Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

> NHÀ THƠ HẢI NHƯ - Như tôi đã biết

Một góc thành phố Nam Định

From: Trần Huy Thuận
Thưa đại tá nhà văn, nhà báo Bùi Văn Bồng,
Tôi là Trần Huy Thuận, cán bộ hưu, viết nghiệp dư. Do nhân duyên được cùng quê Nam Định với nhà thơ Hải Như lại được quen biết cụ như người bạn vong niên (tôi thua cụ Hải Như 12 tuổi). Vừa rồi tôi có viết 1 bài nhỏ về cụ nhan đề "Nhà thơ Hải Như như tôi biết" với mong muốn góp 1 nét phác họa chân dung cụ. Đầu tiên là trang anh Trần Nhương, anh Nguyễn Trọng Tạo đăng, sau tôi sửa, gửi trang vanvn.net. Rồi lại sửa tiếp, được trang nhà văn của Hội Nhà văn Tp. HCM đăng. 
Cụ Hải Như gọi điện bảo tôi gửi bài viết đó tới trang Blog của đại tá. Tôi lại nhận được điện thoại của anh con út cụ cho địa chỉ Email của nhà văn. Vậy nên tôi mạo muội chuyển bài viết đã sửa lần cuối đến nhà văn. Hy vọng sẽ được dùng đăng trên Blog của ông. 
Xin chân thành cám ơn ông
THT

NHÀ THƠ HẢI NHƯ - NHƯ TÔI BIẾT

 (Nhân nhà thơ đang bước vào tuổi đại lão chín mươi 1923-2013)
                                                                * TRẦN HUY THUẬN
Trước hết, Hải Như là một nhà thơ chuyên viết về đề tài Bác Hồ (trên 40 bài – hầu hết đăng trên báo Nhân Dân). Mặc dù như nhà thơ bộc bạch, tác giả chưa một lần gặp Bác, nhưng những gì viết về Bác của ông từ bài đầu tiên “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi” (viết ngay sau thời điểm Bác mất), đến “Một con người hội tụ mọi tinh hoa” “Bác Hồ có những hạn chế – tại sao không?”, đều được đông đảo độc giả đón nhận với tấm lòng trân trọng hiếm có. Cái giúp thơ Hải Như đi vào lòng bạn đọc, có lẽ do cái “lý” này: “Tôi không làm báo về Hồ Chí Minh, mà thông qua nhân vật trong bài thơ của tôi, người đọc rút ra được bài học hoặc liên hệ với mình”(*). Ông nói thêm: “Tôi viết về con người Hồ Chí Minh theo cảm nhận của riêng tôi và gửi gắm vào đó những nỗi niềm của mình chứ không chỉ minh họa… ”.
Nhà thơ Hải Như và nhà văn Trần Huy Thuận
Ý tưởng này của Hải Như còn được ông nói rõ hơn trong lần nhà thơ gặp lãnh tụ Trường Chinh (mà ông gọi là “nhà văn hóa”). Khi Trường Ching hỏi: “Anh nghĩ thế nào về sự lãnh đạo của Đảng đối với Văn nghệ sĩ cũng như Văn nghệ sĩ chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng như thế nào?”,  Hải Như trả lời: “… Nhà văn chúng tôi được phép nghĩ với Đảng – (nguyên văn bằng tiếng Pháp: Réfléchir avec notre Partie)” và ông Trường Chinh đã đứng dậy bắt tay nhà thơ: “Anh nói rất đúng, nhà văn phải nghĩ với Đảng, chúng tôi mong được các anh đóng góp ý kiến”(*).
Và đây là một lần “nghĩ với Đảng” của Hải Như qua bài viết “BÁC HỒ CÓ NHỮNG HẠN CHẾ – TẠI SAO KHÔNG?”(**):
Tôi xin phép được trả lời câu hỏi tôi tự đặt ra này.
Như chúng ta đều biết, trong lịch sử cổ kim đông tây không có nhân vật vĩ đại nào lại không bị những hạn chế của thời đại. Nhân loại khi thừa nhận họ đồng thời cũng thừa nhận những hạn chế đương nhiên của họ mà không chối bỏ những hạn chế mang tính lịch sử ấy. Nhà thơ nói thêm: “… tôi nhận thấy nhiều hội thảo khoa học về Hồ Chí Minh, các diễn giả chỉ thiên nói về những mặt tốt, mặt vĩ đại của Bác mà quên rằng Hồ Chỉ Minh cũng là con người? Mà đã là con người thì cổ nhân đã dạy: NHÂN VÔ THẬP TOÀN ”. Hải Như nhấn mạnh: “Đừng tưởng cứ ca ngợi thật nhiều là tôn trọng Bác đâu. Thần thánh hóa Bác là xuyên tạc Bác đấy. Hồ Chí Minh cũng phải được có quyền SAI chứ?” (mời đọc bài thơ “KỶ NIỆM SINH NHẬT NGƯỜI NĂM ẤY”).
Nhà văn Trần Huy Thuận

Tôi thành thật mong đợi một ngày gần, tôi sẽ được đọc những trang viết mang tính phát hiện khách quan của một nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh với một tinh thần đầy trách nhiệm, một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc đề cập đến một khía cạnh rất “người” ở Bác. Ngày còn sinh thời, theo tôi biết, chủ tịch Hồ Chí Minh thường khích lệ chúng ta chỉ ra cho thấy những sai sót.
Là nhà thơ đi sâu khám phá đề tài Hồ Chí Minh, tôi đề ra cho mình phương châm không “thần thánh hóa” mà “người hóa” Bác Hồ. Về phía nghiên cứu lịch sử, tôi mong đợi sẽ có những tác giả “giải mã” trung thực vĩ nhân với tất cả những hạn chế, không né tránh. Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Chí Minh, tôi xin gửi đến bạn đọc một bài thơ tác giả sáng tác cách đây 10 năm, nay mới công bố.

Hà Nội, tháng 5 năm 1990
KỶ NIỆM SINH NHẬT NGƯỜI NĂM ẤY 
Kỷ niệm sinh nhật Người năm ấy
Nếu tôi nhớ không lầm  
Có một nhà phê bình văn học được Bác Hồ mời lên 
Thân tình góp ý:
“Làm nhà yêu nước đủ rồi! (Người cười vui) Đừng bắt Bác “cõng” thêm nhà thơ.
Bác mệt” 
Cũng vậy – khi trao đổi với mọi người Hồ Chí Minh không bao giờ
Tự cho mình đúng hết
Hãy cãi lại Bác Hồ…
(Người đưa tay nghiêm nghị chỉ vào từng chúng ta)
 Có lẽ nào các chú lại không
Cho Bác có quyền sai!

(Tháng 5 năm 1990) 
 HẢI NHƯ 
***
Hải Như quan niệm “… Người làm thơ phải ý thức được quyền lực thơ và quyền uy thi sĩ”(*). Cái khí chất ấy của nhà thơ không chỉ dừng ở lời nói mà đã được ông thể nghiệm bằng hành động. Câu chuyện sau đây là một ví dụ:
“Năm 1988 từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ Hải Như qua báo chí thấy công trường xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh trong khi đào móng, dàn búa máy đã làm nghiêng có nguy cơ đổ chùa Một Cột. Báo chí đã lên tiếng nhưng vô vọng. Nhà thơ đã viết một bản kiến nghị gửi Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Quốc hội, đề nghị ngừng công trường xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh do “không hợp với tâm nguyện của Người”,dành số tiền xây dựng bảo tàng cho một công trình phúc lợi toàn dân như mạng máy nước thành phố Hà Nội năm đó đang bị hư hỏng nặng. Kiến nghị của Nhà thơ Hải Như kèm theo bài thơ có tựa đề “Bài thơ chưa in báo” (hai câu đề dẫn ghi dưới tiêu đề bài thơ như sau: “Chúng ta đã lỡ làm lăng Bác…”).
Ba tháng sau, trong chuyến ra Hà Nội nhà thơ Hải Như đã được đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Trần Xuân Bách tìm gặp. Đồng chí Trần Xuân Bách nhận được bài thơ đã không trả lời nhà thơ qua Văn phòng Trung ương Đảng mà trực tiếp “vi hành” vào ngõ Hòa Bình 5 đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng – Hà Nội khi nhà thơ vừa từ Sài Gòn ra, bởi – ông nói vui khi gặp Hải Như ở nhà con trai nhà thơ – nhà báo Vũ Kỳ Anh: “Tôi muốn trực tiếp gặp một “cái đầu”của xã Bái Dương. Tôi muốn diện kiến người cùng huyện làm thơ”. (Nhà thơ Hải Như và chính khách Trần Xuân Bách đều quê ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, nhưng chưa gặp nhau bao giờ).
Đồng chí Trần Xuân Bách thông báo với Hải Như là Bộ Chính trị hoan nghênh ý kiến đóng góp của nhà thơ Hải Như, nhưng không thể ngừng công trình vì đã vào kế hoạch được Nhà nước phê duyệt. Trong suốt một giờ đồng hồ gặp gỡ trao đổi cởi mở, ông Trần Xuân Bách tỏ ra rất vui và bảo là ông đã gặp được một nhà thơ có tính trung thực thẳng thắn đòi hỏi cần có ở người cầm bút chân chính mọi thời (***). Từ đấy, hai ông đã trở thành bạn tâm giao. Trong giai đoạn ông Bách phải nghỉ việc, bị vô hiệu hóa, rất nhiều người ngại “liên lụy” đã không dám “quan hệ” với ông, nhưng nhà thơ Hải Như vẫn thường xuyên đến chơi thăm, trò chuyện. Đọc hai bài  thơ sau đây của hai ông, chúng ta sẽ hiểu phần nào mối thâm tình, đồng cảm giữa hai người bạn đồng hương, đồng tuế ấy:

TRẦN XUÂN BÁCH
(Hải Như)
Chắc chắn lịch sử sau này 
sẽ giành một trang về anh – khách quan phán xử.
Cái Trần Xuân Bách mất rõ rồi
nhưng còn cái được tuyệt vời sao!...
(Chúng ta từng sống một thời vô luân 
để hai chữ “liên quan” đè lên cơm áo)… 
           Trên chục năm dài lê thê 
                  con chim bằng gậm nhấm nỗi cô đơn
           Tâm hồn vẫn sáng trong không rũ buồn vì khép cánh…

NHÀ THƠ ĐI TÌM CON
                                       - Mến gửi Hải Như -
                                         (Trần Xuân Bách)
Đằng đẵng đường thời gian
Thăm thẳm cõi không gian
Bóng cha tìm hài cốt
Người con nơi núi ngàn 
Thân gầy in vách núi
Bóng nhà thơ tìm con
Người hữu hình đã mất
Cốt vô tri chẳng còn … 
Hải Như là một nhà thơ có cá tính, không hùa theo số đông (ông gọi là “không nằm trong dàn đồng ca” – “trả lời một bạn đọc”). Trong một lần khác, ông giãi bầy cụ thể hơn : “Thơ của anh viết ra không để cho người lười suy nghĩ đọc/ Anh không thuộc dòng thù tạc – sân chơi/ Nhiệm vụ thơ ca với anh phải có ích cho đời… - TỰ BẠCH(**)”. Trước Hải Như, hình như chưa có ai định nghĩa hai từ “chiến tranh” như ông:
Chiến tranh là gì?
Là nước mắt – chia ly và máu đổ
 Là “nhất tướng công thành vạn cốt khô”
(LỜI LIỆT SĨ THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ, thơ Hải Như)
Viết về Hồ Chí Minh là đề tài của nhiều văn nghệ sĩ, không chỉ của Hải Như, nhưng viết như thế này thì có lẽ cũng chỉ có mỗi Hải Như:
“… Cũng vậy – khi trao đổi với mọi người Hồ Chí Minh không bao giờ
Tự cho mình đúng hết
Hãy cãi lại Bác Hồ…
(Người đưa tay nghiêm nghị chỉ vào từng chúng ta)
 Có lẽ nào các chú lại không
Cho Bác có quyền sai!”
(KỸ NIỆM SINH NHẬT NGƯỜI NĂM ẤY – thơ Hải Như)
Và:
“Hồ Chí Minh không bao giờ nhận mình mới đâu. Và thật ra không mới. 
Lẽ làm người từ Nguyễn Trãi (luôn luôn Bác Hồ nhắc ta) đã có tự cha ông”
(BÀI THƠ CHƯA IN BÁO – thơ Hải Như)
Và tính cách “không nằm trong dàn đồng ca”  của Hải Như còn được nhận ra ở nhiều bài thơ khác của ông, trong đó phải kể đến  ”NỖI BUỒN HOA BẤT TỬ” (đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Tấn phổ nhạc):

NỖI BUỒN HOA BẤT TỬ(****)
Khao khát vĩnh hằng con người đặt tên cho ta
Hoa Bất Tử
Ta không muốn tự huyễn hoặc mình
Làm gì có cõi trường sinh
Như mọi loài hoa ta ao ước được sống tận cùng
hương sắc đời hoa
Để rồi hóa thân
Không nuối tiếc
Buồn sao – con người không nhìn thẳng kiếp phù sinh.
Vâng! Đó chính là Hải Như, như tôi biết
_____
(*) “Thơ ca và những đề tài lớn” -  báo Văn Nghệ số 39 (21.7.2012)
(**) “Có hai dòng văn chương”, Hải Như, NXB Trẻ. 2009.
(***) Theo: Trần Mỹ Giống
(****) Nỗi buồn hoa bất tử” – thơ Hải Như – NXB Lao Động. 1994



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét