Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

> LUẬT BIỂN VỚI TÂM VÀ TẦM CỦA LÃNH ĐẠO

  BVB - Đề xuất - để luật Biển thực sự có hiệu lực, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc:
* 8 chữ vàng: "Tự chủ, Cảnh giác, Bản lĩnh, Bền vững" 
* 4 tốt: "Đoàn kết tốt, Dân chủ tốt, Ngoại giao tốt, Chủ động tốt". (*)     
                                             Bùi Văn Bồng
Luật Biển Việt Nam đã có hiệu lực được 01 ngày. Đây là sự thống nhất cao của Quốc hội tại kỳ họp 6 tháng trước, với sự khẳng định mạnh mẽ về chủ quyền, lãnh hải quốc gia. Tính dân tộc đã được thể hiện ở tầm cao mới, qua việc ra được luật Biển trong bối cảnh tranh chấp biển Đông ngày càng phức tạp hiện nay. Cho dù đã bị muộn so với Liên Hiệp quốc ban hành Công ước về Luật Biển 1982, nhưng việc thông qua và ban hành luật Biển đã thể hiện được sự mong đợi của toàn quân, toàn dân, sự đồng tình, hoan nghênh, ủng hộ của lương tri nhân loại. Và riêng trong việc này làm cho Trung Quốc phát lồng lộn, nhưng Quốc hội rất được sự đồng thuận cao của nhân dân.
Thế nhưng, theo Tân Hoa xã: Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 31/12 đã trả lời câu hỏi của nhà báo về "Luật Biển Việt Nam" có hiệu lực. Phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Trung Quốc trước việc "Luật Biển Việt Nam" sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2013? Người Phát ngôn Bộ "ngại giao TQ", Hoa Xuân Oánh nhai lại một cách thuộc lòng, rằng "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Tây Sa, quần đảo Nam Sa và vùng biển xung quanh. Bất cứ nước nào đề ra yêu cầu chủ quyền lãnh thổ và áp dụng bất cứ hành động nào đối với các quần đảo nói trên đều là phi pháp và vô hiệu. Trung Quốc quan tâm sâu sắc ảnh hưởng tiêu cực sẽ mang lại cho tình hình Nam Hải sau khi bộ luật này có hiệu lực, yêu cầu Việt Nam không áp dụng bất cứ hành động làm phức tạp và mở rộng vấn đề..." (?!).

          Cả thế giới đã biết, cách đây vừa đúng 30 năm, Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), được 107 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ký tại Vịnh Montego (Jamaica), đánh dấu thành công của Hội nghị LHQ về Luật Biển lần thứ 3, với sự tham gia của hơn 150 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế, kể cả các tổ chức quốc tế phi chính phủ. Công ước LHQ về Luật Biển 1982 được đánh giá là bản Hiến pháp về đại dương.
     Việt Namlà một trong số 107 quốc gia tham gia ký Công ước ngay trong ngày văn bản này được mở và để ký. Ngày 23/6/1994, Quốc hội nước ta đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn Văn kiện Pháp lý quan trọng này. Ðiểm 1 của Nghị quyết nêu rõ: "Bằng việc phê chuẩn Công ước LHQ về Luật Biển 1982, nước CHXHCN Việt Nam biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển".
Theo ông Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia: Ngày 21/6/2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua luật Biển Việt Nam. Lần đầu tiên, luật Biển Việt Nam đã quy định đầy đủ chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam theo đúng nội dung của Công ước. Luật Biển Việt Nam là cơ sở quan trọng cho việc thống nhất quản lý, sử dụng, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của nước ta. Qua việc thông qua luật Biển Việt Nam, chúng ta đã làm cho thế giới thấy rõ Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, luôn luôn tuân thủ và tôn trọng luật pháp quốc tế, thể hiện quyết tâm của Nhà nước ta phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
     Luật Biển của Việt Nam quy định đầy đủ các nguyên tắc, chính sách quản lý và bảo vệ biển; phạm vi và quy chế các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; quy chế các đảo, quần đảo Việt Nam, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa; các hoạt động trong vùng biển Việt Nam; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; phát triển kinh tế biển; tuần tra kiểm soát trên biển; hợp tác quốc tế về biển.

     Nhưng, không thể dễ dàng quan niệm rằng đã có luật Biển là coi như cả dân tộc Việt Nam yên tâm với chủ quyền biển - đảo. Có luật và triển khai thực thi luật có hiệu lực trong lúc này là rất cần thiết. Nhưng ra luật rồi nhưng không tổ chức thực thi nghiêm luật, luật chỉ như một thứ "bánh vẽ" đối phó, thì cũng như nhiều bộ luật khác: Luật vẫn chỉ là luật! 
          Luật cho dù có đầy đủ, mang giá trị pháp lý và bảo đảm chặt chẽ đến mấy cũng chỉ nằm trên giấy, nếu không có sự lãnh đạo, chỉ đạo kèm theo những biện pháp kiên quyết, hữu hiệu để thực hiện luật. Trách nhiệm triển khai tổ chức, thực thi luật là của nhà cầm quyền, của giới lãnh đạo từ chóp bu đến chóp lều. Phải có sức mạnh đoàn kết toàn dân, kết hợp điều hành về chính trị (lãnh đạo), thể hiện tính kiên quyết thực thi pháp luật, thì luật mới đi vào đời sống. 
          Điều không cần mất công dự đoán cũng biết rằng Trung Quốc sẽ không coi luật Biển của Việt Nam ra gì cả, nếu như việc ra luật chỉ để đáp ứng nguyện vọng hiện thời của người dân, nhưng sau đó không có sự lãnh đạo, chỉ đạo mở rộng tuyên truyền cũng như tổ chức thực thi đúng luật một cách kiên quyết, tự chủ và có bản lĩnh. Luật Biển rất cần quan điểm, chính kiến rõ ràng về mặt chính trị, về trách nhiệm trước chủ quyền, vận mệnh dân tộc, vè năng lực, khôn khéo, tầm nhìn và bản lĩnh đối ngoại. Khi có những hành động vi phạm luật biển, việc xử lý theo luật thế nào mới là quan trọng. Đó là hiệu quả thực thi luật Biển khi đã có hiệu lực (từ hôm qua, 1-1-2013).

      Khi thực hiện Nhà nước pháp quyền, vươn tới văn minh nhân loại, rất cần có nhiều bộ luật về mọi lĩnh vực. Thực thi luật có nghiêm hay không còn tùy thuộc vào sự vận hành thực tế của thể chế chính trị, của những con người được giao và nhận lãnh trách nhiệm trước dân, trước quốc gia, dân tộc. Cho nên, vấn đề cần đặt ra là quan hệ giữa thể chế chính trị, quan điểm dân chủ với việc thực thi pháp luật.
      Nhiều hệ lụy tác hại mà cũng coi như "nước đổ lá khoai" là do người lãnh đạo nhiều khi chỉ chịu nhiều trách nhiệm về mặt tổ chức, chưa phải chịu gánh trách nhiệm về mặt pháp lý. Đảng có chính cương, điều lệ, nguyên tắc, nhưng đảng còn ít bị ràng buộc theo luật, có khi đứng lên trên cả luật. Cho nên khi việc thực thi pháp luật không nghiêm, thì người lãnh đạo, người đứng đầu cũng ít phải gánh chịu trách nhiệm cá nhân về pháp lý. Đó là sự lệch pha trong một thể chế chính trị-xã hội, là kẻ hở của một thể chế, các cơ chế, quy ước, chế tài đặt ra. Lờ luật, lách luật, bẻ queo luật, nhưng tập thể hoặc cá nhân người lãnh đạo ít bị liên đới, cá nhân lãnh đạo, chuyên trách vẫn không phải chịu trách nhiệm. Đó là những nghịch lý.

      Vì thế mà rất cần có sự ràng buộc trách nhiệm chính trị với pháp lý về mặt cá nhân lãnh đạo, kể cả về Đảng, chính quyền, bộ, ngành chủ quản và cơ quan chức năng, nhất là trách nhiệm của người đứng đẩu, của ngành chức năng, cơ quan chủ quản... Khi sự ràng buộc pháp lý được "thể chế hóa" thì luật mới thực sự có giá trị. Chính trị bị ràng buộc theo luật, có mang tính sống còn, thì mới có tính tự giác cao. Lãnh đạo để có luật và lãnh đạo thực thi đúng luật tự nó tạo ra những nỗ lực tự thân của mỗi cá nhân, khỏi phải cần đến nhiều nghị định, thông tri, chỉ thị đi kèm, ít phải hội họp, kiểm điểm, kiểm tra, đôn đốc. Nó đã tạo ra được "tự động hóa'' trong nội lực mỗi người về Nhà nước  pháp quyền thực sự.

      Chính trị muốn bền vững và khẳng định uy tín ngày càng cao cần phải lấy dân chủ làm gốc, luôn luôn lấy dân chủ làm nền móng, song hành với dân chủ, cần thường xuyên không ngừng đề cao dân chủ. Gần 6 tháng trước, ngay từ khi Luật mới ban hành, dù chưa đến thời điểm hiệu lực, nhưng nhân dân mít tinh, biểu tình, tuần hành ôn hòa ủng hộ luật, phản đối kẻ vi phạm chủ quyền biển - đảo, nhằm khẳng định chí khí của toàn dân trong bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Thế nhưng, điều là lùng là chính quyền lại trấn dẹp, đe dọa, ngăn chặn. Trong việc này, tại sao chính quyền lại cho là gây rối, là "chống Đảng, Nhà nước"? Những động cơ và hành động làm mất dân chủ như vậy mới chính là một thứ tội đồ, làm tay sai cho ngoại bảng! 
            Thế nhưng, họ lại mạnh mồm và thẳng tay quy kết người biểu tình yêu nước là "những kẻ tội đồ" chống Đảng, Nhà nước VN! Người ủng hộ bị coi là chống? Còn những kẻ chống phá ngấm ngầm tự đục ruỗng từ bên trong, một kiểu 'tự diễn biến, tự chuyển hóa' tai hại lại coi là "có công" hay sao? Sao có thể suy diễn ngược ngạo và ấp đặt đến thế?! Thử hỏi ngăn chặn biểu tình của dân chúng, qui chụp việc biểu thị thái độ ủng hộ Luật biển là có sự tiếp tay của "thế lực thù địch" nào đó, vậy thì ra luật để làm gì? Ai thực hiện? Hiệu lực thực thi luật được bao nhiêu? 
           Vô hình trung, những hành động trấn áp, đe dẹp, ngăn chặn, khống chế, bắt bớ, hạn chế hành động biểu thị thái độ của người dân là thể hiện rõ nét sự mơ hồ về chính trị, tách chính trị khỏi pháp luật, đem chính trị đối trọng với nhân dân, và có phải chăng đó cũng là biểu hiện "cõng rắn cắn gà nhà" như CT nước TrươngTấn Sang đã cảnh báo? Trước hết, đó là  những biện pháp có thể coi là đem quan điểm chính trị - đối ngoại sai lầm tự bào mòn, làm thui chột lòng yêu nước chân chính và trung thực của người dân. Một sức mạnh đoàn kết cần được động viên, khuyến khích, làm nền tảng cho mọi thắng lợi bỗng nhiên bị xé nhỏ, phân rã, băm nát. Như thế là có tội, chặt đứt mối liên kết phát huy truyền thống yêu nước quý báu tự bao đời, không thể coi là có chút công cán gì với dân với nước.
           Nghị quyết Đảng, quyết định của Nhà nước, Quốc hội là chính trị. Nếu như chính trị đó chỉ được thể hiện với sự tính toán một chiều, xem xét một bề, không dựa trên toàn cục, thiếu khách quan toàn diện lại trở thành phản chính trị. 
            Suy cho cùng, sẽ không ngoa nếu như nói rằng hành động đi vận động người dân đừng đi biểu tình tỏ bày lòng yêu nước, tìm cách ngăn chặn, trấn áp, khống chế biểu tình là một sự tiếp tay cho "thế lực thù địch", có hại cho nước cho dân. Các "thế lực thù địch" sẽ rất hả hê trước thái độ cầu an, sự nhũn nhặn, nhịn nhục, nhân nhượng quá đáng, những phát ngôn vô trách nhiệm, sự thiếu bản lĩnh, kém chí khí trong đối ngoại; nhưng lại có lối hành xử đối với những người yêu nước như vậy, khác nào "nối giáo cho giặc", là sự tiếp tay với những kẻ cho sự vi phạm Luật pháp quốc tế, khuyến khích chúng tiếp tục lộng hành, càng đặt đất nước vào tình trạng nguy cấp? 


             Làm chính trị mà không tôn trọng dân, không dựa vào dân là coi như tự mình kìm hãm năng lực lãnh đạo, tự mình xa dân, không phù hợp với quy luật vận hành xã hội, làm mất đi cội nguồn sức mạnh "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng". Cho nên, mỗi khi lắng nghe tiếng nói của người dân, chủ nhân của đất nước, người lãnh đạo phải coi đó chính là cơ sở xây nền cho thể chế chính trị ngày càng thêm vững mạnh. Nhà chính trị không tự tô vẽ bằng sự đề cao uy tín của chức danh, mà uy tín đó do nhân dân ghi nhận và chính nhân dân tôn vinh hoặc phế bỏ.
       Một khi chủ nhân đất nước bị người có trách nhiệm chính trị coi thường, chỉ biết dùng uy quyền kiểu quân chủ chuyên chế, thậm chí độc tài, thì chính uy quyền sẽ theo năm tháng và tùy sự biến xã hội mà mất đi, thời nào thì chủ nhân vẫn là chủ nhân, dân như sức nước - "đẩy thuyền đi cũng dân, lật thuyền cũng dân". 
        Của cải, tiền, vàng cho dù nhiều đến mấy rồi cũng hết dần hoặc tan biến chỉ trong chốc lát. "Tình đời vũng như đá núi / Danh lợi như áng mấy trôi" , "tiếng thơm mãi để đời, ô danh thành bia miệng". Uy quyền lúc này, lúc khác có thể đạt được chủ đích nào đó cho cá nhân, nhưng rồi cũng mất đi cùng với sự thay đổi thời thế bằng những cuộc cách mạng dân chủ khi mà người dân rơi vào cảnh "tức nước vỡ bờ", buộc phải tự khẳng định vai trò chủ nhân đất nước. Chính trị và pháp luật phải che chở, bảo hộ được người dân có lòng yêu nước nồng nàn. Một khi sức mạnh của lòng yêu nước bị ngăn chặn, thì áp lực của chân lý, lẽ phải, công bằng và nhu cầu quyền sống sẽ là mầm mống đòi hỏi cần thiết phải đổi mới. Sự mất dân chủ thường xảy ra khi người cầm quyền trình độ năng lực yếu kém, ấu trĩ, ngờ nghệch, hoặc vì nguyên do, động cơ cá nhân chủ nghĩa lợi ích phe nhóm nào đó cố tình lợi dụng quyền lực hành xử tùy tiện, vi phạm pháp luật. Người có trách nhiệm chính trị, có vị thế xã hội mà tự mình gây ra sự ô danh nhục vị thì muôn đời khó rửa sạch.
           Hơn thế nữa, như trên đã nêu, Luật biển sẽ chỉ nằm trên giấy, không đi vào cuộc sống một cách thiết thực và hiệu quả (như nhiều luật khác đã ban hành), nếu như việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục về luật không sâu rộng đến mọi người dân, kể cả Việt kiều ở nước ngoài và dư luận quốc tế. Cần phải nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống, trở thành chỗ dựa tin cậy cho lòng yêu nước chân chính của người dân. Kẻ nào vi phạm luật Biển phải kịp thời, kiên quyết trừng trị theo đúng pháp luật đã ban hành. 
  Ngày 1-1-2013 ghi dấu ấn lịch sử về sự khẳng định chủ quyền Biển-Đảo của Việt Nam được luật hóa, tạo thêm căn cứ pháp lý. Cũng vào ngày đầu năm 2013, trả lời phỏng vấn cau báo Tuổi trẻ, tướng Nguyễn Chí Vịnh nói: " Ngư dân Việt Nam có quyền hoạt động trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong đó có khu vực Hoàng Sa và Trường Sa, và có quyền đánh bắt ở khu vực biển quốc tế theo đúng luật quốc tế quy định. Đây là những quyền không ai có thể bác bỏ. Có một điều quan trọng hơn, ngư trường của ngư dân là đất nước mình, ngoài chuyện đánh bắt cá, họ là những người trực tiếp đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, những người ở trong bờ mang ơn họ về điều đó. Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của ngư dân đánh bắt cá ở những vùng như vậy".
       Dù rào đón, lựa lời cho vừa lòng dân, lại vừa lòng cả Trung Quốc, tướng Vịnh đưa ra những câu hiếm hoi có vẻ kiên quyết ấy. Phải chăng đây cũng là động thái biết tôn trọng luật Biển? Nhưng, Trung Quốc vẫn coi luật Biển của Việt Nam là thứ không cần để ý. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, ông Hồ Cẩm Đào tuyên bố “xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc về biển”. 
      Vì thê, cho dù đã nói khá mạnh như tướng Vịnh như bao lần trước cũng chỉ là "nói, để mà nói". Lúc này, riêng Việt Nam ta về mặt đối nội và đối ngoại cần 8 chữ vàng là: "Tự chủ, Cảnh giác, Bản lĩnh, Bền vững" và bảo đảm được 4 tốt (của VN ta) là: "Đoàn kết tốt, Dân chủ tốt, Ngoại giao tốt, Chủ động tốt" (*). Trong bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, chính trị - lòng dân và pháp luật cần phải tạo được thế chân kiềng ngày càng vững chắc.
 BVB

------------------------/
(*) - Đây là đề xuất của trang BVB

2 nhận xét:

  1. Đây mới đúng là 8 chữ vàng và 4 tốt.

    Trả lờiXóa
  2. Đây mới chỉ là trên giấy. Còn phải nhìn vào thực tế có đúng 8 vàng và 4 tốt hay ko ?

    Trả lờiXóa