Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Luật pháp, chính sách cho ai?

 * NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
            Quy định không cho phép tự ý quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ đã được chính thức hủy bỏ. Nhưng câu chuyện không dừng lại bởi đây chỉ là một trong nhiều trường hợp làm luật theo kiểu thấy cái gì không vừa mắt, vừa ý là ra lệnh cấm đang có dấu hiệu tràn lan, phổ biến thời gian qua.
Bên cạnh hiện tượng này là sự lặp đi lặp lại với tần suất ngày càng cao việc đề ra những quyết sách liên quan đến cuộc sống hằng ngày có tác dụng đẩy khó khăn về phía người dân. Tăng giá điện, điều chỉnh giá xăng dầu là những ví dụ điển hình. Tất cả những điều đó khiến người ta nghi ngại rằng quyền lực công có thể được sử dụng một cách tùy tiện, thoải mái, theo ý riêng, cho những mục tiêu riêng.
Thật ra, quyền lực luôn có xu hướng bị lũng đoạn, tha hóa, vì đơn giản nó có thể là chỗ dựa an toàn, vững chắc của con người trong quá trình mưu cầu lợi ích. Trong khi đó quyền lực công, theo lý thuyết, được đặt ra để thiết lập và duy trì trật tự, công bằng xã hội, phục vụ lợi ích chung.
Vấn đề bởi vậy là làm thế nào để quyền lực công luôn được biết đến, được thừa nhận và tôn vinh như là sức mạnh giúp con người thực hiện những mục tiêu cao đẹp, chứ không phải là thứ công cụ phục dịch cho một thiểu số và áp bức đa số người dân. Từ rất sớm, ở các nước người ta đã hiểu rằng để đạt được điều đó nhất thiết phải đặt quyền lực dưới sự kiểm soát, giám sát thường xuyên, chặt chẽ và nghiêm ngặt.
Trong lĩnh vực hoạch định chính sách, điều chắc chắn là không nên và không thể cấm việc vận động của các nhóm lợi ích đối với người có thẩm quyền. Cách tốt nhất là xây dựng khung pháp lý để các cuộc vận động diễn ra minh bạch, công khai, sòng phẳng và đúng luật. Người dân thường không yếu thế trong cuộc chơi này: họ có đại biểu dân cử được mình bầu ra, có tổ chức xã hội, nghề nghiệp và có thể thông qua đó truyền đạt nguyện vọng của mình tới người có thẩm quyền.
Trong trường hợp vận động không thành công và đối mặt với một chính sách, một quy định bất lợi, người dân vẫn còn cơ hội đấu tranh bảo vệ lợi ích của mình bằng cách kiện ra tòa án yêu cầu xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của chính sách, quy định ấy. Nếu thắng kiện, người dân còn có quyền đòi bồi thường về những thiệt hại do việc thực hiện chính sách, quy định vi hiến, trái luật.
Cơ chế kiểm soát, giám sát vận hành hữu hiệu sẽ khiến người nắm quyền lực luôn cảm thấy chịu sức ép phải nghĩ đúng, làm đúng để không phải đối mặt với những rắc rối pháp lý, với nguy cơ bị trừng phạt do những sai lầm của mình.
Không có một cơ chế như thế thì các nhóm lợi ích sẽ có điều kiện thao túng và họ chẳng tội gì không tận dụng các điều kiện ấy để có được chính sách, quy định thuận lợi cho mình. Người nắm quyền lực, về phần mình, không cảm thấy vị trí, sự nghiệp của mình bị đe dọa do làm sai, sẽ có xu hướng làm ẩu, làm càn. Nếu có chính sách, quy định nào bị xã hội phản đối mạnh quá thì thu hồi, sửa đổi; nếu chính sách, luật pháp đã sửa đổi vẫn bị phản đối thì lại thu hồi, sửa đổi tiếp. Rốt cuộc trong hoàn cảnh đó, chỉ có người đóng thuế (nghĩa là người dân) chịu thiệt hại, vì phải đóng góp để trả chi phí cho những vòng quay liên tục, bất tận của quy trình xây dựng chính sách, luật pháp, và rồi cứ chờ đợi mãi mà chẳng thấy ra đời chính sách, luật pháp hợp lòng dân.
                        N.N.Đ
(TTO/TTHN)
-------------------

2 nhận xét:

  1. Tất nhiên, theo lời Mác, luật pháp và chính sách để phục vụ giai cấp thống trị rồi . Ở đây là giai cấp Đảng, và những hệ lụy của nó như giai cấp tư bản đỏ, giai cấp thái tử Đảng, giai cấp (ngày xưa) ăn đồ Tôn Đản ...

    Trả lờiXóa
  2. Cái này nên mời bác Bùi Đức Lại nguyên phó ban tổ chức TƯ lên tiếng với. Có nhiều luật lệ chính sách nói hình ảnh là: chữ ký chưa raó mực đã ngang nhiên vi phạm rồi nữa là một số luật bị công văn này vi phạm ban hành cũng đã lâu rồi. Ví dụ chỉ từ năm 2000 đến nay tôi biết ban tổ chức trung ương có những chỉ thị xong không thực hiện : chỉ thị người bổ nhiệm lần đầu không được quá 45 tuổi, chỉ thị bằng tại chức không được đề bạt bổ nhiệm, ngay cả luât về sĩ quan an ninh qui định cấp tỉnh không được phong tướng trừ Hà nội và TP Hồ Chí Minh. Luật này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2007, nhưng tháng 12 cùng năm lại phong một loạt thiếu tướng cho giám đốc công an cấp tỉnh. Qua đây mới thấy trình độ tò te của các vị lãnh đạo và các nhà làm luât của đảng và nhà nước, thật là nhà dột từ nóc chứ còn gì nên cái công văn của cục 67 bị phản ứng quá thì nói loanh quanh một hồi rồi sửa loăng quăng là hòa cả làng chứ ai hơi đâu mà nói đến năng lực trình độ của mấy anh đại tá mua này. Qua đây mới thấy đảng và nhà nước cấm tự do báo chí là cần thiết, để các vị tự do thì khó làm việc lắm đúng không nhỉ? .

    Trả lờiXóa