Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Hình sự hóa quan hệ dân sự?

 

(PL&XH) - Bị truy tố về tội “Cướp tài sản”, Trần Thị Nguyệt phủ nhận đã sử dụng vũ lực để chiếm đoạt tài sản.
Còn người được xác định là bị hại lại từ chối tham gia tố tụng vì không bị xâm hại về quyền lợi. Ở vụ việc này, cơ quan tiến hành tố tụng huyện Điện Biên đã hình sự hóa tranh chấp dân sự.
Nợ có bảo lãnh!
Tháng 6-2009, anh Ly A Ly và Ly A Chía (đều trú tại xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã giới thiệu Ly A Tủa (em họ) đến cửa hàng của Trần Thị Nguyệt (SN 1967; trú tại chợ Bản Phủ, Noong Hẹt, Điện Biên) để mua xe máy. Tủa mua chiếc xe giá 9 triệu đồng và nợ 6,5 triệu đồng với sự bảo lãnh của Ly, Chía. Tủa hẹn, ngày 10-11-2009 sẽ trả hết nợ.

Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu
 
Ly A Ly và Ly A Chía cho rằng, mình không là bị hại 
Ngày 25- 3-2010, Ly và Chía đi chợ Bản Phủ. Chía có rẽ vào cửa hàng của Nguyệt. Thấy Chía, Nguyệt đã yêu cầu Chía thực hiện nghĩa vụ thay Tủa với vai trò người bảo lãnh. Chía không đồng ý, Nguyệt giữ xe máy của Chía và yêu cầu trả nốt tiền thì cho lấy xe. Hai bên tranh cãi một hồi, cuối cùng Chía đồng ý để xe lại và chỉ xin chìa khóa, giấy tờ xe. Nhưng, một lát sau, Chía lại cùng Ly quay lại gặp Nguyệt xin xe.
Theo cáo trạng của VKSND huyện Điện Biên, khi Ly đòi xe, Nguyệt đã lao đến bóp cổ và dùng búa đinh gõ vào đầu Ly. Ly đội mũ bảo hiểm nên búa bị long cán. Bố đẻ của Nguyệt can ngăn, Ly xô ngã ông lão rồi bỏ chạy. Sau đó, chiếc xe máy bị thu giữ làm tang vật vụ án. Cơ quan giám định kết luận, chiếc xe này trị giá 15,3 triệu đồng và Nguyệt bị truy tố về tội “Cướp tài sản” (khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự).
Vụ án không có bị hại?
Khi Nguyệt bị bắt tạm giam, Chía tự nguyện trả nợ thay cho Tủa (hai triệu đồng và gán chiếc xe máy). Hai bên đã làm biên bản hòa giải trước sự chứng kiến của trưởng bản và cảnh sát khu vực. Có thể thấy, vụ án này không có bị hại. Đối chiếu khoản 1 Điều 51 Bộ luật Tố tụng hình sự (“người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do hành vi phạm tội gây ra”) thì Chía không phải là bị hại. Chía và Nguyệt đã thỏa thuận chuyển nhượng tài sản cho nhau. Chía đồng ý gán xe cho Nguyệt trả nợ hộ Tủa. Chiếc xe (được coi là tang vật) đã chuyển hóa thành tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Nguyệt. Như vậy, Chía không còn là chủ tài sản “bị cướp” nữa.
Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, vụ việc là tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản giữa bên bán, bên mua và bên bảo lãnh. Truy tố, xét xử Nguyệt là các cơ quan tố tụng đã hình sự hóa quan hệ dân sự. Bởi lẽ, Chía, Tủa đều thừa nhận, giữa Nguyệt và họ có mối quan hệ hợp đồng mua bán tài sản (Nguyệt - bên bán, Tủa - bên mua, Ly và Chía - bên bảo lãnh).
Quá hạn thanh toán, Tủa đã không trả nốt số tiền nợ. Do vậy, nghĩa vụ trả nợ phải thuộc về người bảo lãnh (Điều 361 Bộ luật Dân sự). Chía từ chối thực hiện nghĩa vụ của người bảo lãnh là lúc Nguyệt và Chía phát sinh tranh chấp. CQĐT – Công an huyện Điện Biên khởi tố và bắt tạm giam Trần Thị Nguyệt và tạm giữ chiếc xe máy (được cho là tang vật), Ly và Chía đã phản đối. Họ cho rằng, chỉ nhờ cơ quan công an can thiệp lấy lại chiếc xe chứ không “tố” Nguyệt cướp tài sản. Đó cũng là lý do, Ly, Chía từ chối tham gia tố tụng với tư cách bị hại.
Chưa đủ cơ sở cấu thành tội “Cướp tài sản”…
Luật sư Châu quả quyết, buộc tội Trần Thị Nguyệt phạm tội “Cướp tài sản” là không có căn cứ. Điều 133 Bộ luật Hình sự nêu rõ: “Cướp tài sản là hành vi  đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản”. Nhưng qua lời khai của một số nhân chứng thì thấy, để chiếm hữu được chiếc xe thì Nguyệt không hề dùng vũ lực đối với Chía.
Lưu Quang Hà, Trần Văn Dũng (những người làm thuê trong cửa hàng bán xe máy của Nguyệt) và ngay cả Chía cũng thừa nhận, Nguyệt đã dong xe của Chía vào trong nhà với mục đích tạm giữ xe. Chía phản đối một cách yếu ớt rồi đồng ý để xe lại. Sau đó, Nguyệt đưa lại giấy tờ và chìa khóa xe cho Chía, mà không hê có hành vi dùng vũ lực.
Trước thời điểm xảy ra xung đột, việc chiếm hữu tài sản đã hoàn thành. Giả sử, có việc Nguyệt dùng vũ lực thì cũng chỉ để giải quyết xung đột tranh chấp về nghĩa vụ của người bảo lãnh. Thực tế, hành vi của Nguyệt chưa đủ làm cho Ly sợ phải “bỏ của chạy lấy người”. “Lúc giằng co nhau, chị Nguyệt đẩy, ấn vào cổ tôi nên bị xước da. Sau đó, tôi đã đẩy ngã một ông già (sau mới biết là bố chị Nguyệt) vì thấy ông này chạy ra giúp Nguyệt. Tôi không sợ vì chị Nguyệt là đàn bà” – Ly cho hay.
Mặt khác, các cơ quan tố tụng đã vi phạm thủ tục tố tụng khi không thu thập chứng cứ chiếc mũ bảo hiểm của Ly theo Điều 75, Điều 150  Bộ luật Tố tụng hình sự. Vì Nguyệt kêu oan nên bắt buộc CQĐT phải xem xét cơ chế hình thành vết xước trên mũ bảo hiểm để xác định sự thật. Có hai chiếc búa thu được tại hiện trường. Dù không xác định được Nguyệt đã dùng chiếc nào để nện Ly, nhưng VKSND huyện Điện Biên vẫn đề nghị hủy một chiếc; chiếc còn lại trả cho chủ sở hữu (?).
Vì những căn cứ trên, luật sư sẽ đề nghị TAND huyện Điện Biên tuyên Nguyệt không phạm tội “Cướp tài sản”.
 
Hoa Đỗ

2 nhận xét:

  1. Ngày hôm nay 07/10/2013 hơn 300 tiểu thương bao vây UBND tỉnh Thanh Hóa phản đối cấm chợ.
    Chợ cóc của phường bị phá, khoảng 300 người mất chỗ buôn bán đã kéo đên UBND tỉnh biểu tình phản đối việc làm của chính quyền. Hàng trăm công an chìm...Nổi được huy động để đối phó.
    Đến chiều cùng ngày số người này đã kéo về UBND Thành Phố Thanh Hóa để phản đối chính quyền thành phố và đề nghị được tiếp tục buôn bán tại chợ này...Vì lý do chính quyền dẹp chợ là bất hợp lý.

    Trả lờiXóa
  2. Hôm nay tôi đọc thấy bài này:"Dự án Tân Vũ - Lạch Huyện:
    Không để chậm tiến độ vì đề xuất thiếu thực tế".
    Và tôi đã tìm thấy bài này: "Thứ ba, ngày 23 tháng bảy năm 2013
    TRƯỚC NHỮNG "CỐI XAY GIÓ"
    - Bút ký - VÂN THẢO "

    Trả lờiXóa