Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Tưởng nhớ Nhà báo Nhật TACANO

CÓ MỘT NGƯỜI NHẬT NGÃ XUỐNG
Ở LẠNG SƠN, PHÓNG VIÊN TACANO

* Đoàn  Lê Giang
...người Việt Nam cũng quen thuộc cái tên Takano, nhưng qua một bài hát rất được yêu thích về anh : “Takano, nhân chứng quả cảm”, có lẽ bây giờ cũng còn rất nhiều người thuộc bài này: 
Xin hát về người con của tuyết trắng Fuji hùng vĩ
Anh đến với quê tôi trong những ngày lửa khói
Tâm hồn anh tươi sáng như hoa anh đào mới nở
Anh hy sinh ở Lạng Sơn năm 1979, là nhà báo nước ngoài duy nhất hy sinh trong cuộc chiến này. Chuyện đúng sai hay dở của lịch sử thì thời gian đã phán xét, nhưng mặc cho cuộc chiến ấy thế nào, người Việt Nam vẫn phải nhớ ơn anh, khi: “Anh đến với quê tôi trong những ngày lửa khói” - những ngày gian nan, vất vả, đói khổ và bị thế giới cô lập. Anh ngã xuống ở Việt Nam để lại vợ con đang ở Nhật Bản. Tìm tài liệu cho bài viết này, tôi mới biết anh là dịch giả của hai tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam kháng chiến: Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Shinnihon xuất bản và Áo trắng của Nguyễn Văn Bổng, Shinnihon xuất bản 1980.
Takano tên họ đầy đủ là Takano Isao, sinh năm 1943 ở Kobe, tốt nghiệp Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1971. Năm 1978 anh quay lại Việt Nam với tư cách là phóng viên báo Akahata lấy tài liệu về cuộc chiến biên giới Việt-Trung, hy sinh ngày 7/3/1979  ở Lạng Sơn. Ngoài 2 dịch phẩm trên anh còn để lại tập bản thảoNgày 7 tháng 3 ở Lạng Sơn, không rõ đã được xuất bản hay chưa. Tình cảm của anh đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam hết sức nồng hậu. Trong bài bạt cho bản dịch Áo trắng anh đã viết những lời rất say mê  như sau:
“Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày không bao giờ quên được, đó là ngày ghi dấu thắng lợi huy hoàng trong lịch sử đầy nước mắt của dân tộc Việt Nam. Toàn thế giới hướng tai mắt về Việt Nam, theo dõi chiến dịch giải phóng Sài Gòn đầy kịch tính, hoàn thành sự nghiệp vĩ đại giải phóng miền Nam Việt Nam.(…)
             Đề tài của tác phẩm này như tên gọi của nó, là “Áo trắng”- áo dài trắng, đồng phục của nữ sinh đô thị miền Nam. Nó thể hiện sự trong trắng của người phụ nữ Việt Nam đối với người yêu, sự thuần khiết của người yêu nước đối với Cách mạng, dù có bị đàn áp khốc liệt như thế nào, dù môi trường xung quanh có truỵ  lạc như thế nào, vẫn không bị nhiễm bẩn, vẫn trong trắng, đẹp đẽ, tinh khôi, như là lời ngợi ca thắng lợi của sự khoẻ mạnh và của  lòng yêu nước của thế hệ trẻ”.
           Bản dịch hoàn thành vào tháng 6 năm 1976, nhưng đến năm 1980 mới ra mắt được độc giả, còn với dịch giả thì tiếc thay, chưa kịp thấy, và vĩnh viễn không thể thấy được  thấy đứa con tinh thần của mình.
-----------------
TACANO BỊ LÃNG QUÊN?
* Phan Văn Tú
Cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, những thanh niên sinh viên Việt Nam khi sinh hoạt chung, thường cùng nhau hát vang nhiều bài ca giàu tình yêu nước giữa không khí các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam rồi biên giới phía Bắc. Bên cạnh những giai điệu hừng hực khí thế đấu tranh lúc bấy giờ như "40 thế kỷ cùng ra trận", "Không được đụng đến Việt Nam", “Những đôi mắt mang hình viên đạn”, "Bài ca biên giới"… có một bài hát để lại ấn tượng lớn trong thế hệ sinh viên chúng tôi: ca khúc “Takano – nhân chứng quả cảm” của nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Tính đến nay, đây có lẽ là ca khúc duy nhất ở Việt Namviết về nghề báo, nhà báo – một nhà báo cụ thể. Nhưng đó lại là nhà báo nước ngoài.
Nhân vật được ngợi ca trong bài hát là nhà báo Isayo Takano (1943 - 1979). Takano là đặc phái viên tại Hà Nội của báo Akahata - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản. Ngày 6.3.1979, trong lúc chụp ảnh để đưa tin về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, anh đã ngã xuống tại tỉnh Lạng Sơnvì đạn bắn tỉa từ bờ bên kia sông Kỳ Cùng. Anh hy sinh khi đang chụp ảnh tác nghiệp trước những viên đạn oan nghiệt của quân đội Trung Quốc tại biên giới Việt - Trung. Cái chết của anh bấy giờ đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trong nhân dân Việt Nam, đặc biệt là giới báo chí, văn nghệ. Cảm phục trước sự hy sinh cao cả của nhà báo Takano, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã viết ca khúc này. Bài hát là một khúc mặc niệm, khúc tráng ca. Day dứt, nao lòng. Hào hùng, xúc động. Giai điệu đậm chất dân gian, với sự kết hợp tài tình những luyến láy của dân ca Nhật Bản và làm điệu hát then của dân ca Việt Nam:

Xin hát về người con của đất nước tuyết trắng Fujihùng vĩ. Anh đã đến quê tôi trong những ngày lửa khói, tâm hồn anh tươi thắm như hoa anh đào hé nở. Vinh quang thuộc về anh, người chiến sĩ đã hy sinh vì chân lý. Dòng máu ấm tình người, anh dâng hiến cuộc sống. Ngược không gian anh đi, băng suốt thời gian anh đi, ngàn giông tố gian nguy anh không hề ngơi nghỉ.
Ôi! Isayo Takano! Đến với dòng sông nơi anh ra đi ngày ấy…
Ôi! Isayo Takano! Chiều nay tôi đứng đây nghe lưng trời gió nổi!
Ôi! Isayo Takano! Chặng đường anh qua hôm nay hoa đang nở thắm!
Ôi! Isayo Takano! Gửi tới quê anh mối tình lắng sâu lòng tôi!
Chân lý rồi sẽ toàn thắng, tình anh còn mãi nồng thắm, đẹp thay tuổi xuân Takano! Chân lý ngời sáng đường ta, tình anh vượt muôn trùng xa, bạn ơi có nghe chăng một bài ca: Takano!”
Lời bài hát không dài nhưng cũng đủ sức dựng lên tượng đài Takano, một nhà báo, một nhân chứng trong cuộc chiến tranh vệ quốc của Việt Nam. Lời ca cũng toát lên chủ nghĩa yêu nước, thấm đượm lý tưởng đấu tranh vì công lý và lý tưởng dấn thân của những người làm báo.
10 ngày sau cái chết của nhà báo Takano, nhà thơ Anh Ngọc cũng có bài thơ, trong đó có đoạn viết:

Tiếng súng bạo tàn rồi sẽ bị lãng quên
Duy cái tiếng khẽ khàng kia còn lại
Tiếng bền bỉ của ngón tay bấm máy
Lẫn vào trong nhịp đập trái tim

Hiện nay, phần mộ của nhà báo Isayo Takano vẫn còn ở Nghĩa trang liệt sĩ Hoàng Đồng – tỉnh Lạng Sơn.
Có một điều đến nay tôi chưa lý giải được là vì sao một bài hát hay đến thế lại không được nghe lại trên các phương tiện nghe nhìn hay sân khấu biểu diễn gần 20 năm qua. Thế hệ nhà báo trẻ hiện nay - tôi đoan chắc - ít ai biết về IsayoTakano, càng ít người biết về bài hát ấy.
Anh bạn tôi cung cấp một thông tin: Cách nay hơn 10 năm, khi còn công tác ở một đài phát thanh truyền hình, có lần anh bạn tôi hỏi một biên tập viên văn nghệ của đài để xin bài hát này minh họa cho một bài viết trên sóng phát thanh nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21.6 thì được trả lời: Lâu nay những bài hát “chống bành trướng Bắc Kinh” không được phép phát sóng nữa vì 2 quốc gia đã bình thường hóa quan hệ lâu rồi.
Không biết có cái lệnh này ra đời từ đâu? Và nếu có, phải chăng việc cấm phát sóng những bài hát “chống bành trướng Bắc Kinh” là lý do khiến ca khúc “Takano – nhân chứng quả cảm” không thấy lưu hành cho đến nay.
Nếu có cái lệnh như thế thì những người ra lệnh và thực hiện cái lệnh kia hơi máy móc. Hãy đọc lại lời ca “Takano – nhân chứng quả cảm” đi. Trong lời ca không một dòng chữ nào vạch mặt chỉ tên một kẻ thù cụ thể. Dẫu quá khứ đã qua đi, nhưng những bài học Takano vẫn muôn đời có ích cho nhiều thế hệ. Chủ đề bài hát đặt ra là vấn đề muôn thuở, là câu chuyện nhân văn, là chuyện lý tưởng cống hiến của nghề báo.
Mong rằng giai điệu “Takano – nhân chứng quả cảm” sẽ có dịp vang lại, ít nhất trong những lần sinh hoạt của giới làm báo!
(Theo NLG)
--------------------------------
NĂM 1965, TACANO ĐÃ PHỎNG VẤN CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Hỏi: Đế quốc Mỹ đã nếm mùi thất bại liên tiếp ở miền Nam Việt Nam. Mặc dù vậy chúng vẫn mưu toan dựa vào “vũ khí cực mạnh”, “vũ khí tối tân” hòng khuất phục nhân dân Việt Nam. Nếu đứng về phía nhân dân mà xét thì chiến tranh ở Việt Nam mang tính chất gì và có ý nghĩa như thế nào trong lịch sử hiện đại? Người ta nói rằng đế quốc Mỹ đang rơi vào tình thế lúng lúng tiến thoái lưỡng nan ở miền Nam Việt Nam. Tình hình này và những hành động xâm lược điên cuồng của chúng gần đây đối với hai miền Nam Bắc Việt Namcó quan hệ với nhau như thế nào? Hơn nữa, trong tình hình như vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất trước mắt của nhân dân Việt Nam hiện nay là gì?

Trả lời: Đã hơn mười nǎm nay, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam nhằm biến Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và cǎn cứ quân sự của Mỹ và chia cắt lâu dài nước chúng tôi. Chúng đã đưa vào Nam Việt Nam hơn ba vạn binh sĩ và nhân viên quân sự, hàng nghìn máy bay, hàng trǎm tàu chiến, hàng chục vạn tấn vũ khí, đã thi hành một chính sách đàn áp khủng bố cực kỳ tàn bạo đối với các tầng lớp nhân dân yêu nước ở Nam Việt Nam.
           Trước tình hình đó, đồng bào chúng tôi ở miền Nambuộc phải đứng lên chiến đấu chống bọn xâm lược để bảo vệ quyền sống, bảo vệ đất nước. Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam đã thu được những thắng lợi to lớn. Hơn ba phần tư đất đai với hơn hai phần ba số dân miền Nam đã được giải phóng. Mỹ và bọn bù nhìn tay sai của chúng đã thất bại nặng. Cuộc “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở Nam Việt Nam đang phá sản.
               Sở dĩ nhân dân miền Nam càng đánh càng mạnh, càng mạnh càng thắng, là vì nhân dân miền Nam có chính nghĩa, có lòng yêu nước nồng nàn, có đường lối đúng đắn của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Cuộc chiến tranh của đồng bào chúng tôi ở miền Nam là một cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân chống ngoại xâm, vì độc lập dân tộc và hoà bình. Cuộc chiến tranh đó là một bộ phận tích cực của phong trào nhân dân thế giới đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ, hoà bình và tiến bộ xã hội, chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân mới do Mỹ đứng đầu. Chính vì lẽ đó mà nhân dân toàn thế giới đồng tình và ủng hộ chúng tôi. Những thắng lợi ngày càng to lớn của nhân dân Nam Việt Namchứng tỏ rằng trong thời đại chúng ta một dân tộc đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh kiên quyết, hoàn toàn có thể đánh bại bọn đế quốc xâm lược hung hãn, gian ác và có nhiều vũ khí.
                 Để hòng gỡ thế bí của chúng, đế quốc Mỹ đang ráo riết tǎng cường và đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam, đưa lính thuỷ đánh bộ và lính đánh thuê Nam Triều Tiên đến Nam Việt Nam, cho máy bay hàng ngày đi bắn phá, giội bom napan và hơi độc xuống vùng giải phóng đốt phá nhà thương, trường học, chùa chiền, giết hại các cụ già, đàn bà, trẻ em và những người dân thường. Mặt khác, chúng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, trắng trợn cho máy bay, tàu chiến liên tiếp ném bom, bắn phá nhiều nơi trên lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đồng thời, Mỹ ra sức tǎng cường chiến tranh ở Lào và khiêu khích Campuchia. Những hành động xâm lược và gây chiến của đế quốc Mỹ ở Việt Nam vô cùng nghiêm trọng, chà đạp thô bạo lên Hiệp định Giơnevơ nǎm 1954 về Việt Nam, vi phạm công pháp quốc tế và coi thường dư luận thế giới.
               Bọn cầm quyền Mỹ tuyên bố rằng miền Bắc “xâm lược” miền Nam Việt Nam và chúng tiến công miền Bắc là để chấm dứt sự giúp đỡ của miền Bắc đối với nhân dân miền Nam. Đó là những luận điệu dối trá hòng lừa bịp nhân dân thế giới và che đậy hành động xâm lược của Mỹ. Cần nói rõ rằng, đánh đuổi bọn xâm lược Mỹ để giữ làng giữ nước, giành quyền quyết định lấy công việc nội bộ của mình, đó là quyền chính đáng của nhân dân miền Nam. Chống lại và làm thất bại những hành động xâm lược của đế quốc Mỹ để bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ quyền sống, đó là quyền thiêng liêng của mọi người dân Việt Nam ở miền Bắc cũng như miền Nam. Bọn đế quốc Mỹ dù có hành động điên cuồng liều lĩnh đến đâu, cũng không thể nào ngǎn cản nổi nhân dân Việt Nam tiếp tục cuộc chiến đấu yêu nước cho đến thắng lợi cuối cùng.

Hỏi: Hiện nay, trong vấn đề chấm dứt chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, có nhiều người bàn luận về khả nǎng “giải quyết hoà bình” và “khả nǎng thương lượng”, v.v.. Xin Hồ Chủ tịch cho biết cơ sở tối thiểu để giải quyết vấn đề Việt Nam hiện nay là gì ?

Trả lời: Gần đây, bọn đế quốc Mỹ đưa ra những luận điệu giả dối về “hoà bình” và “thương lượng”. Nhân dân thế giới đều đã biết rõ bản chất xâm lược và gây chiến của đế quốc Mỹ. Đẩy mạnh xâm lược miền Nam và ném bom miền Bắc Việt Nam là thuộc chính sách “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Bằng những hành động đó, Mỹ còn nhằm tạo một tình thế có lợi cho chúng, để khi bị bắt buộc, chúng sẽ có thể thương lượng ở “thế mạnh”. Chủ trương của Mỹ là sai lầm và không thể thực hiện được.
              Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hoà bình, luôn luôn tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ nǎm 1954. Nhưng nhân dân Việt Namquyết chiến đấu đến cùng chống bọn xâm lược. Nếu đế quốc Mỹ ngoan cố, tiếp tục chính sách xâm lược và gây chiến, nhất định chúng sẽ thất bại nhục nhã. Muốn giải quyết vấn đề Nam Việt Nam, trước hết Mỹ phải rút ra khỏi miền Nam, để nhân dân Nam Việt Nam quyết định lấy công việc của mình và Mỹ phải đình chỉ những cuộc tiến công khiêu khích nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Thực hiện được những điều cơ bản đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đi đến một hội nghị như kiểu Hội nghị Giơnevơ nǎm 1954. Đó là cách giải quyết hợp tình hợp lý, có lợi cho hoà bình và có lợi cho nhân dân Mỹ.

Hỏi: Đối với Hộinghị nhân dân Đông Dương họp ở Phnôm Pênh gần đây, xin Hồ Chủ tịch cho biết nên đánh giá như thế nào?

Trả lời: Hội nghị nhân dân Đông Dương được triệu tập theo sáng kiến của Thái tử Nôrôđôm Xihanúc, Quốc trưởng Campuchia, đã thu được những kết quả tốt đẹp. Đó là một thắng lợi to lớn của nhân dân ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào trong sự nghiệp đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ. Trong khi Mỹ đẩy mạnh và mở rộng chiến tranh xâm lược Nam Việt Nam, tiến công nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tǎng cường chiến tranh ở Lào và liên tiếp xâm phạm lãnh thổ và chủ quyền dân tộc của Campuchia, thắng lợi của Hội nghị chứng tỏ ý chí kiên quyết của nhân dân ba nước Đông Dương chống đế quốc Mỹ để bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ hoà bình ở Đông Dương và Đông – Nam á.

Hỏi: Gần đây, đế quốc Mỹ đang mưu toan chỉ huy chính quyền phản động và bọn quân phiệt Nhật Bản gấp rút kết thúc cuộc “hội đàm Nhật Bản – Nam Triều Tiên”, âm mưu thành lập khối quân sự xâm lược Đông – Bắc á . Đây là một việc có liên quan trực tiếp đến những hành động xâm lược của chúng ở miền Nam Việt Nam. Vậy xin Hồ Chủ tịch cho biết nhận định của Hồ Chủ tịch về những âm mưu hoạt động nguy hiểm của những thế lực phản động Mỹ – Nhật trên đất Nhật Bản và những cuộc đấu tranh của nhân dân Nhật Bản chống lại những âm mưu hoạt động nguy hiểm đó.

Trả lời : “Cuộc đàm phán Nhật Bản – Nam Triều Tiên” là một thủ đoạn của đế quốc Mỹ nhằm thành lập khối quân sự xâm lược Đông – Bắc á và tǎng cường chuẩn bị chiến tranh. Âm mưu đó trái hẳn với lợi ích của nhân dân Nhật Bản và nhân dân Triều Tiên, đe doạ hoà bình ở Viễn Đông và trên thế giới. Đế quốc Mỹ xâm lược Nam Việt Nam cũng là kẻ chiếm đóng các đảo Ôkinaoa và Ôgaxaoara của Nhật Bản, chiếm đóng Nam Triều Tiên. Quân phiệt Nhật Bản câu kết với Mỹ, đàn áp nhân dân Nhật Bản, cũng là kẻ đã gửi lính thuỷ và nhân viên kỹ thuật đến giúp Mỹ ở Nam Việt Nam và để cho Mỹ dùng đất Nhật Bản làm cǎn cứ xâm lược Nam Việt Nam. Đế quốc Mỹ là kẻ thù chung của nhân dân Việt Nam, nhân dân Nhật Bản và nhân dân Triều Tiên. Quân phiệt Nhật Bản và bọn bù nhìn Nam Triều Tiên cũng vậy. Nhân dân Việt Nam hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Nhật Bản chống “cuộc đàm phán Nhật Bản – Nam Tiều Tiên” và chống những chính sách phản động của đế quốc Mỹ và quân phiệt Nhật Bản. Nhân dân Việt Nam chân thành cảm ơn sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân Nhật Bản đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống bọn xâm lược Mỹ.
              Nhân dịp này, tôi thân ái gửi lời chào Bộ biên tập báo Acahata và nhờ quý báo chuyển đến nhân dân Nhật Bản anh em lời chào đoàn kết chiến đấu của nhân dân Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét