Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

'Tiếng nói' E.MAIL - 74

From: Vũ Trọng Khải --  (khai.hendainhan@gmail.com)


NÃO “VÔ TỘI” TRONG CÁC QUYẾT ĐỊNH NGU XUẨN CỦA CON NGƯỜI !
Khi Mỹ bóp cò thì Ngân Hàng Trung Quốc Sụp Đổ

Hôm Thứ Năm 14/11, bà Janet Yellen ra điều trần trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Hoa Kỳ. Đấy là thủ tục thông thường để Quốc hội biểu quyết và phê chuẩn đề nghị của Tổng thống là bổ nhiệm bà Yellen vào chức vụ Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang, nôm na là làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, kể từ đầu năm tới.
Đang ngồi ghế Phó Thống đốc bên cạnh Chủ tịch Ben Bernanke sắp mãn nhiệm, Janet Yellen là kinh tế gia nổi tiếng, có ông chồng George Akerlof cũng là kinh tế gia, đã đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001. Bà sẽ là phụ nữ đầu tiên lên lãnh đạo hệ thống ngân hàng trung ương của nước Mỹ. Chuyện đã hấp dẫn.
Hấp dẫn hơn vậy, giới nghiên cứu về đầu tư theo dõi rất sát cuộc điều trần, để từ chủ trương đường lối của bà Yellen mà dự đoán quyết định của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Nhưng tại Bắc Kinh hay Thượng Hải, lãnh đạo kinh tế và ngân hàng của Trung Quốc cũng nên chú ý tới chuyện này. Vì Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ có thể vô tình làm sụp đổ hệ thống ngân hàng của Bắc Kinh và gây ra một vụ suy thoái kinh tế, tức là một vụ khủng hoảng chính trị.
Vô tình chiết liễu… liễu tan hoang.
Chúng ta phải đi từ đầu câu chuyện kinh tế mang ý nghĩa như một…. câu phú tử vi: “cố ý trồng hoa, hoa chẳng mọc!…”
Từ vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008 rồi nạn suy trầm kinh tế 2008-2009 và sự hồi phục quá yếu ớt sau đó, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã cắt lãi suất tới sàn. Thực tế là áp dụng “Chính sách ZIRP” – là lãi suất bằng số không. Tiếp theo là ba đợt bơm tiền qua một thuật lạ gọi là “quantitative easing” (nâng mức lưu hoạt tiền tệ có định lượng) vào Tháng 11 năm 2008, rồi Tháng 11 năm 2010 và Tháng Chín năm 2012. Quyết định lần thứ ba (QE3) có kích thước rất lớn là mỗi tháng bơm ra 85 tỷ đô la.
Nói cho dễ hiểu là làm cho kinh tế có tiền nhiều và rẻ hơn, với hy vọng giảm bớt và thu hồi lại nếu kinh tế phục hoạt, thất nghiệp giảm và lạm phát tăng…
Tháng Năm vừa qua, Chủ tịch Ben Bernanke thông báo là nhờ tình hình kinh tế khả quan hơn, Ngân hành Trung ương có thể “vuốt lại chính sách tiền tệ” – “tapering” – kể từ Tháng Chín. Nôm na là giảm bớt lượng tiền bơm ra hàng tháng và còn hút về lượng tiền đang lưu hành. Kết quả là tiền sẽ hiếm hơn nên lãi suất có thể tăng.
Chúng ta đụng vào một nghịch lý là tin mừng về kinh tế (chỉ dấu phục hoạt), lại dẫn tới tin buồn về tài chánh (làm tăng lãi suất ngân hàng và phân lời trái phiếu), khiến trị trường chứng khoán sụt giá mạnh. Và cả thế giới bị chấn động, vì sau nhiều năm tiền nhiều và rẻ khiến Mỹ kim sụt giá thì người ta đi vào một chu kỳ mới, là hối suất Mỹ kim sẽ tăng cùng lãi suất tại Hoa Kỳ. May là tình hình kinh tế Hoa Kỳ chưa khả quan, biện pháp thu hồi tiền tệ chưa được áp dụng.
Đấy là lúc giới đầu tư chú ý đến người sẽ lên thay ông Bernanke làm Thống đốc vào năm tới… Mà chuyện ấy liên quan gì tới Trung Quốc
Thưa rằng vì trái đất hình tròn và đồng tiền biết lăn 
Đồng tiền mà nằm bên Mỹ thì ăn lời rất ít vì lãi suất quá thấp. Người khôn ngoan bèn vay tiền rất rẻ bên Mỹ để kiếm lời ở nơi cao giá nhờ có lãi suất cao hơn. Khôn nhất là các đấng con trời tại Bắc Kinh hay Thượng Hải, Hong Kong, Singapore, v.v….
Họ vay đô la rẻ tại Mỹ, chuyển sang đồng Nguyên, có cái tên rất bịp là “Nhân dân tệ”, Renminbi, dưới nhiều hình thức như đầu tư trực tiếp hay xuất cảng, để cho vay với lãi suất cao hơn. Phần sai biệt giữa hai lãi suất Hoa-Mỹ là mức lời bỏ túi. Thuật ngữ kinh tế gọi phép kinh doanh đó là “carry trade”, nếu dịch là “giao dịch lợi sai” hay “dung tư xáo lợi” thì cũng chẳng rõ nghĩa hơn!
Mà không chỉ có vậy.
Năm 2008, khi Hoa Kỳ cắt lãi suất thì cũng là lúc Trung Quốc ào ạt bơm tiền để kích thích kinh tế vì tình trạng co cụm của thị trường xuất cảng cả Âu lẫn Mỹ. Lãnh đạo xứ này bơm qua hai ngả là tín dụng và công chi. Vì đặc tính xã hội chủ nghĩa của xứ này là khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tín dụng từ hệ thống ngân hàng của nhà nước ưu tiên rót vào doanh nghiệp cũng của nhà nước, hay các công ty đầu tư địa phương do các cấp chính quyền địa phương lập ra.
Khối tín dụng tăng vọt từ những năm 2009 tạo ra phép ảo là kinh tế tăng trưởng mạnh khi toàn cầu đang bị suy trầm. Cái phép ảo còn kinh hại hơn vậy là nạn bong bóng đầu cơ trên thị trường gia cư địa ốc. Đất đai vốn thuộc quyền sở hữu của toàn dân, nhưng do nhà nước thống nhất quản lý. Và nhà nước phân quyền cho các địa phương tha hồ giành giật chia chác, vì đem lại 40% thu nhập ngân sách địa phương. Do đó, các ngân hàng của nhà nước, doanh nghiệp của nhà nước, cùng các đảng bộ ở địa phương thi nhau thổi bóng và tay chân cùng thân nhân của đảng viên cán bộ đều trở thành đại gia trong nền kinh tế ảo diệu này.
Khi núi nợ đã lên quá cao, lãnh đạo Bắc Kinh muốn kiểm soát hệ thống ngân hàng thì lại gặp một quy luật kinh tế khác, là “bít lỗ hà ra lỗ hổng”.
Đó là sự xuất hiện của các hình thức tín dụng ảo, là nghiệp vụ “shadow banking”, những hình thức đầu tư và cho vay mờ ám, thiếu sổ sách phân minh mà thừa rủi ro. Núi nợ tín dụng của Trung Quốc nay đã cao gấp đôi Tổng sản lượng nội địa và phân nửa là loại “ảo ảnh” sẽ bốc thành khói. Bên trong là những khoản tiền cho vay bằng kỹ thuật “carry trade”, vay tiền Mỹ với giá rẻ để tài trợ bằng loại tiền âm phủ là đồng Nguyên. Gọi là tiền âm phủ vì có giá trị của vàng mã.
Đấy là lúc chúng ta trở về với Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ.
Trong quá khứ, nhiều nước Đông Á cũng đã khôn ngoan như vậy là vay tiền rẻ của Mỹ theo loại tín dụng ngắn hạn để tài trợ các nghiệp vụ dài hạn. Khi Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ nâng lãi suất là nhà nhà đều lật đật rút tiền về Mỹ. Nạn “tư bản tháo chạy” như nước thủy triều đã gây ra vụ khủng hoảng tài chánh Đông Á vào năm 1997, dẫn tới suy thoái kinh tế 1998, và khủng hoảng ở nhiều nơi khác, kể cả Liên bang Nga.
Nhưng chính là vụ khủng hoảng đã khiến các nước Đông Á phải cải cách. Bị trước tiên mà sợ liều thuốc đắng, Thái Lan trì hoãn cải cách đến hơn chục năm mới thấy khá. Nam Hàn thì nuốt liều thuốc đắng và tháo gỡ vai trò của các tập đoàn “chaebol” – nguyên nghĩa là “tài phiệt” – nên sau khi chìm rất sâu thì đã bật lên rất mạnh.
Khi biến cố này bùng nổ vào đầu Tháng Bảy năm 1997, Bắc Kinh còn đang hồ hởi với vụ Hương Cảng hồi quy cố quốc trước đó một ngày. Và thời đó, kinh tế Trung Quốc chưa hội nhập vào thế giới hình tròn của “toàn cầu hóa”, của nền kinh tế “nhất thể hóa”. Ngày nay thì đã khác xưa.
Luồng tư bản nóng đã như thủy triều chảy vào Trung Quốc và nhờ định hướng của nhà nước, với màu sắc Trung Hoa, đã dẫn đến nạn đầu cơ và cho vay ảo. Khi Ngân hàng Hoa Kỳ điều chỉnh chính sách tiền tệ và nâng lãi suất, ta sẽ thấy thủy triều rút. Để lại đằng sau là những trái bóng bể, là ngân hàng vỡ nợ, là nạn suy thoái kinh tế. Vì vậy, chúng ta sẽ chứng kiến một sự lạ.
Đó là Hoa Kỳ bóp cò bên này, bên kia đại dương là hàng loạt bóng bể và ngân hàng phơi thây
Hoa Kỳ không là thủ phạm, nhưng dân Trung Quốc vẫn là nạn nhân, chỉ vì lãnh đạo kiêu căng và tay chân thì tham lam tưởng bở. Phải chăng, “tham sân si” cũng là một quy luật kinh tế?
 Nguyễn-Xuân Nghĩa
Góc nhìn Alan
--------------
Chủ nợ Trung Quốc, con nợ Mỹ, ai sợ ai?
Có một câu ngạn ngữ phổ biến là “Nếu ngân hàng cho bạn vay 1.000 USD, ngân hàng là ông chủ của bạn. Nhưng nếu ngân hàng cho bạn vay 1 triệu USD, bạn sẽ là ông chủ của ngân hàng”. Điều này khiến chúng ta nghĩ đến con số 1.160 tỉ USD công trái của Chính phủ Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ.
Mắc nợ Trung Quốc
Tại sao một nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc lại có thể cho một nước tư bản, lớn mạnh hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ vay với khoản tiền hàng ngàn tỉ USD? Các nhà phân tích tài chính quốc tế gọi đây là hiện tượng mất cân bằng trong nền kinh tế thế giới, xuất phát từ chủ trương của Chính phủ Trung Quốc. Hiện tượng đó được hình dung như sau: Người dân Trung Quốc sản xuất thật nhiều hàng hóa với giá thật rẻ, vì lương nhân công của nước này rất thấp. Khối lượng hàng hóa ấy được xuất khẩu đi khắp thế giới và Mỹ là nước tiêu thụ nhiều nhất, bởi người tiêu dùng ở Mỹ thì cứ thấy hàng gì rẻ là mua. Đây là thị trường lớn nhất thế giới với mức tiêu thụ 10.000 tỉ USD một năm.
Tiền của người tiêu thụ Mỹ được chuyển về Trung Quốc nhưng Chính phủ Trung Quốc không muốn đồng USD được tự do luân chuyển trong nước mình. Do muốn đồng nhân dân tệ có giá rẻ nên Trung Quốc phải tìm cách huy động USD vào ngân hàng trung ương. Dù lãi suất của công trái Mỹ không cao nhưng an toàn hơn cả so với các đồng tiền khác nhờ tiềm năng kinh tế của Mỹ rất lớn.
Thật ra thì không phải Trung Quốc không thể đầu tư dự trữ ngoại hối của mình ở chỗ khác. Họ cũng bỏ tiền đầu tư vào các quỹ đầu tư nước ngoài, nhưng kết quả không được khả quan như mong đợi, còn đầu tư vào tài nguyên thiên nhiên ở các nước thì gặp phải nhiều chống đối. Vì thế, công trái Mỹ là lựa chọn tối ưu.
Những ngày gần đây, báo chí Trung Quốc không ngớt lời đe dọa rằng Trung Quốc sẽ bán tháo những khoản công trái Hoa Kỳ mà họ đang nắm giữ và rằng việc bán tháo này sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Thế nhưng ngày 9-8, đài CNN trong phóng sự “Những điều bí mật ẩn chứa đằng sau các khoản nợ” đã nêu câu chuyện về khoản nợ hơn 1,1 ngàn tỉ USD bằng trái phiếu chính phủ Mỹ và cho biết khoản nợ này trong thực tế chỉ bằng 8% tổng nợ của nước Mỹ. Chủ nợ chính chi phối Hoa Kỳ là người dân Mỹ và các công ty Mỹ chứ không phải Trung Quốc.
Ngoài ra, bài phóng sự cũng cho thấy, nếu Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ thì người gánh chịu hậu quả cũng chính là nền kinh tế của Trung Quốc, vì hiện nay nền kinh tế của xứ này lệ thuộc vào đồng USD vì xuất khẩu vào thị trường Mỹ quá nhiều.
Cân nhắc thiệt hơn hay cuộc chơi cân não
Ngày 2-8 Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ đã đạt được đồng thuận nâng mức trần nợ công của nước này, nghĩa là chính phủ sẽ có thể vay thêm nợ dưới hình thức phát hành công trái.
Sự kiện nói trên đã phần nào ảnh hưởng đến uy tín của nền kinh tế số một thế giới, hậu quả là ngày 5-8, Công ty thẩm định tài chính Standard and Poor’s của Mỹ đã hạ điểm tín nhiệm về nợ của Hoa Kỳ từ hạng cao nhất là AAA xuống hạng AA+. Có thể xem đây là một biến cố, đã và đang gây chấn động trong dư luận và các thị trường tài chính toàn cầu.
Vốn là nước chủ nợ số một của Hoa Kỳ, lãnh đạo Trung Quốc đã để các phương tiện truyền thông liên tục đả kích việc Mỹ gây bội chi ngân sách và đi vay quá nhiều. Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức Trung Quốc nói rằng chính quyền Mỹ nên nhận thức những ngày vàng son của họ đã chấm dứt rồi (tức thời kỳ Mỹ dễ dàng vay nợ). Trung Quốc khuyên Mỹ nên “cai bệnh ghiền nợ” và nhắc lại đề xuất thế giới nên có một đồng tiền dự trữ khác thay thế cho đôla Mỹ.
Nắm giữ trái phiếu của chính phủ Mỹ trị giá 1.160 tỉ USD, nếu muốn, Trung Quốc có thể hoặc cứ giữ đó để nhận tiền lãi và chờ đến ngày đáo hạn thì được trả vốn, hoặc đem ra bán trên thị trường. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc đem nhiều công trái chính phủ Mỹ ra bán thì tất cả các giấy nợ của chính phủ Mỹ sẽ xuống giá ngay lập tức và hậu quả là chính Trung Quốc sẽ mất tiền.
Điều quan trọng hơn là sau khi bán họ sẽ mang tiền đầu tư vào đâu khi mà hàng chục năm qua họ đổ tiền mua công trái của Mỹ vì không có chỗ đầu tư nào khác tốt hơn! Có người cho rằng, phát hành công trái như nước Mỹ không chừng sẽ đến lúc vỡ nợ, nhưng trong thực tế điều này khó xảy ra bởi chính phủ thà cắt bớt chi tiêu, chấp nhận khó khăn đổ lên người dân chứ không dám quỵt nợ, vì Hiến pháp Mỹ cấm điều này.
Công trái Mỹ vẫn là nơi an toàn
Theo nhận định của giới tài chính, trên thế giới khó tìm được nơi nào đầu tư an toàn bằng công trái của Mỹ. Điều này đã thấy rõ trong mấy tuần qua. Sau khi Công ty S&P hạ thấp điểm tín nhiệm của Hoa Kỳ, công trái Mỹ vẫn lên giá trên thị trường thế giới. Điều đó chứng tỏ có quá nhiều chủ nợ vẫn tiếp tục muốn cho con nợ là chính phủ Mỹ vay tiền! Hầu hết các quốc gia chủ nợ của Mỹ, từ Úc qua Âu qua Á hay châu Mỹ Latin đều nói rằng họ tiếp tục tín nhiệm thị trường trái phiếu Hoa Kỳ, nghĩa là tiếp tục cho vay sau khi Mỹ đã bị hạ điểm tín nhiệm.
Thông tin mới đây cho biết Chính phủ Mỹ lại vừa phát hành công trái để vay thêm 32 tỉ USD với thời hạn ba năm. Trong khi đó số tiền mà người ta đem tới sẵn sàng cho vay lên tới gần 100 tỉ, cao gấp ba lần số tiền Mỹ muốn vay.
Nguyên nhân là do lo ngại kinh tế thế giới trì trệ làm cho thị trường các cổ phiếu tụt giảm, nhiều người có dư tiền sau khi bán cổ phiếu. Sẵn tiền, họ lại đi tìm mua công trái Mỹ, vì vẫn thấy đó là nơi đầu tư an toàn nhất. Họ có đi mua vàng thì cũng bị thiệt, vì giá vàng đang tăng cao kỷ lục và hứa hẹn còn lên nữa. Ngay cả Chính phủ Trung Quốc cũng khó tìm đâu ra nơi “gửi tiền” an toàn hơn công trái Mỹ, nhất là một khối lượng tiền lớn lên đến ngàn tỉ USD.
Từ khi Mỹ lâm vào khủng hoảng nợ, Trung Quốc khuyên Mỹ nên “cai bệnh ghiền nợ”. Thế nhưng chính những số tiền khổng lồ do Bắc Kinh cho vay qua hình thức đầu tư vào cổ phiếu các công ty và trái phiếu chính phủ Mỹ đã khiến lãi suất USD xuống rất thấp. Các ngân hàng Mỹ nhận được tiền với giá rẻ nên họ cho vay mua nhà bừa bãi với điều kiện dễ dãi thời kỳ trước năm 2007, đã gây ra cơn khủng hoảng địa ốc làm suy sụp nền tài chính Mỹ năm 2008, đến nay hậu quả vẫn chưa khắc phục hết. Đó chính là bệnh ghiền nợ của kinh tế Mỹ.
Đáng nói là trong suốt tháng 7 đầy sóng gió tại thủ đô Washington do trận chiến về ngân sách giữa Chính phủ và Quốc hội, các nhà đầu tư lại mua vào rất nhiều trái phiếu của Mỹ. Thực tế là còn cho Mỹ vay nhiều nhất trong năm vì dù sao thị trường này vẫn có lời cao hơn các thị trường tín dụng còn lại, và vẫn có mức an toàn nhất.
Lãi suất cho tháng 7 tại Mỹ còn cao gấp ba lãi suất của các thị trường trái phiếu khác trên thế giới khiến thị trường tín dụng Hoa Kỳ vẫn là nơi an toàn hơn cả và tuy có bị sụt từ hạng AAA xuống AA+ thì vẫn đứng hạng cao hơn Trung Quốc và Nhật Bản được S&P đánh giá hạng AA.
Thực tế thì mọi khoản nợ của Hoa Kỳ đều là nợ bằng USD và khi cần thiết thì Ngân hàng Trung ương có thể in bạc ra cho ngân khố Mỹ. Chính nạn bội chi vô trách nhiệm đã gây phản ứng trong dân Mỹ nên mới có vụ khủng hoảng vừa qua về ngân sách. Dân Mỹ đang muốn giới hạn lại việc tăng chi bừa bãi để tiến tới quân bình ngân sách.
Từ năm 1917, luật pháp Mỹ có quy định về mức nợ tối đa mà chính quyền có thể đi vay và từ đó đến nay đã có 81 lần chính quyền phải xin Quốc hội cho nâng định mức ấy, mà lần cuối là ngày 2-8 vừa qua. Vì vậy, sau khi đã phần nào bị mất uy tín ở vị thế kẻ đi vay, Hoa Kỳ bắt buộc sẽ có thay đổi cho nên chuyện vỡ nợ như Bắc Kinh dọa là điều khó xảy ra.
Hồi tháng 10-2010, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thông báo một chương trình mang tên QE 2, đây là chính sách được gọi là nới lỏng định lượng trong đó FED công bố kế hoạch mua lại 600 tỉ USD trái phiếu kho bạc dài hạn nhằm mục đích cung cấp vốn mới, hỗ trợ nền kinh tế các khoản tín dụng rẻ.
Ngay sau khi FED công bố, Trung Quốc đã cực lực chỉ trích chương trình này. Lý do là vì kế hoạch mua lại trái phiếu của FED dẫn đến một đồng USD yếu hơn và lãi suất cao hơn, do đó làm giảm giá trị trái phiếu kho bạc của Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ.
Vào ngày 27-4-2011, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã ấn định tỷ lệ lãi suất nằm trong khoảng 0 - 0,25% và tuyên bố giữ nguyên quyết định mua lại 600 tỉ USD trái phiếu.
Quyết định về tỷ lệ lãi suất trên phù hợp với những gì các nhà phân tích đã dự đoán và không gây ra phản ứng nào lớn. Tuy nhiên sự chú ý của thị trường trong khi chờ quyết định của FED đã tập trung vào chuyện khác, đó là việc Chính phủ Mỹ in thêm tiền để bơm vào nền kinh tế 600 tỉ USD. Nên nhớ rằng, Chính phủ Mỹ khi phát hành trái phiếu không phải chỉ để lấy tiền chi dùng cho các nhu cầu nội địa mà dành đến 60% cho đầu tư ở nước ngoài. Số tiền này mang lại lợi nhuận lớn, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc tiềm tàng.
Rõ ràng, chủ nợ Trung Quốc và con nợ Mỹ đang “gờm” nhau qua bài toán nợ nần.
Phạm Thành Sơn
(Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)

 
------------------

4 nhận xét:

  1. Vietnam là nhấr! Ông ăn mày còn có 25 cây vàng SJC để mất đấy, giàu hơn cả nãnh đạo, lương còm cõi! Có lẽ năm nay phải bổ sung, GDP của Vietnam phải tăng mạnh hơn, chừng 19.999 USD!

    Trả lờiXóa
  2. Bàn chuyện tiền bạc, nhà cháu cũng xin quan tâm. Bởi vì trong túi còn hơn trăm nghìn mà Tết của đ/c Hảo hảo sắp đến rồi!
    Nàm sao đây? Bài toán lớp 2 mà khó giải?!

    Trả lờiXóa
  3. Nói về nước Mỹ, lại ngứa tay tay quá.
    Nước Mỹ là quốc gia do hàng chục triệu con người không yêu tổ quốc mình hợp thành, nhưng họ đều rất yêu nước Mỹ.
    Và rất nhiều người lãnh đạo vừa chửi Mỹ vừa…gửi con cái mình sang Mỹ học tập, vừa iêu...đô na mẽo. Một sự tương phản lớn!
    Nếu một quốc gia có thể đốt cả quốc kỳ của mình thì anh còn có lý do nào đi đốt quốc gia ấy nữa?

    Trả lờiXóa
  4. Đọc bài này mình thấy như một tổng quan về kinh tế tài chính , nhưng nó là bài học vỡ lòng của mình vậy. À ra thế đấy.

    Trả lờiXóa