Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

> AI ĐỨNG PHÍA SAU ĐỂ LẤY ĐẤT ?

Trà Vinh: Một quyết định giải quyết tranh chấp ranh mương nước giữa 2 hộ dân đã được UBND xã ban hành vào năm 1989, không ai khiếu nại. Thật bất ngờ sau 22 năm có hiệu lực pháp lực, UBND xã này lại thu hồi lại quyết định của chính mình với những lý do thiếu thuyết phục. Người dân khởi kiện quyết định này ra tòa án “đòi hủy bỏ quyết định thu hồi quyết định đã có hiệu lực pháp luật”, Tòa lại bác đơn với hàng loạt chứng cứ khách quan bị bỏ qua.
Vụ thu hồi quyết định hành chính 

có hiệu lực hơn 22 năm ở Trà Vinh: 
Kiến nghị TAND Tối cao 
xem xét kháng nghị 
hủy án sơ thẩm,  phúc thẩm 
                                                                       * TRẦN HỮU
          Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Trà Vinh vừa gửi văn bản kiến nghị  đến TAND Tối cao xem xét  kháng nghị  theo trình tự giám đốc thẩm,   hủy án sơ thẩm, phúc thẩm của TAND huyện Cầu Kè và TAND tỉnh Trà Vinh về vụ  “Người dân kiện quyết định hành chính của UBND xã An Phú Tân,  huyện Cầu Kè về việc thu hồi quyết định  hành chính có hiệu lực  hơn 22 năm".
Trong văn bản kiến nghị số 92/ĐĐBQH-DN ngày 21/12/2012 do  ông Thạch Dư - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh  ký gửi TAND Tối cao (Văn phòng Thường trực phía Nam) - cho biết, ông Phạm Văn Sáu có yêu cầu xem xét lại bản án số 01/2012/HCPT ngày 23/8/2012 của TAND tỉnh Trà Vinh về việc “khiếu kiện hành chính” giữa ông Sáu và UBND xã An Phú Tân (huyện Cầu Kè).
Tại Bản án số: 01/2012/HCPT ngày 23/8/2012 “V/v Khiếu kiện hành chính” do thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa Trần Văn Mười và hai thẩm phán là ông Lê Văn Việt và ông Trần Văn Mến xét xử  tuyên bác yêu cầu của ông Sáu đòi hủy quyết định số 32/QĐ-UBND ngày 14/2/2011 (QĐ 32) của UBND xã An Phú Tân, giữ nguyên bản án hành chính số 01/2012-HCST ngày 10/4/2012 của TAND huyện Cầu Kè.
Qua nghiên cứu hồ sơ, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nhận thấy, trước đây ông Phạm Văn Sáu và ông Nguyễn Văn Hòa có tranh chấp đất tọa lạc tại ấp An Trại, xã An Phú Tân (huyện Cầu Kè). Vụ tranh chấp trên được  UBND xã An Phú Tân hòa giải thành được thể hiện bằng quyết định số 14/QĐ-UBX.89 (QĐ 14), ngày 19/6/1989. Theo QĐ 14 thì mương ranh tranh chấp được chia đôi dọc theo ranh đất, ông Hòa sử dụng nửa mương về phía ông Hòa, ông Sáu sử dụng nửa mương về phía ông Sáu.

Cái mương nước - ranh giới tranh chấp

Sau khi có công văn số 57/CV.UBH ngày 31/8/1989 của UBND huyện Cầu Kè về việc thi hành QĐ 14, thì ông Sáu và ông Hòa đã tự nguyện thi hành bằng cách cắm trụ tre để phân định. Việc sử dụng đất giữa ông Hòa và ông Sáu là ổn định từ khi thi hành đến năm 2006 ông Hòa mất, các con ông Hòa được thừa kế mới phát sinh tranh chấp (phần đất tranh chấp gia đình ông Sáu sử dụng từ năm 1981 đến nay).
Quá trình giải quyết vụ án tranh chấp ranh đất đã được Tòa án các cấp thụ lý giải quyết từ địa phương đến Trung ương. Ngày 2/4/2010, TAND huyện Cầu Kè ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án do ông Sáu yêu cầu đóng ranh đất theo QĐ 14 nên không thuộc thẩm quyền của Tòa án. Ngày 14/2/2011, UBND xã An Phú Tân ra QĐ 32 về việc thu hồi QĐ 14 sau khoảng 22 năm có hiệu lực thi hành, ông Sáu không đồng ý đã khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án.
TAND huyện Cầu Kè và TAND tỉnh Trà Vinh bác yêu cầu của ông Sáu với lý do QĐ 14 của UBND xã An Phú Tân không thể hiện số thửa, diện tích, nơi đất tọa lạc, chiều dài, tứ cận nên không thể thi hành được. Nhưng thực tế các bên đã tự nguyện thi hành với sự yên lành, ổn định gần 22 năm rồi (giấy xác nhận của ông Trần Văn Vọng- nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè, đồng thời là người ký công văn 57/CV-UBH ngày 31/8/1989).
Mặt khác Tòa án cho rằng trình tự, thủ tục, tống đạt QĐ 14 không đúng quy định nên không đảm bảo quyền lợi của các đương sự và tính hiệu lực pháp luật của quyết định. Tuy nhiên theo giấy xác nhận của ông Nguyễn Hồng Tư (nguyên là Trưởng Ban Tư pháp xã An Phú Tân) và ông Nguyễn Văn Dũng (nguyên Trưởng Ban Nhân dân ấp An Trại) đều xác nhận ông Sáu và ông Hòa đã nhận và thực hiện theo đúng QĐ 14.
Bên cạnh đó, UBND xã An Phú Tân cho rằng sau khi được cấp giấy chứng nhận, phía gia đình ông Sáu đã sử dụng ổn định không tranh chấp nên QĐ 14 không còn hiệu lực, từ đó UBND xã ra quyết định thu hồi. Xét về tính pháp lý QĐ 14 là quyết định hành chính đã có hiệu lực từ năm 1989 đến trước thời điểm UBND xã ban hành QĐ 32 để thu hồi thì chưa có quyết định nào thay thế hay thu hồi, hủy bỏ QĐ 14 nên thiết nghĩ QĐ 14 vẫn còn hiệu lực pháp luật.
Từ những cơ sở trên, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng việc UBND xã An Phú Tân ban hành QĐ 32 thu hồi QĐ 14 là chưa có cơ sở vững chắc. Vì vậy, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh kiến nghị TAND Tối cao xem xét kháng nghị bản án nêu trên theo trình tự giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm, phúc thẩm của TAND huyện Cầu Kè và TAND tỉnh Trà Vinh, giao hồ sơ về TAND huyện Cầu Kè xét xử lại theo quy định của pháp luật.
         
LẬT LẠI HỒ SƠ VỤ TRANH CHẤP QUA HAI PHIÊN TÒA SƠ THẨM VÀ PHÚC THẨM
Bà Lưu Thị Bé Năm, người được ông  Phạm Văn Sáu ủy quyền tham gia tố tụng vụ khiếu kiện QĐ 32 của UBND xã An Phú Tân cho biết, gia đình đã quá mệt mỏi đôi lúc khủng hoảng tinh thần vì bị phía gia đình con ông Hòa hăm dọa, đàn áp. Tất cả dòng họ con ông Hòa đều  làm việc từ ấp, đến xã An Phú Tân và cả ban ngành huyện  Cầu Kè. Vì vậy, việc tranh chấp ranh đất chưa được giải quyết giữa hai bên, nhưng đã được UBND huyện Cầu Kè đã chỉ đạo cho Chủ tịch UBND An Phú Tân là ông Nguyễn Minh Kỳ  ra quyết định thu hồi QĐ số 14 tại cuộc họp nội chính ngày 1/7/2010.  Chính từ lệnh  truyền này tại phiên tòa   sơ thẩm ngày 10/4/1012  ông Kỳ và  TAND huyện Cầu Kè   cố tình bỏ qua những chứng cứ có lợi cho bà Lưu Thị Bé Năm và  diện dẫn những điều luật không  phù hợp để xét xử. Và điều này lại một lần nữa được TAND tỉnh Trà Vinh lấy làm căn cứ để  bác đơn yêu cầu của ông  Phạm Văn Sáu  khiếu kiện QĐ 32 của UBND xã An Phú Tân.
(Ông Nguyễn Thế Ngoan – phó chủ tịch UBND huyện Cầu Kè , chỉ đạo  chủ tịch UBND xã An Phú Tân)

<Bài viết 1: ngày 28/5/2012 : sau phiên tòa sơ thẩm do TAND Cầu Kè xét xử> http://phaply.net.vn/phap-luat-ban-doc/ban-doc/tra-vinh-thu-hoi-quyet-dinh-hanh-chinh-sau-22-nam-co-hieu-luc-thi-hanh-lieu-co-dung-phap-luat.html 

Trà Vinh: Thu hồi quyết định hành chính sau 22 năm có hiệu lực thi hành liệu có đúng pháp luật?

Một quyết định giải quyết tranh chấp ranh mương nước giữa 2 hộ dân đã được UBND xã ban hành vào năm 1989, không ai khiếu nại. Thật bất ngờ sau 22 năm có hiệu lực pháp lực, UBND xã này lại thu hồi lại quyết định của chính mình với những lý do thiếu thuyết phục. Người dân khởi kiện quyết định này ra tòa án “đòi hủy bỏ quyết định thu hồi quyết định đã có hiệu lực pháp luật”, Tòa lại bác đơn với hàng loạt chứng cứ khách quan bị bỏ qua.

Viện dẫn chứng cứ không khách quan

Theo hồ sơ vụ án: Vào năm 1986, ông Phạm Văn Sáu, trú ấp Dinh An, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) và ông Nguyễn Văn Hòa có tranh chấp ranh đất là cái mương ranh (hiện nay xác định là khoảng 25m2) tại ấp An Trại, xã An Phú Tân. Vụ tranh chấp được UBND xã An Phú Tân hòa giải thành bằng quyết định số 14/QĐ-UBX.89 ngày 19-6-1989, kết luận mương ranh đất được chia đôi, mỗi bên được xác định ½ của mương về phía phần đất của mình. Quyết định được tống đạt hợp pháp tới các đương sự.
Ngày 31-8-1989, UBND huyện Cầu Kè ban hành công văn số 57/CV-UBH yêu cầu ông Hòa phải thực hiện theo quyết định 14. Kể từ đó hai bên sử dụng đất ổn định không còn xảy ra tranh chấp.
Đến năm 1995, hộ ông Phạm Văn Sáu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) với số thửa 443 và diện tích 2.670m2. Năm 2006, sau khi ông Hòa chết, các con ông Hòa và ông Sáu lại xảy ra tranh chấp phần mương ranh cũ này.

QĐ số 14/QĐ-UBX.89, ngày 19-6-89 của UBND xã An Phú
Qua một thời gian dài từ năm 2006-2010 được giải quyết từ huyện đến tỉnh và trung ương, thể hiện qua 05 bản án, quyết định của tòa án các cấp. Tuy nhiên, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đến ngày 2-4-2010,TAND huyện Cầu Kè ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án do ông Sáu yêu cầu thực hiện đúng ranh đất theo quyết định số 14.
       Nhưng thật bất ngờ ngày 14-2-2011, UBND xã An Phú Tân ban hành quyết định số 32/QĐ-UBND thu hồi quyết định số 14/QĐ-UBX.89 của chính mình mặc dù nó đã có hiệu lực thi hành suốt 22 năm.
Cơ sở thu hồi QĐ số 14 được ông Nguyễn Minh Kỳ, Chủ tịch UBND xã An Phú Tân viện dẫn khá lạ lùng: Năm 1991, huyện Cầu Kè thực hiện chương trình đất Cửu Long đã tiến hành đo đạc và cấp Giấy CNQSDĐ cho ông Sáu vào ngày 21-11-1995 và hộ ông Sáu đã sử dụng ổn định, không phát sinh tranh chấp từ khi được cấp Giấy CNQSDĐ cho đến nay. Do vậy, quyết định 14/UBX.89 ngày 19-6-1989 của UBND xã An Phú Tân không còn hiệu lực nữa nên phải thu hồi (?) Ông Sáu khởi kiện quyết định thu hồi này ra tòa.
Tuy nhiên bản án sơ thẩm số 01/2012/HC-ST ngày 10-4-2012 của TAND huyện Cầu Kè bác đơn yêu cầu của ông Sáu “Đòi hủy Quyết định số 32/QĐ-UBND ngày 14-2-2011 của UBND xã An Phú Tân” lại có nhận định hoàn toàn khác với những căn cứ mà UBND xã đưa ra khi thu hồi quyết định của mình. Tòa cho rằng: Do trình tự, thủ tục tống đạt QĐ số 14 không đúng qui định nên không đảm bảo quyền khiếu nại và tính hiệu lực của quyết định; QĐ số 14 không ghi rõ phần đất tranh chấp tại thửa nào, diện tích tranh chấp bao nhiêu, chiều dài các cạnh, tứ cận , đất tọa lạc tại đâu nên không có tính khả thi; việc cấp giấy CNQSDĐ tại thửa 443 (cho ông Sáu), ngày 21-11-1995 là khoảng thời gian tương đối dài, nhưng ông Sáu không có khiếu nại gì, do vậy QĐ số 14 không hiệu lực pháp luật để thi hành…

Nhiều chứng cứ khách quan bị tòa bỏ sót
Như phần đầu bài viết đã đề cập, sau khi UBND xã An Phú Tân ban hành QĐ số 14, Ban tư pháp xã đã tống đạt quyết định cho hai bên. Cụ thể ông Nguyễn Hồng Tư, Trưởng ban Tư pháp xã (nay đã chết) có giấy xác nhận vào các năm 1987, 1988 và 1989, ông có cùng chính quyền địa phương nhiều lần giải quyết vụ tranh chấp trên. Sau đó vụ việc được hòa giải thành và ông đến trao quyết định số 14 cho ông Sáu và ông Hòa với sự chứng kiến của chính quyền địa phương có xác nhận của ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng Ban nhân dân ấp Dinh An. Chính ông Nguyễn Minh Kỳ, Chủ tịch UBND xã xác nhận chữ ký trong văn bản trên được lập vào ngày 18-6-2007 là của ông Nguyễn Văn Bảy. Thế nhưng tại Tòa, ông Kỳ cho rằng văn bản trên không được tống đạt cho ông Hòa (?) và chi tiết này bị TAND huyện Cầu Kè cũng bỏ qua một cách khó hiểu.
Việc Tòa nhận định, QĐ số 14 không ghi rõ phần đất tranh chấp tại thửa nào, diện tích tranh chấp bao nhiêu, chiều dài các cạnh, tứ cận… nên không có tính khả thi là không khách quan. Bởi vì thời gian này pháp luật chưa hoàn thiện, thời điểm năm 1989 trở về trước chưa cấp giấy CNQSDĐ thì làm gì có số thửa đất. Mặc khác, sau khi có QĐ số 14 hai bên đã cấm ranh đất bằng cây tre mỗi người ½ mương sử dụng ổn định. Đến khi ông Hòa mất, từ năm 2006 trở đi các con ông Hòa sử dụng phần đất trên đã phát sinh tranh chấp.
Mặt khác, khi cấp giấy CNQSDĐ thửa 443 thì cơ quan có thẩm quyền không tiến hành đo đạc như thời điểm hiện nay. Thủ tục cấp giấy chứng nhận vào năm 1995 là theo quy định của Luật Đất đai năm 1993. Theo đó thì UBND cấp huyện khi cấp giấy CNQSDĐ cho người dân chỉ căn cứ vào cơ sở xét duyệt cấp giấy của UBND cấp xã, hoàn toàn không có việc đi đo đạc từng thửa đất và tiến hành cấm ranh để xác định ranh giới thửa đất như thời điểm hiện nay.

Cần phải xem xét lại một cách đúng pháp luật
Việc thu hồi quyết định số 14/QĐ-UBX.89 của UBND xã trước đây là do ông Nguyễn Thế Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè chỉ đạo tại cuộc họp nội chính vào ngày 01-7-2010. Trong đó, ông Ngoan đã giao chủ tịch UBND xã An Phú Tân ra quyết định thu hồi quyết định số 14 ngày 19-6-1989. Đồng thời, hướng dẫn bà Lưu Thị Bé Năm (đại diện cho ông Sáu) khởi kiện ra tòa về tranh chấp ranh đất với ông Nguyễn Văn Đậm (con ông Hòa).
Theo chúng tôi, tại khoản 7 (điều 9), khoản 1 (điều 21) Luật đất đai năm 1987 và khoản 1 (điều 15) Nghị định số 30-HĐBT, ngày 23-3-1989 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thi hành Luật đất đai với nội dung: UBND cấp xã có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đất đai giữa cá nhân với cá nhân. Ngoài ra, tại khoản 5 (điều 21) Luật đất đai 1987 và khoản 1, điều 15 Nghị định số 30 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thi hành Luật đất đai có nội dung: nếu đương sự không đồng ý với quyết định của UBND đã giải quyết thì có quyền khiếu nại lên cơ quan chính quyền cấp trên và quyết định của cơ quan cấp trên trực tiếp có hiệu lực thi hành. Do vậy, QĐ số 14 của UBND xã An Phú Tân trong việc kết luận cuộc hòa giải tranh chấp mương ranh đất giữa ông Phạm Văn Sáu với ông Nguyễn Văn Hòa vào năm 1989 là một quyết định hành chính, hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật vào thời điểm lúc bấy giờ. Vì sau khi ban hành quyết định này hai bên không ai khiếu nại hay tố cáo gì. Do vậy, về nguyên tắc chung QĐ số 14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19-6-1989.
Khi xét xử sơ thẩm, TAND huyện Cầu Kè đưa ra những lý lẽ mà lịch sử pháp luật thời điểm năm 1987 chưa có quy định rồi sau đó căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện nay để bác bỏ những điểm lạc hậu, không rõ ràng của pháp luật thời năm 1987 là thiếu thuyết phục.
Thiết nghĩ một quyết định hành chính đã được ban hành và có hiệu lực thi hành 22 năm bị thu hồi bởi những chứng cứ thiếu khách quan cần được các ngành chức năng ở Trà Vinh xem xét một cách thấu lý đạt tình.

Quyết định số 32 vô lý, sai trái

*         *         * 

# Bài viết 2 :  Sau khi xét xử phúc thẩm
(Báo Pháp luật TP. HCM ngày 08/10/2012)

Đòi giữ nửa mương nước
Tòa bảo quyết định hòa giải thành ở xã chia cho mỗi người nửa mương nước vào 17 năm trước nay đã hết hiệu lực nên cần hủy bỏ.
        TAND tỉnh Trà Vinh vừa xét xử phúc thẩm vụ án hành chính giữa người khởi kiện là ông Phạm Văn Sáu và người bị kiện là UBND xã An Phú Tân (huyện Cầu Kè). Sau khi xem xét, tòa bác toàn bộ kháng cáo của ông Sáu, giữ nguyên bản án sơ thẩm, hủy bỏ quyết định hòa giải thành do UBND xã này ban hành ngày 19-6-1989 về việc chia đôi mương nước để làm ranh giới đất giữa ông Sáu với một người hàng xóm...

Thu hồi thỏa thuận thành
Theo hồ sơ, năm 1986, ông Phạm Văn Sáu và người hàng xóm tranh chấp ranh đất là cái mương nước tọa lạc tại ấp An Trại, xã An Phú Tân. Vụ tranh chấp được UBND xã hòa giải thành bằng Quyết định số 14 ngày 19-6-1989. Theo hòa giải, mương nước được chia đôi, mỗi bên hưởng một nửa chiều rộng của mương.
Kể từ đó hai bên sử dụng đất ổn định, không còn xảy ra tranh chấp gì. Tuy nhiên, 17 năm sau, đến năm 2006, sau khi người hàng xóm của ông Sáu mất, các con của người này bảo toàn bộ mương nước là của gia đình mình nên vụ tranh chấp lại bùng phát.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp thì bất ngờ ngày 14-2-2011, UBND xã An Phú Tân ban hành Quyết định số 32 thu hồi Quyết định số 14. Theo ủy ban, năm 1991, huyện Cầu Kè thực hiện “Chương trình đất tỉnh Cửu Long” nên đã đo đạc và cấp giấy tờ đất cho ông Sáu trong đó không có phần mương nước. Từ đó đến nay, ông đã sử dụng ổn định phần đất của mình, không có tranh chấp gì cả nên xét thấy Quyết định số 14 không còn hiệu lực nữa, cần phải thu hồi.

Thua kiện!
Không đồng ý với cách giải quyết trên, ông Sáu đã khởi kiện ra TAND huyện Cầu Kè đề nghị hủy Quyết định số 32 của UBND xã An Phú Tân. Xử sơ thẩm sau đó, HĐXX bác đơn kiện của ông Sáu. Ông này kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm vừa qua, ông Sáu cho biết Quyết định số 14 công nhận sự thỏa thuận giữa ông với người hàng xóm. Cả hai bên cũng không khiếu nại gì về việc này. Hai bên cũng đã cắm mốc để phân định mỗi người được nửa cái mương. Nay các con của người hàng xóm tranh chấp là đi ngược lại với ý chí của các bên. Vì vậy, cần phải giữ nguyên thỏa thuận ban đầu.
Luật sư của ông Sáu cũng bảo sự thỏa thuận giữa ông Sáu và hàng xóm không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Qua 17 năm sử dụng, đến nay cũng không có bất hòa gì. Nay người hàng xóm đã chết thì không có cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan có thẩm quyền nào phủ nhận ý chí của ông Sáu và ông hàng xóm. Do vậy, đề nghị tòa xem xét giữ nguyên thỏa thuận ban đầu để ông Sáu có cơ sở yêu cầu cơ quan chức năng xác định, điều chỉnh lại ranh đất cho hợp lý, tránh gây thiệt hại cho ông.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định Quyết định số 14 không có tính khả thi vì không ghi rõ phần đất tranh chấp tại thửa nào, diện tích tranh chấp bao nhiêu, chiều dài các cạnh, tứ cận, đất tọa lạc tại đâu. Sau đó, ông Sáu cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng ông cũng không có ý kiến gì khi thấy ranh đất chưa chính xác. Xét thấy Quyết định số 14 không còn hiệu lực pháp luật để thi hành, tòa quyết định y án sơ thẩm, bác đơn kiện của ông Sáu.

Phán quyết thiếu cơ sở

Một luật sư, thuộc Đoàn Luật sư TP Cần Thơ  nhận xét: Trước hết phải hiểu rằng Quyết định số 14 là quyết định hành chính không bị khiếu nại nên đã có hiệu lực pháp luật. Cần nhấn mạnh rằng hiệu lực ở đây là hiệu lực vĩnh viễn, còn cụm từ “quyết định không có hiệu lực” chỉ áp dụng cho những quyết định bị hủy bỏ hoặc bị thu hồi chứ không phải thuộc trường hợp này. Nếu sau này có tranh chấp thì ông Sáu vẫn có quyền đưa Quyết định số 14 ra chứng minh. Do đó tòa nêu ra lý do trên để thu hồi Quyết định số 14 là không cơ sở.
QUANG MINH

                                                          

4 nhận xét:

  1. Liệu có chuyện "nén bạc đâm toạc tờ giấy" trong vụ này không? QĐ 14 vẫn nguyên hiệu lực ! Nếu không có gì khuất tất trong vụ này thì 2 gia đình vẫn thực hiện theo QĐ đã có hiệu lực PL chứ.

    Trả lờiXóa
  2. Nghe nói trong vụ này ông Hòa già yếu đã ra đi, con cái lên làm cán bộ huyện, có sự lơi dụng chức vụ quyền hạn để "ăn đất", mới xảy ra cái quyết định 32 tréo ngoe như vầy. !

    Trả lờiXóa
  3. Bao giờ cũng vậy, khi có chức có quyền là nghĩ ngay đến việc nhăm nhe chèn ép dân lành để vơ lợi cho cá nhân, gia đình!

    Trả lờiXóa
  4. Thương cho những người nông dân chân lấm tay bùn.... bao giờ công lý mới được thực thi

    Trả lờiXóa