Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

> TÀU GIÃ CÀO XIN CHÀO BIỂN !

Tàu giã cào, phương tiện đánh bắt 
hải sản gần bờ ở Cà Mau

Xăng dầu lên giá, từ ngoài khơi, đoàn tàu cá Cà Mau báo về toàn những kết quả lỗ chi phí xăng dầu. Trong khi đó, Sở Thủy sản Cà Mau cho biết, chưa biết bao giờ có tiền hỗ trợ khó khăn cho ngư dân.

Mô tả ảnh. 
Tàu cá cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh Cà Mau đang nằm bờ hàng loạt. 
         Khác với mọi năm, nhìn lại từ đầu thàng 3 AL năm nay, dù đang còn con nước đánh bắt mà cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau vẫn còn đầy tàu biển. Nhìn góc bến "quần tụ" đồng nhất có cả mấy trăm con tàu tàu, lớn nhỏ đủ loại "ngủ dài" trên sóng. Do giá xăng dầu tăng, giá thu mua hải sản hạ, các tàu đánh bắt xa và cả tàu giã cào đều "nằm bến". Thời buổi khó khăn, muốn làm ăn cũng nhiều nẻo tắc. 
             Ngay như ghe cào (tàu giã cào) cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Hoàng Thiên, phụ trách thủy sản thị trấn Sông Đốc, cũng là một ngư dân có đoàn tàu 4 chiếc ghe cào cho biết: “Đây là số tàu nằm bờ ngay từ đầu con nước do hết khả năng lấy dầu đi biển. Mấy ngày qua, ngư dân báo rằng đoàn tàu đang khai thác trên biển hiện bị lỗ nặng. Nhận định ban đầu của chúng tôi, con nước biển tới sẽ còn tăng thêm "chỗ ngủ" cho tàu xa, tàu cào.
              "Làng cá Sông Đốc này thực sự đã vào cơn bĩ cực nhất từ trước đến nay”, ông Thiên nói.

Xác xơ làng cá

         Đóng đáy là nghề tiêu tốn ít nhiên liệu nhất trên biển, nhưng ngư dân vẫn kêu trời với giá xăng dầu.

Mô tả ảnh.
Hơn 2 tháng qua, ngư dân Sông Đốc đã ăn ngủ không yên, mọi sinh hoạt trong đời sống đã trở nên bất thường vì sự tàn phá của “cơn bão giá”, ngân hàng khan hiếm tiền mặt, vay vốn làm ăn rất khó khăn. Mọi người xác nhận, chưa có một tin vui nào của ngư dân về việc đánh bắt có lãi kể từ sau khi xăng dầu lên giá vòn vọt. Cánh thương nhân ngồi "ngáp rồi" vì bán buôn ế ẩm, còn những ông chủ tàu cá thì bỏ nhà đi rông suốt ngày, nhậu chơi qua ngày.
              Ông Ba Thía bán rẻ giã cào rồi gom ít tiền lên Vĩnh Long nuôi cá với con rể. Đánh cá biển đã liệt, đi nuối cá hầm (ao), cá bè càng khó hơn, lỗ chỏng gọng. Ông Ba nói: "Nhà nước phải có cách nào mở giúp ống thở cho dân, tiền mất giá, cá ế ẩm, xăng dầu lại tăng giá liên tục, chỉ còn ngáp dài...".
             “Tôi có cảm giác như đoàn tàu mình đang trong vùng bão dữ Linda năm 1997. Nhưng nay là "bão giá". Đoàn tàu chúng tôi sắp chết đuối rồi” - ông Nguyễn Văn Tân, một ngư dân ở thị trấn Sông Đốc buồn bã nói. Ông cho biết, đã nửa tháng nay, kể từ sau khi nghe dầu lên giá, ngày nào ông cũng ra ngồi ngoài ụ tàu, nơi sửa chữa tàu thuyền của ngư dân Sông Đốc để nghe ngóng tình hình và tâm tình với mấy lão ngư cố cựu.
             Tin tức về tình hình đánh bắt nhưng xtháng cuối năm càng khiến cho mọi người lo sốt vó. Ngư dân Phạm Văn Ân kể: “Mới sáng nay đoàn tàu 3 chiếc ghe cào của tôi đem cá vào bán đợt đầu tiên. Bán được 130 triệu đồng nhưng phải lấy dầu bổ sung đến 150 triệu đồng. Hôm qua, chị Châu bán cá được 54 triệu đồng, nhưng lấy dầu bổ sung mất đến 63 triệu đồng. Tội nghiệp, bả (bà ấy) ngồi khóc cả buổi chiều, sưng hết đôi mắt.”
             Ông Diệp Hồng Tiển, một ngư dân có trên 40 năm trong nghề biển ở Sông Đốc bần thần cho biết: “Chúng tôi đã ngồi với nhau tính rồi, không còn đường nào sống được nếu tình hình vẫn cứ như thế này. Với giá dầu mới như hiện nay, ghe cào sẽ phải tốn thêm 80 triệu đồng/chiếc/chuyến biển; ghe lưới đèn thêm 40 triệu đồng; ghe câu mực ít tốn nhiên liệu nhất nhưng cũng phải thêm 25 triệu đồng.”
              Ông Tân khẳng định: “Tôi cam đoan con nước tới nếu Nhà nước vẫn chưa triển khai được chương trình hỗ trợ ngư dân, lại thêm mấy ông xăng dầu đẩy giá, tất là tàu cá sẽ còn nằm bờ.”
             Đã có người từ Vũng Tàu gọi điện về báo tin mừng, đã bán được một số cá mẫu với giá khá cao. Dù vậy, tính ra vẫn chưa thể cứu được đoàn tàu trong cơn bão giá hiện nay! Bởi vì, ai bán được cá mà không bị lỗ nhiều đã là ăn may. Bù mà khỏi lỗ, hiếm hoi lắm!” - ông Tiển lắc đầu, nói.

Rối như tơ vò
Mô tả ảnh.         Cửa biển Sông Đốc dày đặc tàu cá dù đang con nước đánh bắt...
          Với hiện tượng có hàng loạt tàu cá ngư dân Cà Mau “án binh bất động”, thanh tra Sở Thủy sản Cà Mau đã cử lực lượng đến hai cửa biển lớn nhất tỉnh là Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) và Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) để điều tra nắm lại vấn đề giá cả và tình hình hoạt động của tàu cá.
             Trong khi đó, giá nguyên liệu hải sản đánh bắt được của ngư dân thì cứ đóng băng tại chỗ, có tăng chăng chỉ vài phần trăm, chưa đủ để bù tiền tăng giá của nước đá và mì gói. Giá khảo sát từ thanh tra Sở Thủy sản từ đầu năm đến nay xăng dầu tăng giá tới 5 lần. Trong khi đó giá các mặt hàng tôm (thẻ, chì, gậy…) đóng băng tại chỗ, nhiều thời điểm xuống giá thu mua. Ông Nguyễn Hoàng Thiên, một ngư dân nói trong lo lắng: “Tôi đã tính toán nát nước rồi mới cho đoàn tàu mình nằm bờ. Bây giờ chỉ chờ Nhà nước sớm triển khai chương trình hỗ trợ khó khăn cho ngư dân".
Mối nguy tàu cá tiếp tục nằm bờ...
Mô tả ảnh.
Ghe cào (tàu giã cào, tàu cào)
đánh bắt hải sản gần bờ ở Cà Mau
               Ghe cào là loại đánh bắt tốn nhiều nhiên liệu nhất ở biển Cà Mau. Hiện chỉ còn vài chiếc cố gượng đánh bắt để giữ chân thuyền viên. 

             Được tin Chính phủ hỗ trợ một phần kinh phí, ngư dân phấn khởi, tuy nhiên điều đó cũng đang gặp nhiều vướng mắc và ngư dân hiện đang rất lo âu liệu tiền hỗ trợ bao giờ mới đến tay ngư dân và đến có đúng đối tượng hay không. Nghe công bô strên đài, báo mấy lần nay có thấy thuận lợi thêm được gì đâu? Ông Đỗ Chí Sỹ Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Cà Mau - Sở Thuỷ sản - cho biết: “Hơn một tháng qua, chúng tôi đã rà soát, và đã có một số phương án khá tốt, chỉ chờ hướng dẫn của Trung ương là áp dụng vào đưa tiền hỗ trợ ngay về cho ngư dân.”. Nhưng, đó là cách nói khất lần, tưởng nói vậy để tạm an dân, nhưng đâu có ai yên lòng? Tuy nhiên, ông Sỹ cho biết thêm đang gặp khá nhiều rắc rối, vì còn một bộ phận ngư dân chưa đăng ký, đăng kiểm, không đủ cơ sở để phát tiền hỗ trợ. Một bộ phận khác đã sang tay tàu cá nhiều lần, cũng khiến cho vấn đề lập thủ tục cho hưởng chương trình hỗ trợ ngư dân cũng gặp nhiều khó khăn.
               Sở Thủy sản Cà Mau hiện cũng chưa trả lời được đến bao giờ thì tiền hỗ trợ mới đến được tay ngư dân. Ông Sỹ cho biết: “Chúng tôi đã sẵn sàng, chỉ chờ hướng dẫn của Trung ương. Hà...hà...có ông Thủ tướng đồng hương mà ngư dân Cà Mau đâu có nhờ được gì?...hà...hà...!”.
               Riêng tỉnh Cà Mau hiện có trên 3.500 tàu cá lớn nhỏ. Trong số đó có khoảng 800 tàu chưa đăng kiểm với cơ quan chức năng. Nhiều người dự đoán, nếu chương trình hỗ trợ triển khai chậm, tàu cá Cà Mau, nghề đánh bắt hải sản ở Cà Mau và nhiều địa phương ven biển sẽ bị thất thu và gia tăng nợ nần đối với ngư dân. 

  • Bài và ảnhChí Hạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét