ra sao. Nhưng đó là nhân cách sống của anh TXB, chấp nhận sự hy sinh quyền lực, để bảo vệ quan điểm, lập trường của mình, như bảo vệ chân lý, khi bản thân anh nhận thức như thế. Một tầm nhìn mà rồi đây lịch sử sẽ phải đánh giá.
Và mình thực sự khâm phục chị Thịnh- vợ anh TXB, nhân vật mà Osin Huy Đức đã viết trong Bên thắng cuộc.Một người đàn bà hết lòng vì chồng, khi chồng gặp họa, rủi ro. Sống cho chồng đến như vậy, là trọn vẹn.
Gia đình mình rất thương anh TXB, khi đó đã có lúc nhớ lúc quên. Thương nhất, và xót xa nhất, là những lúc nếu nhắc đến HCM, là anh TXB như linh hoạt trở lại, đôi mắt bỗng sáng rưc lạ thường. Có lần mình đang ngồi chơi anh TXB mời: Sang đây, sang đây nhé! Bọn mình sang phòng riêng của anh. Và mình không tin vào mắt mình. Ảnh cụ HCM được anh “lồng” vào những giấy bóng kính, rất trang trọng. Đủ các kiểu ảnh.Và anh giới thiệu từng bức.
Trong lòng mình bỗng có gì như niềm thương xót, một con người sống cũng đầy lý tưởng cho dân, cho nước, và rất liêm chính. Con trai mình thỉnh thoảng đùa mà thật: Ba Bách thì chẳng bao giờ có tiền trong túi, và không biết tiêu tiền. Món ăn Ba Bách thích nhất là thịt kho tàu, rau muống luộc và chuối tiêu, mẹ ạ.
Cũng rất thương, các con mình sống trong sáng, hồn nhiên, nhìn nhận đúng sai của XH rất công tâm, công bằng. Và bao giờ cũng nhìn ra những mặt tích cực. Mình thương các con lắm!
Nay, đọc bài viết của anh TXB. Mình xin đưa lên Blog để bạn đọc chia sẻ. Tin chắc, ở nơi xa lắm, anh TXB vẫn mỉm cười, tin là anh nhận thức đúng..
Talawas: Ông Trần Xuân Bách, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng trong giai đoạn 1986-1990, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới đứng trước những biến đổi nền tảng và cuối cùng tan vỡ, là một trong những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam công khai đưa ra sớm nhất yêu cầu về đa nguyên chính trị, về cải tổ chính trị song song với cải cách kinh tế, nhưng không tìm được sự ủng hộ trong Đảng và buộc phải nghỉ hưu từ tháng 8.1990. Ngày 01.01.2006, ông qua đời tại Hà Nội, thọ 83 tuổi, tang lễ đã được cử hành ngày 07.01.2006. Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu một bài phát biểu cuối năm 1989 của ông về chủ nghĩa xã hội. Ở thời điểm này, bức tường Berlin đã sụp đổ.
                                                          *          *          *
* TRẦN XUÂN BÁCH

Chủ nghĩa xã hội thế giới đang đứng trước những thử thách lớn 
Một điểm rất thống nhất của toàn xã hội, toàn thể nhân dân hiện nay là trăn trở với tình hình trên thế giới và trong nước. Muốn đưa dân tộc ta tiến lên. Trong Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu ta bình chân như vại trước tình hình hiện nay là thiếu trách nhiệm.
Chủ nghĩa xã hội trên thế giới đang đứng trước những thử thách lớn và những triển vọng lớn. Do từ những thử thách của thời đại và những triển vọng lớn cũng là do thời đại. Tất cả các dân tộc đều trong hoàn cảnh bức xức, cả chủ nghĩa tư bản, cả chủ nghĩa xã hội, cả loài người đều như vậy. Có hai lý do của sự bức xúc: 
Chỉ còn 10 năm nữa là bước sang thế kỷ XXI, dân tộc nào bị tụt hậu vào giữa thế kỷ XXI là nguy hiểm vô cùng, vì đây là thời đại của cách mạng khoa học kỹ thuật, của bùng nổ thông tin và giao lưu quốc tế.
Xử lý vấn đề này không thể một nhóm, một người nào làm được. Cả dân tộc phải chuẩn bị và làm công việc này. 
Diễn biến chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa đang căng thẳng, phức tạp và dây chuyền. Vì sao có tính dây chuyền? Vì ta ở trong thời đại thông tin, không thể bưng bít thông tin được. Ai bưng bít thông tin là lạc hậu nhất. Phải cung cấp thông tin đầy đủ để người ta lựa chọn.
Không thể nghĩ rằng ở châu Âu thì sôi sục, còn châu Á thì ổn định. Không thể chủ quan cho mình là ổn định. Tất cả các nước xã hội chủ nghĩa đều nằm trong sự vận động để tiến lên, đều có những mâu thuẫn lớn, đều phải phá vỡ sức đè nén của những cái cũ, không anh nào có thể yên trí mình ổn định được. Có khi tuần này còn huênh hoang, tuần sau đã bị đảo lộn.
Tình hình chung hiện nay là biểu hiện của tư duy khoa học đang lấn át tư duy giáo điều, tư duy khoa học đang thay thế tư duy giáo điều. Lịch sử đang thay đổi mạnh. Mác trao cho chúng ta vũ khí biện chứng duy vật và biện chứng lịch sử, chớ không phải trao ta Kinh Thánh! Việc vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản phải căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử đương thời như Mác nói.
Mác sống thời chủ nghĩa tư bản cổ điển, ngày nay là chủ nghĩa tư bản hiện đại, có nhiều cái khác với thời Mác. Ngay thời Lê-nin, khi đề ra chính sách kinh tế mới (NEP), cũng đã đổi khác với những dự báo của Mác rồi. 
Phải có tư duy khoa học. Tụng từng câu „Kinh Thánh“ trong sách Mác không bảo vệ được chủ nghĩa Mác đâu. Ngay cả về chủ nghĩa xã hội hiện nay đang có những cuộc tranh luận để hiểu nó thế nào cho đúng. Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là đi tới một xã hội, trong đó sự phát triển toàn diện của mọi người là điều kiện cho sự phát triển toàn diện của xã hội [1] như Mác và Ănghen nói trong „Tuyên ngôn Cộng sản“. Còn cụ thể như thế nào thì ta phải tìm. Trong Hội nghị Trung ương lần thứ 7, có thảo luận một vấn đề thú vị: Ban Văn hoá Tư tưởng đề nghị nêu những thuộc tính của chủ nghĩa xã hội, nhưng bị bác bỏ.
Ta phải nhận lỗi trước Mác vì đã làm méo mó chủ nghĩa Mác
Cho đến nay ta thấy có nhiều kiểu chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội kiểu Staline, chủ nghĩa xã hội kiểu Mao Trạch Đông, kiểu Pôn Pốt. Bây giờ đang có nhiều ý kiến khác nhau về chủ nghĩa xã hội. Những dòng ý kiến khác nhau là quá trình trưởng thành, không sợ gì cả. Ở Liên Xô, người ta đang tranh luận Liên Xô ở vào thời kỳ nào của chủ nghĩa xã hội, và khái niệm chủ nghĩa xã hội phát triển bị bác bỏ vì nó được dùng để che đậy cho tình trạng trì trệ. Ta phải nhận lỗi trước Mác vì đã làm méo mó chủ nghĩa Mác. Ta đã chọn một mô hình, mà mô hình đó là sự lai ghép chủ nghĩa xã hội phương Tây với chủ nghĩa xã hội phương Đông. Bây giờ ta phải gỡ ra khỏi hai thứ giáo điều ấy.
Phải tiếp tục hoàn thiện tư duy khoa học của Đại hội 6 
Vấn đề của mọi vấn đề hiện nay là tư duy khoa học. Đại hội 6 đã khởi động theo hướng này và phải tiếp tục hoàn thiện thêm. Đại hội 6 đúc kết bốn bài học có tính lý luận, tuy mới ở dạng sơ chế, lấy dân làm gốc, nắm vững quy luật khách quan, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đảng phải ngang tầm nhiệm vụ lịch sử. Bản thân Đảng phải trở thành trí tuệ tiên phong của cả dân tộc, muốn thế phải có lý luận tiên phong. 
Những gì đang diễn ra ở thế giới chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan, là sự phát triển tiến bộ, là thời kỳ thai nghén chủ nghĩa xã hội đích thực (dân chủ, khoa học,nhân đạo, hiện đại). 
Hai xu thế chủ yếu chuyển sang kinh tế hàng hóa và dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa, đó cũng là hai cái mà Đại hội 6 khởi động.
Dân chủ không phải là ban ơn 
Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ (mở rộng). Đó là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát, do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ hóa là khơi động trí tuệ của toàn dân tộc để tháo gỡ khó khăn và đưa đất nước đi lên kịp thời đại. 
Từ hai vấn đề đó, xẩy ra một vấn đề quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là thế nào? Có nước tự cho mình không cần đổi mới, đã bị bục vỡ. Có nước coi đổi mới kinh tế phải làm nhanh, còn đổi mới chính trị thì chầm chậm cũng bục chuyện. Có nước chỉ đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị, đã bục to. Có nước làm cả hai, nhưng không nhịp nhàng, gặp khó khăn. Hai lãnh vực này phải nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tểnh đi một chân.
            Từ nay đến hết thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội thế giới sẽ hoàn thiện và trưởng thành một bước lớn. Trong quá trình biến động này, mất đi cái gì? Mất chủ nghĩa xã hội kiểu quan liêu–hành chánh, bao cấp, mất tư duy giáo điều. Và như thế là đúng lý luận của Mác, là phủ định của phủ định. 
Đây là thời kỳ thai nghén chủ nghĩa xã hội đích thực. Phải có bà đỡ là dân chủ xã hội chủ nghĩa. Có bà đỡ khéo tay, có bà đỡ vụng tay, nhưng phải có bà đỡ.
Cần phải khách quan, bình tĩnh và đổi mới 
Ở Trung Quốc, Giang Trạch Dân đọc diễn văn coi là đã giải quyết được cơ bản vấn đề ăn no mặc ấm. Tôi rất nghi ngờ điều đó, Giang lại nêu lên độc lập tự chủ, tự lực cánh sinh, kế hoạch hóa tập trung và tư tưởng Mao Trạch Đông. Cuộc cải cách của Trung quốc như vậy là đi theo chu kỳ vòng tròn, không phải theo đường xoáy trôn ốc. Sau vụ đàn áp Thiên An Môn, Trung Quốc không tuyên truyền về cải tổ ở Liên Xô nữa. 
Ở Liên Xô, Gocbachốp coi cải tổ là cuộc cách mạng với các thành phần và các nhân tố khác nhau, đan xen nhau, thống nhất với nhau và độ dài của cải tổ có thể là hàng chục năm. Đồng chí Gocbachốp nêu lên ba vấn đề chính của cải tổ dân chủ hóa, hạch toán kinh tế và cải tổ Đảng, cải tổ để có chủ nghĩa xã hội nhiều hơn. Đặt vấn đề như vậy là đúng chứ không sai. Kinh tế Liên Xô năm 1989 phát triển chậm. Nhưng theo Rưgiơcốp, mặc dù căng thẳng, song không thể quay lại con đường cũ, vì đó là ngõ cụt. Năm 1989 là năm khó khăn nhất của Liên Xô, nhưng rồi sẽ trở lại bình thường. Liên Xô rất thận trọng trong vấn đề xử lý giá và tỉ giá, vì đây là một nước rất lớn. 
Trước cuộc khủng hoảng ở các nước xã hội chủ nghĩa, cần phải khách quan, bình tĩnh và phải đánh giá theo quan niệm đổi mới. Sau hội nghị 7 của trung ương, chúng tôi đã rút kinh nghiệm. Ngày 25-11-1989 Bộ Chính trị chúng tôi đã họp và đánh giá tình hình các nước Đông Âu theo quan điểm đổi mới. Cuộc khủng hoảng ở các nước đó diễn ra trong bối cảnh khoa học kỹ thuật và giao lưu quốc tế phát triển mạnh, ý thức độc lập và dân chủ tăng nhanh và thông tin bùng nổ. Tập thể Bộ Chính trị phân định có hai loại mâu thuẫn cần chú trọng: mâu thuẫn nội tại tích tụ lâu ngày của chủ nghĩa xã hội và mâu thuẫn giữa hai hệ thống. Nguyên nhân khủng hoảng là lãnh đạo sai lầm, vi phạm dân chủ, duy ý chí, bảo thủ trì trệ, đổi mới lệch lạc, đội ngũ đảng viên cán bộ thoái hóa, hư hỏng. Trong khi đó thì chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động triệt để lợi dụng. Bọn đế quốc ngay từ khi chủ nghĩa cộng sản ra đời, đã kịch liệt chống lại và luôn nói tới cái chết của chủ nghĩa cộng sản, không có gì mới. 
Thái độ của Đảng ta là rút kinh nghiệm hội nghị 7, cần tránh cả hai thái độ hốt hoảng (cho chủ nghĩa xã hội đang có nguy cơ mất ở Đông Âu) và chủ quan (cho mình chẳng có vấn đề gì lớn, vẫn giả định).
Phải thực hiện dân chủ từ trên xuống dưới 
Bộ Chính trị quyết định: Phải tiếp tục đổi mới, phải thực hiện dân chủ mạnh mẽ trong Đảng từ trên xuống dưới, từ Bộ Chính trị trở đi. Cần quán triệt và thực hiện nghị quyết Đại hội 6, nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về công tác đối ngoại và nghị quyết trung ương lần thứ 6 về cơ cấu kinh tế.
Không thể dùng quyền lực thay cho năng lực 
Vấn đề năng lực của Đảng nổi lên hàng đầu trong lúc này. Không thể dùng quyền lực thay cho năng lực. Thời đại nào có trí tuệ của thời đại ấy. Đảng phải có năng lực trí tuệ. 
Xã hội ta đã chớm vui vì sức ép lạm phát và thị trường có giảm đi nhưng lòng dân vẫn còn chưa yên. Dân đang đòi hỏi dân chủ hóa, đòi hỏi công bằng xã hội, đòi hỏi cán bộ, đảng viên và Đảng phải vươn lên vị trí tiên phong. Đảng phải kết tinh truyền thống dân tộc và trí tuệ thời đại, không như thế thì không giữ được vai trò lãnh đạo. 
Đừng đổ lỗi cho cải tổ, đổi mới, cải cách. Đổi mới là cái gương để ta soi. Nếu mặt bị nhơ chỉ rửa mặt chứ không phải là đập vỡ gương.
Vấn đề đặt ra lúc này là phải đổi mới đồng bộ, tổng thể, cả cơ chế kinh tế lẫn cơ chế chính trị.                  Hai vấn đề chủ yếu của cơ chế kinh tế là vấn đề sở hữu và vấn đề thị trường (luận đề: Kế hoạch nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên thị trường). Hai vấn đề chính của cơ chế chính trị là: quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh, vai trò lãnh đạo của Đảng và quyền lực của nhân dân (Luận đề: Đảng nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên xã hội).


[1]Câu trong nguyên bản tiếng Đức „[…] worin die freie Entwicklung eines jeden die Bedingung für die freie Entwicklung aller ist“ („trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người“), nguồn: MEW, Dietz-Verlag, Berlin, 1956 ff., Bd. 4, S. 482, hoặc website: http://www.mlwerke.de/me/me04/me04_459.htm(Chú thích của talawas)
Nguồn: Bài phát biểu ngày 13.12.1989 do „Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ“ quay ronéo và phổ biến, Những vấn đề Việt Nam, Nhà xuất bản Trăm Hoa, California, 1992, trang 389-393
 
----------------

19 nhận xét:

  1. Chị Kim Dủn khoe khéo tóa...thông gia với TXB
    mô hình CNXH thật sự là ở xứ sâm cao ly
    trộm nghĩ cứ dư hàn ủn lại hóa hay, 1 thằng ăn thôi, dân nhảy múa suốt ngày...vô tư....
    nửa dơi nửa chuột dư xứ lừa, sống như chết, cả 1 bầy xâu xé ăn k chừa 1 cái gì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng. Dân Bắc Hàn có tàu điện ngầm đi ào ào từ lâu! Chẳng phải đội ba cái nồi cơm điện lên đầu. Quên một cái là bị "bạn của dân" đập chết!

      Xóa
  2. Một người Bắc Âu chẳng hạ, chỉ lo làm việc để sống cho mình và xã hội. Họ may mắn khi xác định chẳng có chủ nghĩa nào trên đời.
    Chúng ta thì luôn bị lừa về những "chủ nghĩa", những thứ không hế có.
    À, có đấy - chủ nghĩa ăn cướp, hại người để rảnh tay tham nhũng!

    Trả lờiXóa
  3. CNXH là chủ nghĩa phải có khủng bố đi kèm . Không có khủng bố chắc chắn chẳng có đảng cs nào thành công để cướp được chính quyền , giữ được chính quyèn trong khoảng vài năm .

    Ông TRẦN XÂN BÁCH khi nhận ra cái khủng bố từ trong đảng ra tới ngoài dân lại tưởng đấy là thiếu dân chủ thì hoàn toàn sai . Bởi vì không theo đúng và quán triệt chính sách nhà nước là phản động là chônhs đối . Buộc phải theo chính là độc tài , không theo ắt bị khủng bố tinh thần , mất chức , kiểm điểm bêu rếu bởi tập thế .

    Nếu có dân chủ thì không thể có XHCN . Muốn có XHCN thì phải có kềm kẹp và khủng bố , chính bản thân sự nghiệp của ông Bách chứng minh điều này . Chính ông Bách hy vọng Dân chủ song hành cùng XHCN , một điều không thể xảy. ra nên bản thân ông bị Khủng bố nhẹ và bị đào thải bất lực .

    Mà không riêng gì ông Bách , hầu như các lãnh đạo ĐẢNG có tinh thần thức tỉnh hy vọng CNXH và dân chủ song hành vào cuối đời , đều bị loại ra khỏi guồng máy chính trị XHCN hiện hành .

    Mơ hồ CNXH song hành cùng DÂN CHỦ để ĐẢNG tồn tại vững mạnh chẳng khác chi nằm mộng cuối đời của các đảng viên cs .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạo lực là mầm sống, nguồn sống CS

      Xóa
  4. Các vị cán bộ trung cao cấp của ĐCSVN hiện nay chắc nhiều vị cũng có những suy nghĩ như TXB (trừ một số cố chấp, bảo thủ, lú lẫn). Nghĩ vậy nhưng sao không thấy ai nói, càng không thấy ai hành động, kể cả TBT ?. Ông Nguyễn Trung đã có lý khi nói đảng đã tự bỏ tù mình, tự trói buộc mình. Bỏ tù, trói buộc ở những cái gọi là cương lĩnh, là nghị quyết, là điều lệ, quy định. Ai nói khác đi thì cứ nhìn gương TXB đấy. Thế là cứ ngậm miệng ăn tiền, cứ theo nghị quyết mà phát biểu mà chém gió mà ca ngợi mà giữ ghế. TBT NPT nói mong mặt trận góp ý sắc sảo, chân thành ! Thế nào là sắc sảo chân thành khi mà ý kiến trái với khung khổ cương lĩnh đều bị quy là suy thoái. TXB không sắc sảo chân thành ư ? Cứ nhắm mắt mà ủng hộ đường lối, chủ trương của đảng, có góp ý chỉ là câu chữ, chấm, phẩy mới là chân thành sắc sảo ư ?
    Thực tiễn đã sờ sờ, lý luận thì mù mờ sao không ai dám công phá vào cái mâu thuẫn này để mà tự giải thoát cho đảng, cho dân ???
    Không phải chỉ một ông vua cởi truồng, cả chế độ đang cởi truồng, thế mà vị nào cũng ra sức ca ngợi xiêm y của chế độ, nào là đẹp đẽ, vĩ đại, là gấp vạn lần tư bản...!?
    Ngay từ 1990, nếu tư tưởng TXB được thừa nhận và vận dụng, VN đã không lâm vào bế tắc như hiện nay. Vậy mà, tiếc thay trước thềm đại hội 12 của ĐCS nó vẫn bị coi là xa lạ với cương lĩnh của đảng và chưa có dấu hiệu sẽ được xem xét tiếp thu. Đảng vẫn lặp lại kiểu cũ, cách cũ để cỗ xe dân tộc lại rơi vào đúng cái vết xe trì trệ.
    Phải chăng dư luận đang có chung suy nghĩ : đảng không thay đổi thì phải thay đảng, đòi hỏi này là chính đáng, các nước đa đảng đều làm thế, VN khó hơn vì chỉ có một đảng nhưng một đảng không có nghĩa là con một không thể thay thế. Con một mà không ra gì cũng có thể bị đuổi ra khỏi nhà cho rảnh nợ.
    Tự hỏi đến bây giờ vì sao đảng vẫn không thừa nhận tư tưởng TXB phải chăng vì :
    - Chưa nhìn ra.
    - Đã nhận ra nhưng vì sỹ diện chưa chịu thừa nhận.
    - Chưa đủ "dũng khí", sợ thay đổi động đến quyền lợi, địa vi.
    - Thời cơ trong nước và thế giới chưa chín mùi để thay đổi.
    - Không tự quyết được vì bị ràng buộc từ nước lớn TQ

    Đọc Trần xuân Bách, thấy tiếc cho một tư tưởng lớn đã không gặp thời. Tiếc lắm. 15 UVBCT bây giờ liệu có ai được như TXB.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Tư Duy nói chí phải.Ngụy biện và lúng túng với tư duy giáo điều bảo thủ của chính mình đang là tình trạng hiện tại của Đảng CSVN.

      Tuy nhiên để hóa giải cái lúng túng của Đảng CSVN,chưa thấy bác nào nêu nhưng biện pháp để VN tiếp cận xã hội dân chủ một cách êm thấm hiệu quả nhất.

      Không biết mấy bác bảo thủ trong Trung ương đang còn tin tưởng có thể dựa vào cái hậu phương CNXH mèo trắng mèo đen của TQ hay đang thực sự chưa biết xuống thang kiểu gì?

      Có lẽ để giữ được sự nghiệp ,Đảng CSVN cũng cần phải có những bước lùi hợp lý để có thể hội nhập và đạt được mục tiêu phấn đấu cao cả của Đảng là xây dựng một nhà nước VN dân giầu nước mạnh xã hội dân chủ công bằng văn minh.

      Cảm ơn bác Kim Dung đã cho thấy lại nhưng tư tưởng tâm huyết từng có trong lãnh đạo Đảng CSVN,Đảng CSVN cần có thêm nhiều những nhà lãnh đạo dũng cảm tâm huyết với dân với nước với dân chủ như Ông Trần Xuân Bách thì dân chủ hóa xã hội mới có thể hiện thực ở VN.

      Cuốn "Nhật ký rồng rắn "của Tướng Trần Độ cũng nên được bác Bồng nhắc lại trong trang này của Bác trước thềm Đại hội XII để Đảng viên các thế hệ sau thấy được những bậc tiền bối từng phải chiến đấu với chính mình khó khăn nhường nào.

      Xóa
    2. Tôi có thể khẳng định ngay mà không cần phải đắn đo suy nghĩ : không một ai trong bộ chính trị đảng CSVN hiện nay có thể sánh được với ông Trần xuân Bách , đó là một thực tế không thể phủ nhận !
      16 vị UVBCT có thể phân loại " thuộc tính " như thế này : 1/3 là hèn yếu , 1/3 là loại " vinh thân phì gia " , 1/3 nữa là " chờ thời " để hạ cánh an toàn ! Còn ai trong các vị ấy có tầm nhìn " khỏi lũy tre làng " thì hơi khó tìm ra ! Riêng ngài TBT NpT thì trong suốt nhiệm kỳ làm " vua " chưa thấy làm được cái gì cho ra hồn vía , có lẽ cũng chẳng hơn gì nhân vật họ Nông ! Họ Nông thì đi đâu cũng " nuôi con gì trồng cây gì " !!! Còn ông Tổng Trọng thì chỉ hô hào " kiên định , kiên quyết , chống suy thoái biến chất ... " thế rồi cũng chẳng chống được cái gì cho ra hồn , định " giương vây giương cánh " để đánh anh 3X , nhưng không được đành " xụt xịt " trước bàn dân thiên hạ , trông đến ngán ngẩm ! Tham nhũng thì ngày càng " tinh vi khó trị " , nền kinh tế thì ngày càng bết bát " làm đâu hỏng đó " , quan hệ đối ngoại thì vừa " hèn " vừa chẳng biết phân biệt đâu là bạn đâu là thù ! Chẳng hiểu tầm nhìn của ngài đến đâu về cái CNXH này mà ngài lại có câu nói khá " bi quan : không biết đến cuối thế kỷ này có xây dựng thành công CNXH ở Vietnam không ( đại ý vậy ) !!! Những con người như vậy thì sao có thể sánh với ông Trần xuân Bách được ? Không biết từ nay cho đến đại hội đảng XII , ngài TBT có " chiêu " nào nữa không chứ kiểu này thì lại " xụt xịt " nữa chứ không chơi !

      Xóa
  5. Chế độ XHCN dân chủ gấp vạn lần chế độ tư bản, nhưng chỉ có điều là lãnh đạo thì ăn của dân không từ thứ gì, nghĩa là kể cả Cứ....

    Trả lờiXóa
  6. Chủ Nghĩa Xã Hội là gì? Đó là Chủ Nghĩa Phong Kiến khoa học. Tập Quyền - Tập Ấm- Quan Liêu, dẫn đến toàn là "Cẩu Quan". Lớn bé đều một bọn như vậy. Một xã hội "Ưu việt".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ồ. Như vậy là nhân dân ta bị phỉnh lừa, để đánh đổ chủ nghĩa phong kiến, rồi xây dựng chủ nghĩa phong kiến kiểu mới, dưới tên gọi mỹ miều - chủ nghĩa phong kiến khoa học. Quá đắng và quá chát!

      Xóa
  7. Chế độ XHCN và nhà cầm quyền CS rất nhiều tội. Trong đó có tội đã tiêu diệt, trù giập mọi nguyên khí quốc gia và tinh hoa của dân tộc

    Trả lờiXóa
  8. Chế độ XHCN và nhà cầm quyền CS rất nhiều tội. Trong đó có tội đã tiêu diệt, trù giập mọi nguyên khí quốc gia và tinh hoa của dân tộc

    Trả lờiXóa
  9. Như ông Trường Chinh trả lời câu hỏi của phòng viên ở VN không có tự do báo chí, ngôn luận? Có ai cấm tự do ngôn luận đâu, cứ tự do chửi bọn đế quốc, tư bản, Mỹ - Ngụy.. ???!!!

    Trả lờiXóa
  10. Chủ nghĩa xã hội thật sự là gì?
    - Chủ Nghĩa Xực Hết!

    Trả lờiXóa
  11. Tỷ lệ trí tuệ cao trong đảng thấp quá trời. Cụ TXB phân tách đúng hiện trạng CNXH. Nhưng cụ là số ít, quá ít, quá cô đơn. Cụ cũng quá trong sạch nên gia đình, vợ con cũng khổ theo cụ.
    Dân chủ là là cái tự nhiên, không phải là cái người dân được ban ơn. Nhưng thực tế hiện nay vẫn là ban ơn.
    Cụ viết: "Đảng phải có năng lực trí tuệ" nhưng xem ra thừ khi có bài viết này đến nay đã 25 năm rồi mà đảng chưa đạt được cái tiêu chí đó.
    Cụ TXB viết: "Không thể dùng quyền lực thay cho năng lực". Nhưng hỡi ôi, nhiều lãnh đạo chủ chố của đảng năng lực thì ngắn, nhưng quyền lực thì vô biên, trên cả chính sách của đảng và pháp luật của nhà nước. Cần gì văn bản, lện miệng là ô kê rồi.
    Ở Gài gòn, đến người đạp xích lô, bà bán hàng rong cũng hiểu được việc dẹp bỏ THƯƠNG XÁ TAX là một sự phá hoại truyền thống VH, là vô đạo đức, là phá hoại di sản kiến trúc, nhưng chỉ vì nhóm lợi ích họ Lê mà người dân phải ngậm ngùi vĩnh biệt một địa danh, một công trình, một truyền thống VH đã tồn tại trên 100 năm, làm nên một hòn ngọc Viễn đông. Nếu như nước Pháp cũng bắt chước VN phá bỏ tháp Eiffel, Điện Élysée ....để làm trung tâm thương mại như VN thì Paris có còn là Paris nữa không? Nếu Căm pu chia bắt chước VN phá bỏ Hoàng cung để xây casino thì có còn là đất nước chùa tháp nữa không? Ta cứ tự vỗ ngực xưng tên VH VN đậm đà bản sắc thế mà ta đã phá hỏng biết bao nhiêu cái bản sắc từ chùa chiền miếu mạo đến các công trình kiến trúc tiêu biểu. Chỉ còn vài cái "bản sắc tiêu biểu" cũng đang trên lộ trình bị hủy hoại. Đến một lúc nào đó thì Dinh Xã Tây (UBND TP hiên nay), nhà hát thành phố, Dinh Gia Long ...cũng sẽ trở nên "lạc điệu" với kiến trúc thương mại của "nhóm lợi ích" (các văn kiện của đảng cũng đã nhắc tới cụm từ này) và cùng chịu chung số phận với THƯƠNG XÁ TAX. Các ông/bà Hội đồng thành phố sao im lặng về vụ này? dân bầu các vị ra mà chẳng ai đứng ra phản biện? Hay do dân ngu nên mới ngậm ngùi khi phải vĩnh biệt nơi này.

    Trả lờiXóa
  12. CNTB khác CNXH ở chỗ : ở CNXH khi người ta hỏi người công nhân, cái nhà máy này là của ai, người công nhân nói rằng,cái nhà máy này là của tao. Thế người ta lại hỏi, cái ô tô này là của ai, người công nhân nói, cái ô tô này là của ông giám đốc. Còn ở CNTB thì người công nhân nói,cái nhà máy của ông chủ, còn cái ô tô này là của tao.

    Trả lờiXóa
  13. Một điều mà tôi cứ thắc mắc mãi mà không giải thích nổi là tại sao CNXH chưa từng có mà chưa biết khi nào mới có, thế sao lại nói là ĐI LÊN CNXH nhỉ. Tại sao ở Đông Âu họ không biểu tình đòi ĐI LÊN cái chủ nghĩa mà họ có hạnh phúc bao nhiêu năm sống cùng với nó, chắc là họ không thông minh bằng VN, Bắc triều tiên....Tại sao CNXH ưu việt như vậy mà các đ/c TQ lại dạy cho các đ/c VN một bài học và đang lại muốn phụ đạo thêm một bài nữa nhỉ. Ôi mình thật ngu si, đần độn, giống như chú ếch dưới đáy giếng cứ tưởng cái bầu trời của mình là bao la, vĩ đại, nhưng có biết đâu rằng mình đang chỉ ở cái khe giếng thôi. Thật là bất hạnh, nhưng nếu sự bất hạnh ấy chỉ riêng mình chịu đựng thì còn được, chứ để cả một dân tộc phải chịu đựng, rồi đời con đời cháu phải gánh chịu hậu quả của sự tài tình, vĩ đại của mình thi e không nên.

    Trả lờiXóa