Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

NHẬN DIỆN “VĂN HÓA THAM NHŨNG”


* ĐẶNG ĐÌNH LỰU
Tham nhũng xẩy ra chỗ này, chỗ kia, ngành này ngành nọ, một cách dai dẳng không dễ đẩy lùi, có phần do phẩm chất đạo đức, có phần do cơ chế, thể chế chưa hoàn thiện, hoặc cũng có phần tác động của mặt trái kinh tế thị trường, v.v…
Nhưng còn một phần không kém quan trọng là có một thứ văn hóa nâng đỡ, tạm gọi là “văn hóa tham nhũng” mà lâu nay ít được nói tới.
“Văn hóa tham nhũng” nói ở đây với nghĩa là tham nhũng dễ trở thành một thứ kiểu cách, một phương thức, phương châm sống thâm nhập sâu vào trong tư tưởng và mô thức hành vi hàng ngày của một số người, thậm chí trở thành một quan niệm giá trị được mọi người tiếp nhận hoặc mặc định trong xã hội, trở thành môi trường xã hội tốt cho nẩy mầm, nâng đỡ, tiếp tay cho các dạng tham nhũng, nhất là tham nhũng có tính quần thể ổ nhóm, dây chuỗi, tham nhũng bên trong thể chế hoặc tâm lý thèm muốn ngưỡng mộ tham nhũng, v.v…đều là dấu hiệu của “văn hóa tham nhũng” nẩy nở.
Tham nhũng có tính ổ nhóm, dây chuỗi, như một số người nắm được quyền lực công, hễ khi có thể lợi dụng để tác động đến tư lợi chung của nhóm, là hình thành liên minh lợi ích với nhau, làm biến dị quyền lực công vốn là phục vụ lợi ích công chúng, biến tướng thành công cụ mưu lợi ích cho nhóm, cho dây, làm biến tướng dần quyền lực công thành tư hữu, thành hàng hóa. Trong hành vi của tham nhũng có tính ổ nhóm, dây chuỗi, về khách quan là do chủ thể trách nhiệm được phân tán, từng cá thể hành vi đều chỉ chịu trách nhiệm với mức độ khác nhau, nên đã hình thành thể cộng đồng cùng chịu sức ép và rủi ro lợi ích nhẹ hơn, ít hơn nhiều so với hành vi tham nhũng đơn lẻ. Ở một số người có quan niệm, luật pháp không trừng trị số đông, mọi người đều tham nhũng, chẳng việc gì, “hòa cả làng”, nên cũng tham nhũng luôn. Với cách nghĩ này chi phối, nhẹ thì việc ai nấy làm, “makeno”, nặng thì lợi dụng nhau, che chắn cho nhau, cùng chia phần tham nhũng. Tham nhũng có tính ổ nhóm dây chuỗi so với tham nhũng đơn lẻ có tính nguy hại, tính xâm thực càng lớn, bởi vì nó có hiệu ứng làm mẫu, mở đường, thiên hạ làm mình theo. Tựa như cháy rừng, từng đám, từng đám một mà cháy lan ra cả rừng.
Tham nhũng bên ngoài thể chế như tham ô, hối lộ dễ thấy, còn tham nhũng bên trong thể chế khó thấy, ít được chú ý. Tham nhũng bên trong thể chế như mượn tiếng là tích cực cải cách, là tính ưu việt của chế độ, là khoác áo hợp pháp bề ngoài, hoặc áo nhân tố mới, với danh nghĩa nhân dân hoặc với hình thức là quyết định của tập thể, của cơ quan để công khai có những hành vi tham nhũng tập thể. Loại tham nhũng này có tính ẩn khuất và tính lừa bịp càng tinh vi, tính phá hoại càng lớn.
Tâm thế thèm muốn, có số người nói thật lòng là, chỉ tiếc mình không có điều kiện, không gặp cơ hội, để mất cơ hội, chớ chẳng phải sạch hơn ai. Một cán bộ nào đó thực sự từ chối nhận hối lộ, lại bị người ta cho là cứng nhắc, giả làm bộ đứng đắn, là “ngược đời”. Một thương gia tìm mối quan hệ để hối lộ, nhờ bao che hạng mục công trình, được người ta ngưỡng mộ là có năng lực, năng động. Một số quan tham, doanh nhân phạm pháp bị bắt, lại bị người đời cho là vì không có chỗ dựa vững chắc đằng sau, nên không gặp may. Trong con mắt một số người, tham nhũng đã trở thành một thứ mốt thời thượng, là một biểu tượng của địa vị bản thân. Chung là “cười chê nghèo, chứ không cười chê tham nhũng”.
Trong thực tế cuộc sống, tại sao một số cán bộ liêm khiết trong sạch lại bị cô lập ? Tại sao một số người chống tham nhũng quyết liệt lại không được mọi người xung quanh ủng hộ ?
Nguyên nhân giản đơn là những người này đã xúc phạm đến lợi ích của tầng lớp quyền thế nào đó. Những việc làm của những người này không ăn nhập với “thời thế tham nhũng”. Hành vi tự kiềm chế của những người này đã xúc phạm đến lợi ích có ngay của số người. Vì thế, những người tham nhũng gắn kết lại, tạo ra mọi thứ sức ép. Điều đáng sợ nhất là, một số người vốn liêm khiết trong sạch, nhưng trong môi trường tham nhũng này, không chỉ bị cô lập, bị bài xích đả kích, mà còn có thể bị hạ độc, muốn giữ không dính bùn thật là khó. Hoặc có số cán bộ lãnh đạo trong sạch gương mẫu, liêm khiết, xung quanh thừa nhận, nhưng không ủng hộ, nhiều lắm là “kính nhi viễn chi”, nên vẫn bị cô đơn. Cái gì đã dung dưỡng tham nhũng, đồng tình với tham nhũng, ngưỡng mộ tham nhũng, kỳ vọng tham nhũng ? Qui cho cùng là có một thứ văn hóa phản văn hóa, tạm gọi là “văn hóa tham nhũng” nâng đỡ.
Vậy thứ “văn hóa tham nhũng” này từ đâu đến ? có lẽ từ mấy mặt sau đây để xem xét:
Thứ nhất, chúng ta xuất phát từ xã hội phong kiến, những tàn dư của chế độ gia trưởng trong gia đình, độc quyền của hệ thống thống trị của vua quan, của chế độ phong kiến đã làm cho nhận thức của cả xã hội là chỉ có làm quan mới có địa vị mới có quyền lực, quyền hành, mới có lợi lộc, mới vinh thân phì gia, mới được xã hội trọng vọng, là niềm vinh dự không chỉ của gia đình, gia tộc mà còn là của làng, xã, thậm chí của huyện, tỉnh. Từ đó lâu dần trở thành quan niệm nhận thức chung của xã hội là chỉ có làm quan mới là vinh hiển, còn nữa đều là hèn nhục, lao động, nhất là lao động chân tay nặng nhọc bị coi khinh. Bằng mọi cách (chính đáng và không chính đáng) để được làm quan, dù chỉ là chức quan quèn ở thôn xóm. Làm được quan rồi thì bằng mọi cách khai thác tối đa quyền lực có trong tay để  mưu lợi riêng mình, mà còn cho cả họ hàng, thân thích (một kẻ làm quan cả họ được nhờ), như vậy mới được khen, được ủng hộ. Cho nên coi “quan thì tham dân thì gian” là lẽ thường tình, chẳng có gì mà phải băn khoăn.
Thứ hai, chúng ta thực hiện đổi mới, mở cửa, không chỉ hội nhập về kinh tế, mà văn hóa cũng hội nhập theo. Như văn hóa của một xã hội tiêu thụ, một xã hội vị kỷ, chú trọng hiện tại, coi thường quá khứ, coi thường tương lai, coi nhẹ cộng đồng, coi trọng bề ngoài, coi nhẹ thực chất, chạy theo “cái nhất”, cái hoành tráng bề ngoài về mọi thứ (to, cao, dài, rộng, lớn, nặng, …nhất xã, nhất huyện, nhất tỉnh, nhất nước, nhất khu vực, nhất châu Á, nhất thế giới, nhất thời đại, …) để tự sướng, tự PR để lôi cuốn cả xã hội vào vòng xoáy xã hội tiêu thụ, hưởng thụ ngang tầm thế giới, thời đại, trong khi thực lực về độ tiến bộ văn minh, về thực lực kinh tế còn cách thiên hạ cả trăm năm, cả mấy tầng lịch sử, mang dáng dấp “trọc phú học làm sang”, “khoe mẻ”. Không chỉ có thế mà còn sản sinh ra thứ văn hóa nhạy bén với lợi ích vật chất (thậm chí cả lợi ích vật chất tầm thường) của riêng tư, nhưng lai thờ ơ, vô cảm, trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm trước những bất công, bất bình đẳng đối với quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, trước những bức xúc, khó khăn, đe dọa an toàn của người dân.
Thứ ba, chúng ta đang trong quá trình từ nền kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường, những nếp nghĩ nếp làm “xin-cho”, “ỷ lại trên, ỷ lại nhà nước” vẫn còn đó; đặc điểm của kinh tế thị trường là trao đổi, cạnh tranh để đạt nhiều lợi nhuận từ kinh tế đã và đang thâm nhập vào văn hóa ứng xử nơi công đường, nơi quyền lực công, biến quyền lực công là hàng hóa, trao đổi ngang giá, có đi có lại, biến nơi công đường, hậu công đường thành chợ mua bán “quyền tiền”của đủ loại quan tham với đủ loại dân gian, cơ hội.
Thứ tư, những nét đẹp của văn hóa liêm khiết một thời được xây dựng, tôn vinh, bị coi là lạc hậu, không thức thời, nên không được tiếp tục củng cố nâng cao, phát huy (như một thời, đi đâu ở đâu, ai cũng nói “cho không lấy, thấy không xin, xin không cho”, coi đó là lẽ sống của mọi người, ăn sâu vào mọi người, mọi nhà), đã bị phương châm sống thực dụng, văn hóa tham nhũng chiếm chỗ thay thế, như “văn hóa phong bì”, “văn hóa chạy”, “văn hóa đi cửa sau”, “văn hóa đa diện, nhiều vai, nhiều bộ dạng”. Hoặc những nét văn hóa đẹp không đem lại lợi ích thiết thực trực tiếp, còn  những nét văn hóa xấu nhưng lại đem lại lợi ích có ngay, nên có sức mạnh hơn nhiều, như một thời trước đây đã tổng kết “thẳng thắn, thật thà, thường thua thiệt; luồn lách, lươn lẹo, lại lên lương”. Hoặc “bằng cấp không bằng ‘bằng lòng’”, và hiện nay đang là “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ”; “nhất tiền tệ, nhì hậu duệ, ba ngoại lệ, bốn đồ đệ”, v.v…
Thứ năm, trong công tác cán bộ, từ tiêu chuẩn lựa chọn, đến đào tạo bồi dưỡng cán bộ, ít khi nói tới cái nền, cái phông văn hóa, nhất là văn hóa liêm khiết, chí công vô tư, văn hóa vinh nhục, tự trọng, trung thực, lương tâm, bổn phận, v,v…Nói tổng quát là “văn hóa (đạo) làm quan” của cán bộ, chưa nói tới đòi hỏi phải coi là một điều kiện, tiêu chuẩn cơ bản của người cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo phải có đủ.
Thứ sáu, văn hóa tham nhũng không chỉ chỉ tồn tại và phát triển ở kẻ tham nhũng, mà còn có cả trong những lực lượng chống tham nhũng, cả trong những người có quyền lực và người không có quyền lực, nghĩa là có trong bộ phận không nhỏ trong xã hội, chỉ có điều là mức độ khác nhau và khi gặp điều kiện, môi trường phù hợp sẽ phát sinh, phát huy sức mạnh, uy lực của nó khác nhau mà thôi. Một con người, nhất là một cán bộ, trước khi có hành vi tham nhũng thì văn hóa tham nhũng đã phục sẵn trong người rồi. Đây là điều ít được chú ý, và cũng rất khó nhận biết. Chính vì vậy mà trong chống tham nhũng chưa gắn với chống văn hóa tham nhũng; trong xây dựng văn hóa liêm khiết chưa gắn với chống văn hóa tham nhũng; trong chống hành vi tham nhũng chưa gắn với chống từ nguồn là chống văn hóa tham những; Chống tham nhũng nhưng chưa coi văn hóa tham nhũng không chỉ là vấn đề văn hóa, xã hội, mà còn là vấn đề có tính thực tiễn và khoa học để nghiên cứu qui luật, hình thức, mô thức, phát sinh, hình thành, tồn tại, phát triển, biến dạng, lan tỏa, sức mạnh tác hại, v.v.. của nó để nghiên cứu sâu sắc, làm cơ sở cho xác định chiến lược, chính sách, chủ trương khả thi và hiệu quả trong chống văn hóa tham nhũng và xây dựng một nền tảng văn hóa lành mạnh, làm cơ sở cho sức mạnh mềm kết hợp với sức mạnh cứng trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Chống tham nhũng không chỉ là cuộc đấu tranh về tội phạm, mà còn là cuộc đấu tranh về văn hóa – đấu tranh chống văn hóa tham nhũng – là chống tham nhũng từ gốc, từ nguồn.
Đấu tranh chống văn hóa tham nhũng không chỉ là để xây dựng một xã hội có nền văn hóa lành mạnh, văn minh tiến bộ, mà còn là xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh, không có đất sống cho văn hóa tham nhũng, hành vi tham nhũng tồn tại, phát sinh nẩy nở.
Để chống văn hóa tham nhũng cần coi trọng kết hợp kế thừa, phát huy những mặt văn hóa truyền thống tốt đẹp với xây dựng tôn vinh những mặt văn hóa lành mạnh, vắn minh tiến bộ của thời đại mới.
Chính từ những nhận thức này mà cần tăng mạnh hàm lượng văn hóa trong các chủ trương giải pháp phòng chống tham nhũng. Bởi vì không có quan niệm văn hóa có khoa học trong tư tưởng chỉ đạo, là khó có được phương thức tư duy, phương thức hành vi đúng đắn, tiên tiến trong đấu tranh phòng chống văn hóa tham nhũng và hành vi tham nhũng. Đồng thời với đẩy mạnh phòng chống văn hóa tham nhũng cũng cần đẩy mạnh xây dựng, nêu cao, phát huy uy lực thực sự của văn hóa liêm chính và hành vi liêm chính trong xã hội, trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước.
Cần xây dựng về ý thức, thái độ của mọi thành viên xã hội, nhất là của hệ thống tổ chức, công chức, quan chức của bộ máy nhà nước từ cấp cơ sở thấp nhất đến cấp trung ương ứng xử đúng: a) đối với quyền lực với quyền hạn và bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm (cả trách nhiệm hành chính, pháp luật, kinh tế, chính trị); b) đối với lợi ích trước mắt, lâu dài, căn bản, tạm thời, chính đáng với không chính đáng, hợp pháp với không hợp pháp của lợi ích chung (của xã hội, cộng đồng, nhân dân, đất nước, …), của lợi ich bộ phận (địa phương, ngành, tổ chức, đơn vị,…của mình), của lợi ích riêng tư (bản thân, gia đình, thân thuộc,… của mình); của người khác; c) đối với tôn trọng, bảo vệ, chấp hành Hiến pháp, luật pháp nhà nước; d) đối với kết quả, hậu quả của nhiệm vụ, trách nhiệm được giao (với cương vị là người đứng đầu, quyết sách, là người thừa hành, triển khai thực hiện, là người tư vấn, tham mưu, v.v…); đối với quan hệ với dân, với cấp trên, đồng sự, cấp dưới; đối với bản thân về tư cách, nhân cách có là con người thực sự  tự trọng, tự giác, tự rèn, tự phấn đấu hay không, để luôn là con người thực sự tử tế, cao thượng, đàng hoàng và dũng cảm đối mặt với các sai phạm, thiếu sót trong ứng xử về các điểm trên, dũng cảm đấu tranh vứt bỏ văn hóa tham nhũng, nâng niu vun đắp cho văn hóa liêm chính, chí công vô tư ngày càng nồng đậm.
Nói tổng quát văn hóa tham nhũng hay văn hóa liêm khiết đối với mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi bộ phận trong cộng đồng xã hội là thái độ, cách thức giải bài toán được mất, hơn thiệt về các mặt nói trên, mà trung tâm là vấn đề quyền lực. Tham nhũng được quyền lực là sẽ tham nhũng được tất cả. Mọi thứ văn hóa tham nhũng thì trước hết là văn hóa quyền lực như thế nào, không chỉ đối với người đã nắm quyền, chưa nắm quyền, sẽ nắm quyền mà cả cộng đồng xã hội, nhận thức quan niệm về quyền lực như thế nào là rất quyết định.
Quyền lực của ai ? Là người dân, là cộng đồng xã hội thực sự nhận rõ là của mình, thì cộng đồng xã hội, người dân là người quyết định tính chất quyền lực là độc quyền vào số ít người hay là dân chủ của cả cộng đồng xã hội. Từ đó, quyền trao hay không trao quyền lực cho ai là thuộc về cộng đồng xã hội; quyền giám sát thực sự việc sử dụng vận hành quyền lực này một cách công khai minh bạch, mức độ nào cũng thuộc về cộng đồng xã hội, chứ không phải ai khác. Đây không chỉ là vấn đề chính trị, mà trước hết là vấn đề văn hóa, trình độ văn hóa, uy lực văn hóa dân chủ của cả cộng đồng xã hội đối với quyền lực được đề cao, phát huy. Nhưng hiện nay, không phải mọi người dân đã thực sự nhận rõ cái quyền dân chủ lớn nhất của mình là ở điểm này, mà có thể nói rằng, về thực chất người dân đã để tuột mất cái quyền dân chủ lớn nhất của mình này.
Từ cái lỗ hổng này, mà không ít người bằng mọi giá để giành quyền lực, để có độc quyền quyền lực, rồi có đặc quyền, tất có đặc lợi về vật chất, tinh thần, về cơ hội trực tiếp, gián tiếp, trước mắt, lâu dài bằng nhiều thủ đoạn, trong đó thủ đoạn “văn hóa tham nhũng” là tinh vi, hữu hiệu nhất đối với họ. Cho nên vấn đề “nhận diện văn hóa tham nhũng” là vấn đề hết sức quan trọng, bức thiết, hết sức phức tạp, cần sự dốc sức của cả cộng đồng./.
ĐĐL /VHNA
----------------

10 nhận xét:

  1. Con người vốn tham lam. Nên phải có thế lưỡng cực để hạn chế lòng tham. Nếu "độc cực", lòng tham nhũng cứ thế mà phát huy, "vươn lên tầm cao mới"!

    Trả lờiXóa
  2. VN- đất nước xứ sở của niềm tin, niềm tự hoài của nhân loại, đại diện lương tri cho những người yêu hòa bình....
    Cháo đượcc thày cô dạy thía......

    Trả lờiXóa
  3. Dương Hữu Tháilúc 18:32 23 tháng 2, 2014


    Chúng ta dạy trẻ đừng tham , chúng ta ghét quá những thằng ăn gian , nhưng mà những bậc quan quyền , toàn là cán bộ với cùng Đảng viên , lại là các đại tội đồ , tham ô vơ vét tỷ đồng tỷ đô , vậy thì Đảng tốt hay chưa , sao không dạy nổi Đảng viên của mình ? 

    Trả lờiXóa
  4. Lại 1 nét văn hóa cần bảo tồn và phát huy!

    Trả lờiXóa
  5. Tôi thấy bài viết này đã đề cập đến gốc rễ sâu xa của tham nhũng,tuy giải pháp đưa ra không khác cuộc vận động học tập và làm theo Bác Hồ,không khả thi và ít tác dụng trong khi thể chế dung dưỡng cho tham nhũng vẫn y nguyên.Bây giờ con cái chửi bố mẹ ngu,vợ chửi chồng ngu,bố mẹ chửi con ngu không biết tham ô là chuyện không hiếm(xem THƯ TIẾN SĨ ĐỖ XUÂN THỌ GỬI CON TRAI ÚT).Xã hội coi kẻ nào có nhiều tiền là kẻ đó tài giỏi dù kiếm bằng cách nào,những cán bộ đảng viên liêm khiết bị coi là kém,hoặc bị cho là không tham ô được vì không có môi trường chứ chả trong sạch gì.Tất cả việc trên do việc trừng trị tham nhũng chưa nghiêm,buông lỏng quản lý tài sản(như bộ máy xóa đói giảm nghèo ngốn tiền mỗi năm bằng tiền làm 77 sân vận động Mỹ Đình là một thí dụ),bắt công trong chính sách đãi ngộ,tiền lương gây ra mức sống quá chênh lệch giàu nghèo giữa các ngành nghề.v.v...Đi khắp cả nước chỉ toàn thấy khẩu hiệu hô hào học tập làm theo Bác,quyết tâm này nọ,rửa tay bằng xà phòng,cho con uống sữa mẹ.bảo vệ môi trường nhưng sao không thấy một khẩu hiệu nào đề cập công tác chống tham nhũng nhỉ?Có bác nào thấy ở tỉnh nào có không bảo em với!Nghe nói đây là sự nghiệp của toàn dân mà.

    Trả lờiXóa
  6. Tham vốn là bản chất của con người. Để chế được lòng tham trong bộ máy công quyền chỉ có 2 cách: 1) Giao phó lợi ích quốc gia cho một gia đình cai quản và gia đình đó lại ủy thác cho một người có uy tín nhất (vua) (trước đây). 2) Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập (hiện nay).

    Trả lờiXóa
  7. Chống tham nhũng .
    - Nhân dân : Chúng tôi luôn sẵn sàng .
    - Lãnh đạo : Một công việc khó khăn cần nhiều thời gian ?

    Trả lờiXóa
  8. Tham nhũng được nâng lên thành tham nhũng?
    Chết dân chúng cháu rồi, Bác ơi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin sửa:
      Tham nhũng được nâng lên thành văn hóa?
      (Mả cha thằng Hacker!)

      Xóa
  9. Tại sao lại có cái gọi " văn hóa tham nhũng"?. Văn hóa gồm vật thể và phi vật thể ( có vẻ chuyên môn tí) là tổng những giá trị của nhiều giá trị văn hóa của một địa phương, sắc tộc,dân tộc, quốc gia. Nói sơ qua vậy để thấy văn hóa là cái tinh túy tốt đẹp, được chắt lọc, bảo tồn qua nhiêu thế hệ, thời đại..Tham nhũng quyết không phải là văn hóa, nó là tệ nạn , khi phát triển diện rộng phạm vi quốc gia thì nó là quốc nạn , là " giặc nội xâm". Đồng tình với nhận định rằng : Ai thấy tiền, của lại không ham. Môi trường nảy sinh, phát triển của tham nhũng thành quốc nạn như Việt nam hiện nay là thể chế chính trị và cấu trúc bộ máy nhà nước phi khoa học. Sự lỏng lẻo, mơ hồ cái gọi là cơ chế " đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, dân làm chủ". Cơ chế đó đẻ ra tổ chức đảng độc quyền, đứng trên HP và pháp luật, hình thành công thức 3 trong 1 (Đảng = Quốc hội + hành pháp + Tư pháp ). Quan chức trong bộ máy nhà nước độc quyền sẽ là dẫn đến đặc quyền , đặc lợi, tham nhũng tự do hoành hành không ai kiểm soát.

    Trả lờiXóa