Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

> BỊT MIỆNG DÂN - NGUY CƠ TAN VỠ, TIÊU VONG !

Tôi có ý kiến!

* BÙI VĂN BỒNG
          Thước đo một xã hội dân chủ trước hết được nhìn nhận từ góc độ sinh hoạt đời sống thường nhật và tối thiểu của người dân, đó là tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do mít tinh, biểu tình bày tỏ thái độ của mình đối với xã hội và môi trường cuộc sống quan hệ cộng đồng. Thời đại mới, toàn cầu là “thế giới phẳng” rất cần có tự do thông tin, quyền được trao đổi thông tin giữa con người với nhau, thông tin không biên giới.
Quyền được thông tin chính là nhân quyền ở bậc cao của xã hội văn minh. Không ít người đã hiểu hai từ “ngôn luận” như chỉ dành cho báo chí, đổ đồng báo chí với ngôn luận làm một. “Ngôn” là lời nói, “luận” là những lý giải, sự biện minh, giải thích, cả những tranh luận tự do, thoải mái làm sáng tỏ một việc hoặc vấn đề nào đó. Ngôn luận là cái quyền được nói, nói thẳng, nói thật, nói hết lòng mình một cách tự nhiên, không ai có quyền áp đặt, chi phối, ép uổng. 
Tự do ngôn luận chính  là biểu hiện cụ thể nhất của tự do tư tưởng. Một xã hội dân chủ, văn minh phải được minh chứng đầu tiên quyền tự do ngôn luận. Trời sinh ra cái miệng, không được ăn, thì cũng phải được nói. Thử phân tích lại thì nếu như gọi báo chí là “cơ quan ngôn luận” đúng là chưa rõ nghĩa, chưa bật hết các giá trị thực của khái niệm. Ngôn luận đâu chỉ đơn thuấn là “tiếng nói’, là đoạn tin, bài báo, ý kiến viết ra, qua biên tập, rà soát, xem xét rồi mới đưa lên mặt báo? Sự xuất hiện nội dung biểu cảm và diễn đạt tư tưởng của người viết (phóng viên, bạn đọc, phát biểu của nhân vật trong cuộc và những nhân chứng) chỉ là một phần, thông qua lăng kính của nhà biên tập và ban biên tập. Như vậy. gọi là báo chí là cơ quan tuyên truyền đúng hơn là cơ quan ngôn luận. Ví dụ: Báo Nhân dân, cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam…Nhưng khi nói về báo chí, một sự thể hiện cụ thể của phương pháp chuyển tải thông tin có yếu tố ngôn luận, thì có thể gọi là cơ quan báo chí, không nên gọi là “cơ quan ngôn luận”. Đó là một ý kiến có tính chất mổ xẻ, soi xét về tu từ học, từ vựng học.



           Về tự do ngôn luận, một trong những nét ưu việt của chế độ dân chủ, Bác Hồ đã nói một câu ngắn gọn, rất giản dị mà sâu sắc: “Dân chủ là phải làm cho người dân biết mở miệng”. Phát biểu tại Lễ tốt nghiệp khóa học thứ Tư, trường Quân chính Việt Nam - (báo Cứu quốc số 58, ngày 4-10-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cần phải nhớ đến những đức tính mà đã là cán bộ cần phải có: Không tự kiêu, không có cái bệnh làm "quan cách mạng". Phải siêng năng: Siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nghĩ, siêng nói, siêng làm”.
Như thế, theo lời Bác dạy, năng lực lắng nghe là sự cần thiết và qua đó cũng thể hiện quan điểm, phong cách lãnh đạo cầu thị. Sự lắng nghe quả là cần thiết đối với người cán bộ, đảng viên như thế nào! Nhưng khi người dân e ngại, sợ sệt, né tránh không dám nói thẳng, nói thật, thì lượng thông tin mà cán bộ nắm được liệu có ý nghĩa giá trị gì? Và muốn  lắng nghe được lời nói thẳng, nói thật, những cái đúng như vốn dĩ bản chất của nó (sự việc, hiện tượng) đang tồn tại, cần phải biết tôn trọng và khuyến khích người  dân tự do ngôn luận. Đó cũng chính là văn hóa lãnh đạo. Việt Nam ta đã có thời gian quá dài, và cho đến tận bây giờ cũng vậy, người dân và cả cán bộ, đảng viên chưa thực sự được tự do ngôn luận. Nói cái gì, chuyện gì? Nói với ai, ở đâu? Nói mức độ nào? Có nên nói thật, nói thẳng hay không? …tất cả nhưng cái quyền đó đều có sự kiểm soát, răn dạy khá là nghiêm cẩn, khá là chặt chẽ, nhiều khi thận trọng quá mức. Như vậy, đâu còn “tự do ngôn luận”?

Mới đây, Hội nghị tổng kết công tác năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013 của ngành tuyên giáo nêu rõ: Trong thực tế, từng có những vụ việc xảy ra nhưng do có ý kiến lo ngại nếu thông tin sẽ hoang mang, lo lắng không cần thiết, dẫn đến “bí mật hóa” quá mức như các vụ tai nạn, hỏa hoạn lớn, cưỡng chế giải phóng mặt bằng… khiến báo chí chính thống không giữ được thế chủ động thông tin. Theo các nhà báo lão thành, tại sao trước một cuộc cưỡng chế các cơ quan chức năng không chịu cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí về nội dung, ý nghĩa, cách thức? Cả hai khuynh hướng “nhạy cảm hóa” và “bình thường hóa” thái quá đều bất cập, ảnh hưởng đến vai trò của các báo chính thống khi tham gia dòng thông tin chủ lưu. Hãy trao quyền cho Tổng biên tập tự chịu trách nhiệm khi xử lý thông tin, kể cả thông tin “nhạy cảm”. Phóng viên thì hào hứng muốn đưa tin ngay vì vấn đề đang nóng, hấp dẫn dư luận. Thế nhưng, Ban Biên tập một số tờ báo lại ngại ngần đụng chạm, cân nhắc lâu khiến thông tin báo nhà bị thiu và báo ngoài thì nóng.


Một thực trạng nữa là khi có chuyện gì xảy ra, người dân không dám nói thẳng nói thật, che giấu ngay trong cộng đồng, nhìn trước ngó sau như sợ "ngáo ộp" rồi mới dám nói. Đã có những ông bố, bà mẹ nhắc nhở con cái: “Đừng nói thế, công an bắt đấy!”. Công an được đào tạo, huấn luyện vè nghiệp vụ và năng lực trấn áp kẻ thù của nhân dân để bảo vệ, phục vụ nhân dân, nhưng họ lại tréo ngoe là xen cả vào tâm tư, tình cảm, tư tưởng của con người, một quyền tự do mà trời đã phú cho loài người. Vậy là có những “tai vách mạch rừng” cứ xoi mói, bắt bẻ, chiết tự ra từng câu nói để quy chụp về tư tưởng, quan điểm. Bảo vệ quan điểm, tư tưởng theo cách đó là vi phạm nhân quyền, trước hết là quyền dân chủ, bóp nghẹt những sáng tạo ngay từ trong tư duy. Và đó cũng là nguyên nhân dẫn tới sự áp đặt, khuôn sáo, công thức, lối mòn, cố mà gói mọi sụ phải đóng khung vào sự đồng nhất, phi tự nhiên, trái quy luật. Điều đó cũng thể hiện một xã hội không văn minh, kém lành mạnh, một lối “độc tài về tư tưởng, tình cảm” của con người.


Đã thành cái nếp quen, nên sinh ra tâm lý e ngại, thậm chí sợ sệt. Người dân không dám nói thẳng lòng mình, đảng viên không dám phát biểu đúng chính kiến, bộc lộ rõ tư tưởng, nhà báo không dám viết cái gì ngoài “sự chỉ đạo”, tờ báo (đài, trang mạng) không dám đưa thông tin gì khác một khi chưa xin “ý kiến chỉ đạo”, thậm chí ý kiến chỉ đạo đó thiếu công minh chính trực, đầy động cơ, thủ đoạn cá nhân của một kẻ độc đoán, chuyên quyền. Tóm lại, đó chính là sự khô cứng và ấu trĩ, sự hà khắc, trói buộc, bắt bẻ, quá chặt chẽ làm mất tự do ngôn luận sẽ sinh ra nạn nói dối, con người trong cộng đồng sinh ra đánh lừa nhau. Đủ kiểu nói dối, nói dối tràn lan. Và nhiều khi chính nói dối lại được an thân, đỡ phiền toái, lại còn được khen thưởng (?!). Biết rõ thực trạng này, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh coi trọng đường lối đổi mới đã kêu gọi toàn Đảng, toàn dân nói thẳng, nói thật. Cố Chủ tịch nước Trường Chinh cũng nói là sự “hướng đạo” sai, bóp nghẹt tự do tư tưởng cũng coi như làm trái quy luật tự nhiên (trong bài “Ba bài học quy luật”).
Có lần, ông Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đã kể rằng: Có đoàn cán bộ từ Trung ương về làm việc với tỉnh An Giang. Khi hỏi về một vấn đề trong tỉnh, thấy từ cán bộ tỉnh, huyện, xã đến một số người dân được mời gặp đoàn công tác, đều nói giống nhau. Trước khi ra Hà Nội, ông trưởng đoàn công tác khen: “Tỉnh các đồng chí như thế là đoàn kết nhất trí cao, trên dưới đồng tâm đồng lòng, thể hiện  đúng tư tưởng chỉ đạo của nghị quyết, nhất là thể hiện Đảng với dân một ý chí, thể hiện ý Đảng lòng dân ở An Giang tuyệt vời”. Cái đoàn kết, nhất trí đồng loạt theo một định hướng tư tưởng “làm chủ tập thể”  kiểu đó đã trì kéo sự phát triển xã hội bởi một sức ì ghê gớm. Ông Nhị nói :”Khi được đoàn cán bộ Trung ương khen như vậy, cũng thấy hởi lòng hởi dạ. Nhưng sau đó nghĩ kỹ lại bỗng thấy chột dạ: “Thôi chết, thế là nguy, vậy đầu óc và trình độ nhận thức, cách nhìn của mọi người đều giống nhau cả à? Còn gì là sáng tạo, còn gì là tự do tư tưởng, cấp trên xuống đâu có nắm hết và hiểu đúng được thực tế? Thế là lâu nay mình cũng là thủ phạm đã tham gia vào việc đào tạo ra một lũ vẹt. Trên nói sao, dưới nói vậy. Rồi đến mức ông cán bộ, ông đảng viên nói sao, người dân nói đúng như vậy. Thế thì nguy rồi, rập khuôn, máy móc, dối trá, cùng một kiểu đánh lừa lẫn nhau”. Sự không trung thực, thiếu nhất quán “Nói dzậy mà hổng phải dzậy” cũng từ những lò luyện kiểu đó mà ra. Khi người dân che giấu tư tưởng thì đó là sự thiệt thòi, kèm theo tai hại cho nhà lãnh đạo. Vì thế, minh bạch hóa, công khai hóa rõ rành mọi sự cần lắm thay! Khi người dân tỏ ra bất cần, phó mặc, “câm như hến” thì đó là sự báo hiệu mục ruỗng từ bên trong một thể chế chính trị. Nhà lãnh đạo nào coi trọng và biết đưa dân chủ lên hàng đầu thì đó là biểu hiện của bậc vĩ nhân.
Ai làm cho người dân sợ? Ai đưa đến hình thành trong xã hội sự dối trá, thiếu thực tâm thực lòng, không dám nói thẳng nói thật? Tôi tâm sự vậy, có ông bạn là Tiến sĩ ở trường đại học cần Thơ nói: “Ông thể chế chứ ai! Cái thể chế đẻ ra những quy định, những quy định sinh ra thói quen kể cả có lợi và không có lợi”. 
Hồi giữ năm ngoái, khi tiếp xúc với cử tri quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói là Đảng và Nhà nước rất cần cùng với người dân đối thoại, “trao đổi” qua lại với nhau để nó sáng rõ những vấn đề còn tồn tại, bức xúc và đi đến cái đúng, lẽ phải, đi đến chân lý. Ông Sang nói: “Chúng tôi cảm thấy rằng sự lãnh đạo của mình có lỗi khi để cho người dân và đảng viên ngại nói ra sự thật nhưng mặt khác thì đảng viên và người dân cũng phải có trách nhiệm của mình nữa, không thể thụ động”. Đó là mới "cảm thấy" thôi, chứ chưa thấy hẳn, càng không thấy rõ. Nhưng, đáng tiếc là lời nói và việc làm chưa đi đôi, vẫn còn "nói dzậy mà hổng phải dzậy"! Bởi chính Chủ tịch nước cũng thụ động, còn gọi một vị mắc nhiều khuyết điểm trong Bộ chính trị là "đồng chí X".
Thưa ông Chủ tịch nước, đối với người dân, đây không phải là “thụ động” mà đúng là “bị động”, là chính quyền, công an luôn luôn tìm cách "bạo động" trở lại với dân, ngăn chặn những lời nói tâm huyết tự trong đáy lòng của họ, bắt họ nếu có nói phải nói dối. Cái quyền tự do ngôn luận, tự do nói năng, phát ngôn của người dân và cán bộ cơ sở đã bị nhiều biện pháp, cách thức, quy định tước mất từ lâu rồi, làm gì, nói gì cũng mất sự chủ động, luôn luôn bị động. Dân ta không nhút nhát, nhưng thật tình mà nói là có sự tính toán thực dụng, ne làm cách gì có lợi trước hết cho bản thân mình, gia đình mình. Và chính trong thực tế đời cũng đã cho nhiều kinh nghiệm rồi, cứ im lặng, im lặng là vàng, hoặc nói theo đúng chỉ đạo là yên thân, khỏi phiền toái, khỏi mất công phải đi “thanh minh-thanh nga”, hầu tòa, chính quyền kêu lên gặp “hỏi thăm sức khỏe”
Cũng trong buổi tiếp xúc trên đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã vận động người dân: “Khi có dịp nói thì làm ơn, làm phước nói một cách trung thực, nói rất thẳng, dù lời thật mất lòng. Biết mà không nói là có lỗi rất lớn, nếu là dân thì có lỗi với đất nước, đảng viên thì có lỗi với Đảng. Tất nhiên cuộc sống nó tinh tế lắm, tôi hiểu. Nhưng nếu tất cả chúng ta mà sợ hết thì đất nước sẽ như thế nào, Đảng sẽ ra sao? Không thể được đâu, phải hành động thôi!”.


Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Tuổi trẻ về những phát biểu rất mới, hiếm thấy nhưng hay và thiết thực của lãnh đạo ta, Chủ tịch nước nói: "Không khí của cuộc tiếp xúc cử tri chiều thứ bảy tại Ủy ban MTTQ VN TP.HCM là khá "nóng". "Nóng" là phải thôi. Và chính cái "nóng" đó (những ý kiến phát biểu) đã phản ánh được hơi thở của cuộc sống, của đời sống dân sinh, dân chủ ở thực tại. Tôi không thấy có những lời lẽ nào khó nghe, mà thậm chí tất cả đều là những lời cần nghe. Tôi muốn nghe sự thật chứ không phải đến và mất thời gian để nghe những lời hoa mỹ, không đúng sự thật. Tôi là đại biểu của dân, phải nghe để hiểu lòng dân đang muốn gì ở Ðảng, ở Nhà nước, ở các nhà lãnh đạo đất nước, ở hiện tại và trong tương lai của đất nước. Với tôi, không có gì lấy làm khó nghe, mà ngược lại thấy rất thích thú. Cái gì đúng cần được ghi nhận, biểu dương. Cái gì cô bác cử tri, báo chí chê trách đúng, cần nghiêm túc tiếp thu, sửa chữa”.
Thế thì đúng là phúc đức. Xem ra, thế là cũng có đổi mới về quan điểm, cách nhìn, tác phong công tác rồi, đổi mới thấy rõ riêng về tự do ngôn luận đã được Chủ tịch nước “bật đèn xanh”, đã được “hướng đạo” theo đúng quy luật của tự nhiên và xã hội. Mong sao, từ nay trong thực tế xã hội với bản chất được coi là “dân chủ, ưu việt” của ta được đúng như vậy! Khi người dân không dám mở miệng, ngày càng chất chứa trong họ những bất đồng phẫn uất mạnh, thì họ chỉ chờ để hành động, không nói nhiều. Đó  là nguy cơ tan vỡ đảng cầm quyền, tiêu vong chế độ. 
BVB

18 nhận xét:

  1. Chuyện hai bao cao su đã qua sử dụng và vụ đưa Lê Anh Hùng vào trại bảo trợ mới đây là minh chứng cho sự cấm nói thật và tự do ngôn luận.

    Trả lờiXóa
  2. Lực, CCB Nga Sơnlúc 20:03 27 tháng 1, 2013

    Cái tai, cái mắt, cái miệng, suy nghĩ trong đầu mỗi người, nhưng do đảng, chính quyền, công an quản lý. Viết phải theo chỉ đạo, nói phải theo tuyên giáo, báo cáo phải do thủ trưởng, ngất ngưởng diệt ngay! Không nói nhiều!

    Trả lờiXóa
  3. Bây giờ người ta ngượng miệng khi "tính" nói... thật. Điển hình trong nhà tôi, thằng con đầu cứ mở miệng ra là nói dối, như bị "mặc định" vậy, dù biết ba má dư biết là nó nói dối. Chắc chắn là nó bị ảnh hưởng từ xã hội hiện nay.
    Chẳng phải chính các tờ báo "lề phải" cũng rất tự nhiên tuôn ra câu"thời buổi bây giờ..." với hàm ý chê bai hay sao?

    Trả lờiXóa
  4. Tui xấu, tui dốt, tui mua chức quyền... kệ tui. Cho nói thẳng phanh phui tui ra hết mọi cái yếu, cái xấu à? Không được! Nói ra thế, tui mất chức, lấy cái gì để tham nhũng? Mất tiền mua chức phải thu hồi vốn và có lãi chứ! Cho nên, đứa nào nói xấu tao, liệu hồn đó nghe! Một cú điện thoại là công an ghé nhà ngay, nhớ nghen!

    Trả lờiXóa
  5. Hé hé... Ông đại tá Bồng viết bài này là ám chỉ tôi chứ gì? Tôi học lớp 3 thôi, nhưng tôi biết chỉ huy đồng tiền, tôi không cho ai nói thẳng nói thật, ông làm gì tôi? Ông có có là trí thức, sĩ quan cao cấp, nhưng lấy tiền đâu mà chỉ huy? Mà chỉ huy mọi sự đời phải là tôi, cùng nhóm lợi ích của tôi! Hiểu chưa? Đời này, tiền là Vua, mà Vua cũng cần tiền. Ăn cướp là có tiền nhanh nhiều nhất. Ông đừng có mà can thiệp! Mặc kệ tôi!

    Trả lờiXóa
  6. Ăn nói cũng phải thận trọng
    Sống phải biết lật lọng
    Mặc cho ông Cả Trọng
    Hô Chỉnh đốn chỉnh cưa
    Kẻ nào dám đi thưa
    Ông cho là phản động.

    Trả lờiXóa
  7. Có mồm ăn, có mồm nói, nay đảng không cho ăn sức đâu mà dám nói! Im quách đi cho xong. Đời mà, muốn đến đâu thì đến, là dân thì đảng bắt phải nói sỏi hai từ thôi: Gọi- Dạ, bảo - Vâng! Dạ, chỏ có thế thôi đấy ạ!

    Trả lờiXóa
  8. Thực ra mà nói thì đâu có cấm. Chỉ là chính bản thân họ cũng là đi họp mang theo tai, không đem miệng. Họ còn không được nói thì chưa tới lượt người khác nói.

    Trả lờiXóa
  9. Lê Tường Hạnhlúc 20:31 27 tháng 1, 2013

    Cho ăn lương, có chức quyền trong làng báo Lề Phải, Lề Đảng kia đáy - oai rồi, có lộc đời rồi, nói phải nghe, chuyện bảo giấu thì cấm công khai, chuyện bảo nói 'trại ra' thì cấm nói thật, nếu cứng đầu dám nói ra, hốt liền, không nói nhiều!

    Trả lờiXóa
  10. Tôi cam đoan với chế độ độc trị này sẽ không bao giờ có tự do ngôn luận.Những gì mà đảng làm trong mấy chục năm qua cho phép chúng ta khẳng định điều đó,đừng hy vọng viển vông

    Trả lờiXóa
  11. "Bịt miệng dân - nguy cơ tan vỡ tiêu vong".
    Em nghe cái tựa này, không hiểu bác Bồng nói nguy cơ cho kẻ bịt miệng, hay nguy cơ cho dân dân tộc mình.
    Đúng là nỗi sợ cho tương lai dân tộc VN, nếu là người Việt đang sống ở nước ngoài sẽ nhận thấy ngay sự khác biệt giữa con người của "thế giới tự do" với "con người mới XHCN" của chế độ VN "ta".
    Tụi Tây, từ đứa trẻ con vào lớp 1 trở đi đã được khuyến khích nói thật, nghĩ thế nào nói thế náy. Lớn lên được khuyến khích suy nghĩ độc lập, phân tích, phản biện trong học tập. Ngoài đời chúng tự tin, bình đẳng với tất cả mọi người, pháp luật bảo vệ chúng...
    Còn VN ? Nghĩ đến giáo dục của VN là nghĩ đến "sự nghiệp trăm năm trồng người", được minh họa bằng các tấm gương suy đồi đạo đức của các quan chức tham nhũng, chắc chắn sẽ tạo ra sản phẩm "con người" chỉ biết adua, hèn nhát, tham lam, dối trá.
    Mong sao "Kẻ bịt miệng dân" chóng bị tiêu vong, thì dân mình mới được tự do, có quyền làm người, dân tộc VN mới ngẩng cao đầu lên được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng thế, Hai Bà Trưng đánh giặc nào cũng giấu, để cho trẻ em cứ hỏi hoài. Rồi Lê Đình Chinh bị bọn côn đồ đánh, rồi "tàu lạ" xâm nhập biển Việt Nam...Nghĩa là người lớn nói dối nhau và bày trò cho con nít nói dối từ bé. Lớn lên, thành thói quen, đi học nói dối điểm, làm lãnh đạo báo cáo láo...

      Xóa
  12. Dung, chi cho de hanh dong

    Trả lờiXóa
  13. Em kho^ng co`n tin vao` nhu*ng~ lo*i` noi' cua? cac vi lanh? ddao. Vn nua~ anh Bo^n`g a.! Mat' tha^y' tai nghe...
    Khi nao` nha` nuoc' tha? he^t' Cu` Huy Ha Vu..anh Dieu Cay` Nguyen van Hai...v.v..may ra em co' lai Hy Vong ddat nuoc se ddoi thay, Con Nguoi se Tot ddep hon, Dan chung am no hanh phuc hon, Tu do noi' ra y' nghi , Su That dde Xay dung Vn chung' ta Lo*n' manh.,ddu? nga^ng~ cao dda^u` Tu Hao voi' Tie^n` Nha^n!

    Trả lờiXóa
  14. Tôi không nghĩ rằng còn tồn tại độc đảng toàn trị mà lại có tự do tiếng nói, ngoại trừ tiếng nói ca ngợi thống trị. Chúng chỉ nói vậy thôi, nói rất hay và ngọt ngào là đắng khác. Nhưng thử lên tiếng phản biện lại chúng xem!

    Trả lờiXóa
  15. Bác Hồ đã nói dân chủ nghĩa là làm cho dân mở miệng nhưng cơ chế của chế độ ta lại tạo ra một dân tộc luôn luôn nói dối vì sợ bị quy chụp cho là chống chế độ, chống chủ nghĩa xã hội. Vì vậy ai ai cũng nói dối theo kiểu gió thổi một chiều, chim kêu một giọng. Cấp trên nói thế nào người ta nhai lại như thế ấy. Cấp trên có sai be sai bét người ta cũng vẫn cứ tụng ca và cấp trên chỉ ưa tụng ca nên người ta lại càng nói dối. Trung ngôn nghịch nhĩ nên người nói thật thường bị trừng phạt bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, bao giờ cũng thiệt thòi, đau khổ, thậm chí là chết oan nên rất ít người dám nói thẳng nói thật. Kẻ dối trá ở nước ta ngày càng đông và người trung thực ngày càng ít là do cơ chế chính trị này tạo ra. Dám nghe lời nói thật, dám thay đổi thật thì đảng và nhà nước phải tồn tại vì dân chứ không phải vì chủ nghĩa mà Đảng theo đuổi. Hãy nghĩ đến lợi ích của tổ quốc của dân tộc trước khi nghĩ đến quyền lợi của đảng thì đảng mới nghe được lời nói thật. việc này thật khó phải không đảng ta ơi . Vậy thì làm sao mà dân tộc đổi đời và đảng sao tránh được suy vong.

    Trả lờiXóa
  16. Bồng tiên sinh ơi! Đọc những gì tiên sinh viết và những bài liên quan thích thật, nhưng mệt mỏi quá, áp lực cuộc sống, áp lực công việc và cả áp lực về ... ước gì tiên sinh cho một chúc hài như những lúc cùng nhau đàm đạo bên ly rượu đào thì hay biết mấy ...

    Trả lờiXóa
  17. Có đấy Long ơi, có hài, thơ, hát, ảnh người đẹp, ảnh phong cảnh nữa. Nhưng nội dung chủ đạo vấn là phê sai, ủng hộ đúng; dẹp phi lý, trợ chân lý; và chủ quyền lãnh thổ lãnh hải nữa. BVB cảm ơn sự chia sẻ. Chúc Long và gia đình năm mới khỏe, hạnh phúc!

    Trả lờiXóa