Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Tấn công tội phạm hay tấn công người vô tội?

Tạm đình chỉ thi hành án với dân oan Nguyễn Thanh Chấn 
* VÕ VĂN TẠO 
Trong vụ án oan sai Nguyễn Thanh Chấn đầy tai tiếng, bên cạnh dư luận xã hội bức xúc tột cùng trước thói vô cảm, vô trách nhiệm của các cán bộ và cơ quan liên can, một số quan chức cấp cao (trong đó có lãnh đạo TAND Tối cao và lãnh đạo Bắc Giang) lại tuyên bố trước công luận, hàm ý vụ oan sai này có nguyên nhân từ ý chí tấn công tội phạm (!?). Các vị này đều khuyến cáo các cơ quan bảo vệ pháp luật không vì vụ này mà nhụt ý chí tấn công tội phạm!
Rõ ràng, đó là một tư duy hoàn toàn sai lầm, dễ gây lạc hướng dư luận và làm cho cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật không nhận rõ bản chất vụ việc để rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, đúng đắn.
Vụ án này, kẻ phạm tội là Lý Nguyễn Chung đã sổng lưới pháp luật hơn 10 năm. Cũng bằng ấy thời gian, người vô tội là ông Chấn thì bị khép oan đại tội giết người, bị tuyên phạt chung thân (không có cha là liệt sĩ thì đã bị tuyên tử hình) và phải ở tù. Không thể nói hậu quả trớ trêu và nghiệt ngã trên là kết quả của ý chí tấn công tội phạm (theo đúng nghĩa của cụm từ này). Nếu quả thật công an, VKS và tòa án thật sự thể hiện ý chí tấn công tội phạm, thì kẻ gây tội ác đã phải bị phát hiện và xử lý không lâu sau vụ án mạng.
“Tấn công tội phạm”, chứ không phải “tấn công người vô tội”! Thật trớ trêu và cay đắng, người bị “tấn công” (trong cả 4 khâu: điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án) trong vụ án ô nhục chấn động này không phải là tội phạm, mà là công dân vô tội Nguyễn Thanh Chấn.
Cũng xin nói thêm, việc khẳng định ông Chấn vô tội, trong khi việc điều tra lại theo quyết định tái thẩm chưa được tiến hành (và tất nhiên chưa có kết quả và chính thức công bố) là có cơ sở. Không một cơ quan hay quan chức bảo vệ pháp luật nào dám ký quyết định tạm đình chỉ thi hành án, trả tự do cho đối tượng mà họ còn nghi ngờ phạm đại tội giết người, vì hậu quả của việc đối tượng đó bỏ trốn, hoặc tiếp tục gây án trong khi chưa chấp hành xong án tù là không thể lường hết. Bằng việc rà soát lại vụ án, phát hiện chứng cứ buộc tội ông Chấn là sai lầm và không thuyết phục; lại thêm các tình tiết vừa xác định như nhiều thân nhân của Chung thừa nhận Chung chính là hung thủ, thừa nhận việc Chung có đưa lại 2 chiếc nhẫn lấy được của nạn nhân; các dấu sẹo trên tay Chung trong vụ gây án (do nạn nhân giãy dụa chống cự); và việc Chung đã ra đầu thú và khai nhận là thủ phạm gây án… Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan hữu quan xác định một cách chắc chắn Chung mới thật sự là hung thủ.
Như nhiều chuyên gia đã phân tích, việc oan sai đối với ông Chấn khởi nguồn từ ý chí chủ quan hết sức sai lầm của các cá nhân hữu trách trong cơ quan điều tra Công an Bắc Giang trước áp lực phá án, động cơ muốn lập nhiều “thành tích” bằng kết thúc lấy được các vụ trọng án nhằm nhanh được cất nhắc, thăng thưởng (tỷ lệ phá trọng án của cả nước trong giai đoạn này là khoảng 70%, riêng Bắc Giang là 100%. Trừ một người đã chết vì tai nạn giao thông, tất cả điều tra viên Bắc Giang liên can vụ án này đều đã thăng tiến thành lãnh đạo công an cấp phòng ở tỉnh và lãnh đạo công an cấp huyện, có người được Thủ tướng khen thưởng. Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra nay đã là giám đốc công tỉnh!), cung cách làm việc bất chấp các hành vi bị pháp luật hình sự nghiêm cấm (“bức cung”, “dùng nhục hình”, “làm sai lệch hồ sơ vụ án”)… thói vô cảm trước sinh mệnh, phẩm giá con người, cung cách làm việc cẩu thả, vô trách nhiệm của cơ quan công tố và tòa án ở cả hai cấp sơ và phúc thẩm đã “nối giáo” cho sai phạm của cơ quan điều tra, gây ra vụ “tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây” này. Rõ ràng, những sai phạm trên hoàn toàn không “bà con” gì với “ý chí tấn công tội phạm”, mà chỉ là “mẹ đẻ” của hậu quả cực kỳ tệ hại: “tấn công người vô tội”.
V.V.T.
 
--------------

16 nhận xét:

  1. Cảm ơn bác Tạo- 1 bức tranh khá hoàn chỉnh về hệ thống bẩn thỉu này.
    Marx đã phán:” chúng ta không có gì để mất, ngoài những gông cùm…”?

    Trả lờiXóa
  2. "Tấn công tội phạm hay tấn công người vô tội?" là tiêu đề được Võ Văn Tạo và Bùi Văn Bồng chọn rất đắt; đó cũng là cảnh báo, là sự lên án mạnh mẽ bộ máy công quyền thối nát của 1 chế độ phản động suy vong sắp đến hồi kết.

    Nhà chức trách VN thường hay ngấm ngầm cấu kết với tổ chức xã hội đen tấn công người vô tội. Dân chẳng lạ gì bọn chúng.

    Trả lờiXóa
  3. Chuẩn!
    Theo tư duy của Chánh án Trương Hòa Bình và lãnh đạo Bắc Giang thì bộ đội pháo binh được giao pháp kích đồn địch, lại bắn nhầm vào xóm dân là nhờ ý chí "quyết chiến, quyết thắng"?

    Trả lờiXóa
  4. Bây giờ dân tin vào đâu để sống sót? Công quyền hay công cùm. Chẳng nhẽ dân tộc này chịu chết chăng?

    Trả lờiXóa
  5. Tấn công! Ta cứ tấn công!
    Quá dễ để tấn mấy thằng tay không.
    Còn tội phạm có hung khí thì
    "Điều tra làm rõ", cho nhàn tấm thân.

    Trả lờiXóa
  6. Tư duy theo kiểu "ý chí tấn công tội phạm" trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn và các vụ án oan khác là hoàn toàn ngụy biện, chuẩn bị dư luận để xóa bỏ tội lỗi, bênh che lẫn nhau! Những quan chức phát biểu theo tư duy TỘI ÁC ấy là đang gián tiếp động viên cấp dưới: CỨ TIẾP TỤC LÀM TỚI ĐI, CHÚNG TA ĐANG TẤN CÔNG TỘI PHẠM, SẼ ĐƯỢC CẤP TRÊN BẢO VỆ, SẼ ĐƯỢC THĂNG TIẾN HƠN NỮA...!!! Ác! Rất ác! Phải bị trừng trị thích đáng!.

    Trả lờiXóa
  7. Hệ quả tất yếu của một chế độ đảng trị biến chất , một khi bản chất chính nghĩa của đảng cầm quyền đã không còn thì sự phi nghĩa sẽ gia tăng , chế độ vô sản toàn trị sẽ trở thành chế độ công an trị tư sản là lẽ tất nhiên , trong một xã hội kinh tế thị trường chế độ tư hữu được công nhận thì quyền lực vô hạn của những kẻ nắm quyền mà không trở thành phương tiện tự lợi thì mới là chuyện lạ , quyền (bạo) lực sẽ đẻ ra quyền lợi một cách nhanh nhất và dễ nhất vì vậy chẳng có gì lạ khi những kẻ tham quyền cố vị bất chấp thủ đoạn để có quyền lực và bảo vệ quyền lực của mình bằng mọi giá cho dù dân nghèo nước mạt , xã hội vô cảm bất minh , quy lụy ngoại bang .Trong xã hội hiện nay Đảng là vua và công an là những vị thái tử "còn đảng còn mình " và tất nhiên bạo lực là phương tiện chính yếu của một xã hội chỉ có đối thủ chứ không có đối thoại .

    Trả lờiXóa
  8. Án sai thì sửa sai, xin lỗi, đền bù cho công dân thật thỏa đáng còn những người làm án sai thì phải trừng trị theo đúng luật. có thế thôi mà sao các vị cầm cân nảy mực của công lý nước ta cứ loanh quanh mãi ! Cứ nghe ông chánh tòa tối cao giải trình trước quốc hội về vụ án này mà hãi cái nền tư pháp nước nhà ! Hãy cứ chờ xem sự việc diễn biến ra sao.

    Trả lờiXóa
  9. Cac liêt sì đa hi sinh xuong mau đê cho ai va vi cai gi??? đê cho bon nhân danh CQ nhân danh nuocCHXHCNVN... Không nhân danh công ly bưc hai dân lanh trong đo co con em cua ho...???NL

    Trả lờiXóa
  10. Nó còn đánh vào cả nhà đài Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long mà nhà đài còn không dám ý kiến gì, thì dân nói làm sao được.

    Trả lờiXóa
  11. Muôn lần đảng kính yêu ơi
    Lòng con ơn đảng trọn đời... Gâu... gâu...

    Trả lờiXóa
  12. Xưng hô như chợ búa, quát nạt mày tao rất thiếu văn hóa, rồi bức cung, ép cung, gây áp lực tâm lý, khống chế tinh thần để bị can hoảng loạn mà nhận tội.
    Những câu nói, hành động của điều tra viên khi ép cung, bức cung, nhục hình được ông Chấn nhớ như găm vào tim. Không nhớ sao được, đó là những ngày tháng khốn nạn nhất trong cái kiếp làm người của ông.
    Một công dân chỉ là nghi can, điều tra viên đã nghĩ đó là tội phạm. Xưng hô như chợ búa, quát nạt mày tao rất thiếu văn hóa. Rồi bức cung, ép cung, gây áp lực tâm lý, khống chế tinh thần để bị can hoảng loạn mà nhận tội. Hình ảnh của điều tra viên đó sao?

    Trả lờiXóa
  13. Còn bao nhiêu Nguyễn Thanh Chấn sau song sắt các nhà tù, đó là một câu hỏi day dứt tâm can của bất cứ ai còn có lương tâm.
    Phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can các cá nhân có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn ngay lập tức để trả lại sự công bằng, công lý, để chấn chỉnh kỷ cương phép nước.
    Không thể chần chừ được nữa ! Cần phải khẩn trương xử lý nghiêm khắc bọn người lợi dụng công quyền để làm những việc bất nhân, nhằm mục đích vụ lợi ( bọn chúng nhiều lắm, nhìn đâu cũng thấy ) nơi đâu cũng có...

    Trả lờiXóa
  14. Nếu công tâm, điều tra nghiêm túc, sẽ tìm ra nhiều chứng cứ chứng minh có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp trong các vụ án oan sai . Nhưng vấn đề không chỉ xử lý những cá nhân, tập thể gây ra oan sai, mà phải hạn chế được oan sai để không còn những bản án hồ đồ, kết tội cho người vô tội.
    Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, phạm nhân Ernesto Miranda ở bang Arizona (Mỹ) đã đưa ra cảnh báo về “Quyền im lặng”, và “sáng kiến” rất văn minh của phạm nhân này trở thành một quy định mang tính pháp lý, đó là người bị bắt giữ, trước khi bị thẩm vấn phải được thông báo một cách rõ ràng rằng họ có quyền giữ im lặng và phải được thông báo rõ ràng người đó có quyền tư vấn luật sư hoặc có luật sư bên cạnh khi bị điều tra, thẩm vấn.
    Một bị can chỉ đối diện với cán bộ điều tra trong quá trình điều tra thì sẽ bị bất lợi về mặt pháp lý. Tình trạng bức cung, xâm phạm hoạt động tư pháp cũng từ sự “độc quyền” khai thác nghi phạm mà ra.
    Con người có nhiều quyền, im lặng cũng là quyền. Không kẻ nào có thể nhân danh quyền lực để bức ép người khác nói ra điều bất lợi vu vạ cho họ, đưa ra những bằng chứng gian giảo chống lại họ. Phải nghiêm trị những kẻ lạm dụng công quyền làm việc bất nhân thất đức, lừa trên, dối dưới tìm mọi mánh khóe, thủ đoạn đê hèn để tiến thân, nhằm vinh thân phì da. Phải thượng tôn pháp luật.

    Trả lờiXóa