Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

> Tham nhũng bài trừ người có tâm, có tầm

Bộ máy tham nhũng sao hút được người tài?
 - >Khi bộ máy còn tham nhũng, quan liêu lãng phí ở mọi cấp mọi ngành thì làm sao thu hút và trọng dụng được nhân tài - Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an - bình về "Dự thảo Nghị định thu hút công chức tài năng" đang được Bộ Nội vụ soạn thảo.
>> Chặn cửa 'chạy' công chức
Người đứng đầu phải biết cầm cân nảy mực
Dự thảo nghị định thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng công chức tài năng do Bộ Nội vụ soạn thảo đưa ra đối tượng rất rộng, là những người đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, tốt nghiệp đại học từ loại giỏi trở lên… Xác định công chức tài năng dựa vào yếu tố “bằng cấp” như vậy theo ông có quá rộng và liệu có làm nảy sinh tiêu cực? 
- Ý tưởng nêu trong đề án rất tích cực, với mong muốn thu hút được nhiều người tài vào khu vực công. Đồng thời, nó cũng phù hợp với xu thế hiện nay là cạnh tranh nhân tài.
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Người đứng đầu giỏi, công tâm mới tập hợp được người giỏi. Ảnh: VietNamNet
Để nhận diện thế nào là công chức tài năng, ban soạn thảo đưa ra căn cứ yếu tố đầu vào, đó là tiêu chuẩn phải tốt nghiệp khá giỏi ĐH, thạc sĩ.
Tuy nhiên, trong cuộc hội thảo vừa qua ở Hải Dương, nhiều người chưa tán thành tiêu chí này. Tài năng trong lĩnh vực học tập nghiên cứu và tài năng thực hành khác nhau. Một người có thể giỏi trong lĩnh vực chuyên môn hẹp nhưng khi dự tuyển làm công chức cũng cần đáp ứng  các tiêu chí khác nữa.
Do các tiêu chí để xét công chức tài năng chưa có nên đánh giá chủ quan của người đứng đầu có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, người đứng đầu cơ quan phải là người biết cầm cân nảy mực, công tâm, biết thu hút và tập hợp được những người giỏi và tốt xung quanh mình. Chỉ khi đó mới đưa ra quyết định chính xác để tuyển lựa được người tài.

Theo đề án thì ai đủ điều kiện đạt bằng khá giỏi sẽ được thủ trưởng tuyển thẳng. 
Nhiều người vẫn e ngại tiêu chuẩn bằng cấp sẽ làm nảy sinh tiêu cực?
- Bằng cấp là cần thiết nhưng không phải khi nào cũng tương đương với năng lực giải quyết công việc. Nhất là với chất lượng đào tạo như hiện nay.
Tôi cho rằng phải đi bằng cả hai chân. Một mặt công nhận tiêu chuẩn bằng cấp, nhưng mặt khác vẫn phải thông qua hình thức thi tuyển công bằng. Chỉ có ngoại lệ với một số cá nhân mà tài năng đã được thừa nhận và khẳng định.  
 Hình thức thi tuyển, điều kiện, tiêu chí, vị trí tuyển dụng phải công khai.
Dự thảo cũng nêu, cán bộ, công chức ở các vị trí lãnh đạo, quản lý, các cấp ủy Đảng và tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm phát hiện và tiến cử, giới thiệu những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực đáp ứng được ngay yêu cầu… và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về đề nghị, tiến cử của mình. Quy định này liệu có khuyến khích việc giới thiệu người tài?
- Quy định nói trên mang ý nghĩa là ràng buộc trách nhiệm của người tiến cử, nhưng theo tôi tất cả những người được thủ trưởng tiến cử cũng phải thông qua thi tuyển chứ không phải hễ được tiến cử thì mặc nhiên đưa vào bộ máy. Làm như vậy sẽ nảy sinh tiêu cực.
Tuy nhiên, người tài thường có tính tự trọng rất cao, chỉ e nếu áp dụng cơ chế thi tuyển cào bằng có thể sẽ không khích lệ được họ vào làm việc ở cơ quan nhà nước?
- Bởi vậy mà nhân tố công khai rất quan trọng. Thông tin về chỉ tiêu tuyển dụng, điều kiện và kết quả tuyển dụng cần công khai, minh bạch. Hội đồng chấm thi cũng phải hết sức khách quan, với một đề bài hợp lý.
Tôi đồng tình với quy định cho phép tiến cử nhưng phải xem đó chỉ là tiền đề bước đầu, sau đó vẫn phải thông qua thi tuyển.
Đối với các vị trí quản lý tôi vẫn ủng hộ xu hướng phải thi tuyển cạnh tranh, với nhiều ứng viên và phải tranh cử công khai.
Bộ máy phải trong sạch
Ngoài việc tuyển dụng thì cơ chế đãi ngộ và môi trường làm việc để người tài có cơ hội cống hiến là rất quan trọng. Đề án đã giải quyết được vấn đề này chưa, thưa ông?
- Đề án đã mạnh dạn đưa ra nhiều ý tưởng mới về cơ chế đãi ngộ, đảm bảo quyền lợi cho công chức tài năng. Tất nhiên với người có tài năng thì phải có cơ chế biệt đãi chứ không thể đối xử cào bằng. Nhưng ngoài ra, người tài cần có nhu cầu được ghi nhận công trạng bằng các hình thức tuyên dương, khen thưởng, rồi một môi trường làm việc phù hợp để phát triển tài năng. Các vấn đề này chưa được nói đến trong đề án.
Mấy năm trước đã xuất hiện một dòng chảy những người tài rời khỏi khu vực cơ quan nhà nước mà lý do phần lớn là do họ cảm thấy môi trường làm việc bế tắc không phát huy được năng lực.
Có ý kiến cho rằng, gần đây chính sách thu hút nhân tài được Bộ Nội vụ và nhiều địa phương triển khai song chưa thực sự phát huy tác dụng? Theo ông, nguyên nhân của tình trạng trên là gì và cần khắc phục như thế nào?
- Theo tôi, song song với việc thu hút, bồi dưỡng, đãi ngộ nhân tài, phải xây dựng một bộ máy trong sạch. Để làm điều này chỉ riêng Bộ Nội vụ không thể đảm đương được mà phải có quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất. Cái gốc của việc tạo lập môi trường làm việc trong sạch, đó là phải khắc phục được tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tha hóa. Người đứng đầu phải giỏi, công tâm thì mới tập hợp được người giỏi. Đó là cái khuôn. Không bao giờ có 1 sản phẩm tròn với 1 cái khuôn méo.
Một khi bộ máy còn để xảy ra tham nhũng, quan liêu lãng phí ở mọi cấp mọi ngành thì làm sao hy vọng có thể thu hút và trọng dụng được nhân tài.
Lê Nhung

3 nhận xét:

  1. Người đứng đầu mà chỉ có giỏi , công tâm không thì vẫn chưa thể thu hút được người tài. Tôi không bao giờ tin được cái Nghị định thu hút người tài này lại có thể thành công , nhất là thời điểm hiện nay. Nếu như bộ Nội vụ tự đánh giá là đã thành công thì chính là "tự sướng" , một căn bệnh cố hữu của tất cả các cơ quan công quyền VN. Những chuyện VINASHIN, VINALINE,EVN, chuyện về đồng chí X , chuyện về Tiên lãng, Văn Giang...và bao chuyện bức xúc khác đã như khẳng định : người tài rất kỵ những bức xúc như vậy. Họ đứng ngoài hệ thống này mà vẫn được dân trọng dụng.

    Trả lờiXóa
  2. làm sao mà làm được khi mọi cửa xin việc đều là con ông cháu cha (COCC) chặn hết cả rồi, nếu điều tra cho thật kỹ xem ở mọi cấp, mọi ngành các cán bộ đều có con, cháu, thân quen làm việc ở vị trí mà người ta thường gọi là kiếm ăn được,....ôi thôi, ngay tại xã tôi đây, Bí thư xã có cháu làm ở bộ phận một cửa chuyên về chứng thực (cái này kiếm ăn được nhe), một cháu thì phụ trách bên mảng liên quan đến tiền,....mình định viết một bài thật rõ nét về cái gọi là cơ chế của XHCN

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết hay. Cảm ơn Lê Nhung - Bùi Văn Bồng rất nhiều!

    Mọi cửa xin việc và quy hoạch đề bạt cán bộ lãnh đạo VN hiện nay đều bị con ông cháu cha và những kẻ nhiều tiền, nịnh bợ, đi bằng đầu gối chặn hết cả rồi.
    Doanh nghiệp bị phá sản nhiều quá! Tham nhũng - Thất nhiệp - Dân oan - Dân khổ cũng quá nhiều! Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế rối cũng có ngày bọn chúng phải chui ống cống như TT của LIBI mà thôi.

    Trả lờiXóa