Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

BA TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ -KINH TẾ - Phần 7

(tiếp theo và hết) … Một đóng góp khác của chủ nghĩa Mác là sự nhấn mạnh bản chất và cấu trúc của sự phân công lao động cả ở cấp độ trong nước và quốc tế.
Như Mác và Engel đã chỉ ra trong cuốn Tư tưởng Đức, mỗi sự phân công lao động ám chỉ sự phụ thuộc và do đó là các mối quan hệ chính trị. Trong một nền kinh tế thị trường các mối liên kết kinh tế giữa các nhóm và các quốc gia trở nên quan trọng trong việc quyết định sự giàu có của họ và các mối quan hệ chính trị. Tuy nhiên, các phân tích của Mác quá hạn chế, bởi sự phụ thuộc về kinh tế không phải là yếu tố quan trọng nhất hoặc duy nhất quyết định mối quan hệ giữa các quốc gia. Mối quan hệ chính trị và chiến lược giữa các chủ thể chính trị cũng có tầm quan trọng tương tự hoặc thậm chí quan trọng hơn và chúng không thể được tối giản hóa thành các vấn đề chỉ về kinh tế mà thôi, ít nhất cũng không như cách các nhà Mác-xít định nghĩa kinh tế học.
Lý thuyết của Mác về kinh tế chính trị cũng có giá trị khi nhấn mạnh các thay đổi chính trị quốc tế. Trong khi chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa dân tộc đều không có một lý thuyết toàn diện về sự thay đổi xã hội, chủ nghĩa Mác đã nhấn mạnh vai trò của những sự phát triển kinh tế và công nghệ để giải thích sự vận động của hệ thống quốc tế. Như được thể hiện trong quy luật phát triển không đồng đều của Lenin, sự phát triển sức mạnh khác nhau giữa các nước tạo nên một nguyên nhân ngầm cho những sự thay đổi về mặt chính trị. Ít nhất Lenin đã đúng một phần khi cho rằng cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất là do sự phát triển sức mạnh kinh tế không đều giữa các quốc gia công nghiệp và mâu thuẫn trong việc phân chia lãnh thổ. Rõ ràng việc phát triển không đồng đều của các cường quốc Châu Âu đã có những ảnh hưởng đến cân bằng quyền lực và gây ra sự bất ổn chung. Sự tranh giành thị trường và các đế chế làm mối quan hệ giữa các quốc gia xấu hơn. Hơn nữa, nhận thức ngày càng cao của người dân bình thường về những tác động của sự thay đổi đột ngột trên thị trường thế giới và các hành vi kinh tế của các quốc gia khác đến phúc lợi và an ninh cá nhân cũng trở thành một nhân tố quan trọng trong sự thù địch gia tăng giữa các quốc gia. Đối với các quốc gia cũng như các công dân, sự phụ thuộc về kinh tế ngày càng cao mang lại một cảm giác mới về sự mất an ninh, dễ bị tổn thương và sự căm ghét các địch thủ kinh tế và chính trị.
Rõ ràng chủ nghĩa Mác cũng đã đúng khi cho rằng kinh tế tư bản, ít nhất là như chúng ta biết trong lịch sử, có những động lực bành trướng mạnh mẽ thông qua thương mại và đặc biệt là xuất khẩu tư bản. Các nhà kinh tế tự do cổ điển cũng khẳng định rằng tăng trưởng kinh tế và tích tụ tư bản tạo nên xu hướng tỉ suất lợi nhuận giảm dần. Tuy nhiên họ lại cho rằng sự suy giảm này có thể được ngăn chặn thông qua thương mại quốc tế, đầu tư nước ngoài và các biện pháp khác. Trong khi thương mại tiêu thụ lượng tư bản dư thừa trong các ngành sản xuất hàng xuất khẩu, đầu tư nước ngoài cũng giúp đưa lượng vốn này ra hải ngoại. Vì vậy các nhà kinh tế tự do cổ điển cũng đồng ý với chủ nghĩa Mác rằng kinh tế tư bản có những khuynh hướng nội tại xuất khẩu hàng hóa và tư bản thặng dư.
Xu hướng này đã dẫn đến kết luận rằng chủ nghĩa tư bản mang bản chất quốc tế và sự vận động bên trong của nó khuyến khích sự bành trướng ra bên ngoài. Trong một nền kinh tế tư bản đóng và không có công nghệ tiên tiến, sức mua thấp, thặng dư tư bản, và kết quả là sự suy giảm lợi nhuận đầu tư cuối cùng sẽ dẫn đến cái mà John Stuart Mill gọi là “quốc gia đứng yên” (Mill, 1970). Tuy nhiên, trong một nền kinh tế mở đặc trưng bởi sự mở rộng của chủ nghĩa tư bản, sự gia tăng dân số, và sự phát triển không ngừng trong năng suất thông qua các tiến bộ công nghệ, không có lý do gì cho trì trệ kinh tế xảy ra.
Mặc khác, nền kinh tế xã hội hay cộng sản chủ nghĩa không có xu hướng nột tại để bành trướng ra quốc tế. Trong một nền kinh tế cộng sản, đầu tư và tiêu thụ được quyết định bởi kế hoạch và hơn nữa, nhà nước lại có độc quyền đối với mọi trao đổi với nước ngoài. Tuy nhiên một nền kinh tế cộng sản cũng có thể có những động cơ chính trị và chiến lược để xuất khẩu tư bản, hay có thể cần phải đầu tư ra nước ngoài nhằm dành những nguồn nguyên liệu thô thiết yếu. Một chế độ Mác xít cũng có thể thấy là sẽ có lợi nhuận khi đầu tư ra nước ngoài hoặc tham gia vào các trao đổi thương mại khác. Chắc chắn là Liên Xô đã thỉnh thoảng có lợi với tư cách là những người trao đổi thương mại khôn kheo, như Ralph Hawtrey đã chỉ ra rằng sự xuất hiện của một chính quyền xã hội hay cộng sản chủ nghĩa không loại bỏ động cơ tìm kíếm lợi nhuận và việc chuyển những động cơ này sang cho nhà nước cũng có một vài lợi ích (Hawtrey, 1952). Thế nhưng cấu trúc của một xã hội cộng sản với sự nhấn mạnh uy tín, quyền lực, và lý tưởng không khuyến khích sự mở rộng kinh tế ra nước ngoài. Khuynh hướng hiện hữu là biến kinh tế trở nên phụ thuộc vào chính trị và những mục tiêu mang tính dân tộc chủ nghĩa của quốc gia (Viner, 1951).
Chủ nghĩa Mác cũng đã đúng khi cho rằng chủ nghĩa tư bản cần một hệ thống kinh tế thế giới mở. Các nhà tư bản mong muốn tiếp cận các nền kinh tế nước ngoài để xuất khẩu hàng hóa và tư bản; xuất khẩu hàng hóa có tác động thúc đẩy các hoạt động kinh tế trong nền kinh tế tư bản theo lý thuyết của Keynes, và xuất khẩu tư bản giúp gia tăng tỉ lệ lợi nhuận chung. Sự đóng cửa các thị trường nước ngoài và các nơi có thể xuất khẩu tư bản làm tổn hại đến chủ nghĩa tư bản, và một nền kinh tế tư bản đóng sẽ dẫn tới kinh tế suy giảm một cách mạnh mẽ. Có lý do để tin rằng hệ thống tư bản (như chúng ta đã biết) không thể tồn tại mà không có một nền kinh tế thế giới mở. Đặc điểm quan trọng của chủ nghĩa tư bản, như Mác đã chỉ ra, là mang tính toàn cầu, tư tưởng của chủ nghĩa tư bản là quốc tế. Chủ nghĩa tư bản tồn tại ở một quốc gia duy nhất là điều không thể.
Trong thế kỷ 19 và 20 các quốc gia tư bản chủ chốt, như Anh và Mỹ, đã dùng sức mạnh của mình để thúc đẩy và duy trì một nền kinh tế thế giới mở. Họ dùng sức ảnh hưởng của mình để loại bỏ các rào chắn đối với sự lưu thông tự do của hàng hóa và vốn. Khi cần thiết, như Simon Kunznets đã nói, “các cường quốc mạnh hơn của thế giới phát triển sẽ áp đặt lên những đối tác bất đắc dĩ của họ cơ hội tham gia thương mại quốc tế và phân công lao động” (Kuznets, 1966). Trong quá trình theo đuổi lợi ích riêng của mình, các quốc gia này đã tạo ra luật quốc tế nhằm bảo vệ quyền sở hữu tài sản của các nhà đầu tư và thương nhân (Lipson, 1985). Và khi các quốc gia thương mại lớn không thể hoặc không muốn thực thi các luật thương mại tự do, hệ thống tự do bắt đầu thoái trào từ từ. Do đó, đến lúc này, chủ nghĩa Mác đã đúng khi nhận định về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc hiện đại.
Điểm yếu cơ bản của chủ nghĩa Mác với tư cách là một lý thuyết về kinh tế chính trị quốc tế bắt nguồn từ việc nó không nhận ra vai trò của các nhân tố chính trị và chiến lược trong quan hệ quốc tế. Mặc dù đánh giá cao những tư tưởng sâu sắc của chủ nghĩa Mác, người ta có thể không chấp nhận lý thuyết của Mác cho rằng sự vận động của quan hệ quốc tế hiện đại được thúc đẩy bởi nhu cầu của các nền kinh tế tư bản về xuất khẩu hàng hóa và tư bản thặng dư. Ví dụ, liên quan đến nhận định cho rằng mức độ phát triển không đồng đều của kinh tế quốc gia dẫn đến chiến tranh thì nguyên nhân có thể là do sự thù hằn dân tộc, vốn có thể diễn ra mà không liên quan đến bản chất của nền kinh tế – mà xung đột giữa Trung Quốc và Liên Xô là một ví dụ. Mặc dù việc tranh giành thị trường và nơi đầu tư tư bản có thể là nguyên nhân của mâu thuẫn và là một nhân tố dẫn đến chủ nghĩa đế quốc và chiến tranh, nhưng lập luận này không đưa ra một giải thích đầy đủ cho hành vi đối ngoại của các nước tư bản.
Ví dụ, các bằng chứng lịch sử không ủng hộ quan điểm của Lenin cho rằng nguyên nhân của chiến tranh thế giới lần thứ nhất là do logic của chủ nghĩa tư bản và hệ thống thị trường. Cuộc tranh giành lãnh thổ quan trọng nhất giữa các nước Châu Âu dẫn đến chiến tranh không phải là những cuộc tranh chấp lãnh thổ ở các thuộc địa hải ngoại như Lenin đã nói, mà cuộc tranh giành này nằm ngay trong lòng Châu Âu. Cuộc xung đột chủ yếu dẫn đến chiến tranh liên quan đến sự phân chia lại lãnh thổ ở Balkan thuộc đế chế Ottoman đang suy tàn. Và nếu xét về nguyên nhân kinh tế của cuộc xung đột thì nó lại liên quan đến mong muốn của Nga được tiếp cận vùng biển Địa Trung Hải (Hawtrey, 1952). Chủ nghĩa Mác không thể giải thích được một thực tế là ba đế quốc đối địch chủ chốt – Anh, Pháp, và Nga – thực ra lại cùng một chiến tuyến trong cuộc xung đột nổ ra sau đó chống lại nước Đức, một nước ít có những lợi ích ngoại giao bên ngoài Châu Âu.
Thêm vào đó, Lenin đã sai khi chỉ ra động cơ chủ yếu của chủ nghĩa đế quốc là những yếu tố bên trong của hệ thống tư bản. Như Benjamin J. Cohen đã chỉ ra trong những phân tích lý thuyết Mác xít về chủ nghĩa đế quốc, sự xung đột về chính trị và chiến lược giữa các nước Châu Âu là quan trọng hơn; ít nhất chính tình trạng bế tắc trên Châu Âu lục địa giữa các cường quốc buộc họ phải đối đầu nhau ở thế giới thuộc địa (Cohen, 1973). Những mâu thuẫn thuộc địa này (trừ cuộc chiến tranh Boer) thực ra đều được giải quyết bằng các biện pháp ngoại giao. Và cuối cùng những thuộc địa ở nước ngoài của các cường quốc Châu Âu thực ra chỉ có những hiệu quả kinh tế nhỏ. Như tài liệu của chính Lenin đưa ra hầu hết vốn đầu tư nước ngoài của Châu Âu đều tập trung vào các “vùng đất định cư mới” (Mỹ, Canada, Australia, Nam Phi, Agentina…) hơn là vào các vùng thuộc địa phụ thuộc mà ngày nay được gọi là các nước thế giới thứ ba. Thực ra trái với quan điểm của Lenin cho rằng chính trị theo sau đầu tư, tài chính quốc tế trong suốt thập niên này chủ yếu phục vụ cho chính sách đối ngoại, như trong trường hợp các khoản vay của Pháp cho Sa hoàng Nga. Vì vậy, do quá nhấn mạnh vè 'mục tiêu chính trị' (bằng mọi giá), tập trung chủ yếu vào sự ‘bền vững’ nền  chính trị, chủ nghĩa Mác thực sự không hoàn hảo với tư cách là một lý thuyết kinh tế chính trị.
                     * Nguồn: Gilpin, Robert. “Three Ideologies of PolitEconomy
(Chapter 2), in R. Gilpin, The Political Economy of International Relations (Princeton University Press, 1987), pp. 25-64.
Biên dịch: Hoàng Thanh Hằng Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
==========

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét