Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

> CẦN DẸP BỎ NHỮNG GÌ?



  * MINH DIỆN
                 Trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, bàn về tăng mức lương tối thiểu từ 1.030.000 lên 1.300.000 đồng từ tháng 5-2013, Bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ nói rất khó thực hiện, trừ khi Quốc hội cho phép in thêm tiền. Nhiều đại biều phản ứng: “Thế thì thà đừng tăng lương!” .             
                Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hiến kế: “Hạn chế mua xe, bớt hội hè lấy tiền tăng lương!”.
                Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng có sáng kiến: “Bớt một nửa số chuyến đi nước ngoài cũng  được kha khá” .
                Thế mới biết tiền chi tiệc tùng, xe pháo, lễ hội, đi nước ngoài lớn cỡ nào? Tất nhiên  đảng  biết , chính phủ biết, còn dân vẫn bị  mù tịt.
                Nhưng xem ra, sáng kiến của ông Hùng, bà Phóng chẳng qua cũng chỉ là chuyện quá vụn vặt! Tưởng “đỉnh cao trí tuệ” có kế hoạch dài hơi , ai ngờ lại theo kiểu “giật gấu vá vai” như vậy?
               Thử hỏi, nếu cắt giảm hết chi phí công, bỏ hết các chuyến công du nước ngoài thì được bao nhiêu tiền? Có đủ thêm mỗi công chức 100.000, hơn nữa thỉ 300.000 đồng ăn tết chứ đừng nói thường xuyên liên tục?  Hãy  lấy 26 triệu người ăn lương nhân với 100.000-300.000 sẽ thấy con số lớn cỡ nào?
                Không quốc gia nào trên thế giới đội ngũ công chức ăn lương nhà nước hùng hậu như Việt Nam
                Ông Nguyễn Thế Trung, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương thừa nhận:  “Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về sự cồng kềnh bộ máy  công chức từ cấp xã đến trung ương. Ngân sách mỗi năm đã phải chi một khoản quá lớn để trả lương cho bộ máy đó mà cuối cùng lương lại quá thấp!” (Tham luận tại Hội thảo “Đổi mới hệ thống chính trị” tại Học viện Nguyễn Ái Quốc 31-1-2013).

                Nước Pháp dân số 64.044.000 người, tổng thu nhập quốc dân (GDP) 2.700 tỷ đô la, có 5.300.000 công chức, chiếm 8%.
                Việt Nam dân số 88.780.000 người, tổng thu nhập quốc dân 106 tỷ đô la, có 26 triệu công chức hưởng lương Nhà nước, chiếm gần 30%.
                Thu nhập kém người ta 25,47 lần, số lượng người ăn lương hơn người ta khoảng 5 lần, công chức phải hưởng đồng lương chết đói thì không có gì lạ!
               Ơ Pháp, cũng như các nước khác, khái niệm về lương là tiền công và lợi ích người sử dụng lao động trả cho người lao động. Người sử dụng lao động được hiểu theo nghĩa rộng, là nhân dân, người lao động là toàn bộ hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương. Tiền thuế của dân và tiền khai thác tài nguyên của đất nước được dùng làm ngân sách chi cho an ninh quốc phòng, kiến thiết đất nước, và trả công cho bộ máy chính phủ  điều hành đất nước theo hiến pháp và pháp luật. Chính phủ là người làm thuê, phải hoàn thành công việc của Chủ là  nhân dân giao cho, tương xứng với mức lương đã được thỏa thuận. Người dân không đóng thuế để nuôi báo cô bất kể tổ chức chính trị xã hội nào .
                 Một nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới như Pháp, chỉ phải  nuôi một bộ máy nhà nước chiếm tỷ lệ khiêm tốn 5,3% đã chật vật, công chức biểu tình, đình công  rần rần. Việt Nam chưa thoát nghèo, càng nghèo hơn khi phải nuôi bộ máy công chức khổng lồ 26 triệu người, bình quân cứ bảy người dân phải nuôi hai cán bộ ngổi trên đầu trên cổ mình.
                Nhà bào lão thành Thái Duy có lần viết trên báo Đại Đoàn Kết: “Không ở đâu như dân ta, phải è lưng đóng thuế nuôi ba bộ máy đảng, nhà nước, và đoàn thể”.
               Nói thế chưa đúng, vì Việt Nam chẳng đào đâu ra ba bộ máy,  mà chỉ có một bộ máy lãnh đạo duy nhất là Đảng cộng sản Việt Nam. Nhà nước của đảng, chính phủ của đảng, các đoàn thể của đảng. Thử hỏi có tổ chức, hội, đoàn  nào đảng không nắm quyền lãnh đạo? Chỉ nhỏ xíu như cái  “Hội người mù” cũng phải có người của đảng lãnh đạo mới không đi trệch đường lối, và tất nhiên dân phải trả lương lãnh đạo hội đó.
              Quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam bao trùm lên toàn bộ đất nước,  dù toàn bộ đảng viên chỉ chiếm 4% dân số. Quốc hội với danh nghĩa cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho nhân dân, nhưng 95% đại biểu là đảng viên.
               Tiến sỹ Tống Đức Thảo phát biểu trong hội thảo đổi mới hệ thống chính trị: “ Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, của dân, nhưng là đảng cử, dân bầu. Bầu cho những ứng viên đã được định trước theo sắp xếp của cấp ủy, của đảng. Thực chất là hình thức, ai ngồi ghê snào đã sắp sẵn trước cả rồi, như ‘bỏ cối không trật”, dân chả có quyền hành gì!”.
               Để  duy trì quyền lãnh đạo độc tôn, Đảng cộng sản đã phát triển hệ thống quyền lực từ trung ương đến địa phương với một lực lượng hùng hậu chưa tứng có trong lịch sử.
               Dân “chả có quyền hành gì” mà phải còng lưng nuôi bộ máy quyền lực đó. Người bán mặt cho đất bán lưng cho trời trên đồng ruộng, người đằm mình trong gió bão ngoài biển khơi, người vắt kiệt mồ hôi trong các nhà máy xí nghiệp, người ra nước ngoài làm thuê...Từ  bà bán ve chai vé số đến nhà doanh nghiệp, từ đứa trẻ ẵm ngửa đến người chết, đều phải đóng thuế  nuôi  bộ máy của đảng. Tiền thuế không đủ thì bán tài nguyên, bán rừng bán biển, thì vay nợ đời sau con cháu trả.
              Bộ máy khổng lồ ấy đã làm gì cho dân cho nước? Lạm phát tăng, GDP giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng, phúc lợi xã hội giảm, tỷ lệ người nghèo tăng, tội phạm tăng. Một  bộ máy quá đông, đông như “quân tàu ô”. Nguy hại hơn cả là trong bộ máy đó có đội ngũ nắm quyền lực bao trùm đất nước nhưng lại có “Một bộ phận không nhỏ đã suy thoái chính trị, thoái hòa  đạo đức, lối sống” đã thành  “một bầy sâu ăn hết phần của dân”.
                Thượng bất chính hạ tắc loạn, trên thối một, dưới thối mười, nạn mua  chức mua quyền lấy lương , ăn bổng, tạo cửa tham những, bỏ bê công việc tràn lan như nấm .
               Ông Nguyễn Thế Trung, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương nói: “Có nơi tỏ ra chủ quan nói 70-80 % công chức làm việc, có nơi bi quan bảo 30%, nhưng  tỷ lệ thực tế  50 % người làm, 50% người ngồi chơi ăn lương!”.
                 Nhận định ấy cũng đã có cách đây hơn hai chục năm rồi. Ngày đó nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiêt đã tỏ ra kiên quyết xử lý nạn cán bộ “chân trong chân ngoài” và ông nói: “Phải cải cách chế độ công chức và tiền lương, để công chức sống được bằng lương, tận tâm làm việc!”.


                 Như hình như càng cải cách bộ máy càng phình ra.
                 Trong nhiệm kỳ X, cơ quan lãnh đạo của đảng giảm được hai ban nội chính và kinh tế; nhiệm kỳ XI lại tái thành lập. Bởi khi tinh giảm bộ máy, đinh vít lỏng lẻo, đảng thấy quyền lực bị lung lay, lại phải gia cố thêm, và bộ máy lại phình ra. Càng phình ra càng đẻ thêm nhiều cán bộ, và  cái nghề “kinh doanh quyền lực” phát triển.
                Nhiệm kỳ V của Đảng cộng sản Việt Nam có 101 Ủy viên trung ương, nhiệm kỳ XI tăng lên gấp đôi gồm 175 ủy viên chính thức, 25 dự khuyết.   
                Trước kia, một Bộ nhiều lắm 3 thứ trưởng, giờ tăng hai, ba lần. Cụ thể, Bộ nông nghiệp phát triển nông thôn, Bộ công thương 10 thứ trưởng, Bộ tài nguyên môi trường, Bộ nội vụ, Bộ xây dựng 7 thứ trưởng, các bộ khác từ 5 đến 6 thứ trưởng. Các ban của đảng cũng không kém, trung bình mỗi ban 5 phó ban, cá biệt có ban  9  cấp phó,  các  vụ  thì một vụ trưởng kèm bảy, tám vụ phó. Có những cục thuộc loại làng nhàng cũng có đến 6 cục phó. Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì có 6 Phó Chủ nhiệm…
                 Ở tỉnh Thanh Hóa có xã vài ngàn dân mà 500 cán bộ, ở Nghệ An  có phòng 3 sếp mà chỉ có một nhân viên, thậm chí có ban toàn cán bộ không có nhân viên. Ví dụ, Sở nội vụ 31 biên chế thì 1 giàm đốc, 4 phó giám đốc, 14 trưởng phó phòng, vị chi 19 cán bộ  lãnh đạo 12 nhân viên, phòng công chức viên chức  4 người thì một trưởng phòng, hai phó phòng một nhân viên, phòng kế hoạch sở nông nghiêp phát triển nông thôn 1 trưởng phòng, 6 phó phòng 2 nhân viên...
                 Các trụ sở đảng, chính quyền đoàn thể và các các cơ quan  mấy năm gần đây đều được xây dựng mới đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Như như ông Trần Đình Nghiên phát biểu là: “ Vẫn chật không có chỗ cho dân len chân vì nhiều quan quá! Nhiều quan nhưng việc không chạy, cứ ì ra, làm khổ dân”.
                Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% công chức không dùng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả nào!”.
                Ông Nguyễn Xuân Phúc nói như thế là vẫn khiếm tốn. Trong diễn đàn hội nghị “Đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị” tại Học viện Nguyễn Ái Quốc 31-1- 2013 vừa qua, nhiều đại biểu nhận định số công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về” là 50%.
                 Nhưng chỉ cần dẹp đi 30% công chức “không dùng được” như  Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói,  thì những công chức tử tế đã được tăng 30%  lương rồi.
                 Hãy dẹp bỏ cái bọn không dùng được ấy, cùng những hội,  đoàn thể “ăn theo nói leo” tự khắc đời sống công chức sẽ khá hơn và chúng ta có quyền đòi hỏi họ làm việc tốt hơn. Nhưng, biết là khó, dù là những công chức không làm được việc, biên chế thừa, bộ máy ồng kềnh nhưng cũng không nguy hại bằng “bộ phận lớn trong số chức lớn to quyền” mà vơ vét tham nhũng, trong mấy năm mà khui rỗng quốc khố hàng triệu tỉ đồng. Họ cũng là đầu têu và đầu mối mua quan bán tước, tuyển chọn công chức để vơ vét cho đầy tràn túi tham. 
M.D 

13 nhận xét:

  1. Thưa chú Minh Diện, giới trẻ cũng có thể tự nghĩ ra vấn đề này. GPD như thế, số lượng công chức như thế, thì giới trẻ nhìn vào cũng tự hiểu 2 điều: Lương thấp là chắc rồi, tham nhũng mới sống, sống tốt là chắc luôn.
    Nhìn những số liệu thống kê và mức sống thị trường thì một người trẻ hoàn toàn biết những người lớn đang chơi trò chơi gì so với những gì họ nói.

    Trả lờiXóa
  2. Chính xác, tôi thấy hoạt động của Công đoàn hiện nay là vớ vẩn nhất.
    Lẽ ra Công Đoàn là một tổ chức hoạt động dựa trên nguyên tắc Bảo vệ người lao động, chi phí cho tổ chức này hoạt động là do chính người lao động đóng góp.
    Vậy mà "tổ chức Công đoàn hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng CS..."
    PÓ TRYM...

    Trả lờiXóa
  3. Không còn chỗ để bó đâu !!!

    Trả lờiXóa
  4. Nên thôi trả lương cho các cơ quan đảng và các đoàn thể và tinh gọn bộ máy nhà nước. Chỉ có thế mới thoát khỏi tình trạng dân è cổ nuôi bộ máy vô tích sự.Đảng và các đoàn thể hãy tự lo tài chính để duy trì hoạt động, đừng tiêu vào ngân sách nhà nước nữa. Nên xóa bỏ cấp phó của tất cả các cơ quan nhà nước. Quá nhiều lãnh đạo ăn trên ngồi trốc, lại ít chuyên viên có tài đức, thạo nghề thì không bao giờ cơ quan nhà nước làm việc có hiệu quả và cũng không bao giờ cải thiện được chế độ tiền lương.

    Trả lờiXóa
  5. Ôi dào, "nói ra nhiều, cũng vậy thôi". Ở cái nước Việt Nam ta bi giờ mọi việc đều do đảng cộng sản quyết định. Đẳng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện mà! Chia tách, sáp nhập bộ - do Đảng, tăng (hoặc giảm) biên chế - do Đảng, mức án toà xử - Đảng chỉ đạo, hợp thức hoá (hay không) cờ bạc - Đảng quyết, thoải mái chơi gái (mại dâm) hoặc cấm - Đảng cho (không cho)... Chỉ có cái biển Đông đang từng ngày bị Tàu nó xâm lấn thì thấy Đảng nói để Đảng lo mà đến bi giờ éo thấy lo được gì cả (báo lề phải đưa tin Tàu nó vừa đưa 3 chiến hạm tiến vào biển Đông để tuần tra và tập trận). Mịa nó, thằng Tàu là chúa tráo trở, nó bảo tập trận nhưng (nói chém mồm) lỡ ra nó oánh thiệt thì bỏ con mẹ!!!

    Trả lờiXóa
  6. Thường thì có 3 văn phòng trong cơ quan bố trí liền cạnh nhau và công việc hàng ngày giống nhau-ngồi chơi đọc báo-chẳng làm ra sản phẩm xã hội nhưng chiếm hưởng một quĩ lương chẳng nhỏ chút nào.Vậy nên mới có thơ:
    Công đoàn đảng uỷ thanh niên
    Ba ông rỗi việc ở liền cạnh nhau
    Bổng lộc ông hưởng rất mau
    Đến khi có việc gọi nhau họp bàn
    Tiền thuế của dân cùng tài nguyên đất nước không phải để nuôi mấy vị này ,lương bổng và hoạt động của các vị này phải do hội viên ,đoàn viên, đảng viên đóng góp mới đúng chứ.Ở nước ta đảng và chính quyền là một nên chỉ cần có một bộ máy cùng một văn phòng làm việc là đủ.Biện pháp đơn giản đến người dân thường cũng biết mà các ông cứ vắt óc suy nghĩ bàn bạc mãi làm gì,khôi hài lắm

    Trả lờiXóa
  7. Mỗi xã trung bình có khoảng 250 cán bộ ăn lương nhà nước( từ cán bộ tổ địa bàn trở lên).Nhưng thực chất ở đia phương, chỉ cần 50 người là đủ.Vậy nên giảm đi 75% số cán bộ thì lương sẽ tăng,và như vậy mới bớt tham nhũng được.

    Trả lờiXóa
  8. Cách đây độ 5 năm, trong một lần học nghị quyết gì đó, ông cán bộ tuyên huấn nói VN có 6 triệu công chức ăn lương nhà nước và ông ta đã than phiền lắm. Em nghe nhầm hay là con số 26 triệu của bác Diện nhầm?
    Nhưng dù 6 triệu suất lương với đất nước nghèo đói này thì cũng đã khủng khiếp lắm. Lại còn chưa kể đội ngũ hưu (trước khi cũng là công chức) nữa.
    Lạ lùng nhất là bộ máy Nhà nước - Đảng tồn tại song song về mặt quy mô với bộ máy Nhà nước - Chính phủ. Trụ sở của cả hai thường là một khu to rộng nhất của thành phố, thị xã, thị trấn, trong đó chia 2 khu (cách nhau một bờ tường và có cổng qua lại: khu Đảng (tỉnh/ huyện uỷ) và khu chính quyền (UBND). Bên nào cũng có các ban bệ na ná nhau.
    Bộ máy các đoàn thể cũng thật lớn. Người ta thường gọi đó là "cánh tay nối dài của Đảng". Chưa thấy các hội này bảo vệ được cho hội viên của mình bao giờ khi họ bị Đảng, chính quyền xử oan ức. Những hội như Phụ nữ, Công đoàn, Thanh niên hoạt động như một bộ máy chính quyền phụ, luôn phụ hoạ cho CQ đã đành, mà các hội nghề nghiệp cũng chẳng hơn gì. Ví dụ Hội Nhà văn VN, những nhà văn sừng sỏ như Nguyễn Đình Thi, tổng thư ký hội suốt ba chục năm, đã làm được gì để đỡ cho những Phùng Quán, Văn Cao, Hoàng Cầm,... khi lâm nạn oan khốc? Các cấp chính quyền nhiều khi kêu ca phải nuôi các hội này vất quá, tốn quá, ấy thế nhưng khi có ý kiến đề xuất để hội tự nuôi thì họ lại không chấp nhận. Ý là tự nuôi thì lại tự chủ luôn về mặt tư tưởng, dễ "làm loạn". (Nhưng ở các nước tư bản đang giãy chết, các hội đều "ngoài vòng cương toả" (chỉ tuân theo hiến pháp, pháp luật) mà có ai làm loạn đâu?

    Trả lờiXóa
  9. Đảng (CS VN) lãnh đạo toàn diện tuyệt đối mà lị !

    Trả lờiXóa
  10. Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định:
    Số lượng Thứ trưởng ở mỗi Bộ không quá 04 người. Đối với Bộ quản lý nhà nước nhiều ngành, lĩnh vực lớn, quan trọng, phức tạp, số lượng Thứ trưởng có thể nhiều hơn 04 người do Thủ tướng Chính phủ quyết định. (Vế thứ hai là câu thòng chết người của Luật Vịt)
    Mới có 9 tháng kể từ ngày ký quy định, trừ Bộ Y tế, còn lại đều vượt chỉ tiêu, có 10 Bộ: số Phó Thứ trưởng nhiều gần bằng và gấp đôi quy định.
    Thủ tướng ra quy định giới hạn, rồi cũng chính Thủ tướng bổ nhiệm vượt khung, chiện này gọi là "Nói một đằng làm một nẻo" hay nói theo kiểu Miền Tây của anh Ba là "Nói dzậy mà hổng phải dzậy".
    Xem thêm chu tiết:
    http://tranhung09.blogspot.com/2013/02/hong-thay-ai-khen-thanh-tich-nay-cua.html#more

    Trả lờiXóa

  11. Công đoàn đảng uỷ thanh niên
    Phụ nữ dân vận triền miên thuốc trà
    Năm ban dỗi việc la cà
    Tán chuyện ngoài phố, rồi là phét nhau
    Bổng lộc ông hưởng rất mau
    Đến khi có việc gọi nhau họp bàn

    Trả lờiXóa
  12. Người sông Tiềnlúc 17:09 7 tháng 2, 2013

    Cám ơn bài phân tích sâu sắc của nhà báo Minh Diện.

    Trả lờiXóa