Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG CỦA TÔI.

        MINH TÂM          

      Gần 50 năm mấy anh em cùng làng, cùng nhập ngũ một ngày và ở cùng một đại đội mới gặp lại nhau.  Thiếu tá Ruệ về hưu năm 1989, Trung tá Thăng vể hưu 1990, Thiếu úy Hải ra quân 1978, Trung sĩ Huy ra quân 1977 trung sỹ, Thượng sĩ Nghị ra quân 1978, Trung sĩ Hưu ra quân 1976 trung sỹ, Đại úy Toán nghỉ hưu 1987 và Thượng tá Thân về hưu 1994 thượng tá... Hai mươi  ba chàng trai trẻ  nhập ngũ ngày 20-3-1965 , giờ  chỉ còn chín người, tổ chức cuộc họp mặt mừng thọ đại tá Phạm Lâm, người làng bên  là  đại đội trưởng đầu tiên của chúng tôi ...
Đại tá Phạm Lâm mặc quân phục chỉnh tề , gắn quân hàm , quân hiệu đàng hoàng tới dự buổi họp mặt như đi dự đại lễ. 
          - Phải tươm tất một tý! Biết đâu đây là lần cuối cùng anh gặp các chú?
          Đại tá Phạm Lâm nói thế,hai khóe mắt ngấn nước.
          Bốn mươi chín năm trước  Phạm Lâm  35 tuổi đeo quân hàm trung úy. Năm 1947 mới 17 tuổi  anh  đi lính  Pháp, năm 1949 anh  đào ngũ về với cách mạng, được phong chức vụ tiểu đội trưởng chiến dịch Biên giới 1950, trung đội trưởng chiến dịch  Điện Biên Phủ.  Hòa bỉnh lập lại Phạm Lâm được đi học một khóa sỹ quan,  năm 1958 được phong quân hàm thiếu úy và năm 1964 được phong trung úy.  Tuy đã  là “Anh bộ đội cụ Hồ” nhưng Phạm Lâm vẫn chưa  bỏ hết  tác phong của một quân nhân quân đội Pháp, khẩu súng K54 đeo hơi trễ bên hông, ngực  ưỡn ra  bước đi oai vệ  và vẫn không thích  kè kè bên cạnh đại đội trưởng một chính trị viên lúc nào cũng lên mặt lãnh đạo.  Với bản lý lịch từng đi lính Pháp và tác phong quan điểm  như vậy nên tuy làm đại đội trưởng nhưng Phạm Lâm không được vào chi ủy và không được trên tin tưởng.
          Đơn vị đóng quân  ở bản  Bún Thia , Hòa Bình cạnh  sông Đà. Ngày ngày đúng bốn giờ chiều những chiếc xe Zin chở những khoang thuyền sắt  hình hộp chữ nhật đổ xuống bến.  Loại khí tài vượt sông này  của Liên Xô  sử dụng từ chiến tranh thế giới làn thứ hai, nghĩa là hơn 20 năm rồi, nhưng  chỉ huy nói với chúng tôi là  hiện đại nhất , phải tuyệt đối bí mật. Đêm đêm chúng tôi móc dây cáp tời từng khoang  thuyền xuống sông rồi  cứ ba người một khoang dàn dầm, lát ván , nối lại với nhau thành chiếc cầu phao. Từng động tác đơn giản  lặp đi lặp lại suốt ba tháng  bất kể trời  mưa gió. Khi  các động tác đã thành thục chúng tôi hành quân vào khu 4 bắc cầu cho xe pháo , xe vận tải cơ động.
          Có lẽ không sắc lính nào làm việc cực khổ, nặng nhọc mà hình ảnh lại nhạt nhòa  như  lính công binh cầu phà ngày ấy. Khẩu súng đeo trên lưng chỉ để làm vì,thêm nặng và vướng vứu. Vũ khí chủ yếu là chiếc xẻng chiếc cuốc , những chiếc Bulon, tấm ván, thanh dầm. Ngày mở đường bạt bến, đêm bắc cầu . Bấy giờ chiến tranh phá hoại ở khu 4 rất ác liệt, bến cầu phà là mục tiêu ném bom thường xuyên của máy bay Mỹ.Chúng tôi phơi mình giữa bom đạn để bắc cầu. Khi cầu bắc xong,từng đoàn xe lướt qua bỏ lại những người lính công binh  đứng chôn chân trên   mũi mỗi khoang thuyền mặc cho  gió hắt nước sông lên lạnh buốt. Thình lình lại xuất hiện một chùm pháo sáng lơ lửng trên trời soi rõ từng chiếc phao trên hàng lan can gây cho chúng tôi càm giác trống trải rợn người. Những lần máy bay Mỹ ném trúng mục tiêu, cầu gãy,  trên mặt sông mảnh ván, dây chão và xác lính công binh trôi lềnh bềnh theo dòng nước.  Nhiều lần  bom từ trường rài kín khu vục bắc cầu. Trên bến, dưới sông, thượng lưu hạ lưu bom dày đặc. Đó là loại bom ẩn sâu dưới lòng đất, rình rập có hơi sắt thép là nổ. Chúng tôi  mò mẫm phá bom mở luồng , mở bến bằng những chiếc xẻng làm bằng  gỗ hoặc cánh bom từ trường  và những thỏi nam châm thô sơ , đơn giản và liều lĩnh như trò chơi của trẻ con. Đại đội trưởng Phạm Lâm luôn có mặt  bên cạnh chúng tôi. Một đêm trên bến Hàm Rồng, Thanh Hóa , tôi  đang đứng gác cầu cùng  Khang, Bằng  hai đứa bạn thân cùng làng thì máy bay  nhào tới ném bom. Tôi thấy nhoáng nhoàng  lửa khói và những cột nước như rồng cuốn lên trời. Lúc sau tôi tỉnh lại thấy mình dạt vào bờ Nam Ngạn. Sáng hôm sau tôi mới biết Khang và Bằng đã hy sinh. Tối hôm đó  đại đội trưởng Pham Lâm gọi mấy đứa làng tôi lại nói:
        - Các cậu phải tìm bằng được xác thằng Khang thằng Bằng. Để mất xác chúng nó là có tội với làng xóm nghe chửa?
          Đại đội trường  cởi quần áo cùng chúng tôi lặn xuống sông. Anh  phán đóan  Khang và Bằng bị vướng vào những thanh dầm sắt chìm dưới đáy  không nổi lên được. Qủa nhiên đúng như vậy. Chúng tôi lặn xuống mò mẫm gần hết đêm và đã tìm được xác hai người bạn cùng làng.
         Hôm sau đơn vị rút về Bún Thia, Hòa Bình bổ sung khí tài và học chính trị. Chính trị viên  lên lớp cho chúng tôi về truyền thống và công lao của đảng,Bác, về tấm gương liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân với câu nói “ Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Khang và Bằng  cũng  trở thành tấm gương  bám cầu  anh dũng hy sinh cho đơn vị học tập.
          Một hôm chính trị viên đang lên lớp thì  nghe tiếng máy bay Mỹ rít trên đầu. Tất cả đại đội chạy bổ nhào xuống giao thông hào ven đồi. Máy bay Mỹ đang ném bom ở nông trường
Thanh Sơn cách chỗ chúng tôi khoảng mười cây số đường chim bay. Tôi nghe rõ tiếng bom, nhìn rõ những cột khói đen bốc cao. Vòng lượn của những chiếc máy bay  sát rạt trên đầu, tôi nhìn rõ  từng  hàng chữ trên thân chiếc phản lực  F105 đen trùi trũi như con cá kình.
           Chính trị viên Nguyễn Thanh Bình đứng nép trong căn hầm chữ A hô rất to:
          - Tất cả noi gương Nguyễn Viết Xuân sẵn sàng nhằm thẳng quân thù mà bắn!
           Tôi mở khóa  an toàn khẩu Ak và thấy người bên cạnh cũng làm theo lệnh chính trị viên. Tiếng máy bay  gầm rú, và tiếng bom từ nông trường Thanh Sơn dội lại ú tai.  Bỗng một chiếc  F105 lảo đảo như sắp rơi cắm phập xuống đầu chúng tôi. Tôi nhắm mắt xiết cò khẩu AK . Và chung quanh tôi mọi người cũng làm như vậy. Gió cuồn cuộn như cơn lốc ép tôi xuống lòng hào  và chiếc  F105 bay mất hút.
          Chiều hôm đo, vừa im tiếng máy bay tiếng súng,  đồng bào Mường  ở Bún Thia rùng rùng  bồng bế nhau  bỏ nhà vào rừng.   Họ bảo: “Máy bay Mỹ như hùm như cọp, bộ đội trêu tức nó, nó sẽ quay lại giết hết người Mường!” Trung đoàn một mặt lo ảnh hưởng công tác dân vận, một mặt sợ máy bay Mỹ đến ném bom vào nơi cất dấu khí tài vượt sông, yêu cầu kỷ luật thật nặng người  ra lệnh nổ súng bắn máy bay . Chính ủy trung đòan Tô Hoán  trực tiếp xuống đại  đội chỉ đạo kiểm điểm. Chính trị viên Nguyễn Thanh Bình chối bay chối biến đã ra lệnh chiến đấu, và bắt các trung đội lập danh sách những chiến sĩ nổ súng để kỷ luật. Hơn ba chục thằng lính trẻ tất cả, tôi trong số đó.
           Chúng tôi bị gọi ra đứng trước hàng quân nhận quyết định cảnh cáo ghi lý lịch. Nhưng chính trị viên vừa giơ tờ giấy quyết định lên đọc thì đại đội trưởng Phạm Lâm ưỡn ngực bước ra, đứng nghiêm trước mặt chính ủy Tô Hoán, đặt tay lên vành mũ chào và nói dõng dạc:
         - Báo cáo đồng chí Trung tá chính ủy Tô Hoán, tôi trung úy Phạm Lâm đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 239, đã ra lệnh cho bộ đội bắn máy bay Mỹ , sẵn sàng nhận  kỷ luật !
          Tất cả chúng tôi đều biết đại đội trưởng không hề ra lệnh,                                              
anh nhận kỷ luật thay cho những người lính trẻ. Trong khi đó kẻ ra lệnh là chính trị viên lại hèn nhát lẩn tránh . Đấy là bài học đầu tiên  tôi học được sau nửa năm đi lính. Một bài học về sự đớn hèn và cao thượng!
          Đại đội trưởng Phạm Lâm bị cảnh cáo và bị điều đi khỏi đại đội.  Bảy năm sau, tôi mới gặp lại anh  ở miền Đông Nam Bộ,khi chuẩn bị vào chiến dịch Nguyễn Huệ. Lâm cho tôi biết  sau khi rời đại đội,  anh bị chuyển vế Đoàn 1506 và đi B2 luôn. Bấy giờ Phạm Lâm là thượng  úy chức vụ phó chủ nhiệm  công binh sư đoàn. Bảy năm ở chiến trường mà mới được lên một cấp vì  trong  lý lịch  đã có thời kỳ đi lính Pháp , lại phạm kỷ luật cảnh cáo.  Nhưng anh Lâm không hề tỏ ra bất mãn. Anh nói với tôi : “ Mình theo cách mạng giải phóng đất nước chứ đâu phải vì sao vạch! Mình sẽ chứng minh cho các ông ấy hiểu điều đó!” Anh cho tôi biết thằng Hưng con trai đầu lòng của anh đã  nhập ngũ , lính đặc công và cùng ở chiến trường miền Đông. “ Nó vào hồi đầu năm nhưng cha con chưa gặp nhau”. Anh Lâm  dặn tôi : “ Nếu gặp cháu chú nói anh khỏe và động viên cháu cố gắng  hoàn thành nhiệm vụ!”  Ba tháng sau tôi đến đơn vị của Hưng  được biết Hưng đã hy sinh trong trận đánh chốt Thiện Ngôn , Tây Ninh. Thằng Tuấn người cùng làng và cùng tiểu đội với Hưng  nói với tôi:
         - Hưng bị trúng đạn bắn thẳng . Nó chết trên tay cháu.
         - Hưng có hay nhắc đến bố không?
         - Không.
         - Trước lúc hy sinh nó có nói gì không?
         - Nó chỉ gọi được câu bu  ơi thôi chú ạ!
          Ba năm sau tôi mới gặp lại Phạm  Lâm. Anh  vừa được phong quân hàm thiếu tá và làm  trung  đoàn phó  Trung đoàn 25 công binh.  Lâm biết tin cháu Hưng hy sinh ở Thiện Ngôn sau tôi ít ngày và anh dấu không báo tin cho vợ.  Anh đã già xọm đi, ngực lép kẹp và tóc muối tiêu ,nhưng  vẫn say mê công tác , vẫn muốn chứng minh lòng trung thành của mình với đảng.  Anh không xin đi học, không xin chuyển ngành , không thắc mắc chậm được đề bạt, lao  ngay vào cuộc chiến đấu mới với Khơ me đỏ ở  biên giới Tây Nam. Một buổi chiều mùa khô năm 1978 ,  ở mặt trận biên giới Tây Nam anh  Lâm cho tôi xem lá thư của vợ anh. Chị Lâm viết : “ Thằng Hà vừa thi tốt nghiệp cấp ba xong lại  nằng nặc đòi đi bộ đội. Nó bảo anh đã động viên nó . Tôi có hai đứa con theo gương anh chết một , còn một đứa  lại  theo anh nốt.  Anh ác quá anh Lâm ơi !” Tôi hỏi :
          - Thế nó đi chưa?
          - Đi rồi!
          - Bây giờ nó ở đâu?
          - Biên giới phía Bắc!
          - Vợ anh nói đúng! Anh ác quá...
          Anh Lâm chỉ tay vào mặt tôi:
          - Chú  cũng nói như thế mà nghe được à! Chúng ta đã theo đảng phải theo đến cùng.
           Thì ra  anh  Lâm vẫn muốn chứng minh lòng trung thành với đảng. Sáu năm sau, ngày 25-2-1984  thằng Hà hy sinh ở Vị Xuyên, Hà Giang.  Cuối năm đó anh được phong quân hàm đại tá .  Đảng đã tin anh!?  Cái giá để đổi lấy niềm tin đó là 35 năm  quân ngũ và hai  đa con !?
          Cuối năm 1988 Phạm Lâm nghỉ hưu. Theo chế độ, anh được cấp 10 bao xi măng, 10 tấm tôn, một  giường cá nhân. Cái giường anh dỡ ra bó gọn lại đưa lên tàu mang về còn 10 bao xi măng và 10 tấm tôn mang đổi lấy  cái khung xe đạp i-nok và 10 mét vải hoa cho vợ .  Đêm trước ngày ra Bắc, anh ngồi tâm sự với tôi đến  khuya.  Sau  40 năm cầm súng,trải qua ba cuộc chiến tranh  bốn lần bị thương  giờ về quê với từng ấy thứ của cải mà anh vẫn vô tư, thậm chí còn  tự hào vì  đã hy sinh trọn cuộc cho đảng....
          Thằng cháu tôi xuống ao bắt được mấy con cá trắm cỏ, vợ
tôi ra chợ mua hai con gà.  Chúng tôi xúm nhau  làm cỗ mừng sinh nhật đại tá Phạm Lâm. Anh Lâm bảo bày cỗ ra sân và xắp đủ đũa bát cho Khang, Bằng và những anh em trong đại đội đã hy sinh.
         Khi cỗ đã bày xong, anh Lâm chỉnh đốn lại quân phục chỉnh tề và hô:
         - Một hàng ngay tập họp!
         Chín anh em chúng tôi theo lệnh người đại đội trưởng cũ đứng một hàng ngang. Bỗng nhớ lại hình ảnh hai mươi ba thằng con trai trẻ măng năm nào. Mười bốn đứa đã hy sinh, chưa đứa nào có vợ, hầu hết chưa tìm được hài cốt.  Chín đứa còn lại xếp hàng ngang nhìn mâm cơm bày hai mươi ba cái chén hai mươi ba đôi đũa với đôi của đại đội trường Phạm Lâm là hai mưới bốn.  Đại tá  Phạm Lâm tóc đã rụng gần hết, bộ ngực nửa thế kỷ trước nở căng luôn ưỡn ra oai vệ đầy tự tin giờ xẹp lép uốn theo cái lưng còng. Anh nhìn hàng quân và hô:
       - Nghiêm!
        Anh giơ tay lên vành mũ chào  hàng bát đũa xếp thẳng hàng của những người lính đã hy sinh và chào chúng tôi rồi cầm ly rượu chạm khắp lượt. Xong anh nói:
       - Hôm nay gặp mặt anh em tôi xin báo cáo một việc , là tôi vừa ký tên vào bản kiến nghị của một số tướng lĩnh và sỹ quan cấp đại tá gửi Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ. Bản kiến nghị khẳng định Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, phải tận trung với nước, tận hiếu với dân , suốt đời hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc vì hạnh phúc của nhân dân. Đảng không được sử dụng lực lượng vũ trang  đàn áp dân. Bản kiến nghị yêu cầu tôn vinh xứng đáng những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và Hoàng Sa, Trường Sa trước quân xâm lược Trung Quốc . Bản kiến nghị yêu cầu đảng chính phủ trả  lời công khai có hay không  việc người đại diện phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Thành Đô 1990, đã đề nghị Trung Quốc cho Việt Nam sáp nhập vào Trung quốc, trở thành một khu tự trị như Tây Tạng, Tân Cương, mà tờ báo Hoàn Cầu của đảng Cộng sản Trung Quốc đã công khai trong thời gian vừa qua...
         Đại tá Phạm Lâm ngừng lấy hơi một lát rồi nói tiếp:
         - Khi tôi động viên cả hai đứa con vào bộ đội  vợ tôi bảo tôi ác quá. Tôi đã làm như vậy để chứng minh lòng trung thành của mình với đảng, bởi tôi nghĩ đảng là của dân với mục đích cao cả vì độc lập tự do của Tổ quốc vì hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy quân đội trung thành với đảng cũng là trung thành với Tổ quốc nhân dân. Bây giờ tôi mới hiểu sự thật không như vậy. Hơn tám mươi tuổi mới nhìn ra sự thật có muộn quá  không các đồng chí? Phải trả giá cà đời mình và hai đứa con mới nhìn thấy mặt trái của tấm huân chương mình đeo trên ngực có đắt quá không các em?
        Đại tá Phạm Lâm khóc nức lên. Bầu không khí chết lặng đi. Thượng tá Thân bước ra xiết chặt tay đại tá Phạm Lâm nói:
         - Đã có lúc tôi nghĩ khác về anh. Nhưng bây giờ thì anh vẫn là đại đội trưởng của tôi! Chưa muộn đâu đại đội trưởng ạ!
 Hạ 2014 
    MT 

13 nhận xét:

  1. Cái giá của đại tá Phạm Lâm là đã tám mươi tuổi, khi đầu bạc răng long, và hy sinh hai đứa con rồi mới nhìn ra bộ mặt thật của những người CS, mới nhìn ra "mặt trái của tấm huy chương". Còn dân tộc VN hiện nay, đã hy sinh hàng chục triệu người VN bằng những cuộc chiến tranh vô nghĩa, Đã và đang ngày càng lụn bại dưới ách cai trị độc tài và thối nát của ĐCSVN. Vậy mà "một bộ phận không nhỏ" vẫn còn u mê, lú lẫn với cái bánh vẽ XHCN, vẫn cam tâm làm tay sai cho ngoại bang để đàn áp đồng bào mình với phương châm " thà mất nước chứ không thể mất đảng".. Biết đến bao giờ lớp người ấy mới sáng mắt ra như Phạm Lâm?

    Trả lờiXóa
  2. E kính phục đại tá phạm lâm
    Chúc đại tá mạnh khỏe
    Không riêng một đại tá muộn mới nhìn thấy bản chất C s
    Còn nhiều người bị như đại tá
    Đại tá phạm lâm bây giới nói ra vẫn chưa muộn
    Để thế hệ sau biết mà rút kinh nghiệm
    Kẻo lại bị giẫm vào bước chân cũ
    Xin cảm ơn đại tá dạy bảo
    Chúc ông lâm mạnh khỏe vui vẻ sổng nâu

    Trả lờiXóa
  3. Cảm động về câu chuyện của đại tá bao nhiêu thì thì căm giận những kẻ u mê,lú lẫn bấy nhiêu

    Trả lờiXóa
  4. Trương Minh Tịnhlúc 05:10 22 tháng 9, 2014

    Bài viết hay quá.
    Đọc hết ...... Xúc cãm nước mắt rưng rưng.
    May ra đất nước còn những tấm lòng như Phạm Lân,mới nói chuyện ăn thua với TQ.
    Còn không thì hết rồi quý vị ạ !

    Trả lờiXóa
  5. Chính ủy:
    - Hãy tỏ bày tấm lòng thật của đồng chí, rồi tôi sẽ chia sẻ sự... dối trá...

    Trả lờiXóa
  6. E kính phục đại tá phạm lâm
    Chúc đại tá mạnh khỏe
    Không riêng một đại tá muộn mới nhìn thấy bản chất C s
    Còn nhiều người bị như đại tá
    Đại tá phạm lâm bây giới nói ra vẫn chưa muộn
    Để thế hệ sau biết mà rút kinh nghiệm
    Kẻo lại bị giẫm vào bước chân cũ
    Xin cảm ơn đại tá dạy bảo
    Chúc ông lâm mạnh khỏe vui vẻ sổng nâu

    Trả lờiXóa
  7. Đọc mà tôi không cầm được nước mắt, vô cùng xúc động và càng cảm phục tấm lòng trung trinh với Tổ quóc, với Nhân dân của đại tá Phạm Lâm. Những điều ông nói với 9 đồng đội còn sống sót về bản kiến nghị đảng và nhà nước là hoàn toàn xác đáng. Đó là tâm tư, ý chí của hầu hết CCB và nhân dân . Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước phải công khai về nội dung bản thỏa hiệp Thành đô 9/1990, Quân đội nhân dân VN chỉ trung thành với Tổ quốc, nhân dân. nếu ban lãnh đạo đảng và nhà nước không đáp ứng yêu cầu trên là phản bội lại Tổ quốc và CCB, nhân dân cả nước. Xin hỏi : Thư trưởng Phạm Lâm có phải đã từng làm tư lệnh Lữ đoàn 25 Công binh Quân đoàn 4 , thời 1977 - 1982 không?. Tôi là một người lính ở Tiểu đoàn 3 của Lữ đoàn 25 , QĐ 4 đây.

    Trả lờiXóa
  8. cảm ơn MT
    dưng quan CM giờ chỉ quan tâm phần tăm, ăn gì, uống gì, chơi gì, ô nào....

    Trả lờiXóa
  9. Câu chuyện thật nhân văn và cảm động.

    Rất cảm ơn 20 vị Tướng Tá đã ký tên vào bản kiến nghị đầy Tâm Huyết gửi Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ VN ,các bác đã thực sự cất thay lời cả triệu anh linh đã hy sinh vì độc lập tự do cho VN và cho cả tám chục triệu người dân VN yêu chính nghĩa ghét gian tà!

    Giống như tình trạng của những hành khách trên chuyến tầu đang dần mất lái trong giông tố ,nhân dân VN có quyền yêu cầu người cầm lái là lãnh đạo Đảng,Nhà nước VN phải minh bạch ,tháo bỏ tấm băng đỏ CNXH bao năm đè trên mắt,trút bỏ những ý tưởng giáo điều màu hồng của Mac đang còn nút chặt hai tai để mở rộng dân chủ , đối thoại và cùng với nhân dân đặng tìm con đường đúng đắn cứu nguy cho con tầu VN đang vô định trên biển cả đầy hiểm họa!

    Trả lờiXóa
  10. Thật xúc động. Tôi là một người dân Việt Nam, mặc dù đã quá tuổi đi lính nhưng tôi sẵn sàng tham gia góp phần bảo vệ tổ quốc nếu có quân xâm lược, nhưng tôi sẽ không bao giờ bỏ một chút công sức nào để bảo vệ chế độ độc tài hết. Thật không hiểu nổi khi chết đi con người có đem theo được gì đâu mà lại ra sức vơ vét, hãm hại đồng loại như thế.

    Trả lờiXóa
  11. Bài viết rất xúc động. Tôi cứ nghĩ Minh Tâm ở đây chính là Minh Diện, một nhà báo tôi luôn mến mộ, thì phải. Tôi thành thật xin lỗi tác giả MT nếu tôi nhầm.

    Trả lờiXóa
  12. Đau quá ! Mất cả 1 đời người ,mất cả 2 đứa con trai cho cuộc chiến tranh để cuối đời mới kịp nhận ra bị 1 quả lừa "VĨ ĐẠI"

    Trả lờiXóa
  13. Tôi ra quân năm 76 sau 5năm quân ngũ cũng chỉ có lon hạ sĩ nên cấp quá nhỏ nhưngTôi rất đồng cảm với đại tá lâm,đất nước có hàng vạn tá tướng thời chống mỹ chông khơ me đỏ chống tàu nhưng chỉ có mấy chục tướng tá ký kiến nghị là quá ít,tướng thước đâu,tướng phạm hanh,phạm tuân,le mã lương ...đâu!nếu vài ngàn tướng tá cùng ký thì họ sẽ nghiêm túc và trân trọng đọc!

    Trả lờiXóa