Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

LÀM DÂU


    * TRẦN MẠNH HẢO
Lời tác giả : Từ năm 1945 đến nay, có 5 cuộc chiến tranh đã đi qua trên đất nước khổ đau của chúng ta. Một số người phương Tây tưởng nhầm Việt Nam chỉ là các cuộc chiến tranh, không phải là một đất nước.
Hàng mấy chục triệu đàn ông, thanh niên Việt ngã xuống cho những điều giờ này vẫn chưa có : độc lập, tự do, dân chủ, công bằng hạnh phúc…Những tử sĩ đã chết tại chiến trường nhưng những người mẹ, người vợ, người yêu của họ sẽ mãi gánh chịu nỗi đau thương vô bờ ấy. Bài thơ này tác giả xin kính tặng những người đàn bà Việt Nam bao thế hệ đã làm dâu cuộc chiến tranh, lấy chiến tranh làm chồng.

Chị làm dâu cuộc chiến tranh
Hòa bình khóc kẻ chưa thành lứa đôi
Hứa hôn với lính lâu rồi
Nghĩa trang chị bạc tóc ngồi làm dâu

Giá ngày xưa kịp lấy nhau
Giờ này chắc đã con đầu bằng anh
Đất sâu đợi rỗng tiểu sành
Mộ chưa có cốt rừng xanh gửi hồn

Mỗi khi chim lợn kêu dồn
Khói hương khấn gió Trường Sơn tìm mồ
Đêm về đội lén khăn xô
Thương người nằm khoác ba lô mối đùn

Tay sờ ảnh mộ còn run
Xin thương rế rách chổi cùn chiến tranh
Gọi thầm nấm đất bằng anh
Chị xin nhận tấm cỏ xanh làm chồng
                                        T.M.H
------------------

20 nhận xét:

  1. Thật não lòng !

    Trả lờiXóa
  2. Oài....
    VN = chiến tranh
    nổi tiếng quá, tự hào quá, biểu tượng con chym hòa bình

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 30 năm trước đi hợp tác lao động , Tây trong nhà máy nói với tôi : VN chúng mày chỉ thích đổ máu , tôi thanh minh rằng , chúng tôi chiến đấu chống giặc ngoại xâm , nhưng bây giờ ngẫm lại thấy họ nói có lý . 5 cuộc chiến tranh đã đi qua kể từ khi có đảng ! những cuộc chiến " thể hiện " lý tưởng , thi thố tư tưởng và chủ nghĩa , tranh giành quyền lực và quyền lợi , dân tộc VN luôn là viên đạn đã lên nòng của khẩu súng Made in MAC - LÊ - MAO . Tháng 3 năm 79 xuýt nữa thì mẹ tôi cũng được làm " Mẹ liệt sỹ không có mả " vì hôm đó mà chết thì chắc chắn là tan xác , không có gì để mà chôn cả !

      CCB chống Tàu gặp may .

      Xóa
  3. Mình ít khi quan tâm đến thơ. Nhưng phải công nhận đây là một bài thơ hay thời hậu chiến. Tứ rất hay ! Cảm ơn người thơ Trần Mạnh Hảo !

    Trả lờiXóa
  4. Quá đau xót vì chiến tranh, thương những người mẹ người vợ và cả những chị đã hứa hôn với người lính để lỡ thời !!!!!. Nhưng lại căm hờn lũ quan tham vinh thân phì gia, ăn cắp quá khứ ăn cướp hiện tại và tham nhũng tương lai làm suy yếu dân tộc gây mất đoàn kết trong nhân dân.

    Trả lờiXóa
  5. Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa!

    Trả lờiXóa
  6. Bài thơ đã góp thêm một tiếng nói chống chiến tranh, rất đáng quý. Nhân ngày Thương binh Liệt sĩ, đọc nó thật bùi ngùi.
    Tôi đọc bài thơ này ở đâu đó, đã khá lâu rồi, thấy có một số chữ đã thay đổi so với bài này. Ví dụ: "Giá ngày xưa kịp CƯỚI nhau"; "NHỚ THƯƠNG KHÓC rỗng tiểu sành"; "ĐÊM ĐÊM chim lợn kêu dồn, CHỊ NGỒI khấn gió Trường Sơn tìm mồ": "Tay sờ ảnh mộ RUN RUN"; "Gọi thầm NẮM đất bằng anh"; "Chị xin nhận NẤM cỏ xanh làm chồng".
    Bài này do tác giả trực tiếp đưa lên đây nên tôi không dám nói là cách dùng từ ở đâu hay hơn. Vả lại, anh Hảo là một người phê bình thơ có tiếng nên tôi không dám "múa rìu qua mặt thợ". Nhân đây, xin có vài ý thế này.
    1/ Tác giả nói "người đàn bà VN bao thế hệ đã làm dâu cuộc chiến tranh, lấy chiến tranh làm chồng. Đã "làm dâu chiến tranh" thì làm sao còn "lấy chiến tranh làm chồng" được nhỉ? Tôi nghĩ chị ấy có chồng là liệt sĩ thì chị ấy "làm dâu chiến tranh" là đúng vì liệt sĩ do chiến tranh sinh ra. Có người cho đó là tứ thơ lạ, hay, gợi nhiều suy nghĩ.
    2/Đã có câu 6 "rỗng tiểu sành" mà câu 8 lại nói "mộ chưa có cốt" là lặp, làm câu thơ giảm hẳn cảm xúc khi đọc.
    3/ Mộ đã đưa về nghĩa trang rồi thì không là "nấm đất" nữa, chắc chắn là được xây khang trang rồi nên mới có ảnh mộ. Ở đây "nắm" mới đúng. Vì theo tục lệ ở ta, khi táng những mộ không có cốt (mộ gió), người ta thường lấy một nắm đất sạch sẽ, gói vào vải đỏ, khấn hồn người mất về nhập vào nắm đất đó để thay cho côt. Và bỏ gói đó vào tiểu sành táng như có cốt. Khi làm lễ đó, thường rất cảm động, mọi người thân của người mất đều khóc.
    4/ Câu kết "Chị xin nhận tấm cỏ xanh làm chồng". "Tấm cỏ xanh" trong trường hợp này rất khó hiểu, không biết "tấm cỏ" ấy nó ra sao?
    Có gì sai sót, mong tác giả, chủ blog và bạn đọc lượng thứ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Càng phân tích...độc giả càng thấy xót thương người đã mất -Thương người nằm khoác ba lô mối đùn>cũng như người còn sống-Gọi thầm nấm đất bằng anh! Và thấy cái tận cùng của các ác với bọn người lợi dụng chiến tranh để ngu dân -ăn mày dĩ vãng để vinh thân phì da củng cố độc tài độc đảng của bọn người nhân danh-lãnh đạo?
      NGLUY

      Xóa
  7. Nhưng năm 1960 những ai muốn tránh đau thương này được quy chụp là xét lại đấy.Hy sinh mất mát , đau thương , đất nước thống nhất , lòng người chia ly.

    Trả lờiXóa
  8. “Qua nghìn biển động thăng trầm
    Những Chi Lăng, những Bạch Đằng, Đống Đa
    Giặc gần rồi đến giặc xa
    Giặc xa lại giặc gần nhà dòm sang”...
    (“Đất nước hình tia chớp” - Trần Mạnh Hảo)

    Trả lờiXóa
  9. MỘ VIỆT

    Đàn quạ về gắp lửa
    Đốt lên ngọn nến chiều
    Thắp nén hương dân tộc
    Mong qua ngày đìu hiu

    Bên nấm mồ vị quốc
    Có nấm mộ vô danh
    Đui què ôm nhau ngủ
    Rơi hạt lệ long lanh ...!

    Bipam


    Trả lờiXóa
  10. Nói về chiến tranh không thể nói đến tình yêu nước và tính dân tộc , cũng như tinh thần tự nguyện hay bị cái gọi là động viên để trở thành những người lính trong chiến tranh !

    Phải nói thẳng ra rằng , đa số thanh niên Việt không mấy ai thích trở thành người lính trong cuộc chiến 1954-1975 , dầu cho bị hai phía Nam ,Bắc tuyên truyền . Cái lý do không có điều kiện mưu sinh do hoàn cảnh chiến tranh cũng chính là một yếu tố đóng góp quan trọng .

    Những ảo ảnh anh hùng chỉ đến khi đã trở thành thân phận của một người lính , khi đứng trước lằn tên mũi đạn để tranh thủ sống còn . Anh hùng vì sự tồn tại của bản thân và bạn bè , chiến hữu , đúng nghĩa hơn vì chính nghĩa của cuộc chiến .

    Cả đến hôm nay , gần 180 bà mẹ anh hùng được phong tặng tại thành phố HCM , thử hỏi chính bản thân họ có thật sự được vinh dự trước chòm xóm về hai tiếng anh hùng ? Nếu không hổ thẹn vì cái vật chất quyền lợi nhỏ nhoi đính kèm cũng cần dấu diếm .

    Có biết bao nhiêu bà mẹ anh hùng của của miền nam sau 75 được phong tặng , nhưng họ không dám nhận họ là anh hùng dân tộc , anh hùng cách mạng , họ chỉ vì tình thương con cháu khổ cực nghèo đói ra tay bảo bọc tương trợ trong cái hận thù khốc liệt của chiến tranh . Mà chính bản thân họ là những người cảm nhận rõ nhất về sự tương tàn dân tộc ruột thịt máu mủ , vì nếu hỏi họ về tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa , chắc chắn họ sẽ mù tịt .

    Những người mẹ anh hùng chỉ nhìn thấy một điều , trót phóng lao thì phải theo lao , đã theo việt minh thì trở thành việt cộng , đã vì cuộc sống theo quốc gia thì trở thành nguỵ , thế rồi giết chóc nhau , thế rồi thủ tiêu nhau , thế rồi cưs thế chiến tranh mỗi ngày mỗi lớn , người chết mỗi ngày mỗi nhiều hơn , khốc liệt hơn . Họ chính là những người cầu nguyện mong sao cho cuộc chiến sớm chấm dứt một cách thành tâm nhất .

    Làm dâu trong chiến tranh để trở thành những người mẹ anh hùng hay những người mẹ không còn nước mắt để khóc cho chồng con bất hạnh , chết chóc , thương tật , đều như nhau .

    Và còn biết bao nhiêu sự thật chưa nói hết sau 5 cuộc chiến kéo dài trong thế kỷ 20 . Người viết sử hôm nay chắc hẳn sẽ không bao giờ chân thật dầu với chính mình , đấy là chưa nói đến cái mù mờ khi nhìn qua lăng kính của cuộc chiến đa diện .

    Chúng ta chỉ thấy cái thương đau , nhưng chúng ta khó nhìn thấy được cái bản chất thực sự của cuộc chiến vì chẳng ai dám thừa nhận tội ác .

    Thôi thì hãy tạm gọi đây như một cuộc chiến nội chiến vì cái ngu xuẩn của cha anh , vì cái ngu xuẩn của bản thân , để được yên lòng trước khi lìa đời về với tổ tiên nòi giống Việt .

    Trả lờiXóa
  11. Vô thường thế sự mãi vần xoay
    Thảm họa chiến tranh lắm đắng cay
    Còn - mất, biệt ly khôn kể xiết
    Hòa bình khát vọng cõi Xưa - Nay!

    Trả lờiXóa
  12. Người sông Tiềnlúc 07:20 27 tháng 7, 2014

    Bài thơ là nỗi khắc họa thật đau đớn trước nỗi đau của chiến tranh huynh đệ tương tàn. Cám ơn nhà thơ Trần Mạnh Hảo.

    Trả lờiXóa
  13. Nguyyẽn Hàn Chung

    MỘT TỜ HÔN THÚ BẰNG THƠ

    LÀM DÂU
    Chị làm dâu cuộc chiến tranh
    Hoà bình khóc kẻ chưa thành lứa đôi
    Hứa hôn với lính lâu rồi
    Nghĩa trang chị bạc tóc ngồi làm dâu
    Giá ngày xưa kịp cưới nhau
    Trời thương chắc đã con đầu bằng anh
    Đất sâu đợi rỗng tiểu sành
    Mộ chưa có cốt rừng xanh gởi hồn
    Mỗi khi chim lợn kêu dồn
    Khói nhang khấn gió trường sơn tìm mồ
    Đêm về đội lén khăn sô
    Thương người nằm khoác ba lô mối đùn
    Tay sờ mộ ảnh còn run
    Vẳng nghe tiếng dế lời giun đoạn đành
    Gọi thầm nắm đất bằng anh
    Chị xin nhận tấm cỏ xanh làm chồng

    Trần Mạnh Hảo
    Chị đâu có làm dâu con nhà ai’’Chị làm dâu cuộc chiến tranh ‘’đó thôi mà cuộc chiến tranh này dài quá ác liệt quá đến khi lửa chiến chinh đã tắt hoà bình được tái lập cả nước oà vui hội ngộ thì có những người phụ nữ âm thầm ‘’khóc kẻ chưa thành lứa đôi’’. Nói lứa đôi là nói chuyện cưới xin chính quy có bài bản hẳn hoi chứ thực ra chị đã ‘’hứa hôn với lính lâu rồi’’ trong thâm tâm đã xác định vị thế vợ lính của mình dù chưa bao giờ dám xưng hô với ai tiếng vợ tiếng chồng đầy yêu thương của đời người phụ nữ.Chi đảm đang ,tần tảo trong nhiệm vụ ‘’làm dâu’’ mà gia nương nhà chồng là cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại,các chị là bức tường thành vững chải cho người lính tựa nương mà yên tâm chiến đấu.Nhà thơ thật độc đáo và thú vị khi sử dụng biến hoá từ’’ làm dâu’’ khi thay đổi đối tượng dược phục vụ tạo nên một nét nghĩa mới hóm hỉnh mà không kém phần bi tráng.Làm dâu cuộc chiến tranh đã xong, người ta chân bên hồn vợ chồng con cái tíu tít lăng xăng thì người phụ nữ lại :’’Nghĩa trang chị bạc tóc ngồi làm dâu’’.Đối tượng ‘’làm dâu’’ đã được thay đổi nhưng tính bi tráng trong nét nghĩa không phải đã giảm mà lại tăng cấp lên một tầng nghĩa khác.Trong trách vụ mới thiêng liêng không kém ngày xưa nhiều lúc chị rơi vào cơn huyễn mơ ấm áp là một lẽ tự nhiên rất đời.’’Giá ngày xưa kịp cưới nhau-Trời thương chắc đã con đầu bằng anh’’.Nỗi khao khát giả định ấy quá đổi bình thường nhưng trong cảnh ngộ xót xa này lại có sự tác dộng sâu xa đến tâm tư người đọc.Không dừng lai ở đó cũng không thể giấu diếm được nữa nhà thơ đành thú nhận :
    ’’ Đất sâu đợi rỗng tiểu sành
    Mộ chưa có cốt rừng xanh gởi hồn
    Mỗi khi chim lợn kêu dồn
    Khói nhang khấn gió trường sơn tìm mồ’’
    Chúng ta bàng hoàng nhận ra một điều đau xót cực cùng :Chiếc tiểu sành rỗng không chờ đợi bởi hài cốt người liệt sĩ chưa được quy tập vào tấm mộ ảnh mà còn nằm cô quạnh đâu đó trong bạt ngàn lau lách Trường Sơn hay đã hoà chan vào suối khe cây cỏ.Chi đành’’ khói nhang khấn gió Trường Sơn tìm mồ’’.Chị phải cầu cứu van xin một đấng quyền năng vô hình nào đó giúp chị tìm lại một chút xương da còn lại của người xiêu lạc bởi lúc nào lòng chị cũng canh cánh niềm đau ‘’thương người nằm khoác ba lô mối đùn’’.Sức gợi của hình ảnh như có cạnh sắc cứa vào dây thần kinh giao cảm của con người khi nhà thơ đẩy hình tượng thơ lên mức chon von bi kịch. ‘’
    Đêm về đội lén khăn sô…
    Tay sờ mộ ảnh còn run
    Vẳng nghe tiếng dế lời giun đoạn đành’’
    Hoà bình ròi sông nước về ta sao còn’’đội lén khăn sô’’ hả chị? Chỉ còn một cách giải thích:Chị với người ta chưa có danh phận rõ ràng chắc cái chuyện hứa hôn với lính cũng chỉ là chuyện của hai người chỉ có ‘’Đường Trường sơn ào ào lá đỏ’’ làm chứng chứ nào có ai biết đâu mà chị có quyền tang chế .Nghĩa tao khang sâu nặng đến khi phai màu tóc mà vẫn chỉ là người dưng dù tiếng dế lời giun luôn luôn cắn xé trái tim người đàn bà vẫn còn con gái.’’Gọi thầm nắm đất bằng anh- Chị xin nhận tấm cỏ xanh làm chồng’’.
    Trái tim nhân hậu của nhà thơ đã mở lối cho chị.Chị không chỉ là người con gái mới hứa hôn với lính chưa thành lứa đôi mà đã lá gái có chồng. Chị vĩnh viễn không còn là một linh hồn cô độc bởi chị đã có tiếng anh yêu thương dẫu là tiếng gọi thầm . Câu thơ cuối có thể xem là tờ đăng ký kết hôn giữa ‘’tấm cỏ xanh’’ và’’ người bạc tóc’’.

    Trả lờiXóa
  14. Anh có về không chị vẫn chờ
    Nay đầu bạc trắng xuân còn đâu
    Đêm trông ngày tưởng hồn đâu đó
    Anh vẫn chưa về chị mãi trông

    Anh đi hứa hẹn đầy duyên thắm
    Chiến thắng anh về ta kết duyên
    Người đi đi mãi không về nữa
    Xác gởi rừng hoang cỏ phủ dày

    Gió lay ngọn cỏ hồn u uẫn
    Như gởi rằng em chớ đơi chờ
    Chiến thắng đả về trên đất mẹ
    Anh thời yên nghỉ với rừng xanh

    Tóc đã pha sương trên đầu chị
    Cỏ mọc giăng đầy trên mộ anh
    Thương lắm người ơi thời chinh chiến
    Lỡ hẹn tình duyên mãi đợi chờ

    Trả lờiXóa
  15. Miền Nam gọi nội chiến từng ngày
    Miên Bắc chiến đấu vì lý tưởng Cộng Sản

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế giới gọi là "Cuộc chiến tranh Việt Nam"! Đi các nước, tôi vẫn hay nhận được câu hỏi: "Các ông vẫn đang 'Boum! Boum!' hả?". "Không, VN đang hòa bình mà?". "Chúng tôi nghe nói VN là xứ sở của chiến tranh".
      Nghe mà hãi hùng...

      Xóa
  16. Nói cho vuông: chiến tranh chỉ phục vụ cho mục đích chính trị, không phải vì quyền lợi của người dân. Hãy đi hỏi những người mẹ mất con , người vợ mất chồng ở 2 chiến tuyến họ được gì khi chiến tranh đi qua? Nếu được chọn lại chắc chắn họ sẽ không điên khi đẩy con em mình vào cuộc chiến phi nhân phi nghĩa này.

    Trả lờiXóa