Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

> Văn hóa từ chức *


* Dạng bài thẳng và thật thế này 
lâu nay hiếm thấy trên Tạp chí Cộng sản
TCCSĐT - Từ chức được hiểu xin thôi không làm chức vụ hiện đang giữ. Như vậy, từ chức chỉ có thể xảy ra ở những người có chức, có quyền. Từ chức một cách tự nguyện, tự giác là thái độ trung thực với chính mình, biết xấu hổ khi làm điều trái với đạo lý, đi ngược lại nguyện vọng của cơ quan, tổ chức và cộng đồng, là biểu hiện của sự cao thượng, dũng cảm, tự trọng.

Hiện nay, vấn đề văn hóa từ chức ở nước ta đang được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến. Từ chức chỉ được xem là một hành vi có văn hóa khi người ta tự nguyện và mang lại ý nghĩa tốt đẹp cho xã hội. Ở các nước phát triển, từ chức là văn hóa hành xử của những người có chức, có quyền và đã trở thành trách nhiệm của người có chức, có quyền, được dư luận xã hội chấp nhận.
Từ xưa, nước Việt ta có khá nhiều người tài giỏi nhưng đã treo ấn từ quan như Chu Văn An, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm,... Các ông từ chức không phải không làm tròn chức trách, gây tác hại lớn mà phần nhiều là do khảng khái, không đồng ý với quan điểm của vua. Tuy nhiên, tôi cho rằng, ở Việt Namtừ xưa đã có văn hóa từ chức rồi thì chưa hẳn đúng.
Vừa qua, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng Đề án tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng các quy định về từ chức của cán bộ, công chức và coi từ chức - thuộc khía cạnh văn hóa của chế độ công vụ - là một nội dung nằm trong chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 -  2020.
Tại sao Chính phủ lại phải xây dựng các quy định về từ chức của cán bộ, công chức? Theo tôi là do những nguyên nhân sau đây:
Một là, công tác tổ chức cán bộ của chúng ta còn yếu kém, nhất là trong việc giáo dục, lãnh đạo, quản lý đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thiếu rèn luyện, tu dưỡng, thực hành liêm chính và thiếu gương mẫu, không làm tròn chức trách, gây tác hại lớn nhưng hầu như không thấy ai có lời xin lỗi hoặc từ chức cả.
Hai là, chúng ta chưa có hệ thống pháp luật quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng vị trí, nhất là đối với lãnh đạo, quản lý nên thiếu cơ sở để người dân hoặc các tổ chức, cơ quan giám sát. 
Ba là, việc từ chức hiện nay khó quá nên không thấy ai tự nguyện từ chức nên phải có quy định, đồng thời ở nước ta hiện nay chưa hình thành văn hóa từ chức. Điều đó có nghĩa là một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa có lòng tự trọng, thiếu trung thực, ứng xử chưa liêm khiết.
Tại sao việc từ chức lại khó và ở ta chưa có văn hóa từ chức? Qua nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu có thể khái quát như sau:
- Chức tước thường đi đôi với quyền lực, thường gắn với lợi ích, bổng lộc, đặc quyền, đặc lợi. Nếu từ chức có nghĩa sẽ không còn gì cả.      
- Học để “làm quan” đã ăn sâu, bén rễ trong tâm thức người Việt và vì thế truyền thống coi “làm quan” là một sự thành đạt cao nhất.
- Dư luận xã hội chưa được định hướng để đồng tình hay ủng hộ việc tự nguyện từ chức. Nếu ai đó là đảng viên thì viện dẫn đây là nhiệm vụ Đảng giao, nếu từ chức lại coi là không có tinh thần đảng viên, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu…, từ chức là để trốn tránh trách nhiệm, để thoát tội, để hạ cánh cho an toàn… 
Rõ ràng, quyền lực thể chế nào cũng liên quan tới lợi ích cá nhân. Một khi động cơ lợi ích cá nhân lớn đến mức, nhà tư sản “sẵn sàng treo cổ khi lợi nhuận tới 300% - Các Mác”, thì người có quyền, có chức càng không thể dễ dàng từ bỏ nó, nếu quyền lực chính là phương tiện có thể “vinh thân, phì gia”.
Văn hóa từ chức là một dạng văn hóa cá nhân của những người có chức, có quyền. Họ được cơ quan, tổ chức và xã hội tôn trọng khi ở họ có nhân cách đạo đức, biết lãnh đạo bằng tấm gương. Nếu không có nhân cách và gương mẫu thì không thể thuyết phục được mọi người. Để có văn hóa từ chức theo tôi cần:
- Phải có hệ thống pháp luật quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng vị trí, nhất là đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý. Xây dựng các quy định về từ chức của cán bộ, công chức phải dựa trên nền tảng cải cách, xây dựng được quy chế công chức thật chuẩn về tiêu chuẩn của từng chức vụ, từng vị trí công tác.
- Đẩy mạnh tuyên truyền trong xã hội về văn hóa từ chức; nên khuyến khích sự tự nguyện từ chức và đánh giá cao những người có đủ dũng khí, lòng tự trọng, biết liêm sỉ tự nguyện từ chức, đồng thời định hướng dư luận xã hội cũng không nên nặng nề đối với những người tự nguyện từ chức.
- Bản thân cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải tự nhận thức rằng chức vụ không chỉ đi liền với quyền lợi, mà cao hơn phải thấy chức vụ đi liền với trách nhiệm, với tinh thần, thái độ cống hiến, hy sinh. 
Việc từ chức tự nguyện của người có chức, có quyền sẽ tạo cơ hội cơ cấu lại, kiện toàn đội ngũ cán bộ của cơ quan, tổ chức nghĩa là tạo ra sự hợp lý tốt hơn trong xã hội. Điều đó giúp những người thực sự có nhân cách, tài giỏi, có trình độ, năng lực thực tiễn có thể phát huy cao nhất năng lực của mình nếu ở đúng vị trí, đồng thời cũng giúp cho cơ quan, tổ chức và xã hội tránh được những thiệt hại không đáng có. 
Văn hóa có mặt trong tất cả những hoạt động sống của con người và là tất yếu của cuộc sống, thế nên, văn hóa từ chức cũng biểu hiện sự tất yếu của cuộc sống. Thiết nghĩ, từ chức sớm trở thành cách ứng xử bình thường trong đời sống lãnh đạo, quản lý ở nước ta, đồng thời, văn hóa từ chức cũng từ đó mà hình thành và phát triển./.
Quyền Duy

5 nhận xét:

  1. Ha ha...Đây rồi:
    Cái gì khác nhau giữa Capitalist và Com-pitalist?
    - The First: sẵn sàng bị treo cổ khi lợi nhuận tới 300%
    - The Second: 10 000% cũng ...ko sao.

    Trả lờiXóa
  2. Song song với văn hóa từ chức thì cần phải có VĂN HÓA TỰ DO ỨNG CỬ, để chọn những người có tài có tâm vào lãnh đạo nhà nước không quan tâm đến họ có Đảng hoặc không,Trong trường hợp chỉ quan tâm đến văn hóa từ chức, thì anh Ba Dũng từ chức sẽ có anh Tư Dũng, Anh Năm Hỉ, anh Bảy anh Tám anh Chín..,hoặc con cháu của những bè phái lên thay, đất nước cũng không có khá lên bao nhiêu.

    Còn nếu không tán thành VĂN HÓA TỰ DO ỨNG CỬ thì phải chuyển qua chủ nghĩa đa đảng.Hiên nay không chỉ ông Ba Dũng yếu kém mà cả Đảng CS vietnam đang rất yếu kém. Hiện tại đảng CS đang không điều hành được đất nước đưa đất nước đi đến đường cùng thì đảng khác lên thay ( Đảng Xanh, Đảng Xã hội, Đảng nhân dân) Chúng tôi không phủ nhận sự đóng góp của đảng trong sự thống nhất đất nước(Lăng Bác Hồ sẽ vẫn mãi mãi nằm ở đó)
    Nhưng thống nhất đất nước và xây dựng đất nước là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.

    Bây giờ đang nổi lên là ông Nguyễn Bá Thanh. Chưa nói đến ông Thanh có thành công trong công việc hay không(vẫn đang hy vọng) nhưng nếu vậy thì sau ông Thanh sẽ là những ai để lèo lái những trách nhiệm quan trọng. Nếu đảng CSVN không cởi mở trong vấn đề tuyển chọn hiền sỹ mà tự thắt mình trong cái vòng kim cô. thì e rằng Đảng CSVN đang làm khó cho chính mình.

    Trả lờiXóa
  3. Khi xét mình không xứng với nhiệm vụ được phân công,thì từ chức.
    Mất dạy nhất là chạy mua và bán chức vụ.
    Từ chức và từ chối nhận nhiệm vụ khi không đảm trách được,không chỉ là văn hóa,mà còn là sự trung thành với Đảng và Nhân dân,tôn trọng chính mình và gia đình,với tổ tiên của mình.
    Đảng CSVN chưa bao giờ không chọn người tài,đức và người có tài đức.Trong những năm vừa qua và các địa phương các vị lãnh đạo có sai lầm trong việc lợi dụng ĐẢNG để đưa những kẻ tham nhũng,mua chức...để trục lợi cho chính mình.Đó là tội ác ghê tởm mà chính trong nội bộ chi bộ Đảng cũng biết rõ.Ví dụ,khi thông báo kỷ luật đ/c Trần Độ xuống đến chi bộ,Tôi gạt ngay và giải thích sai lầm nầy của chỉ 1 số vị có quyền,thế là tôi bị đì,sau đó tôi xin từ chức và ngỉ hưu,và ngay tháng đó là lên lương nhưng không tăng lương,tôi không thèm,vì không coi chúng là người và là đồng chí.Ngụy nói vậy, nó rất tôn trọng Việt Cộng chúng tôi,thế nhưng lãnh đạo 1 tỉnh mà kém văn hóa đến kinh khủng,luôn sợ và dè chừng.Lũ đó không phải là Cộng sản dù đảng viên,nhưng vào đảng chỉ cơ hội kiếm chác.
    Ngày hôm nay,tổ chức đảng nên bỏ các qui tắc gọi là phân công đi,bỏ cái trật tự quá lạc hậu là phải gởi xuống địa phương vào tỉnh ủy rồi qua ủy viên TW mới vào BCT...Nó có tính sai lầm.Sai lầm này lại hại ĐẢNG và Nhân dân.Trong kháng chiến mà kiểu này chỉ chết và thua,đâu có ngày nay,dù rằng cũng không ít sai lầm chết người.
    Ngày nay,các NƯỚC và lãnh đạo các nước đến với Việt Nam,giúp đỡ VN đâu phải tài cán của các ANH.Họ đến vì nhiều lẽ,trong đó lẽ trước nhất là vì đất nước và dân tộc này,vì tương lai và quá khứ của chính tiền nhân của họ nữa và của dân tộc họ.
    Trên diễn đàn nói thêm cho những ai còn nhầm lẫn với quá khứ và hiện tại.Một nước phải có Đảng,Chính phủ quản trị đất nước,lợi dụng làm sai,trục lợi là việc khác.Không có nước nào hiện nay là tự do ứng cử cả,và chả ai như VN hiện nay,ngồi trong cái BỘ phá tan tành Đảng và đất nước mà ngồi tỉnh như không,chỉ múa mép qua loa.
    ĐCSVN hiện có hàng VẠN đảng viên tài đức vẹn toàn,trong 3 triệu đảng viên,lại trẻ và đủ sức sống,làm gì chứ làm TBT,UVBCT,Bộ trưởng,bí thư cấp tỉnh thì nó dễ như không...Và thay mấy vị trí này nó còn dễ hơn thay bu-ri xe máy.thiếu bu-ri xe không chạy được,chứ thiếu 7 vị trong BCT,3 vị trong Chính Phủ,bỏ 2 vị thứ trưởng ĐẤT NƯỚC này chạy chắc chắn tốt gấp 10 lần hiện nay.
    Công Sơn có nõ thần cất chắc,nên nói hơi mạnh miệng,xin các vị làm to chớ buồn,

    Trả lờiXóa
  4. "Tại sao việc từ chức lại khó và ở ta chưa có văn hóa từ chức?", còn có lý do nữa là: họ không biết làm gì nếu không lam ...cán bộ

    Trả lờiXóa
  5. Văn hóa nói chung ở ta đã biến mất. Suy ra, không hề có văn hóa từ chức. Suy ra, không có việc từ chức! Chấm hết!

    Trả lờiXóa