Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

> Thảo nào, người ta chạy hết cách để LÀM QUAN

Bongbvth - Hàng loạt sự kiện gần đây cho thấy, ở Việt Namcó những lời “xin lỗi” đáng giá “tỉ vàng triệu ngọc”. Đó là lời xin lỗi phát ra từ "môi lưỡi đầy quyền lực” của các quan chức, các vị lãnh đạo. Có những vụ việc đã rõ “thanh thiên bạch nhật”, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho quốc gia, gây nên thiệt hại nặng nề cho cả nền kinh tế đất nước, ảnh hưởng lớn đến uy tín lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nhưng chỉ cần đằng hắng, dụi mắt, liếm môi cố nói ra hai từ “xin-lỗi”, thế là coi như mọi sự được nhanh chóng lướt qua, đủ giấy thông hành như lệnh bài vua ban ngày xưa  để được vô can, ra cửa có thể cười tự tin như mới thoát chết đuối vớ được tàu cánh ngầm loại tốc lực lớn siêu hạng rước đi. 

        Hôm qua, 8-11, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT, Gs. Đặng Hùng Võ, tình huống đã đến mức buộc phải vạch râu, nhếch mép nói với bà con Văn Giang hai từ “xin-lỗi”. Làm lãnh đạo sướng ở chỗ đó. Đối với họ, từ hiến pháp cho đến pháp luật, rồi cả cái mớ dưới luật như nghị định, thông tư, chỉ thị…chỉ cần hai chữ “xin-lỗi” mà thôi.

         Thảo nào, người ta cứ ráng sức, ráng công, ráng tiền, ráng quỳ lụy, chyạ chọt, đủ mọi thứ ráng…miễn là được làm lãnh đạo.

          Cứ làm bừa, làm liều, làm ẩu, lách luật, bơ pháp luật đi, gây ra những cảnh dân tình đói khổ, kêu oan gọi khốc, đánh nhau rối loạn, chết chóc, nhưng khi cần chỉ lựa lúc lựa chiều đưa cái thứ “hiến-luật pháp” ngắn gọn, loại “bìa X”  chỉ có hai từ “xin-lỗi”, thế là xong, ngon ơ, tỉnh bơ, tiếp tục “giương cao ngọn cờ”...T

             Người ta cũng nói nhiều đến “lợi dụng chức vụ quyền hạn, lợi dụng chỗ hở của pháp luật, lợi dụng lòng tốt…”. Thế nên, lợi dụng lòng tốt của nhân dân, lòng vị tha, dễ cho qua, không đánh “kẻ chạy lại”, các vị quan quyền của ta được nương nhờ vào lòng tốt ấy của người dân Việt, nên được thể làm liều. Vậy mà nhiều kẻ không thấu hiểu điều đó, khỏi vòng cong đuôi, qua cầu rút ván, hết nạn lại "lấy tiểu nhân đáp lại lòng nhân", lo trả thù.  Đức nhân hậu, lòng vị tha của dân được tác giả J.B Nguyễn Hữu Vinh viết: “Cuộc chiến giữ đất của người dân Văn Giang kéo dài đến 8 năm, ở đó đã có đầy đủ đoạn trường gian nan vất vả, có đạn dược và quân lính, có súng nổ và bạo lực rồi máu đổ. Ở đó cũng có tấm lòng người dân ba xã Xuân Quan, Cửu Cao, Phụng Công thuộc huyện Văn Giang muôn đời vẫn là người nông dân muốn giữ lại mảnh đất cha ông của mình đã bao đời kiến tạo và giữ gìn. (Thế mà)…Buổi gặp gỡ chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ, đã giải tỏa được khá nhiều vấn đề người dân ba xã nói chung và nhân dân cả nước nói chung mong đợi. Kết luận cuối cùng là Giáo sư Đặng Hùng Võ xin lỗi người nông dân Văn Giang. Và bà con nông dân Văn Giang vỗ tay".
               Dân ta vốn hiền lành chất phác, giàu dức hy sinh, giàu lòng vị tha vậy, sao mà các vị quan tham, các đại gia còn chứa trọng bụng đầy chất lưu manh lừa đảo lại nỡ đi cướp đất của dân, lại nỡ bắt bớ, đánh đập, trấn áp với  nhân dân để họ ngán sợ phải ngậm miệng chịu mất đất mất nhà,  để rồi hí hửng "sạch sành sanh vét cho đầy túi tham?".  Chỉ cần xin lỗi dân là thoát tội, lại còn được vỗ tay, lại đỡ tốn dung lượng, trang in của báo mạng, báo viết, thời lượng phát sóng, thế mà nhiều vị còn ngã giá kia đấy, không dễ dàng nói lời xin lỗi đâu, ấm ớ chờ dịp nếu đến mức thấy quá cần thiết mới tung chiêu "xin lỗi". Lời xin lỗi của các "quan phạm" quả là quý báu biết bao (?!).

         Xem ra, lời xin lỗi của Việt Nam có giá trị gấp triệu-triệu lần các nước trên thế giới.  Kiểu này, thế giới mà biết được "bảo bối" này thì quan quyền, lãnh đạo các nước chỉ cần học cách phát âm hai từ "xin lỗi" bằng tiếng Việt hẳn hoi là coi như vô cùng yên tâm vũng bước mà đi.

          Ôi, giá như các cháu thanh niên, sinh viên cho dẫu gì đi nữa mà đã bị đối xử mạnh tay, nặng hơn các vị - là bị công an bắt giam, tra hỏi, chỉ cần qua hai làn môi ngây thơ, duyên dáng "AI-EM XÓ -RỈ"  là coi như '"OK, very good!", được tha về cho đi học tiếp khỏi tàn đời hoa thì tuyệt vời biết bao nhiêu - (BVB)...

 

>> Ông Đặng Hùng Võ
'xin lỗi' người dân Văn Giang

              "Ở cương vị công tác của mình khi đó, không giám sát được để có những chệch choạc thì tôi chịu trách nhiệm. Những gì gây thất thoát cho bà con là lỗi của tôi", nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ nói trước người dân Văn Giang (Hưng Yên) chiều 8/11.
> Bộ Tài nguyên đối thoại với người dân Văn Giang/ Hơn 160 hộ dân Văn Giang bị cưỡng chế thu hồi đất
             Chiều 8/11, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ đã có cuộc đối thoại gần 3 giờ với đại diện người dân Văn Giang. Nội dung cuộc đối thoại xoay quanh việc 8 năm trước, khi còn đương chức, ông Võ đã ký hai tờ trình lên Thủ tướng, đề xuất thu hồi đất để xây dựng đường cao tốc nối Hưng Yên và Hà Nội qua cầu Thanh Trì và khu đô thị Văn Giang (huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên).
              Trong đó, ngày 29/6/2004, ông Đặng Hùng Võ thừa lệnh Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường ký tờ trình số 99 lên Thủ tướng. Trước đó một ngày, 28/4/2004, UBND tỉnh Hưng Yên có tờ trình về thu hồi, giao đất cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị thị Thương mại, du lịch Văn Giang và tuyến đường giao thông liên tỉnh Hưng Yên - Hà Nội (đoạn Văn Giang đến xã Dân Tiến, Khoái Châu).

Khoảng 30 người dân Văn Giang, luật sư đại diện cho người dân đối thoại với một mình ông Đặng Hùng Võ. Ảnh: Nguyễn Hưng.

               Người dân Văn Giang cho rằng, trong khi đất của họ chưa bị thu hồi thì đã giao cho nhà đầu tư. Tại buổi đối thoại, ông Võ chủ động đính chính: "Đây là tờ trình về thu hồi đất chứ không phải giao đất. Vì lúc đó cơ chế là không có giao đất (chỉ trừ trường hợp có một nhà đầu tư duy nhất, không qua đấu thầu) mà là đấu thầu, nên đáng ra đây là quyết định thu hồi đất để đấu giá".
                 Theo luật sư Trần Vũ Hải (được người dân Văn Giang thuê bảo vệ quyền lợi), bằng tờ trình, Bộ Tài nguyên Môi trường đã tham mưu sai. "Thẩm định quy hoạch sử dụng đất phải là Chính phủ. Chính phủ phải ra quyết định thu hồi đất, nên Bộ phải trình Chính phủ", luật sư Hải dẫn nghị định 66 năm 2001 của Chính phủ về thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai.
                 Đáp lại, ông Võ cho rằng, vì phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đều là quyết định, mà Chính phủ không có hình thức quyết định nên mới giao cho Thủ tướng. Điều này theo ông Võ là "thông lệ”.
                   Theo ông Võ, chủ trương gắn cầu Thanh Trì với các đầu đường mới, gắn với xây dựng cầu Thanh Trì ở thời điểm đó là chủ trương đúng. Đây là cũng là thời điểm giao giữa Luật đất đai cũ và mới nên "có cái theo luật cũ và có cái theo luật mới". Trong khi đó, Chính phủ chỉ đạo đường nối Hưng Yên với Hà Nội và đường quốc lộ 5B là 2 dự án trọng điểm...

Ông Võ nói lời xin lỗi người dân Văn Giang tại buổi đối thoại. Ảnh: Nguyễn Hưng.

               "Sở dĩ phải đẩy nhanh tiến độ vì là dự án trọng điểm. Khi cuộc sống cần thì không thể chờ luật. Tôi quan điểm như vậy khi đứng trước dự án dù bà con có thể cho rằng tôi sai. Đó là con đường chiến lược, mang lại lợi ích cho Hưng Yên, Hà Nội và ngay cho người dân Văn Giang", ông Võ giải thích.
               Nguyên Thứ trưởng Võ cho biết, khi ký trình ông đã cân nhắc kỹ, nếu dừng lại dự án sẽ phải chậm 1,5-2 năm vì phải làm lại từ đầu (theo Luật Đất đai 2003 có hiệu lực từ 1/7/2004). "Ký thì chắc chắn có điều tiếng. Nhưng nếu phân tích lịch trình toàn bộ như trên thì thấy hợp lý thôi", ông Võ nói.
               Liên quan tới việc ký quyết định giao đất ở thời điểm đó, ông Võ "công nhận là không đúng thẩm quyền, kể cả trường hợp có ủy quyền cũng không đúng pháp luật".
                 "Việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất mà không điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cũng là không đúng. Ở cương vị công tác của mình khi đó, tôi không giám sát được để có những chệch choạc thì tôi chịu trách nhiệm. Còn những cái gì gây thất thoát cho bà con thì là lỗi của tôi", ông Võ bộc bạch vào cuối buổi đối thoại khiến toàn bộ đại diện người dân Văn Giang vỗ tay.
               Tuy được tổ chức tại trụ sở cũ của Bộ Tài nguyên Môi trường (83 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) song không có đại diện nào của Bộ tham dự. Cuộc đối thoại nhiều lúc khá căng thẳng bởi những đối đáp qua lại giữa ông Võ, người dân và luật sư đại diện cho quyền lợi của người dân. Ông Võ cũng nhiều lúc lúng túng và mất thời gian để tìm tài liệu, dẫn chứng để trả lời trước các câu hỏi liên tiếp từ phía luật sư Hải và người dân.
               Dự án khu đô thị Văn Giang được Thủ tướng cho phép thực hiện, giao Công ty Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư. Ngày 30/6/2004, Thủ tướng có quyết định thu hồi, giao đất để thực hiện. Dự án có quy mô xấp xỉ 500 ha thuộc 3 xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang và 55 ha để làm đường giao thông liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên. Đây là dự án khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc với tổng vốn đầu tư ban đầu lên tới 6 tỷ USD.
                Sáng 24/4, UBND huyện Văn Giang đã thực hiện cưỡng chế 5,8 ha đất của 166 hộ tại xã Xuân Quan. Theo tỉnh Hưng Yên, khoảng 200 người đã chuẩn bị cuốc, xẻng, dao, liềm, gậy gộc, gạch đá, chai xăng chống lại lực lượng làm nhiệm vụ cưỡng chế. 19 người được cho là có hành vi quá khích, chống trả người thực thi nhiệm vụ đã bị tạm giữ trong ngày cưỡng chế.
 
Trao đổi với báo chí sau cuộc đối thoại, ông Đặng Hùng Võ cho biết: "Tôi vẫn đang cố gắng để người dân hiểu rằng cái trái thẩm quyền nó có hoàn cảnh. Nhưng người dân không muốn hiểu vì họ bức xúc quá, chẳng thể làm thế nào được. Chúng ta có thể thông cảm".
Sau cuộc đối thoại, ông Võ sẽ có kiến nghị gửi tới Bộ Tài nguyên Môi trường. "Trong giai đoạn ấy luật pháp về đất đai rất lơ mơ, có thể xây dựng luật thì chặt chẽ nhưng thực hiện hầu như các chính quyền địa phương mỗi nơi có một kiểu. Việc ưu tiên tôi cho là có lý do chính đáng, địa phương đang nghèo nàn như thế tự nhiên có nhà đầu tư đến, để họ chờ mãi thì không được. Nếu không ưu tiên thì người ta sẽ đi", ông Võ nói.

Nguyễn Hưng (VnE)
------------------
> Đọc thêm:
Nghệ thuật xin lỗi




* Xin lỗi càng sớm càng tốt
                   Nếu bạn đã biết hay làm điều gì sai, đừng để quá lâu rồi mới nói lời xin lỗi. Bạn không nên chần chừ hãy đợi đến lúc thích hợp mới xin lỗi mà phải nói ngay. Khi xin lỗi bạn không cần kiểu cách hay trau chuốt lời nói mà chỉ cần sự chân thành.



* Mặt đối mặt
                   Tùy theo từng hoàn cảnh nhưng nếu có thể, bạn nên xin lỗi mặt đối mặt là hay nhất. Nếu không bạn có thể dùng nhiều phương cách khác nhau như gọi điện thoại, viết mail, gởi hoa… Bằng cách này người bị tổn thương sẽ cảm thấy đỡ hơn rất nhiều do sự chân thành của bạn và do sự trung thực của bạn.

* Chân thành lắng nghe
                  Bạn đã làm điều lỗi với "đối phương", nay bạn chịu nhận lỗi và lắng nghe sự giận dữ một cách chân thành. Hãy để "đối phương" nói ra hết suy nghĩ, bực bội oán giận và rồi mọi thứ sẽ sớm được giải quyết. Bạn không nên mất kiên nhẫn khi nghe hay tỏ thái độ nóng lòng.

* Cử chỉ đẹp tiếp theo sau
                Nếu bạn nghĩ rằng việc gởi thiệp, hoa hay kẹo tiếp sau đó có thể giúp "đối phương" vui hơn… thì bạn cứ tiếp tục làm. Việc này có ý nghĩa hơn nếu bạn trực tiếp mang hoa, quà tặng đến cho họ.

* Không vội vàng
             Thật là khó để bắt "đối phương" chịu tha lỗi cho bạn ngay được vì nó còn tùy thuộc vào việc họ cảm thấy bị lỗi ít hay nhiều. Nó đòi hỏi phải có thời gian cho họ tha lỗi và quên đi. Bạn không nên tạo áp lực cho họ khi họ chưa thật sự sẵn sàng. Trong những khoảng thời gian này điều cần thiết ở bạn chính là sự chân thành. Bạn đã làm một điều sai vậy hãy chờ thời gian để chúng phai nhạt dần...
Công Sở
-------------------------------

3 nhận xét:

  1. "Xin lỗi" cũng như "Lời chào cao hơn cỗ", "Chín - thậm chí sáu, bảy - bỏ làm mười", v.v... mọi dân tộc khác trên thế giới đều thua hết VN.
    Chỉ cần mở miệng nói mấy câu đó thì nhân dân đại xá cho...

    Ấy vậy mà, có nhiều kẻ "chết đến đít vẫn còn cay" đâu có chịu nhớ (dù nằm lòng) những đạo lý ấy của Dân tộc mình.
    Họ còn mưu toan nhiều, nhiều, nhiều đến chết mới chịu buông.

    Một ông cựu quan xin lỗi Dân, thế là HÒA CẢ LÀNG được sao????

    Trả lờiXóa
  2. dân đen cay xè xè khi quan đái tè tè hai từ xin lỗi

    Trả lờiXóa
  3. Phát động Chỉnh đốn đảng từ thời tổng BT Lê Khả Phiêu cho đến nay thử xem được những gì cho dân. Học xong trước đây chi 2-5 triệu đồng con được vào biên chế thì nay chi tới 80-100 triệu đồng chưa ổn!... Ngày càng sinh ra nhiều dự án hại nước, hại dân.
    "Một bộ phận không nhỏ" có nghĩa là Hàng nghìn, Hàng vạn kẻ khoát áo đảng trong hàng ngũ lãnh đạo đang coi thường dân, coi thường pháp luật, Chúng đang ngày đêm đục khoét xương tủy của dân, Chúng đang thao túng, lũng đoạn xã hội VN, chúng sống rất đàng hoàng và "Phê" thật sự, thương yêu nhau trên tinh thần đồng chí "còn đảng còn mình".
    Nói 1 đường làm 1 nẻo ở bao giờ mới sửa được???

    Trả lờiXóa