Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

> Nhà thơ Hải Như: “HÃY CÃI LẠI BÁC HỒ"

Bác Hồ cùng bộ đội và dân công xem văn nghệ
  * Bùi Văn Bồng
Nhà thơ Hải Như năm nay đã 90 tuổi, sinh năm 1923, tên thật là Vũ Như Hải, quê thành phố Nam Định. Ông tham gia cách mạng trước năm 1945 trong Hội truyền bá Quốc ngữ ở Hà Nội.
Năm 1946, ông vào quân đội, tham gia lớp đào tạo báo chí cách mạng đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng ở chiến khu Việt Bắc. Sau đó, ông lần lượt công tác ở các báo Sông Lô, Vệ quốc quân, Cứu quốc và báo Giác Ngộ rồi sau đó dừng viết báo, chỉ lo chung thủy với “Nàng Thơ”. Theo ông: Làm báo là phục vụ cho nhiệm vụ chính trị thời điểm, thời sự, còn làm thơ là sáng tác ra tác phẩm nói lên những vấn đề của con người gắn với thời cuộc, thời đại. Nhà thơ cần tìm ra cái cốt lõi của đời sống xã hội, truy nguyên vào bản chất của nó, đồng thời "nấu cao ngôn ngữ, cắt chữ dựng tượng" để có những bài thơ, câu thơ chắt lọc, lắng đọng. Vì thế nhà thơ cần phải có năng lực dự báo, cánh chim báo bão, là người đi đầu phản biện góp phần cho sự phát triển các giá trị Chân-Thiện-Mỹ trong xã hội; đem hồn thơ làm thắm được hồn người, thơ không nên chỉ lo phục vụ chính trị, mà phải “văn dĩ tải đạo”.  Ông là nhà thơ thuộc thế hệ đầu của cách mạng. Ông nổi tiếng với đề tài thơ viết về Hồ Chi Minh, trong đó nổi bật khoảng trên 50 bài in sách, đăng báo. Ông làm thơ ít chú ý đến vần-nhịp điệu, không tự khuôn vào các thể loại, mà cốt ở tứ thơ, ý thơ. Vì thế, thơ Hải Như tự nhiên như nói, tự nhiên nói lên suy nghĩ và chính kiến của mình, như lời tâm sự chân tình, lắng đọng. Những bài thơ đề tài Hồ Chí Minh với cách thể hiện riêng không lẫn với nhà thơ nào.
Năm nay đã ở tuổi đại thọ, nhưng ông khỏe mạnh, minh mẫn, ra Bắc vào Nam, nói chuyện vẫn ắp đầy tâm tư, đọc thơ như thời còn sức trẻ. Hôm mới rồi, về tôn tạo những ngôi mộ cho ông bà, tổ tiên ở Nam Định, nghe tin thành phố Hồ Chí Minh “lại có” thêm dự án làm Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông gọi điện thoại nói với tôi: “Nghèo, tiền ít, thế mà mới xây đền thờ họ Nguyễn Sinh ở Nam Đàn, rồi mới khánh thành tượng Bác ở Pleiku, nay lại thêm tượng Bác ở thành phố HCM. Ở đó cũng có mấy tượng Bác rồi, đâu có thiếu. Ngay như việc xây lăng cũng đâu phải ý của Bác. Trong Di chức để lại, Bác yêu cầu hỏa táng, đem tro rắc ở ba miền kia mà! Di chúc Bác cũng viết là sau khi Bác qua đời chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi tốn tiền và thì giờ của nhân dân’. 
   Nhà thơ Hải Như nói tiếp:
"Ông có nhiều bạn bè làm báo, nói với mọi người viết bài khuyên người ta không nên xây nhiều tượng đài, đền thờ, khu tưởng niệm về Bác Hồ nữa, cụ không thích thế đâu. Nếu cứ mượn danh Bác Hồ để lấy tiền của dân chia nhau thì thất đức lắm!”. 
Rồi ông nói thêm: “Với Bác Hồ, không cần vẽ, đắp mặt, lên sân khấu đóng giả làm gì, tất cả đều đã trong lòng các thế hệ; có khi chỉ cần đôi dép cao su giản dị là người ta hiểu đó là nói về Bác Hồ, nhớ về Bác Hồ”.
Nhân kỷ niệm 68 năm, ngày thành lập Quân đội nhân dân, nghĩ đến truyền thống tự hào “Bộ đội Cụ Hồ”, trang BVB đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Hải Như về những sáng tác của ông về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh:
*          *         *
- Bùi Văn Bồng (BVB): Thưa nhà thơ, cách đây hơn 30 năm, tôi đã đọc bài thơ “KỶ NIỆM SINH NHẬT NGƯỜI NĂM ẤY”, lúc đó ông nghĩ gì mà viết: “Hãy cãi lại Bác Hồ”? Khi ấy, có người đòi truy vấn gây khó cho ông, cho là ông kích động?
- Nhà thơ Hải Như (HN):  Ông lại bắt chước người ta, muốn truy vấn tôi chứ gì? (Cười) Nhưng mà truy vấn hay cãi nhau cũng được, đừng truy bức, tầm nã nhau, rồi chụp cho cái mũ là dạo đó tôi bị “thế lực thù địch” xui giục nhé! Hà…hà…
-  BVB: Thưa ông, tôi không dám thế!
- HN: Thế này, bài thơ viết không ngẫu nhiên, nhưng có động cơ; đó là động cơ muốn khuyên mọi người đừng vì lý do cá nhân hay thói quen mà tâng bốc hoặc nịnh nọt người có chức quyền cao hơn mình, nhất là với cương vị lãnh đạo. Năm 1980, kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Bác, tôi thấy giữa lúc đói khát, bo bo cũng không có mà ăn, bộ đội nhịn đói hành quân lên biên giới phía Bắc, mặc áo rách sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế; nông dân nhịn đói đi cày, thầy giáo dạy học mà “dạ dày co bóp trên đầu”. Ấy vậy mà các vị bày ra một số hoạt động kỷ niệm ngày sinh của Bác nặng hình thức, quá tốn kém. Thấy vậy, tôi có suy nghĩ là họ đang đi ngược lại tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong của Bác Hồ. Và tôi viết bài thơ này.
- BVB: Cái "tứ" của bài thơ chắc đã có lâu rồi, sao mãi năm 1980 ông mới làm bài thơ này?
- HN: Thì đấy, họ cứ mượn Bác để tự khoe trung thành, khoe đạo đức cách mạng, tôi thấy thế là không ổn, tức quá mà viết. Không phải “tức cảnh sinh tình” mà đúng hơn là “tức đời sinh thơ”.
- BVB: Ông có nhớ cái “kỷ niệm” mà ông đã đưa lên tựa đề bài thơ?
- HN: Nhớ chứ, nhớ như in, không sai chi tiết nào. Vì cái chuyện dạo đó nghe là thấm, là lắng sâu ngay, không dễ mà ra ngoài bộ nhớ.
- BVB: Vậy, ông có thể kể lại.
- HN: Tôi còn nhớ …; Ừ, tôi nhớ câu chuyện dạo đó vào tháng Giêng năm 1966, nhà nghiên cứu văn học Hoài Thanh viết một bài đăng lên các báo bình về chủ đề "Thơ chúc Tết của Bác Hồ". Bác đọc báo, thấy vậy, lièn gọi Hoài Thanh đến để Bác có chuyện cần trao đổi. Khi Hoài Thanh đến nhà sàn gặp Bác thì Bác bảo: “ Mấy bài chúc xuân đồng bào, chiến sĩ của Bác, sao chú gọi là thơ? Đó là thứ văn vần, giản dị thôi, kiểu như vè, thơ cái gì? Bác đâu phải nhà thơ mà các chú cứ tung hô như vậy. Bác bận nhiều việc, đừng bắt Bác phải gánh thêm nhà thơ nữa. Chú là nhà phê bình văn học, sao gọi những bài đó là thơ, đừng làm hỏng thơ...".
- BVB: Thưa ông, bài thơ đó viết vào năm 1980, sao đến năm 2000, tức là 20 năm sau mới đăng báo Lao động?
 - HN: Dạo đó, những bài thơ ‘bút chiến’, nói thẳng nói thật như thế, ai mà dám đăng? Nhưng nhà thơ khi có cảm xúc, bật lên ý tứ thì cứ viết, viết cho thật lòng mình, đúng tâm trạng, suy cảm của mình. Đâu phải nghĩ đến đăng báo thì mới viết? Nếu nhà thơ làm thơ cốt sao cho được duyệt, uốn hợp gu báo chí, gửi báo đăng để mong thơm chút tiếng và có chút tiền…ăn phở, uống rượu,  thì đâu còn là thơ nữa. Tôi là thế, có cảm xúc cứ viết, để đó, trước hết cho mình nghiền ngẫm, suy tư chuyện đời, in đâu cũng được, chưa ai in không sao.
- BVB: Trong bài thơ có câu: “Hãy cãi lại Bác Hồ”, là sao ạ?
- HN: Ừ, chỗ đó, mà tôi kể chưa hết. Bác là người thích nghe những ý kiến trái chiều khác nhau. Bây giờ gọi là phản biện. Bác không ưa những cán bộ “gọi thì Dạ, bảo thì Vâng” ngay trước mặt, nhưng sau đó lại quên hết. Cũng trong hôm đó, Bác nói với nhà phê bình văn học Hoài Thanh: “Chú Thanh này, Bác nói chưa đúng thì chú cứ việc cãi, hay như từ mà chú thường dùng là lập luận trở lại. Chú phải “hiện thực phê phán”chứ! Bác đâu phải tiên thánh gì. Mà như tiên thánh chăng nữa thì chắc gì đã hoàn mỹ tuyệt đối mọi sự. Bác cũng là con người, có cái đúng, cũng không tránh được có cái còn sai. Nếu Bác đúng, nhưng thổi phồng cái đúng quá to, lại làm cho Bác sai. Nếu Bác sai, cần mạnh dạn, thẳng thắn phê bình, thế cho nên cái đúng sẽ nhiều lên, cái sai bớt dần đi. Bác thấy trong bài báo đó, ngoài việc chú khen “vè chúc Tết”, mà chú gọi là thơ, chú có bình bài “Nghe tiếng giã gạo” của Bác như thế là chú ủng hộ ý của bác về rèn luyện, tu dưỡng, về tự phê bình và phê bình. Nó như hạt gạo, phải chịu đau đớn mới trắng được…”. Bác yêu cầu các chú, thấy Bác nói sai cái gì thì cứ cãi, đừng khen mà làm hỏng Bác đấy!” Tôi đưa vào bài câu thơ "Hãy cãi lại Bác Hồ" là từ ý của Bác nói với nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Cái từ "cãi" mà Bác dùng không đồng nghĩa với chống đối mà là phải dám mạnh dạn phê bình người khác khi thấy mình phê đúng, với sự chân tình, vì lợi ích chung, trước hết là với người mắc sai lầm...
- BVB: Vâng, nhân đây, ông có thể đọc bài thơ  “Kỷ niệm sinh nhật Người năm ấy” được không?”.
- HN: (đọc bài thơ):
Nếu tôi nhớ không lầm  
Có một nhà phê bình văn học được Bác Hồ mời lên 
Thân tình góp ý:
“Làm nhà yêu nước đủ rồi! (Người cười vui)
Đừng bắt Bác “cõng” thêm nhà thơ,
Bác mệt!” 
Cũng vậy - khi trao đổi với mọi người 
                       Hồ Chí Minh không bao giờ 
                             tự cho mình đúng hết
Hãy cãi lại Bác Hồ…
(Người đưa tay nghiêm nghị chỉ vào từng chúng ta)
Có lẽ nào
         Các chú
         lại không cho Bác 
        có quyền được biết mình sai!                          
                                  (Tháng 5 năm 1980).
-        BVB: Cảm ơn ông, bao năm rồi, vẫn giọng đọc thơ đầy diễn cảm, khúc chiết, rất rõ ràng.
-        HN: Thôi mà, ông đừng khen, làm hỏng tôi! Tuổi này rồi cũng muốn mình đừng bị hỏng! (Cười sảng khoái). Tôi chưa đến mức lú lẩn phải không?
-        BVB: Dạ không đâu! Đúng là như thế! Ông còn rất minh mẫn. Một sức khỏe mà đâu phải ai mơ cũng được.
-        HN: (giọng trầm xuống) Sợ nhất là lúc mình bị lú lẩn mà không tự biết, chủ quan, dễ bị nói sảng. Mà tôi cũng hỏi nhiều người, nếu ai đó nói thẳng ra là tôi đã bị lú lẩn, thì việc đầu tiên của tôi là phải nhìn lại mình, tự biết mình, cái tuổi nó đuổi thông minh, ai cũng phải qua chặng đời ấy. Cho nên hãy biết phận mà tự co lại với nội tâm, nội lực của mình, suy ngẫm, chiêm nhiệm nhiều hơn là phát biểu. Còn nữa, cũng nên biết chọn việc để làm, chọn nơi để nói, bớt tiếp xúc rộng, nhất là bớt nói...
-        BVB: Cảm ơn nhà thơ Hải Như!
BVB (thực hiện)
--------------------
> Xem thêm Video - Tiếp quản Thủ đô Hà Nội
http://www.youtube.com/watch?v=i0XrvJUeHqg
------------------------
+ Bài liên quan:
Bùi Văn Bồng


NGƯỜI - HIỆN THÂN
GIỮA ĐỜI THƯỜNG 
Bác Hồ xắn quần lội ruộng
Áo nâu tươi ấm nắng mai hồng
Cùng nông dân gieo trồng
Cùng nông dân gặt hái
Nhổ từng cây cỏ dại
Thăm từng bông lúa thơm
Xắn quần lên ra đồng chống hạn
Chân đạp guồng nước
Tát gầu sòng gầu dai
Chòm râu dài
Phất phơ gió đồng gọi mưa vẫy gió
Đâu khác “lão nông tri điền”!
Xắn quần lội suối băng rừng
Như người thợ sơn trà, như ông già bản Kéo
Người nhẩn nha gọt đẽo
Cái cán cuốc bên nương

Xắn quân lên cuốc đất trồng rau
Chăm chút đọt bí dây bầu, lội ao sâu bắt cá
Nâng niu cành non tưới cây vú sữa
                        đánh bóng chuyền
                                      đào công sự
Lội suối, trèo non vẹt mòn dép lốp
Nhiều khi Người đi chân đất
Ở đâu Người cũng sống rất thật
Nhìn rộng  lo xa những được và mất

Hồ Chí Minh – hiện thân giữa nhân gian
Bay bổng như cung đàn
Nồng nàn như hương nắng
Trong trắng pha lê
Bình dị nét quê lề đất…

Người là Đảng viên Lao Động
Đừng ai mượn danh Người 
làm thần tượng ngụy trang
Đừng ai thần thánh hóa tấm gương Người
Người hiện hữu giữa đời thường rất thật
Người thích mặc áo nâu tươi màu đất
Người hiển hiện bên ta muôn đời
       Người - là Người nhất.                        
 B.V.B

10 nhận xét:

  1. Bác Hồ thật vĩ đại. Cả dân tộc Việt Nam ai cũng thấy rõ điều đó.Bác Vĩ đại mà vẫn bình thường, bình thường mà vĩ đại. Hãy để Bác gần hơn với chúng ta thì ta càng thấy Người vĩ đại hơn.

    Trả lờiXóa
  2. Đừng ai thần thánh hoá tấm gương Người. Đúng thế!

    Trả lờiXóa
  3. Nguyễn Thành Vinhlúc 05:19 18 tháng 12, 2012

    Tôi đã đọc nhiều bài thơ của Hải Như viết về Bác Hồ. Tác giả có góc độ riêng, thường đưa ra những liên tưởng, những vấn đề có ý nghĩa lớn từ những việc bình thường, giản dị, không ca ngợi tâng bốc bằng tính từ tô vẽ kêu to như nhiều người khác.
    Tôi còn nhớ ý mấy câu thơ ông Hải Như viết qua câu chuyện tối 30 tết, Bác Hồ cùng người bảo vệ đi thăm và chúc tết một nhà trong phố lao động nghèo ở hà Nội, và cũng mục sở thị xem họ đón têt thế nào: Ngõ phố nhỏ ô tô không qua được / Chỉ Bác Hồ đi đến đó mà thôi.
    Đúng thế! Nhưng nay, thấy người ta phát động phong trào ầm ầm, năm này sang năm khác vừa tốn kém, vừa mất thời gian, học nhiều, nhưng có mấy ai làm theo Bác đâu? Ra đường, đảng viên nhan nhản, cộng sản được mấy người?

    Trả lờiXóa
  4. "Các anh chị, các em ơi
    có phải
    mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh
    môt ta thầm kêu "Bác Hồ Chí Minh!"?

    Trả lờiXóa
  5. Đáng buồn là trong Đảng nay có "một bộ phận không nhỏ" bị thoái hóa biến chất, mọt dân, hại nước. Chúng ta cần kiên quyết không khoan nhượng, Đảng phải loại bỏ những kẻ đó ra khỏi Đảng, thì Đảng mới thực sự trong sạch. CT Hô Chí Minh thực sự có lòng yêu nước nồng nàn, vì dân tộc VN, vì dân. Chúng ta cần hết sức ủng hộ Lòng yêu nước của người VN ta. Ai ngăn chặn, trấn áp, đe dẹp những người yêu nước là trọng tội với dân tộc, với lịch sử.

    Trả lờiXóa
  6. Đảng chủ trương đẩy mạnh CNH - HĐH - phát triển bền vững - xây dựng nền văn hóa VN tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong khi "một bộ phận không nhỏ" Đảng viên bị thoái hóa, biến chất! Phải chăng đó là 1 nghịch lí- là phi biện chứng?

    Hàng triệu tỷ đồng tiền vào túi cá nhân, thất thoát, lãng phí là do ai? là công lao của ai? Ngàn tội lội tày trời với dân cứ nhận lỗi 1 câu là xong ư ?!

    "Đảng có tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật nghiêm minh", "Đảng ta là Đạo đức -là Văn minh "

    Phải chăng cương lĩnh và điều lệ đảng không còn giá trị gì nữa ?!

    Trả lờiXóa
  7. nếu thần thánh hóa Hồ Chí Minh; tôn sùng cá nhân là xúc phạm đến tinh thần mà Bác Hồ đã dạy và khi còn sống Người hằng thực hiện.
    Mọi sự mang danh, mượn danh Hồ Chí Minh để trục lợi là sự xúc phạm đến vong linh của Người. Tiếc rằng hiện tượng này ngày một nhiều: Nói không đi đôi với làm !

    Trả lờiXóa
  8. Bác Hồ khi còn sống không hề muốn tôn sùng cá nhân. Hiện nay tiếc rằng đang tràn lan hiện tượng mươn danh "học tập tấm gương tư tưởng Hồ Chí Minh" mà gây lãng phí tiền của của nhân dân trong khi đất nước đang nghèo - đi ngược lại mong muốn của Bác Hồ buổi sinh thời. chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc người cách mạng phải "cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư"...

    Trả lờiXóa
  9. Báo NguoiViet.de xin phép đăng lại tại đây:

    http://nguoiviet.de/nv/modules.php?name=News&op=viewst&sid=25020

    Xin cảm ơn các bác

    NguoiViet.de

    Trả lờiXóa
  10. Anh Bùi Văn Bồng quý mến

    Bài viết hay và tư liệu quý. Trang DẠY VÀ HỌC xin được trích dẫn tại đây

    BÁC HỒ TRONG THƠ HẢI NHƯ

    Hoàng Kim DẠY VÀ HỌC. Nghiên cứu về Con Người và sự nghiệp của Bác Hồ có bảy tác phẩm chính mà tôi ưa thích, đó là: 1) "Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam" của đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ biên; 2) "Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch, ngày 9 tháng 9 năm 1969" đúc kết sâu sắc năm cống hiến kiệt xuất nhất của chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân, đất nước và nhân loại; 3)Nhân cách lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh do giáo sư Trần Văn Giàu đúc kết bảy phẩm chất cơ bản của Bác "được con dân nước Việt và thế giới ngợi ca". 4) "Bác Hồ rất ít trích dẫn!" bài của chủ tịch Trường Chinh về phong cách văn chương của chủ tịch Hồ Chí Minh; 5) "Những nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh" của thủ tướng Phạm Văn Đồng nhà lãnh đạo gần gũi nhất bên cạnh Bác; 6) "Búp sen xanh " và cụm 20 tác phẩm của "nhà văn Sơn Tùng - người viết về Bác Hồ thành công nhất " 7) Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi" và chùm 41 bài thơ của nhà thơ Hải Như - người làm thơ về Bác Hồ ấn tượng nhất. Trong bảy tài liệu trên, thơ Hải Như ở vị trí khiêm nhường nhưng làm sáng góc nhìn Con Người Bác Hồ.

    Xem tiếp http://dayvahoc.blogtiengviet.net/2012/12/22/bac_ho_trong_tho_hai_nhu

    Cám ơn anh

    Hoàng Kim

    Trả lờiXóa