Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

> GIẤU MẶT và KHOE DANH

Người trong giấu mặt,
người ngoài phơi ...danh
 LÊ BÁ DƯƠNG

Lê Bá Dương thưa:
         Từ ngày 10/12/2012, trên trang Webs mệnh danh Ban liên lạc truyền thống E 27 tại thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Miền Đông Nam Bộ xuất hiện entry giới thiệu công khai Biên bản họp  thường trực BLL trung đoàn 27 Triệu Hải tại TP Hồ Chí Minh & Miền Đông Nam Bộ.
       Vì rằng trong nội dung “thông cáo” công khai của BLL , ngoài những nội dung đánh giá tổng kết  hoạt động và thành tích của BLL sau một năm thành lập và hoạt động , các thành viên được coi là thường trực BLL đã dành hẳn một phần thời lượng hội nghị và 532 từ (mục C) để:  Đóng góp ý kiến giúp đỡ đ/c Lê Bá Dương đồng đội trung đoàn 27 tại tỉnh Khánh Hòa…(liên quan đến việc nhặt sạn cho cuốn sách Một thời Quảng Trị với hành vi  sao chép một cách trái phép sản phẩm trí tuệ của người khác)
        Và cũng vì rằng đây chỉ là ý kiến của một nhóm anh em thường trực đại diện  cho hơn 20 thành viên BLL mới được thành lập và hoạt động trong phạm vi hẹp tại khu vực… ( để hiểu rõ thực chất BLL này xin tham khảo bài viết : Quảng Trị- Một thời binh lửa. [7] trên trang Thạch Cầu ) Vậy nên tôi quyết định đưa “nguyên  toàn văn” nội dung biên bản kể trên để bạn bè, anh em đồng đội , đồng bào trong cả nước  cho thêm ý kiến công khai “giúp đỡ”  tôi  nhận ra những điều phải trái – hoặc ngược lại “khai tâm, mở nhãn” cho chính những tác giả của biên bản góp ý này  …kịp dừng lại khi chưa muộn.
Trân trọng
Xem toàn văn biên bản 9/12

BAN LIÊN LẠC TT                                     CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHIÃ VIỆT NAM
TRUNG ĐOÀN 27 TẠI TP HCM                           Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
VÀ KV MIỀN ĐÔNG NAM BỘ
----------------------------------------  
                                           Tp Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 12 năm 2012
       BIÊN BẢN HỌP THƯỜNG TRỰC BAN LLTT TRUNG ĐOÀN 27
      (Trung đoàn Triệu Hải) tại Tp Hồ Chí Minh & miền Đông Nam Bộ

Hôm nay ngày 09 tháng 12 năm 2012.
Tại số 90/14/2, đườngTrần Văn Ơn, Phường, Tân Sơn Nhì, Quận Tân Phú,  Tp Hồ chí Minh.

Thường trực Ban LLTT Trung đoàn 27 họp tổng kết hoạt đông năm 2012.
-         Đ/c: Trần Đình Nhâm       - Trưởng ban
-         Đ/c: Đinh Vương Luyện    - Phó ban
-         Đ/c: Hồ Tấn Phong           - Phó ban
-         Đ/c: Nguyễn Mạnh Kha    - Ủy viên (vắng)
-         Đ/c: Đoàn Công Tính        - Bệnh tim xin nghỉ không tham gia
-         Đ/c Nguyễn Trung Quyền   (Phụ trách  khối TP HCM)
-         Đ/c: Nguyễn Ngọc Thiệp   - Ủy viên
-         Đ/c: Nguyễn Văn Truật       (Phụ trách khối Đồng Nai)
-         Đ/c: Nguyễn Văn Công     - Ủy viên  
-         Đ/c: Nguyễn mạnh Thắng    (Phụ trách khối Bình Dương)
-         Đ/c Nguyễn Viết Mão       - Ủy viên
-         Đ/c Hồ Sỹ Nam                  (Phụ trách khối Bình Thuận)

Đ/c Trần Đình Nhâm chủ trì cuộc họp
Đ/c Nguyễn Văn Truật thư ký cuộc họp

             NỘI DUNG:
1/ Tổng kết năm 2012, hướng hoạt động 2013 của
Ban LLTT Trung đoàn 27 (Trung đoàn Triệu Hải) tại Tp HCM và
khu vực miền Đông Nam Bộ.
 2/ Báo cáo tài chính công khai (thu chi)
+ Hội phí của ban
+ Quỹ hỗ trợ của các đơn vị
3/Trên cơ sở các tin nhắn vào điện thoại và văn bản của cá nhân, tập thể ở một số ban LLTT Trung đoàn  gửi vào hộp thưtrungdoan27hcm@gmail.com phản ánh về việc đồng đội Lê Bá Dương đưa thông tin không mang tính chất xây dựng làm mất tình đoàn kết nội bộ đồng đội trung đoàn 27, lên blog cá nhân những thông tin không tốt tạo bức xúc trong anh em đồng đội Ban LLTT trung đoàn 27 tại TP HCM và miền Đông Nam Bộ. Trên tinh thần đó tập thể TTr Ban đóng góp một số ý kiến xây dựng cho đ/c Dương dừng lại khi sự việc chưa muộn.   
 Nội dung cụ thể:
A/ Đóng góp bản báo cáo kết quả hoạt động
I/ Tập thể Thường trực Ban hoàn toàn nhất trí bản đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2012 theo quyết định của Ban chấp hành Thành Hội CCBTP.
Nhấn mạnh thêm, là một ban liên lạc được thành lập sau so với các ban liên lạc truyền thống trung đoàn toàn quốc, cơ sở vật chất không có, địa bàn tham gia sinh hoạt rộng lại thiếu kinh nghiệm trong tổ chức lập, xây dựng kế hoạch hoạt động trong tình hình kinh tế suy thoái. Tuy nhiên với tiêu chí hoạt động rõ ràng khi thành lập: Ban hoạt động theo tinh thần mở “sinh hoạt truyền thống tự nguyện tin tưởng - chân thành - nghĩa tình - trách nhiệm” đoàn kết thương yêu đùm bọc, giúp đỡ nhau trong khó khăn giữ vững và phát huy truyền thống người chiến sĩ Trung đoàn 27 trong chiến đấu cũng như khi về với đời thường và do đó với thời gian rất ngắn nhưng ban LLTT chúng ta đã làm được một số việc thực sự có ý nghĩa nhân văn đó là:
1/ Xây dưng và đưa website Ban LLTT Trung đoàn 27 vào hoạt động có hiệu quả, ít tốn kém, giới thiệu nhiều thông tin thiết thực đến với đồng đội và bạn đọc gần xa để những người mẹ, người vợ và cả những đứa con lớn lên chưa một lần biết mặt cha gửi thông tin vào nhắn tìm người thân.
2/ Tổ chức cho anh em đồng đội chuyến hành hương về chiến trường Quảng Trị “Thắp nén hương thơm tri ân vong linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ Quốc bình yên”, mang nắm đất 18 thôn vườn trầu Bà Điểm - Hóc Môn với nước sông Sài Gòn nơi bến Nhà Rồng thành phố Bác kính yêu, hòa vào lòng dòng sông Thạch Hãn,  sưởi ấm vong linh các đồng đội đang nằm yên nghỉ dưới lòng sông.
3/ Ổn định nhân sự và đưa hệ thống tổ chức 4 chi (TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận) vào hoạt động nề nếp, thiết thực và hiệu quả. 4/ Thăm hỏi động viên kịp thời theo chế độ “Tứ Thân Phụ Mẫu” các đồng đội hàng chục lần,  gặp gỡ tặng quà nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7 cho hàng chục đồng đội và thân nhân gia đình liệt sĩ
5/ Làm công tác xã hội từ thiện hàng chục triệu đồng.
Đây là một cố gắng rất lớn của Ban trong thời gian qua, thể hiện tinh thần đoàn kết nhất trí, thống nhất cao độ trong thường trực và đồng đội Ban LLTT trung đoàn “luôn vì nghĩa lớn mà không mưu cầu lợi ích cho riêng cá nhân”
II/ Phương hướng hoạt động năm 2013.
1/ Tiếp tục duy trì và phát triển hội viên
2/ Tạo nguồn lực hỗ trợ giúp đỡ hội viên, không để hội viên khi tham gia phải suy nghị về vấn đề đóng góp “phí, hội phí..”
3/ Nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt thường trực và tập thể đồng đội
4/ Thường xuyên quán triệt cho mọi thành viên về tiêu chí sinh hoạt của ban,
mở rộng  đón mọi người vào tham gia sinh hoạt Ban LLTT trung đoàn 27 tại TP HCM và khu vực miền Đông Nam Bộ trên tinh thần đoàn kết nghĩa tình trách nhiệm giữ vững truyền thống Trung đoàn 27 Triệu Hải anh hùng.
III/ Do tình hình sức khỏe và công việc: Đ/c Trần Đình Nhâm -Trưởng ban và đ/c Hồ Tấn Phong Phó trưởng Ban LL xin từ nhiệm chức vụ. Anh em đóng góp ý kiến, nếu xét về văn hóa từ chức thì đây là việc làm rất tốt của 2 đ/c, tuy nhiên trên thực tế các đ/c chưa phải quá yếu và bận công việc nhưng lại là trụ cột của ban vì vậy tập thể thường trực Ban thống nhất 100%  đề nghị 2 đ/c tiếp tục đảm nhiệm cương vị Trưởng và Phó ban. Trong quá trình thực hiện công việc, thường trực Ban sẵn sang hỗ trợ giúp đỡ 2 đ/c.
B/ Đóng góp ý kiến về bản tài chính công khai.
- Bản công khai tài chính của Ban được thể hiện công khai rõ ràng, minh bạch bước đầu đây là tín hiệu lạc quan về nguồn tài chính lâu dài cho Ban hoạt động.
C/ Đóng góp ý kiến giúp đỡ đ/c Lê Bá Dương đồng đội trung đoàn 27 tại tỉnh Khánh Hòa.
Thời gian qua anh em đồng đội trung đoàn 27 tại TP HCM và khu vực miền Đông Nam Bộ đã nhận được rất nhiều thông tin phản ánh những việc làm của đồng đội Lê Bá Dương trên các trang mạng và thư tay gây phản cảm cho anh em đồng đội và cũng đồng thời tạo bức xúc cho bản thân Bá Dương.
Đối với Lê Bá Dương, anh em ghi nhận thành tích chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị rất xứng đáng là một bông hoa đẹp trong rừng hoa thành tích chiến đấu dũng cảm của Trung đoàn 27. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, sức khỏe yếu, bệnh tật hành hạ do vết thương tái phát nhưng Lê Bá Dương đã nhiều lần vận động đồng đội trở lại chiến trường Quảng Trị thắp hương tri ân đồng đội đã nằm lại trên đất mẹ Quảng Trị thân thương. Điều đó đồng đội trung đoàn 27, thân nhân gia đình liệt sĩ và nhân dân, chính quyền địa phương các tỉnh ghi nhận. Những việc làm và hành động của Lê Bá Dương  rất được trân trọng. Việc xét tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân có giới hạn do vậy việc Lê Bá Dương không được tuyên dương anh hùng cũng rất thiệt thòi cho anh em đồng đội. Nếu không có việc làm quá thái của Lê Bá Dương thì đồng đội trân trọng Bá Dương biết ngần nào. Không được tuyên dương nên gần đây đ/c đã không bình tĩnh suy nghĩ thấu đáo đánh mất hình ảnh của một chiến sĩ chiến đấu quả cảm Lê Bá Dương ngày nào của trung đoàn 27, đ/c đã thể hiện trên blog cá nhân  những thông tin có tính chất nhục mạ các đ/c lãnh đạo của trung đoàn một thời là chỉ huy của mình mà lý do thiếu xác đáng hay chuyện nhặt sạn cuốn “Một thời Quảng Trị”, trước lúc nhặt sạn  đ/c không tuân thủ theo trình tự pháp lý cuốn sách ra đời trong hoàn cảnh nào? Ai cấp phép, ai duyệt nội dung.  Nó là hồi ký cá nhân hay cuốn ký ức viết về một thời Quảng Trị trong đó có cái chung và cái riêng để trên cơ sở đó  đóng góp ý kiến xây đựng cho đồng đội là chủ bút cuốn một thời Quảng Trị và nhà xuất bản QĐND thì đẹp biết chừng nào, ngược lại đ/c lại tự nhặt sạn làm cho mọi người hiểu sai sự việc gây mất đoàn kết nội bộ trong anh em Trung đoàn 27.
Tập thể Thường trực Ban LLTT Trung đoàn 27 tại TP HCM và khu vực miền Đông Nam Bộ không đồng tình với việc làm của đ/c và đề nghị Lê Bá Dương hãy dừng lại không nên tiếp tục làm tình hình xấu thêm khi chưa muộn, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh người chiến sĩ Trung đoàn 27 Triệu Hải anh hùng.   
Buổi tổng kết hoạt động năm 2012 của Thường trực Ban kết thúc hồi 11g30 cùng ngày và nhất trí 100% thông qua biên bản cuộc họp đưa lên website http://trungdoan27.com.vn                                                 

Thư ký                                               Chủ trì  
Đã ký                                                  Đã ký
Nguyễn Văn Truật                          Trần Đình Nhâm  

 --------------------------------------------------------------------       
    Một vài hình ảnh hội nghị 
của thường trực BLL  ngày 9/12
         
Nhóm Webs Sài Gòn  
Lạm bàn
Nhóm Webs Sài Gòn
Thông qua biên bản
Nhóm Webs Sài Gòn
và quây quần chụp anher lưu niệm trước lẵng hoa 
chúc mừng của Viện sĩ Thượng tướng 
Nguyễn Huy Hiệu - cũng
 là tác giả cuốn sách hồi ức  
Một thời Quảng Trị  được nhắc đến trong biên bản      
                                
Bên lề Đạo văn bịa sử
2 trong số hàng loạt trang Lịch sử LLVT tỉnh Quảng Trị 
(Ảnh trên) bị sao chép trái phép, lắp ghép vào 
cuốn hồi ức Một thời Quảng Trị (ảnh dưới)


------------------------

BOX:
Ngay sau khi đưa nguyên toàn văn văn bản cuộc họp 9/12 của đại diện  BLL trung đoàn 27 tai TP Hồ Chí Minh lên trang, tôi đã nhận được mail của Đại tá, nhà giáo ưu tú Dương Doãn Ngụ, gửi trưởng BLL Trần Đình Nhâm, bày tỏ chính kiến của mình. Xin trân trọng giới thiệu:
Thân gửi: Anh Trần Đình Nhâm, Trưởng Ban liên lạc trung đoàn 27 tại TP- HCM.
Mấy tháng nay vì bận công việc gia đình nên không có thời gian xem qua trang của BBLL trung đoàn 27 tại TP-HCM, hôm nay thời gian rỗi ghé qua tôi thấy có nhiều tin mới. Nhất là rất có nhiều bài ca ngợi thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.
Xem qua biên bản họp thường trực BLL tôi mừng vì thấy các anh đã kiện toàn  Ban liên lạc thường trực và tổ chức lại thành 4 chi, phân công trách nhiệm cho từng đầu mối vậy là rất phù hợp. Tôi có nhận xét như vậy bởi vì cách đây 8 tháng khi BLL CCB trung đoàn 27 ở khu vực miền đông Nam Bộ được thành lập, tôi cũng là một thành viên đến dự họp buổi ra mắt đầu tiên tại Thành Phố Biên Hòa, vạn sự khởi đầu nan nên lúc đó ta chưa có kinh nghiệm để tổ chức và xác định các nội dung hoạt động của hội như bây giờ.
Tuy nhiên niềm vui bao nhiêu thì nỗi buồn càng đè nặng bấy nhiêu, khi tôi đọc đến điểm C: Phần đống góp giúp đỡ đ/c Lê Bá Dương đồng đội trung đoàn 27 tại Khánh Hòa, bởi vậy tôi viết thư này gửi đến anh và anh em trong Ban thường trực hội CCB trung đoàn 27 tại TP- HCM để nói rõ cái đúng, cái sai giữa LBD và anh Nguyễn Huy Hiệu.
Trước hết nói về anh Nguyễn Huy Hiệu: Tôi là một trong những người có mặt từ ngày đầu thành lập trung đoàn (8.2.1968) và được cùng công tác, chiến đấu  với anh Hiệu nhiều hơn các anh, bởi vì tôi may mắn được sống sót qua nhiều trận đánh và cũng từ đó trưởng thành từ các cấp tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn và lên tham mưu phó trung đoàn (1974), nên tôi cũng hiểu anh Hiệu nhiều hơn các anh. Vì vậy khi nói đến anh Nguyễn Huy Hiệu là nói đến lòng dũng cảm, tính quyết đoán của người chỉ huy kể cả trong chiến đấu và trong công tác huấn luyện xây dưng đơn vị.
Anh Nguyễn Huy Hiệu là người có nhiều tích trong chiến đấu kể từ tháng 5 năm 1968 đến tháng 5 năm 1972, trong đó có những trận đánh có hiệu suất chiến đấu cao do anh Hiệu chỉ huy như trận tập kích tiêu diệt gọn một đại đội xe tăng-thiết giáp của Mỹ  tại Bãi Tân Kim, hay trận vận động tiến công tiêu diệt  1 tiểu đoàn quân ngụy và bắt sống thiếu tá tiểu đoàn trưởng Hà thúc Mẫn .v.v. với những chiến công và thành tích xuất sắc như vậy nên năm 1974 anh Hiệu được  đơn vị đề  nghị nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND.
Đầu năm 1975 anh Hiệu về đảm nhiệm trung đoàn trưởng trung đoàn 27, anh đã chỉ huy trung đoàn đảm nhiệm trên 1 hướng tiến công của sư đoàn 320b, đánh vào Bộ Tổng Tham mưu quân ngụy sài gòn giải phóng Miền Nam thống nhất tổ quốc. Những công lao, thành tích của anh Nguyễn Huy Hiệu như vậy là đúng sự thật.
Tuy nhiên sau thời bình khi anh Hiệu đã trưởng thành lên sư đoàn, quân đoàn và ra phó tổng, thứ trưởng BQP anh có điều kiện viết lại những trận đánh do mình chỉ huy và đặc biệt là cuốn hồi ức ‘Một thời Quảng Trị” đã tái hiện được cuộc chiến đấu đầy cam go, gian khổ, ác liệt của trung đoàn 27 trong những năm tháng chiến tranh. Tất nhiên trong câu văn và lời kể của anh Hiệu có rất nhiều nội dung không đúng với thời điểm, không đúng với sự thật, thậm chí có nhiều câu chuyện anh Hiệu hư cấu ra hoặc chọn những trận đánh điển hình của trung đoàn trong những năm 1968 như trận đánh tập kích quân địch Mỹ ở Làng Gia Bình, của tiểu đoàn 2; trận đánh chống càn ở Làng Phúc Sa, xã Do Hà của tiểu đoàn 3 .v.v. để kể chuyện và rồi không quên đưa tên tuổi của mình vào làm người chỉ huy các trận đánh đó nên đã gây phản cảm cho những người trong cuộc, chính vì vậy mà anh Lê Bá Dương thấy những đều ngang trái nhưng không có ai dám nói, dám chỉ ra cho anh Hiệu thấy những điều sai sót… và rồi cũng chính LBD đã mạnh dạn đưa chuyên mục “nhặt sạn” lên trang Blog của mình để anh em đồng đồi CCB 27 hiểu được đầy đủ những việc làm sai trái của anh Nguyễn Huy Hiệu.
Ngày 28 tháng 09 năm 2012 Ban liên lạc CCB Tĩnh Nghệ An đã họp và viết tâm thư gửi cho anh Nguyễn Huy Hiệu mong sao anh Hiệu thấy được cái sai mà chỉnh sữa, tôi xin được trích 1 đoạn để anh Nhâm và anh em trong Ban thường trực CCB 27 tại Thành Phố Hồ Chí Minh và khu vực Miền Đông Nam Bộ hiểu thêm về việc làm của anh LBD. Tâm thư có đoạn viết:
 “ Là những người lính của Trung đoàn 27 giai đoạn 1968 – 1972, đọc MTQT của anh, chúng tôi vui mừng và tự hào vì cuốn sách đã làm sống lại những trận đánh, những chiến công lẫy lừng của Trung đoàn. Nhưng vui mừng và tự hào bao nhiêu thì chúng tôi phân vân bấy nhiêu, bởi có nhiều phần, nhiều đoạn thể hiện thiếu logic, phi thực tế.  Đó là những trận đánh của tiểu đoàn 3 ở Phúc Sa, trận đánh ở Gia Bình của tiểu đoàn 2 là lúc anh Hiệu đang ở tiểu đoàn 1 thì làm sao có thể tham gia và chỉ huy các trận đánh đó? …Hay việc kể chuyện anh Hiệu đưa một trung đội luồn vào hàng rào thứ 5 tại Cồn Tiên, cho anh em lấy thùng đạn làm hầm, ban đêm tổ chức đi đánh, ngày cho anh em nghỉ tại những căn hầm được ngụy trang kỹ càng... là một câu chuyện khó tin, vì một trung đội làm sao mà đột nhập vào sát căn cứ địch trong một khoảng thời gian như vậy? Rồi đến giai đoạn giải phóng Quảng Trị và chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ, nếu như cuốn Hồi ức dừng lại ở vị trí anh là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3, chỉ huy đơn vị cùng hợp đồng nổ súng lệnh đầu tiên cho chiến dịch, hoặc thời điểm trong tháng 5 năm 1972 anh cùng với các đ/c trong ban chỉ huy trung đoàn vạch kế hoạch, bàn phương án tấn công địch ở cánh Đông Quảng trị thì mới đúng sự thực, bởi từ cuối tháng 5 năm 1972, anh đã được tổ chức cử đi học tại Học viện Quân Sự nên không tham chiến ở Quảng Trị nữa, nhưng tác giả vẫn nói anh là người chỉ huy.
Một vấn đề thiếu thực tế khác là tác giả cuốn sách miêu tả anh nhớ và biết gần như hết số liệt  sỹ của trung đoàn hy sinh trong từng trận đánh. Đây là một việc không tưởng, vì sự ác liệt của chiến tranh gây ra hy sinh, tổn thất rất nhiều, quân số thường xuyên biến động, nhiều chiến sỹ vừa được bổ sung về các phân đội, cán bộ Trung đội chưa kịp nhớ mặt, nhớ tên, nhớ quê quán chiến sỹ mới thì họ đã hy sinh. Cương vị của anh bấy giờ là Tiểu đoàn trường, làm sao anh nắm bắt được tất cả sự hy sinh của đồng đội không cùng đơn vị, không cùng một trận chiến trong phạm vi cả một Trung đoàn (!?).
Những nội dung mà anh Nguyễn Cảnh Tám trưởng Ban liên lạc đồng đội CCB Nghệ An gửi cho anh Nguyễn Huy Hiệu, bản thân tôi thấy hoàn toàn đúng với sự thực bởi vì ở thời điểm đó tôi cũng trực tiếp tham gia 2 trận đánh ở Làng Phúc Sa xã Do Hà từ ngày 10-12 tháng 3, và trận ở Làng Xuân Hòa xã Do An ngày 26 tháng 4 năm 1968 khi đang vây ép Cồn Tiên. Có thể anh Nhâm, anh Luyện và anh Truật thời điểm đó chưa về trung đoàn nên chỉ biết anh Hiệu qua lời kể trong sách “Một thời Quảng Trị”, tất nhiên từ năm 1972 các anh đã có mặt ở trung đoàn nếu tôi nhớ không sai thì anh Trần Đình Nhâm là đại đội trưởng, tiểu đoàn 3, anh Đinh Vương Luyện đại đội phó , tiểu đoiàn 2, anh Truật trung đội trưởng, trung đội vận tải của tiểu đoàn 2 mà tôi là tiểu tiểu đoàn trưởng, các anh đã được chứng kiến thời điểm đơn vị chuyển vào phòng ngự (tháng 7.1972) thì anh Hiệu không còn ở đơn vị nữa, vậy mà anh Hiệu vẫn nhận mình là trung đoàn trưởng, trung đoàn 27 chỉ huy chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị đấy, chẳng lẽ các anh cũng cho lời nói đó cũng đúng hay sao?
Nói về Lê Bá Dương đúng như trong lời nhận xét ở điểm C của biên bản thường trực Ban liên trung đoàn 27tại Thành Phố HCM…. “đối với Lê Bá Dương, anh em ghi nhận thành tích chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị rất xứng đáng là một bông hoa đẹp trong rừng hoa thành tích chiến đấu dũng cảm của trung đoàn 27. Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, sức khỏe yếu,bệnh tật hành hạ do vết thương tái phát nhưng Lê Bá Dương đã nhiề lần vận động đồng đội  trở lại chiến trường Quảng Trị thắp hương tri ân đồng đội đã nằm lại trên đất mẹ Quảng Trị thân thương. Điều đó đồng đội trung đoàn 27, thân nhân gia đình liệt sỹ và nhân dân, chính quyền địa phương các tĩnh ghi nhận..”
Khi đọc qua đoạn này có lẽ không những chỉ có tôi mà tất cả những đồng đội CCB trung đoàn 27 trong cả nước đều thấy tự hào có một đồng đội tuyệt vời như LBD, bởi vì qua 3 cuộc hành hương trở lại chiến trường xưa để thắp nén hương thơm kính viếng hương hồn đồng đội đã hy sinh nằm lại trên chiến trường Quảng Trị.
Có thể nói không có LBD thì không có các cuộc hành hương đó và chính có các cuộc hành hương đó thì mới có 600-700 đồng đội đang sống sau 40 năm mới được gặp lại nhau..tay bắt mặt mừng, đúng là “người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” như cuộc hành hương năm 2009.
Ban liên lạc CCB trung đoàn 27 tại Thành Phố Hồ Chí Minh và khu vực Miền Đông Nam Bộ chỉ mới thành lập được 8 tháng (tháng 2.2012) và cũng chỉ mới trực tiếp tham gia 1 cuộc hành hương”đưa quê hương vào cho đồng đội” tháng 4 năm 2012 và cũng chỉ với tư cách đại diện chỉ có 6 người tham gia mà thôi, nên khi nghĩ về LBD với những việc làm trước đó phần lớn anh em CCB ở khu vực miền đông Nam Bộ ít người được biết đến, chính vì vậy mà một số người cho răng LBD làm chẳng qua để chạy danh hiệu anh hùng LLVTND.
Là một người được biết và sống cùng LBD hơn 20 năm nay(sau hòa bình) tôi cho nhận xét đó không đúng với sự thật, bởi vì LBD có làm đơn đề nghị xét anh hùng là từ năm 2009 trở về trước, sau khi biết mình không được một số người có chức, có quyền ủng hộ, nhưng LBD vẫn vui vẻ và tiếp tục làm cái việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” để rồi có tiếp 2 cuộc hành hường năm 2010 và 2012 “đưa quê hương vào cho đồng đội” như các anh đã được chứng kiến, đồng đội vui mừng, nhân dân và chính quyền địa phương đón tiếp nồng hậu… Vậy thì không thể nói LBD vì  háo danh mà làm việc đó.
Còn chuyên mục “nhặt sạn” như tôi đã nói ở phần đầu, cuốn sách “Một thời Quảng Trị” của anh Nguyễn Huy Hiệu do có nhiều điểm sai như: sao chép nguyên văn nhiều trang trong cuốn lịch sử trung đoàn 27; kể chuyện không đúng sự thật của một số trận đánh, hư cấu và nhận cái tôi quá nhiều…nên buộc LBD phải lên tiếng và tất nhiên sẽ có những người thân quen với anh Hiệu sẽ không đồng tình, tôi nghĩ các anh cũng phải có chứng kiến của mình vì các anh cũng là người trong cuộc cái gì đúng thì ta công nhận, còn cái gì sai thì ta góp ý chứ không nên thấy anh Hiệu là thượng tướng rồi không dám nói ra những cái sai của thủ trưởng.
Mong rằng những lời bộc bạch này gửi đến các anh trong Ban liên lạc thường trực trung đoàn 27 tại TP-HCM và khu vực Miền Đông Nam Bộ có gì sai sót xin lưỡng thứ.
Chúc các anh luôn mạnh khỏe lãnh đạo hội, đoàn kết, đạt được mục đích, tôn chỉ của hội đề ra.
               Kính thư
       Dương Doãn Ngụ
------------------------------------
Sau một ngày đưa lên trang cá nhân để xin thêm ý kiến góp ý, giúp đỡ , tôi đã nhận được thêm một số ý kiến của anh em bạn bè, đồng đội. Trong đó, vào chiều 19/12, thêm một đồng đội thuộc lớp lính 72 gửi Comment. Nhưng do số từ vượt quá khuôn khổ của một comment...vì vậy tôi đã đưa thẳng lên trang cho liền mạch viết.
Xin trân trọng giới thiệu:
Thư gửi đồng đội trung đoàn 27.
Tôi là Đặng Quang Chính, sinh năm 1951, nhập ngũ ngày 27/4/1972 tại Hà Nội. Sau hơn hai tháng huấn luyện tại bãi Nai, Kỳ Sơn Hòa Bình, đến cuối tháng 9/1972 chúng tôi đã được bổ sung vào các tiểu đoàn của trung đoàn 27. Tôi được bổ sung vào A10 đại đôi 3 thuộc tiểu đoàn 3. Lúc đó chúng tôi còn đùa nhau rằng từ Hà Nội vào làm lính địa phương. Nhưng lúc đó chúng tôi đâu biết rằng, sau này, đó niền vinh dự và tự hào vô cùng vì đã may mắn được gia nhập một đợn vị có truyền thống vô cùng vẻ vang, một đơn vị có những con người đánh giặc không quản hy sinh gian khổ, những con người “ăn trong đạn ngủ trong bom”, những con người, dù đã nằm xuống. đã và vẫn làm nên những kỳ tích sáng chói, vẻ vang lẫm liệt cho TRUNG ĐOÀN 27 – ĐOÀN TRIỆU HẢI ANH HÙNG

Chiến tranh đã lùi xa, đã trở thành quá khứ, đã trở thành lịch sử bi hùng của cả một dân tộc. Và mỗi cá nhân chúng ta, những người “trong cuộc” làm sao quên được những tháng năm gian khổ mà hào hùng ấy. Chúng ta trân trọng từng chút, từng chút quá khứ đã làm nên lịch sử ấy của chính mỗi cá nhân chúng ta. Tất cả chúng ta đã vượt qua, đã chiến thắng chính mình để đứng vững, để vượt lên mọi đau thương, mất mát để làm nên lịch sử. Có thể nói mỗi chúng ta đã góp phần làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc. Đó là niềm TỰ HÀO là DANH DỰ của mỗi chúng ta.

Tôi bị thương và rời khỏi đơn vị sau khoảng 3 tháng tham gia chiến đấu, nên sau này, khi được đọc cuốn Lịch sử Trung đoàn 27, tôi đã đọc và đã biết và càng cảm phục hơn nữa những con người đã làm nên chiến thắng, đã làm nên cái tên ĐOÀN TRIỆU HẢI ANH HÙNG.

Thế rồi, tôi lại được đọc cuốn “MỘT THỜI QUẢNG TRỊ” của Thượng tướng, Tiến sỹ, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu. Khi cầm cuốn sách tôi thực sự xúc động vì cứ nghĩ đây là những trang tư liệu rất quí báu, rất chính xác, rất nghiêm túc của một vị TƯỚNG (cơ mà). Nhưng càng đọc tôi càng thấy hình như mình đã đọc cả rồi (thì phải)…
Có mấy điểm tôi rút ra được khi đọc cuốn “MỘT THỜI QUẢNG TRỊ”:
            Có quá nhiều đoạn rất giống trong cuốn Lịch sử trung đoàn 27 mà không thấy tác giả chú thích là trích ở đâu.
            Không hiểu làm thế nào mà ở bất kỳ trận đánh nào, ở bất kỳ tiểu đoàn nào, ở bất địa danh nào tác giả cũng có mặt tham chiến được. (về điều này tôi còn nhớ là tôi còn không biết các đại đội trong cùng tiểu đoàn của mình ở đâu thì làm sao có cùng lúc đánh khắp nơi được). Chắc là tác giả phải có khả năng gì đó rất phi phàm nên mới làm được chuyện đó và cũng nhờ đó mà lêm Tướng được chăng?
            Hình như Trung đoàn 27 từ đầu đến cuối chỉ có duy nhất MỘT TRUNG ĐOÀN TRƯỞNG? thế mà tôi lại được biết là mãi đến sau này khi đã qua “một thời Quảng Trị” tác giả mới chính thức là Trung đoàn trưởng. Vậy còn những tên của những Trung đoàn trưởng khác ở đâu rồi? Tác giả có một trí nhớ, có thể nói, RẤT DIỆU KỲ vì ông luôn dùng 2 từ “tôi nhớ”.
Làm sao có thể nhớ những gì mà ta mà ta không tham gia được nhỉ?
            Tại sao một người có quân hàm Tướng, lại có học hàm Tiến sỹ, chức danh Viện sỹ lại có thể sử dụng tài liệu tham khảo theo một cách mà không Tiến sỹ, Viện sỹ nào làm làm được cả? Khi tôi làm luận văn Thạc sỹ, tất cả tài liệu tham khảo đều được đánh dấu ngay tại đoạn trích dẫn tham khảo và ghi chú rất rõ nguồn trích dẫn. Ông là Tướng thật, nhưng liệu một mình ông có làm nên một quân đội không? Nếu Ông nói là có thì tôi hoàn toàn nhất trí rằng tất cả là của Ông.
Tôi được cha mẹ dạy dỗ từ nhỏ là “BIẾT ĐỦ TRONG LÒNG SẼ THANH THẢN VÀ LUÔN THẤY VUI VẺ HẠNH PHÚC – TRI TÚC TÂM THƯỜNG LẠC”. tôi đã sống như thế và quả thực rất thanh thản và đầy đủ chả thấy ham hố gì. Luôn đầy đủ trong những gì mình có. Ai có nhà lầu xe hơi là của ai đó đừng thấy thế mà cố tìm cách mang về cho mình. Cái gì của mình sẽ tự nó đến. không phải của mình dù có cố mang về nó cũng “đội nón” ra đi mà thôi. Đó chính là TRI TÚC – BIẾT ĐỦ.
Tôi cũng được đạy dỗ là: nếu làm được điều này “TỰ TRÍ” và “TỰ THẮNG” sẽ trở thành ANH HÙNG. Vì TỰ TRÍ LÀ ẠNH TỰ THẮNG LÀ HÙNG. Tự mình biết, dù rất uyên thâm cũng chữa đủ mà điều đặc biệt quan trọng là phải biết tự chiến thắng chính bản thân mình khi đó mới trở thành ANH HÙNG được. Tôi may mắn được biết một người như vậy. Tôi tự hào được là đồng đội của anh. Anh đã trở thành ANH HÙNG trong rất nhiều người chúng tôi. Một con người nhỏ bé những có tái tim lớn, tâm hồn trong sáng, và không dành bất cứ điều gì về cho mình cả.
 Anh hãy vững tin vào chúng tôi, chúng ta sẽ cùng nhau “VỖ YÊN BỜ MÃI MÃI NGÀN NĂM”
  Kính thư: CCB ĐẶNG QUANG CHÍNH 

---------------
>http://lebaduong.vnweblogs.com/

1 nhận xét: