Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

> Lại khốn khổ vì giá điện tăng


Năm anh em trên một chiếc xe TĂNG ... GIÁ
"Tăng giá điện không tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân" – đây là câu nói muôn thuở của ngành điện. Nhưng thực tế, sản xuất nông nghiệp đang khốn khổ…

Doanh nghiệp nông thôn "hết chịu nổi"
Giá điện bắt đầu tăng 5% từ ngày 23.12 đã làm cho mọi mặt của sản xuất, trong đó có sản xuất nông nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng. Ông Phạm Văn Bên – Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) chuyên sản xuất thức ăn cá tra cho biết: Hiện sản xuất của doanh nghiệp đã gặp khó, với việc giá điện tăng thêm thì khó khăn càng chồng chất. Theo ông Phạm Văn Bên, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp tốn khoảng 1,1 tỷ đồng tiền điện.
Lại khốn khổ vì giá điện tăng - Tin180.com (Ảnh 1)
Nhiều doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu ở ĐBSCL gặp khó khi giá điện tăng. hoàng mai
Khi giá điện tăng 5% thì gánh nặng chi phí sản xuất sẽ tăng lên, doanh nghiệp phải tìm mọi giải pháp để hạ giá thành, gồng gánh thậm chí chịu lỗ để vượt qua khó khăn. Ông Phạm Văn Bên cho biết: "Sản xuất thức ăn cá tra hiện nay tiêu thụ điện khá lớn. Khi giá điện tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm.
Cần tính toán tác động của tăng giá điện
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, các cơ quan Chính phủ cần xem xét tính tác động của việc tăng giá điện theo nhiều phương án khác nhau để có cái nhìn tổng thể và cân nhắc việc tăng giá là bao nhiêu với tần suất bao nhiêu. Bởi, tác động của tăng giá điện không chỉ trực tiếp là bao nhiêu phần trăm tới từng lĩnh vực mà còn những tác động gián tiếp, vì giá điện làm cho giá cơ bản của sản xuất kinh doanh, của nền kinh tế tăng, kéo theo tác động tăng giá dây chuyền.
Tuy nhiên, tăng giá điện không chỉ tác động trực tiếp từ số tiền đóng hàng tháng do doanh nghiệp tiêu thụ mà còn tác động gián tiếp. Chẳng hạn, tất cả các nguyên liệu đầu vào như: Bột đậu nành, bột cá… đều tăng theo giá điện. Vì vậy, giá thành sản xuất phải đội lên, doanh nghiệp buộc phải gánh chịu".
Còn theo ông Phan Văn Đông- Giám đốc Công ty cổ phần Nông lâm sản Kiên Giang, chuyên xay xát lúa gạo, giá điện tăng chi phí sản xuất tăng lên là đương nhiên, với mức tăng 10% của cả hai đợt tăng giá điện vừa qua, chi phí sản xuất của chúng tôi đã tăng khoảng 15-20% rồi. Hiện doanh nghiệp đã phải gồng mình lên chống đỡ vì kinh tế khó khăn, tăng giá điện cuối năm chẳng khác gì "đổ thêm dầu vào lửa".
Theo tính toán của một số doanh nghiệp sản xuất phân bón, giá điện nếu tăng 10% năm 2012 sẽ làm giá thành tăng ít nhất 3%. Đó là chưa kể việc tác động dây chuyền, sự tăng giá của nhiều mặt hàng nguyên liệu cần thiết khác. Giá phân bón tăng cao sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đến thu nhập của nông dân.
Lĩnh vực chế biến thủy hải sản còn khó khăn hơn do giá điện tăng cuối năm. Ông Nguyễn Văn Hùng-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp), cho biết giá điện tăng sẽ phải trả thêm tiền điện cả mấy trăm triệu đồng/tháng. Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết hiện nay mỗi năm công ty chi hơn 20 tỷ đồng tiền điện. Nay giá điện tăng thêm 5%, khoản phát sinh 1 tỷ đồng mỗi năm.
Người nuôi tôm méo mặt
Hàng loạt nông dân nuôi tôm ở miền Trung, trong đó có Quảng Nam, Quảng Ngãi… cũng kêu ca vì giá điện tăng cao đẩy chi phí đầu vào nuôi tôm tăng lên, cùng với việc thức ăn chăn nuôi tăng, giá con giống tăng, trong khi dịch bệnh lại nhiều khiến cho nghề nuôi thủy sản càng ngày càng khó thở. "Cái vô lý ở đây là, thủy điện liên tục được đầu tư xây dựng và điện ngày càng được sản xuất ra nhiều, nhưng lại liên tục tăng giá" – ông Nguyễn Bông, một nông dân nuôi tôm ở Núi Thành (Quảng Nam), thắc mắc.
Ngay cả những người dùng điện sinh hoạt bình thường cũng không vui lòng khi nói đến giá điện. "Giá điện thì liên tục tăng, nhưng nhiều trụ điện, bình biến áp, công tơ điện vẫn cũ kỹ, đường dây điện xuống cấp trầm trọng ít được quan tâm thay thế mới, rất dễ đứt dẫn đến chết người" – nhiều người phàn nàn.
Tại Quảng Ngãi, anh Võ Thanh Hải, người nuôi tôm ở xã Phổ Quang (huyện Đức Phổ), cho biết với 3.000m2 ao nuôi của gia đình, tiền điện trả để chạy máy sục khí khoảng 10 triệu đồng/tháng. Đợt rồi giá điện tăng thêm 5%, tính ra mỗi vụ nuôi phải trả thêm trên cả triệu đồng. "Vậy mà nghe nói năm đến giá điện sẽ tiếp tục tăng rất cao, cùng với thất bại của mấy vụ trước nên có lẽ phải tính chuyện bỏ ao trống" – anh Hải than.
Theo ước tính số hộ nuôi tôm trong tỉnh sử dụng điện chạy máy sục khí lên hơn cả ngàn hộ. Chỉ riêng việc tăng điện vừa qua người nuôi tôm phải trả thêm hàng trăm triệu đồng. Cùng với gánh nặng rủi ro vì dịch bệnh, thức ăn tăng cao, giá điện tăng càng đè nặng lên vai của người nuôi tôm Quảng Ngãi.
Không riêng gì người nuôi tôm, hàng ngàn nông dân trồng lúa, hoa màu cũng thở dài vì chuyện điện tăng giá. Nhà có 4 sào đất trồng lúa, hoa màu, thế nhưng do nước tưới từ hệ thống kênh mương chưa có nên ông Lê Thành Tâm, ở xã Đức Phong, phải đóng giếng, kéo điện bơm nước cho lúa, cây trồng. Theo đó bình quân mỗi tháng trả gần 1 triệu đồng tiền điện. "Giá của các loại cây trồng thì vẫn đứng yên, hoặc tăng không đáng kể, trong khi đó giá điện và các chi phí khác như phân, thuốc… tăng liên tục như thế này thì nông dân chịu sao nỗi" – ông Tâm lắc đầu.
(theo danviet)

2 nhận xét:

  1. Đề nghị bà con ghé vai gánh tiếp các khoản lỗ của EVN trong mấy năm trước do đầu tư tào lao.EVN xin phép tăng giá tiếp trong năm 2013.

    Trả lờiXóa
  2. Đùng một cái , muốn tăng là tăng ngay. Chẳng cần biết tác động ngược như thế nào. Đáng lẽ EVN chỉ cần cải tiến chặt thu-chi và năng cao hơn nữa công tác quản trị thì không cần tăng cũng bù được chi phí...Giờ cả nước lại phải gánh cho EVN hệ lụy này...đúng là "thằng được ăn ốc , kẻ phải đổ vỏ"

    Trả lờiXóa