Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

> NGƯỢC LẠI NGÀY XƯA

Quân giải phóng tại Mặt trận An Lộc
* MINH DIỆN
              Sở chỉ huy tiền phương công binh đóng ở ấp Xa Cam. Từ đây nghe rất rõ tiếng bom B52 đang dội xuống vùng phụ cận An Lộc.
Trung tá Đàm Huy Khúc, phó chủ nhiệm chính trị đi đi, lại lại trong lán chỉ huy giữa buổi chiều tháng Tư nắng như đổ lửa. Ông đang sốt ruột bởi  trung úy Huỳnh Thiện Hùng trốn mất từ đêm qua tới giờ, trong khi chính ủy Bảy Tòng liên tục gọi điện  hối thúc phải tìm bằng được viên trung úy Hùng.
            Ông Phó chủ nhiệm chính trị họ Đàm này quê Hưng Yên, người nhỏ nhắn, hiền lành như cục đất, chúng tôi gọi thân mật là “cụ Khúc”, hôm nay đã mấy lần  nổi quạu cả với tay thượng sỹ văn thư mà “cụ” thường bố bố, con con chỉ vì cái tay trung úy bỏ trốn. Không hiểu vì sao, từ Tư lệnh Mười Thọ đến chính ủy Bảy Tòng  đều quan tâm đến tay trung úy bảnh trai đến thế? Ở cái cơ quan tương đương cấp sư này, loại trung úy như hắn lấy đấu mà đong không hết! Vậy   mấy ông thủ trưởng cứ cuống lên, như  lo cho vị tướng không bằng!
           Huỳnh Thiện Hùng mới về Phòng chính trị đúng năm ngày. Công bằng mà nói, tay trung úy này “chơi được”. Ngay hôm mới về cơ quan, hắn đã sà vào bàn cờ tướng,  khi tôi và đại úy Nguyễn Trọng San đang quyết ăn thua nhau. Nhờ Hùng mách nước pháo trống, tôi đã hạ gục đại úy San, làm cho lão tức điên lên, hất tung bàn cờ ra sân.
         Thế rồi hôm sau, Hùng lại chơi một cú táo bạo hơn. Chả biết hắn moi ở đâu được một bánh TNT, có cả kíp nổ, dây cháy chậm đàng hoàng. Giữa trưa hắn nháy tôi và Hữu Đượi ra sông Sài Gòn. Hắn cởi quần áo, chui rúc vào tận cái hóc bà tó, cây cối rậm rạp, nước soáy sâu hun hút, rồi châm giây cháy chậm, ném bánh TNT xuống.
          - Uuỵch!
           Một tiếng nổ  dội lên,  một cột nước bùng lên theo . Và trời đất ơi, mặt sông ngầu bọt, trắng xóa toàn cá là cá. Ba thằng  nhảy ào xuống, ôm được con này tuột mất con kia.
           Bỗng “đoàng, đoàng, đoàng!” ba phát súng nổ chói tai, và ba tay vệ binh  binh xuất hiện. Thế là bỏ mẹ rồi! Nội quy cấm đánh cá, săn bắn  trong phạm vi Bộ tư lệnh đóng quân. Trợ lý câu lạc bộ Nguyễn Hữu Đượi mặt tái mét như gà cắt tiết. bảo tôi:
             - Ông Minh Diện ơi! Phen này kỷ luật rồi!
             - Cảnh cáo hay đẩy ra phía trướcc? - Tôi hỏi.
             - Cành cáo và đẩy ra phía trước là cái chắc! - Đượi nhăn nhó.
Tôi cũng nghĩ như Đượi, vì chúng tôi vi phạm kỷ luật rõ ràng rồi. Hơn nữa quan hệ giữa bên  tham mưu và chính trị vốn cơm chằng lành canh chẳng ngọt. Chả hiểu sao cái ông Tham mưu trưởng Trần Sỹ, quê “xứ bọ” lại “canh xi-bo” với ông Chủ nhiệm chính trị  người “Quảng Nơm” bên tôi đến thế. Hai người  cứ gằm ghè nhau như chó với mèo, chỉ rình sơ hở của nhau là choảng. Nhiều phen chính ủy Bảy Tòng và tư lệnh Mười Thọ phài làm tổ chức hòa đàm “cuộc chiến tranh” giữa Tham mưu và Chủ nhiệm chính trị bởi bên nào cũng cho mình là đúng.
 
              Thấy tôi và Hữu Đượi lo lắng, trung úy Hùng nói:
             - Hai ông đừng lo, việc này tôi làm tôi chịu!
              Tôi nói :
             - Đừng anh hùng rơm! Ông mới về không biết, Trần Sỹ mặt sắt đen xì,  thế nào đâu?
              Hùng cười:
             - Các ông cứ nói tôi rủ các ông đi, tội lỗi đâu tôi chịu!
              Nghe Hùng nói thế nhưng tôi và Đượi vẫn run từ trong ruột run ra. Chúng tôi thương lượng với ba tay vệ binh,  cho chúng nó ba con cá chép to nhất, với điều kiện để chúng tôi mặc quần áo lại đàng hoàng, và nói  dối ông Trần Sỹ là chỉ có một mình Hùng đánh cá, nhưng ba thằng vệ binh ác ôn nhất quyết không chịu ăn hối lộ. Thế là cả ba thằng trần như nhộng vác hơn chục con cá vào phòng Tham mưu trưởng.
            Lúc đó Trần Sỹ đang quay mặt vào tường xem bản đồ. Nghe vệ binh báo cao ông thét:
           - Sỹ quan mà vô kỷ luật thế à? Giam cổ chúng nó lại!?
           Ông ném cái thước xuống bàn quay ra nhìn chúng tôi. Thật kỳ lạ, mặt ông như cục tham hồng được xối nước, từ sát khí đằng đằng bỗng dịu xuống. Tham mưu trưởng trợn mắt nhìn chúng tôi nhưng nói xí xóa :
           - Thôi các anh cút ngay cho khuất mắt tôi! Cút!
            Chúng tôi chả hiểu sao gió xoay chiều đột ngột như vậy. Tôi và Hữu Đượi vội vã chạy.  Được mấy bước Tham mưu trưởng nói với theo:
             - Chia cá cho các bếp nghe chưa? Quân mất dạy!
              Chưa bao giờ tôi bị chửi mà khoái thế! Rõ ràng có cái gì bí mật bao quang tay trung úy Hùng này đây? Nhưng tôi hỏi hắn chỉ cười khành khạch phô cái răng khểnh đáng ghét. Tôi còn phát hiện Hùng kẻ chữ và vẽ cực đẹp, vẽ có nghề, vẽ bài bản chứ không phải tay ngang như  tôi. Không hiểu hắn con nhà ai học hành thế nào  mà dáng vẻ vừa trí thức vửa bụi bặm, mà Tham mưu trưởng Trần Sỹ  bỏ qua cho cái tội tày đình?
            Tôi chưa kịp điều tra thì hôm qua, trong cuộc họp phòng, Hùng  đề nghị Chủ nhiệm chính trị trả anh ta về đơn vị chiến đấu. Chủ nhiệm chính trị không đồng ý,  nửa đêm hắn bỏ trốn.
                              Ông Huỳnh Tấn Phát    
                             
              Lại có chuông điện thoại réo. Trung tá Đàm Huy Khúc trả lời người đầu giây bên kia, chắc  là Chinh ủy Bảy Tòng:
              - Báo cáo anh Bảy, có lẽ nó xuống D27 !  Hiện  tại D27 hiện nay đang mất liên lạc. Tôi đã yêu cầu bên tham mưu cử một tổ trinh sát xuống rồi.
                Ông  Đàm Huy Khúc buông máy nói với tôi:
             - Nó mà chết thì không biết ăn nói sao với ông Huỳnh Tấn Phát!
                 Nghe ông Khúc nói tôi giật mình, tưởng nghe lầm, vội hỏi:
                - Phát nào cụ? Có phải Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát?
                Phó chủ nhiệm chính trị gật đầu :
               - Thằng Hùng là con trai của ông Huỳnh Tấn Phát!
                Thảo nào từ Tư lệnh Mười Thọ, Chính ủy Bảy Tòng đến Chủ nhiệm chính trì Tám Tường lo cuống lên!
                Phó chủ nhiệm chính trị Đàm Huy Khúc cho tôi biết, ông Huỳnh Tấn Phát có hai người con, một trai một gái. Con trai là Huỳnh Thiện Hùng, con gái là Huỳnh Lan Khanh. Huỳnh Thiện Hùng tốt nghiệp kỹ sư kiến trúc tại Hà Nội, còn Lan Khanh ở với mẹ trong Sài Gòn, tham gia phong trào sinh viên học sinh.  Bà Nga, vợ ông Huỳnh Tấn Phát hoạt động bí mật trong Ban trí vận Trung ương Cục. Để chuẩn bị chiến dịch Mậu Thân 1968, bà ra R công tác, sau đó Lan Khanh ra thăm cha mẹ. Trước khí thế chuẩn bị Tổng tấn công, Lan Khanh ở lại  luôn. Trong một lần đi công tác, Lan Khanh lọt vào ổ phục kích, bị bắt. Chúng đưa Lan Khanh lên máy bay trực thăng, đưa loa phóng thanh, bắt Lan Khanh công khai là con của Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát, và kêu gọi bộ đội về hồi chánh. Lan Khanh  chấp nhận hy sinh, không đầu hàng, không  bán rẻ danh dự bản thân và gia đình. Cô đã  nhảy từ trên máy bay xuống trảng lớn Tây Ninh, hy sinh khi mới 19 tuổi. Huỳnh Thiện Hùng là kỹ sư kiến trúc, nghe tin em gái hy sinh, dứt khoát xin  nhập ngũ, vào chiến trường. Cấp trên bố trí Hùng về Phòng chính trị Bộ tư lệnh công binh , nhưng Hùng liên tục bỏ trốn xuống đơn vị chiến đấu.
                  Phó Chủ nhiệm chính trị nói với tôi:
               - Vợ chồng Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đã lớn tuổi, có hai người con, một đã hy sinh, bấy giờ mà thằng Hùng xảy ra chuyện gì thì thiệt thòi cho ông bà ấy quá.
                  Ngừng một lát ông Khúc nói thêm:
                - Thằng Hùng  tìm mọi cách xuống đơn vị chiến đấu. Cái bận nó rủ mày với thằng Đượi đánh cá là cố tình vi phạm kỷ luật để  xuống đơn vị đấy. Không cho nó đi, giờ nó trốn!
                Trung tá Đàm Huy Khúc ra lệnh cho thiếu tá Nguyễn Danh Giảng theo dõi tiếp việc tìm kiếm trung úy Huỳnh Thiện Hùng, rồi kéo tôi đi theo, dự cuộc giao ban mặt trận An Lộc.
               Hôm đó là ngày 21-5-1972, tôi được nghe các cán bộ chỉ huy tóm tắt tình hình chiến sự mặt trận An Lộc như sau:
       - Sau khi chi khu Lộc Ninh bị thất thủ ngày 7-4-1972,  quân đội Việt Nam cộng hòa bỏ Lộc Ninh về cố thủ An Lộc. Lực lượng cố thủ tại đây gồm Sư đoàn 5 bộ binh,  Lữ đoàn biệt động số 3,  Lữ đoàn dù số 4, Liên đoàn nhân dân tự vệ và các đơn vị xe tăng, pháo binh, trực thăng. Về phía ta có các Sư 9, 5, 7 lữ đoàn xe tăng, công binh và một số đơn vị pháo mặt đất, pháo phòng không, kể cả tên lửa tầm nhiệt tham gia mặt trận này. Đối phương  coi An Lộc là tuyến  phòng thủ hết sức quan trọng , vì An Lộc chỉ cách Thủ Đô Sài Gòn đúng 100 km . Nếu phòng tuyến Tây Bắc này bị chọc thủng thì Sài Gòn sớm muộn sẽ thất thủ. Về phía ta, đây là  mặt trân quan trong nhất trong chiến dịch Nguyễn Huệ.  Sau khi đã giải phóng hàng loạt căn cứ quan trọng như Xa Mát, Thiện Ngôn, Hoa Lư, Lộc Ninh, Bù Đốp, nếu giải phóng được An Lộc sẽ tạo ra một vành đai rộng lớn bao vây Sài Gòn.  Mặt trân An Lộc còn  là nơi ta thực hiện tác chiến hợp đồng binh chủng  làm tiển đề cho sau này. Bởi hai bên đều quyết tâm như vậy nên An Lộc chả khác gì một “Hỏa Diệm Sơn” trong  mùa hè đỏ lửa.
             Ngày 11-4-1972, Sư đoàn 9 bất ngờ tấn công vào thị xã An Lộc. Đối phương bị bất ngờ trước sức tấn công như vũ bão của quân ta. Nửa đêm hôm ấy, tin chiến thắng An Lộc (Bình Long) đã truyền đi khắp nơi. Hôm sau tại Pari, bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tuyên bố sẽ lấy Bình Long làm Thủ Đô của Chính phủ CMLT Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
             Nhưng ngay trong đêm 11-4-1972, đối phương đã tổ chức phản công rất quyết liệt. Đến trưa hôm sau thỉ đánh bật ta ra khỏi thị xã. Từ hôm đó cứ trung bình ba ngày ta tổ chức một đợt  tấn công, nhưng không làm chủ được thành phố. Cuộc đấu súng giằng co đẫm máu, liên tục gây tổn thất cho cả hai phía.
              Ngày 12-5-1972 ta tổ chức đợt tấn công dữ dội nhất. Bắt bắt đầu bằng cuộc mưa pháo vào các vị trí xung yếu của đối phương, sau đó bộ binh chia thành 6 hướng có xe tăng yểm trợ tiến vào thành phố. Ta vấp phải sức kháng cự vô cùng quyết liệt. Đối phương  dựa vào hầm ngầm, các cao ốc,  giao thông hào kiên cố xạ kích rất chính xác. Đặc biệt  lực lượng nhân dân tự vệ  thông thạo địa hình nên hoàn toàn chủ động trong tác chiến. Trước kia đối phương chỉ dùng súng M72 bắn xe tăng của ta, bây giờ họ dùng cả súng B4O, B41 thu được của ta nên nhiều xe M41 của ta bị bắn cháy.
                                                        Thị trấn An Lộc hiện  nay
               Quân ta không quen thuộc thành phố, chưa thành thục hợp đồng tác chiến, bị mất thế chủ động. Hôm đó, cuộc chiến đấu giằng co, quyết liệt và đẫm máu kéo dài suốt hàng chục tiếng đồng hồ, giành giựt nhau từng tấc đất trước khu chợ Bình Long, xác lính cả hai bên chất chồng lên nhau. Cuối cùng  ta phải rút ra. Từ hôm đỏ Bộ chỉ huy mặt trận An Lộc quyết định chuyển từ hình thức tấn công sang vây ép.
             Các đơn vị cùa ta bao vây bốn phía thị xã An Lộc. Quân lực Việt Nam cộng hòa cố thủ trong thị xã đã biến thành đống gạch vụn. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu  đáp máy bay trực thăng xuống thị xã An Lộc úy lạo chiến sỹ và thiếu tướng Lê Văn Hưng tuyên bố “Ngày nào tôi còn thì An Lộc còn”. Để giữ bằng được vị trí tối quan trọng này,  Mỹ đã sừ dụng tối đa lực lượng trực thăng vận, không vận  đổ quân, thả dù vũ khí, lương thực, thực phầm cho binh lính của tướng Lê Văn Hưng, đồng thời dùng B52 oanh kích như nêm cối chung quanh An Lộc nhằm hùy diệt  các lực lượng của ta đang bao vậy thị xã này.
              Trong cuộc giao ban có rất nhiểu vấn đề quan trọng khác mà các cán bộ chì huy bàn bạc, tôi chỉ là một anh trung úy quèn  không có đù khả năng khái quát.
             Ông Đàm Huy Khúc nói với tôi:
               - An Lộc chẳng khác gì Điện Biên Phủ. Địch cũng phải dùng máy bay thả dù và  dù bay vào trận địa của ta. Nhưng  Mỹ nó nhiều hàng, nhiều máy bay nên bọn trong thị xã cố thủ lâu dài được, không như Điện Biên Phủ…
                Họp giao ban xong, trung tá Đàm Huy Khúc bảo tôi:
               - Mày  xuống  D27 xem thằng Hùng có đó không? Và nắm tình hình dưới đơn vị  thế nào?
               Ông dúi cho tôi mấy thanh lương khô 702, và nói thêm:
              - Nghe nói hôm qua có hai đứa chiêu hồi, bảo anh Hựu làm công tác tư tưởng cho anh em!
              Bấy giờ đã hơn  mười giờ, trời càng nắng gay gắt, tôi theo con đừơng mòn, tránh những trọng điểm địch thường oanh kích. Năm giờ chiều  tôi mới tới  chỉ huy sở của tiểu đoàn.
              Tiểu đoàn trường Lê Văn Doanh và các các cán bộ khác đã xuống các đại đội, chỉ còn chính trị viên trưởng Nguyễn Văn Hựu và mấy chiến sỹ ở lại chỉ huy sở.
             Đại úy Hựu quê Thanh Hóa, người thấp lùn, da đen, bị bệnh đau dạ dày kinh niên nên lúc nào cũng nhăn nhăn nhó nhó. Anh đi bộ đội từ năm 1950, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, bị thương cụt hai ngón tay, năm 1965,  đi B với cấp bậc trung úy, chính trị viên đại đội, bây giờ lên đại úy, chính trị viên tiểu đoàn.
           Mới tháng trước, chuẩn bị vào chiến dịch,  gặp Hựu ở Lộc Ninh,  thấy anh còn mập mạp, tóc mới chớm muối tiêu,  hôm nay trông quắt lại, mặt đen sạm tóc bạc trắng. Tôi hỏi:
            - Cái bệnh dạ dày nó hành ông dữ lắm à?
            - Đếch phải! Mày cứ ở đây một đêm khắc biết!
             Đại úy Hựu cho biết trung bình mỗi ngày bọn anh xơi chục trận B52. Nhiều hôm không nấu được miếng cơm mà ăn vì hết đợt bom này đến đợt bom khác. Đơn vị phải bảo đảm các tuyến đường xung yếu bao vây An Lộc nên không được nghỉ lấy một giờ đồng hồ trọn ven. Hết một đợt bom người chết chua kịp chôn,  người sống lại lao đi lấp hố bom mở mở đường. Rồi còn phải chăn đánh bon biệt kích nống ra. Hơn một tháng qua mỗi đại đôi thương vong hết một phần ba quân  số .
             Tôi hỏi:
            - Trung úy Hùng có xuống đây không?
             Anh Hựu nói:
             - Nó về đại đội 4 rồi. Mới đi xong! Thằng Khuể bị thương nặng, tao phân công nó thay thằng Khuể.
              - Ông  có biết tay  Hùng thế nào không?
             - Nó là trợ lý chính trị chứ gì?
             - Bố ơi, tay Huỳnh Thiện Hùng là con trai duy nhất của ông Huỳnh Tấn Phát đấy. Nó trốn xuống đây làm các bố trên Bộ tư lệnh đang cuống lên kia kìa!
             Đại úy Hựu bóp bụng cười hinh hích:
           - Tao đếch biết nó con ai, đơn vị đang cần ngưởi, thấy nó là vơ liền.
           - Nhưng chính nó bảo ông Tám Tường cử xuống?             
             - Thằng này bố láo thật!
            Nghe như có tiếng gió rít trên đầu, Hựu nói với tôi:
            - Thằng F105 lại đi đo gió đấy! Đêm nay nó chần ra bã cho mà xem.
            Tôi hỏi:
             - Đo gió là thế nào?
             Ông Hựu nói:
            - Mày vào chiến trường mấy năm rồi mà đéo biết à?Thằng B52 muốn ném bom ở tọa độ nào, là phải biết thời tiết khu vực đó ra sao, gió máy thế nào, thì mới ném bom chính xác, vì nó bay tít trện cao cắt bom, chứ có bổ nhào như bọn phản lực đâu. Thế nên  nó phải nhờ thằng F105 bay ngang bay dọc đo gió trước, xem  tốc độ gió thế nào mà cắt bom hiểu chưa? Nhờ thằng F105 đi đo  gió mình biết B52 sắp oanh kích ở đâu  mà chuồn,  nên đỡ thương vong đấy nhà báo ạ!
              Đúng như đại úy Hựu nói  sau khi F105 đo gió hai giờ đồng hồ là máy bay B52 oanh kích hết đợt này đến đợt khác. Căn hầm chữ A  chao đảo, lắc lư như đánh võng. Có lúc nó trồi lên, lúc tụt xuống, như vỡ toác ra từng mảnh, đất cát rơi xuống rào rào. Mặt đất  rung lên bần bật, cuộn xoáy như sóng biển khiến  máu trong người  tôi  muốn ứa ra.  Lúc đầu  tôi nghe tiếng bom nổ, sau  chỉ còn cảm giác như có tiếng uỳnh uỵch chung quanh mình. Tai  tôi đã điếc đặc, mắt cay xè, nhức buốt vì bụi đất và khói bom, nhìn chung quanh chỉ thấy lờ mờ như ảo ảnh.

               An Lộc mùa hè đỏ lửa 1972,
trận chiến quyết liệt suốt 93 ngày đêm
 
             Hết một đợt bom tôi chui lên khỏi hầm thấy đất bị cày xới tung lên, cây rừng gãy đổ ngổn ngang, xơ tướp, gốc chổng lên trời ngọn cắm xuống đất, chỗ này khói đen, chỗ kia lửa cháy hừng hực, những hố bom sâu hoáy phun nước đỏ ngầu như máu, réo sôi ùng ục.
              Đại úy Hựu quay điện thoại xuống các đại đội nắm tình hình. Nghe xong, anh nói với tôi:
           - Có hai đứa bị đất vùi qua loa thôi mày ơi! Uống trà đi?
           Hựu lấy cái bình toong đun nước rồi cho nguyên gói trà Củ Măng vào Ăng gô,  sau đó chụp bình toong nước vào. Anh làm một cách bình tĩnh thành thạo, như công việc cùa anh chỉ có như vậy thôi. Tôi trải miếng vải dù xuống nền hầm, bẻ phong lương khô ông Khúc cho lúc sáng ra từng miếng nhỏ, nhấm nháp với  Hựu và mấy chiến sỹ. Nhìn một đại úy trải qua hai cuộc chiến tranh, bình thản trước bom đạn và cái chết như việc pha một bình trà, mà phải bạc tóc ở nơi đây mới hiểu nó ác liệt thế nào? Cũng từ chỗ này, tôi nghĩ đến viên trung úy con trai ông Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát. Anh ta có rất nhiều lợi thế để được đưa ra Hà Nội sinh sống và học tập, đi Liên Xô, các nước Đông Âu, có thể ngồi ở bất kỳ một giảng đường Đại học nào, du học ở bất nước nào, hay làm bất kỳ công việc gì nhàn nhã, an toàn ở Thủ đô Hà Nội, chẳng ai  so bì tị nạnh với anh ta.
              Nhưng "hoàng tử" Huỳnh Thiện Hùng đã tình nguyện vào chiến trường, chấp nhận làm người lính ở nơi mặt trận khốc liệt, sống hòa nhập đầy nhiệt huyết và dũng khí, cùng đồng cam cộng khổ, chia lửa với đồng đội. 
               Một đợt bom B52 nữa. Rồi một đợt nữa!
               Khoàng chín giờ thì những đợt ném bom tạm ngưng.
         Tôi và đại úy Hựu vẫn ngồi uống trà chờ những đợt bom tiếp theo.
            Hựu mở radio nghe tin tức và cất tiếng cười khành khạch  khi đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin Thanh Hóa đang xây dựng lại cầu Hàm Rồng. Đến tiết mục tiếng thơ,  nghe chị Linh Nhâm ngâm một bài thơ, đến bây giờ tôi còn nhớ loámg thoáng mấy câu như sau:

               … Anh Bé vươn mình xác hóa vạn đài hoa!
                    Thuyền em chở cam vàng và bưởi ngọt.
                    Mùa ô môi hoa nở thắm dòng kinh.
                    Em có nghe lời ca bất khuất
                    Sóng trào lên nghe lúa kể ân tình?

          Sở dĩ tôi nhớ mấy câu thơ đó, vì không hiểu sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay bộ máy chiến tranh tâm lý của phía bên kia đáp lại, mà ngay sau khi tiết mục tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt Nam chấm dứt, thì đài Sài Gòn phát chương trình chiêu hồi. Họ phát đi phát lại tiếng nói của Nguyễn Văn Bé, anh ta nói anh không đập quả mìn chống tăng làm chết mấy chục tên lính Mỹ, mà anh ta đã chiêu hồi theo “chính nghĩa quốc gia” sau khi bị bắt.
              Sự trái ngược về Nguyễn Văn Bé đêm ấy làm tôi băn khoăn, tưởng tai mình bị ù do bom B52 nên nghe nhầm. Mới đây nhiều nguồn tin nêu ra sự mập mờ trong việc tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang cho Liệt sỹ Nguyễn Văn Bé, khiến tôi càng băn khoăn. Khi đó nhiều tờ báo có bình luận: "Đây là cú lừa ngoạn mục nhằm tâm lý chiến của Việt Nam cộng hòa đã làm cho Việt Cộng mắc mưu". Vừa qua, tôi đến thị xã Xuân Lộc, thấy người ta đã thay tên đường Nguyễn Văn Bé thành  đường Hồ Thị Hương, tôi nghĩ mình không lầm trong cái đêm nghe tiếng thơ trong những trận bom B52, cách đây 41 năm.
         Về trung úy Huỳnh Thiện Hùng, sau đó tôi gặp lại anh ở Bộ tư lệnh công binh B2, và sau ngày giài phóng tôi được dự đám cưới của anh với một nữ y sỹ cũng là lính công binh. Bây giờ nghe nói ông Huỳnh Thiện Hùng là cựu chiến binh ở tình Bình Phước, chứ không phải biệt thự cao sang ở Hà thành hay Sài thành... (Nếu ông đọc mẩu hồi ức này có chỗ nào chưa đúng mong ông tha thứ).
 

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận
Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (bên phải) trao tặng cờ cho Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam với dòng chữ
 “PHỤC VỤ QUÊN MÌNH - ANH DŨNG XUNG PHONG, LẬP CÔNG VẺ VANG” tại chiến trường miền Đông Nam bộ. Ảnh TL.
 
             Điều cần ghi nhận là suốt cuộc đời gian nan chiến đấu vào sống ra chết, Huỳnh Thiện Hùng không hề dựa dẫm, nép bóng, ỷ thế người cha, không hề cơ hội, trục lợi. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch Chính phủ CMLTCH miền Nam Việt Nam, sau giải phóng 4-1975 ông ra Hà Nội giữ các cương vị quan trọng như: Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông mất ngày 30-9-1989, thọ 76 tuổi.
                Chiến tranh và hòa bình là hai cặp phạm trù đối nghịch nhau. Nhưng chiến tranh Việt Nam đã và đang còn là tấm gương, là bài học đề chúng ta soi rọi và chiêm nghiệm, vì đảng Cộng sản Việt Namlãnh đạo cuộc chiến tranh hiện đang độc quyền lãnh đạo đất nước. Cùng một đảng lãnh đạo, cũng là con ông cháu cha, sao trong chiến tranh có những người con của một vị Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát và nhiều vị lãnh đạo khác có tâm có tài, tích dày công đức, quyền lực đầy mình nhưng không vì thế mà chọn những nơi "ngồi mát ăn bát vàng" cho con, cho cháu. Thời ở mặt trận An Lộc, tôi cứ suy nghĩ: Những "hoàng tử, cậu ấm, công chúa, cô chiêu" như Huỳnh Lan Khanh, Huỳnh Thiện Hùng đã và sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình tỏ rõ khí phách người Việt anh hùng. Họ thực sự vì đảng vì dân.
            Thế mà, nay có không ít những  ông bố, bà mẹ  quyền cao, chức trọng  lại không  biết xấu hổ, làm ngược lại những tấm gương cách mạng tiền bối, chỉ tìm mọi cơ hội sắp xếp cho con cháu mình những vị trí mà bản thân chúng không xứng đáng?
            Và, chiến  tranh chỉ có một Nguyễn Văn Bé, kẻ chiêu hồi biến thành Anh hùng, chả nhẽ bốn mươi năm sau, lại để "một bộ phận không nhỏ suy thoái tư tưởng đạo đức" hay nói một cách hình ảnh là “cả bầy sâu” chui vào bộ máy lãnh đạo của Đảng ta ư? Đó không chỉ là câu hỏi của riêng tôi, mà của những người còn sống, cả những người đã ngã xuống trong mùa hè đỏ lửa ở An Lộc bốn mươi một năm trước. Từ người lãnh đạo, chỉ huy đến người lính trên chiến trường An Lộc năm xưa là thế; còn nay thì ngược lại, họ mang cả chức quyền, danh dự, lòng tự trọng ra để thế chấp, kể cả đánh đổi uy tín, danh dự, miễn là "vinh thân, phì gia" kệ cha thiên hạ! Sự vô cảm, thực dụng, đầu óc nặng trĩu chủ nghĩa cá nhân thường làm người ta mờ mắt, bất chấp, bỏ ngoài tai mọi lời phê phán, di nghị, đàm tiếu. Biết đâu, họ lại tự hào và cho đó là cái tài của họ, là bản lĩnh, là sự phát tiết năng lực trí khôn, là "nhựa sống" của phương pháp hiện đại "hy sinh đời bố, củng cố đời con"? Hừ, đời đang đổ đốn, biết đâu đấy!
M.D
------------------------------------

> Bài liên quan:

* Bùi Văn Bồng

CÔNG THỨC NHÂN SỰ 20 C  

Con hãy ráng lên giữ chức quyền
Cháu lo chạy chức nhớ “đầu tiên”
Các bác, các cô tình thân cả
Cụ nói vài câu giúp được liền
Cả chuyện nhà cửa xen bổng lộc
Cần biết khéo khôn chớ bỏ qua
Chăm lo cái chức cho bền vững
Chút hớ hênh thôi sẽ phiền hà
Coi tìm kẻ hở chui luật pháp
hội đến tay phải giật nhanh
Cấu đây một mớ kia một mớ
Chọn đối tác “xôm” mới tiến hành
Chỗ đứng rất cần cho đánh quả
Cho tiền những chỗ đáng bịt che
Chúng nó có gan đòi kiểm túi
cụ đây rồi dám máu me
Cái quyền cái chức lo bền vững
Chức vị ăn thua biết lót lo
Chủ chi cân đối đừng va đụng
Chốt được giàu sang tỉ phú… khò.
                                                                            B.V.B
                                         
* Ghi chú: Đọc những chữ đầu câu, thành “Công thức nhân sự 20 C”:

Con Cháu Các Cụ Cả, Cần Chăm Chút, Coi Cơ Cấu, Chọn Chỗ Cho Chúng Có Cái Chức Chủ Chốt.
---------------
 

6 nhận xét:

  1. Ngày xưa đi làm cách mạng với động cơ tất cả vì dân vì nước, vì nhân dân quên mình...; còn nay, các vị lãnh đạo lại muốn cả nước, toàn dân phải lo cho mình, vợ con gia đình mình, cả bồ bịch của họ nữa. "Ông chủ" phải lăn ra làm, nhịn miệng nhin măc, nhịn thuôc thang để dồn của cải nuôi mập "đầy tớ"

    Trả lờiXóa
  2. Bây giờ mới biết cụ Huỳnh Tấn Phát có người con gái anh hùng như vây và người con trai có nhân cách như thế. Những ngưới nhu vậy bây giò không cón nũa rối mà chỉ thấy kẻ ám danh hám lợi, nếu Đảng không ra tay để cho sâu bọ đục khoét thì máu xương của những người như cô Lan Khanh uổng phí mất thôi( Hồi CCB HÀ NÔI)

    Trả lờiXóa
  3. Rất chân thành và sâu sắc. Cám ơn bác Bồng bác Diên -những người lính thật sự

    Trả lờiXóa
  4. Mỗi thời một khác ông ơi
    Ngày nay các vị con trời khác xưa
    Ngày nay quan tham có thừa
    Nhân tân đạo lý thớt thưa lắm rồi
    Nghĩ mà buồn lắm bác ơi
    Mong sao ngày mới đất trời đổi thay

    Trả lờiXóa
  5. Bác 8 Chí còn 1 trai là Huỳnh Minh Tuấn còn gọi Tuấn ôn, và một gái là Huỳnh Thị Thảo.

    nguoi SG

    Trả lờiXóa
  6. Không biết ông Nguyễn Tấn Dũng, Nông Đúc Mạnh, Nguyễn Văn Chi, Nguyễn Sinh Hùng có bđọc bài này không nhỉ?

    Trả lờiXóa