Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

> LÃO XẨM VỈA HÈ

Đền Đức Vua (Thái Bình)
  *  Minh Diện
                Lão ngồi ngay hè phố, dưới gốc cây bàng, đầu đội mũ cối, mặc bộ quân phục Thu Đông cũ nhàu, bạc phếch. Một chân lão cụt đến bẹn, lão trùm ống quần xuống cố giấu đi, không muốn người ta thương hại mình, bàn chân còn lại khẳng khiu như nhánh củi khô, đặt trên má phách.
               Khuôn mặt lão dài ngoẵng, gồ ghề như một cục đá không đẽo gọt, cái trán vát nhô lên bướng bỉnh tương phản với cái  cằm nhọn hoắt, nhìn tướng lão rất dữ dằn, duy có đôi mắt ánh lên vẻ tinh anh và nhân hậu. Chiều cuối thu se se lạnh, những chiếc lá bàng trên cây  lả tả rơi xuống mặt đắt khô hanh, tiếng trống hội từ đền Đức Vua văng vẳng vọng ra lúc khoan lúc nhặt. Sao trong đó hội hè đình đám đông vui lão không  hát, lại  lê la ra cái hè phố huyện vắng vẻ hắt hiu này? Nghe tôi hỏi, một gã sồn sồn, mặt rỗ như tổ ong, đang chờ nghe hát, trợn mắt nhìn tôi  hỏi trống không:
                - Mới ở trên trời rơi xuống à?
                - Tôi ở miền Namra !
                Nghe tôi đáp nhũn, gã dịu mặt xuống:
                - Muốn vào trong đó phải có tiển, hiểu chưa? Từ cung cấm đến góc sân, bờ hồ, gốc đa, chúng nó đều chia lô ra bán, đéo có tiền thì đừng đặt đít.  
                -  Mỗi lô bao nhiêu tiền?
                - Cũng tùy. Chỗ hầu bóng trước cửa Vua Cha mười triệu một giá đồng; chỗ hầu bóng trước cửa ông Hoàng Mười, là tám triệu; chỗ bà Chúa Đại Ngàn, năm triệu; chỗ rút xăm xin quẻ, một triệu một ngày; chỗ coi bài tây, chỉ tay, trong miếu Bạch Hổ Linh Thần tám trăm; chỗ viết sớ thuê, năm trăm một ngày; chỗ bán nhang đèn, mười triệu một tháng. Bét nhất là chỗ ngồi ăn xin  một trăm ngàn một ngày.
               Tôi ngạc nhiên thốt lên:
               -  Ăn xin cũng phải mua chỗ ?
               -  Thượng vàng hạ cám, bán tất !
               -  Chốn tâm linh mà kinh doanh ghê nhỉ?
                 Gã mặt rỗ nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống trước mặt:
                - Đ.má! Bây giờ mả tổ chúng nó còn đào lên kinh doanh nữa là!
                 Gã ngồi xuống, cầm chiếc điếu cày, giận dữ vỗ đánh bộp vào miệng điếu cho bã thuốc văng ra, rồi véo một mồi thuốc lào to bằng quả xoan, bỏ vào nõ điếu châm lửa rít sòng sọc. Lão ngậm khói trong miệng một lúc rồi từ từ nhà ra, hai con mắt  lờ đờ, rồi nói với tôi qua làn khói thuốc:
               - Ông ở xa về đếch biết, để tôi nói cho mà nghe. Cái đền này được xếp hạng Di tích  Văn hóa đấy! Đếch cần gì cả, chúng nó mua !? Mua cái bằng ấy ngót hai trăm triệu đấy! Nhưng chúng nó thu lời gấp nghìn lần rồi. Ông  thử tính mà xem, năm chỗ hầu bóng, suốt ngày đêm không chỗ nào nghỉ, hết giá đồng này đến giá đồng khác, tháng ba mươi ngày không bỏ ngày nào. Ông nhìn bãi đậu ô tô chưa? Toàn dân Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh về đấy. Có bọn làm cả trăm hình nhân, hầu đủ ba mươi sáu giá đổng, ông thử tinh coi bao nhiêu tiền? Rồi gần chục chiếu coi bài tây, năm cửa rút săm, mười hai bàn viết sớ, hơn trăm sạp bán hương hoa, mỗi ngày hốt bao nhiêu bạc? Chỉ riêng cái bãi giũ xe mỗi ngày chúng nó cũng kiếm mươi triệu.
               - Vậy thì các cụ trông đền giàu to ?
                Gã mặt rỗ buông một câu chửi thề :
               - Các cụ húp cám! Ai cho các cụ thu mà giàu ? Các cụ chỉ được ngồi chầu rìa chỗ lên đồng, tranh nhau nhặt mấy dồng tiền lẻ. Còn là nồi cơm, mâm rượu của quan tỉnh, quan huyện hết! Thằng xã được hai bàn ngổi ghi công đức, tuy vét đĩa nhưng cũng bôn tiền.   
               - Cắc, tung tung tung, cắc !
                Lão sẩm gõ ba tiếng trống, như ra hiệu cho gã mặt rỗ đừng ba hoa nữa. Lão mặt rỗ hiểu ý, ngồi xuống châm thuốc hút.Năm sáu người vừa đến cũng rút dép kê đít, ngồi  chung quanh lão sẩm.  Những chiếc lá vàng trên cây bàng vẫn lả tả rơi, không khí buổi chiều tà nơi hè phố huyện buồn tênh. Lão sẩm e hèm, gõ tung cắc mấy cái, rồi vừa kéo nhị vừa  đạp phách,vừa hát:

                            Bao giờ chạch đẻ ngọn đa
                      Sáo đẻ dười nước thì ta lấy mình
                            Bao giờ rau diếp làm đình
                      Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta
              Mình lấy ta, ta mua cho mình một cặp bánh đa
                     Nó tròn vành vạnh như là ông trăng…

              Lão mặt rỗ cất tiếng cười  khành khạch:
             - Mua nhà lầu xe hơi chứ cặp bánh đa thì nó dí lồn vào!
              Mấy người ngồi quanh cười hưởng ứng, cười rống lên. Lão sẩm không nói gì, cúi xuống lên lại dây nhị, rồi hỏi  :
              - Bây giờ muốn nghe hát gì nào?
              Tay mặt rỗ nói:
              - Hát lại cái bài hôm qua đi ! Mà này, cái mặt trận ấy là mặt trận nào nhỉ? Hình như tớ có tham gia cũng nên?
               Một tay ngồi cạnh cất tiếng cười nhạo:
              - Ô thì nung vôi đóng gạch chứ trận mạc gì?
            Lão mặt rổ đứng bật dậy, hất ngược hai vạt áo lên, chỉ vào vết sẹo dài trước ngưc:
              - Bố mày suýt mất mạng ở đó nghe con! Cái quả đồi gì ? Quên mẹ nó rồi. Mà nhớ làm đéo gì?!
 
               Lão xẩm nói:
               - Đồi đất, cao điểm 1509, bọn Trung Quốc gọi là Lão Sơn, cả  đại đội tôi chỉ còn sống sót bảy ngưởi, thế ông ở đó năm nào?
                - Lên tám nhăm, được hai tháng bị thương, về Hà Bắc điều trị rồi ra quân.
                Lão xẩm gục gặc cái đầu, rồi cất tiếng hát:

                             Ơi Đàm, ơi Chiến, ơi Sanh,
                       Bây giờ hồn cốt các anh nơi nào?
                           Na La, Thanh Thủy, điểm cao,
                     Chon von sườn Bắc hay vào Hang Dơi?
                          Lão Sơn giặc chiếm mất rồi,
                     Xác thù chất đống trên đồi “thịt băm” !
                          Máu loang đến chỗ anh nằm,
                     Hồn thiêng sông núi ngàn năm có còn ?
                           Mẹ nghèo mỏi mắt chờ con,
                     Vợ hiền ôm gối mỏi mòn canh thâu !
                             Bây giờ anh ở nơi đâu ?
                   Mẹ nghèo bạc trắng mái đấu ngóng trông !
                            Vợ anh giờ đã lấy chồng ,
                        Hai tay con bế con bồng anh ơi!
                         Những thằng ngày ấy rong chơi ,
                      Bây giờ cán bộ xe hơi nhà lầu !
                          Hồn thiêng  còn ở nơi đâu?
                   Về đây chứng kiến nỗi đau nhân quần …

              Lão xẩm nhắm tít mắt lại, đầu lắc lư, cổ nổi lên mấy đường gân sẫm. Dường như lão không hát cho người ta nghe, mà lão hát cho chính lão nghe, tất cả tâm chí lão quay về quá khứ, về với những sười núi bị pháo bầy pháo đàn của Trung Quốc nã liên tục ngày đêm, hết ngày này sang ngày khác biến thành vôi, những quả đồi xác chết chồng chất, anh em gọi là đồi “thịt băm”, “cối xay thịt”, những trận đánh giáp lá cà trong thung lũng Tây sông Lô, về với  những người bạn ba tháng giữ chốt không tắm gộii, tóc trùm kín cổ áo, những thương binh, tử sỹ bị bọ dòi rúc trong vết thương…
          Lão nhả từng câu, từng chữ đắng cay, mặn chát, như máu từ trong tim lão  rì ra, từng giọt, từng giọt. Nghe lão hát  tim tôi run lên, nước mắt tự nhiên ứa ra. Những người chung tôi đều im lặng. Gã rỗ chống một đầu chiếc điếu cày xuống đất, một đầu tỳ vào cằm , mồi thuốc gã đã bỏ vào nõ điếu nhưng gã không châm lửa hút, mải chăm chú nghe hát, mắt gã lim dim, nhìn hiền, không hung dữ như nãy. Khi lão sẩm hát xong, gã thọc bàn tay trai sần vào túi quần, móc  ra tờ giấy năm ngàn nhàu nát, vuốt phẳng rồi đưa cho lão sẩm. Xong lão mới châm mồi thuốc rít một hơi dài. Mấy người làm theo gã mặt rỗ, người năm ngàn, người ba ngàn, tất cả được khoảng hai chục ngàn bạc. Lão sầm xếp những đồng tiền bố thí gọn ghẽ vào chiếc bị cói bên cạnh chiếc trống.
            Chiều thu se lạnh, lão sẩm ngồi nhai chiếc bánh mỳ , mấy lần  lão ngước  nhìn tôi, rồi cúi xuống vừa nhai vừa nghĩ ngợi.
          Tôi cứ ngờ ngợ, như đã gặp lão ở đâu rồi, nhưng không nhớ ra. Bỗng lão hỏi tôi:

        - Này, tôi nhìn ông quen quen! Hỏi khí không phải, có phải ông là Diện học lớp bốn thầy Quỳnh?
           Tôi ối lên một tiếng. Trời ơi, nhớ ra rồi, đây chính là thằng Ruỹnh thò lò mũi. Tôi nắm tay lão :
          - Ruỹnh phải không? Đúng thằng Ruỹnh đây rồi !
           Hơn năm mươi năm trước, tôi với Ruỹnh cùng học lớp bốn trường làng. Đó là ngôi nhà ngói năm gian, đội cải cách ruộng đất tịch thu của địa chủ, làm trường học. Ngôi nhà rộng rãi, mát mẻ, có hàng cột lim nhẵn bóng, sân lát gạch bát tràng, rợp bóng mít. Giờ ra chơi, chúng tôi bẻ “dái mít” chấm muối ăn, chát khé cổ. Ngày ấy không có bàn ghế, mỗi đứa một mảnh gỗ hình chữ nhật, ghép bốn  chân như cái bàn bán kẹo kéo , nhiều khi viết chính tả, tỳ tay mạnh, bàn đổ chỏng gọng, mực dây hết sách vở. Thầy Quỳnh dạy lớp ba và lớp bốn. Thầy nhỏ nhắn, mặt trái soan, trắng trẻo như mặt con gái, nhưng rất nghiêm , chiếc roi mây trong tay thầy hay quất thằng Ruỹnh vì cái chứng thò lò mũi xanh.  
           Hết lớp bốn tôi lên cấp hai,cập ba, học trên phố huyện Quỳnh Côi, Ruỹnh học trường công nông ở Vũ Hạ, không gặp nhau từ đấy.
           - Mấy chục năm qua đi những đâu?  Tôi hỏi Ruỹnh. Ruỹnh cười buồn:
          - Chuyện dài, vào uống nước đi!
           Chúng tôi vào quán nước bên đường. Bà chủ quán quen Ruỹnh, niềm nở  pha một bình trà Thái Nguyên. Quỹnh nhin tôi:
              - Cũng bạc đầu rồi nhỉ?
             - Hơn sáu chục rồi còn gì!
            Ruỹnh nói :
             - Ông  ở miền Nam lâu mà vẫn nói giọng Bắc?
 Tôi cười, đọc mấy câu thơ của Hạ Tri Chương:

                               Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi
                               Hương âm vô cải mấn mao thôi
                               Nhi đồng tương kiến bất tương thức
                               Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai.


Núi Đất (Thanh Thủy - Hà Giang),
nơi Trung Quốc đặt tên là Lão Sơn

                Ruỹnh chép miệng, thở dài:
               - Thời gian trôi nhanh thật! Ông có còn nhớ bà Từ Rung không?
               - Từ Rung nào?
              - Cái bà nhỏ bé như cái tăm , miệng nhai trầu, cả làng ai cũng xa lánh ấy?
                Tôi nhớ ra rồi. Đó là người đàn bà không có chồng con, sống cô đơn trong căn bếp trường học, ngày ngày quảy đôi quang gánh, tay cầm chiếc kẹp tre, đi khắp làng trên xóm dưới, gắp từng bãi cứt chó, về đổ vào một cái hố  góc vườn, lấy tro phủ lên, chờ khi phân ải bán cho  người trồng thuốc lào. Cả làng khinh bà, gọi là “mụ gắp cứt chó”, chỉ mỗi  thầy giáo Quỳnh thương bà, thầy nói với chúng tôi: “ không có bà Từ Rung, thì cứt chó dây lên tận đầu mấy người cũng nên”, thầy nhờ bà nấu cơm cho thầy ăn ngày hai bữa vì quê thấy tận Kiến Xương.
             - Bà Từ Rung bây giờ đâu rồi? Tôi hòi Ruỹnh . Quỹnh đáp giọng đắng ngắt:
              - Chết rồi! Có mỗi thằng con nuôi, hy sinh ờ Vị Xuyên, giờ chả có ai thờ cúng !
             - Còn ông thế nào mà giờ  đi hát sẩm ?
             Ruỹnh uống một ngum trà, lơ đãng nhìn ra ngoài đường, lúc lâu mới lên tiếng. Tôi không ngờ chạm vào nỗi đau của người bạn học lúc thiếu thời.
              Sau khi tốt nghiệp cấp ba, Ruỹnh học đại học địa chất, tốt nghiệp, bị gọi vào lính, năm 1972 đi B. Trước khi đi cưới vợ là cô Mùi, phó bí thư xã đoàn. Ngày miền Namgiải phóng, Ruỹnh về phép, gặp mẹ, gặp vợ, gặp thằng con trai lên ba. Nhưng vừa bước chân đường, gặp ai người ta cũng tủm tỉm cười, rồi có người úp mở hỏi : “ biết gì chưa”. Mùi vợ Ruỹnh tỏ ra ngượng ngập. Ruỹnh hỏi mẹ, lúc đầu bà dấu, sau nói thật, là thằng Công-tên đứa bé- không phải con Ruỹnh. Ruỹnh cưới vợ tháng giêng, đi B tháng hai bảy hai, tháng giêng baỷ ba Mùi mới sinh con, dân làng bảo: “ Cô Mùi chửa trâu”. Lúc đầu Mùi lấp liếm, chối đây đẩy, rằng quan hệ với Ruỹnh trước khi cưới, nhưng thằng bé mỗi ngày một nhớn, cái mặt cái mũi nó giống Cang, bí thư đảng ủy như lột, nên Mùi phải thừa nhận ngủ với Cang, vì Cang hứa  cho  vào đảng ủy, làm bí thư xã đoàn .
           Nghe mẹ kể, mặt Ruỹnh nóng bừng như bị xát ớt. Ruỹnh mặc quân phục, đeo quân hàm thiếu úy chỉnh tề, đến thẳng nhà  Cang, bây giờ đã là phó chủ tịch huyện, phụ trách thương binh xã hội. Hôm ấy chủ nhật, Cang mời mấy người bạn thân cơ quan về nhà mình liên hoan.  Bàn tiệc  bày giữa sân, la liệt thịt gà, thịt vịt, những bát tiết canh đỏ tươi, cạnh những chén rượu sủi tăm. Ruỹnh đến lúc mọi người đang  nâng cốc mời nhau, tiếng cười nói rôm rả. Sự xuất hiện đột ngột của Ruỹnh làm gián đoạn cuộc vui, Cang khó chiu. Mọi người không ai quen Ruỹnh. Cang cũng không nhận ra người trai làng ra trận mấy năm trước để người vợ mới cưới được đúng ba ngày ở nhà. Cang tưởng tay thiếu úy này tìm đến nhà mình xin xỏ chế độ chính sách gì đây, nên sẵng giọng:
                - Muốn  hỏi chế độ chính sách thì mai lên huyện!
             Ruỹnh hỏi:
                 - Ông  nhân ra tôi  không?
             Cang ngó mặt Ruỹnh, lắc đầu:
                - Không , mình không biết cậu !
               Ruỹnh nhích mép cười:
                - Còn nhớ cô Mùi không?
                 Mặt Cang tái đi, miệng nói cứng:
               - Mùi nào nhỉ?
                - Cô Mùi phó bí thư xã đoàn ?
Cang nói :
           - Anh nhầm rồi, tôi rất trong sáng!
                Ruỹnh cười gằn:
           - Tôi chưa hỏi ông đã khai rồi! Vậy là tôi không nhầm!
              Mấy người trong bàn tiệc buông đũa đứng dậy, vây chung quanh Ruỹnh, bênh Cang. Cang được thế, giải thích:
             - Các đổng chí ạ, anh này người cùng làng, mới đi bộ đội về, đòi hỏi chính sách đãi ngô, tôi chưa giải quyết, đến nhà tôi hăm dọa vu khống!
             Ruỹnh quát:
            - Câm cái miệng nói láo! Tôi không đến đây đòi hỏi chế độ, mà đến hỏi tôi ông!
             Ruỹnh quay sang những người đứng vây quanh nói rành rọt:
            - Chúng tôi sống chết ở mặt trận, với niềm tin sắt đá, ở hậu phương mẹ mình, vợ mình sẽ được tôn trọng, được bảo vệ, tương lai của bản thân mình và nhân dân sẽ hạnh phúc. Không ngờ, hậu phương lại có những kẻ như ông Cang, lấy cấp chức làm mồi nhử, cướp hạnh phúc của chúng tôi, làm hoen ố thanh danh của đảng.
              Cang gầm lên ngắt lời Ruỹnh:
              - Cút ngay, thằng vu khống!
              Thằng em Cang từ trong nhà chạy ra chủi :
              - Đ. mẹ thằng nào đến quấy rối anh tao?
              Tay hắn cầm con dao nhọn, Cang hùng hổ  giật lấy vung vẩy tiến về phía Ruỹnh. Ruỹnh lùi đến chân tường, Cang vẫn xông tới, Ruỹnh rút súng, và tiếng nổ chói tai vang lên, Cang khuỵu xuống, rống lên như con lợn bị chọc tiết.
             Cả làng, cả xã, cả huyện xôn xao chuyện thiếu úy Ruỹnh bắn phó chủ tịch huyện. Mùi bế con về nhà mẹ đẻ rồi vào Đắc Lak, Ruỹnh về đơn vị, báo cáo hết sự việc sảy ra, bị kỷ luật hạ một cấp và được điều lên biên giới phía Bắc.
 
    Tìm thấy hài cốt liệt sĩ Dương Quốc Huy
(Tĩnh Gia, Thanh Hóa), lễ an táng
đưa vào nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên
 
             Tôi hỏi Ruỹnh bị thương trận nào, Ruỹnh kể:
            - Trận hai tám tháng tư tám tư, trên cao điểm 1200. Bọn Tàu pháo kích  suốt đêm, đến mờ sáng thì cho bộ binh chia làm hai mũi tiến lên cao điểm. Một mũi theo bờ Tây sông Lô, một mũi men theo sườn núi. Chúng chủ quan, tưởng pháo đã đè bẹp hoàn toàn sức đề pháng của ta rồi, nên dàn hàng ngang như chỗ không người. Chúng không ngờ bên ta đào hàm ếch trong vách núi, ít tổn thất, nên  cho chúng ăn no đòn. Trong thung lũng xác lính Tàu chết chồng lên nhau, máu ngập mắt cá chân. Cao điểm 1200, lúc chúng cụm vào đông như kiến, pháo ta rót xuống rất chính xác. Trận chiến đấu kéo dài suốt từ tờ mờ sáng đến năm giờ chiều bọn Tàu mới chiếm được cao điểm. Tôi bị thương ở gần làng Na La khi đang rút. Thằng Chiến con bà Từ Rung hy sinh ở đó…
            Có tiếng chuông điện thoại di động, Ruỹnh nói với ai đó:
           - Mày  đến quán nước bà Nhạn gặp tao!
            Chúng tôi tiếp tục trò truyện. Ruỹnh kể, sau khi bị kỷ luật, phải đi chăn bò, rồi chiến tranh nổ ra, lao vào đánh nhau, chưa kịp lấy vợ khác thì bị thương cụt chân, rồi mẹ chết, buồn, chán, kinh tế khó khăn quá, không lấy vợ nữa…
             Một thanh niên chạy xe máy tới, nhìn qua cũng biết là thợ xây. Ruỹnh hỏi:
            - Hai gói xi nữa  đủ không?
            - Phải ba gói?
            - Thế thì đếch đủ tiền !
             Ruỹnh mở cái bị đựng tiền bố thí đếm được hai chục ngàn, moi túi quần ra một mớ toàn tiền lẻ, đếm được một trăm, tổng cộng được trăm hai chục ngàn. Ruỹnh anh thợ xây:
             - Ba gói xi bao nhiêu?
             - Bảy chục một gói, ba gói hai trăm mốt!
             - Mày nói cừa hàng, cho tao nợ chín chục, mai kia tao trả. Lấy xi về làm cho xong đi.
             Anh thợ xây cầm tiền vâng dạ lên xe chạy. Tôi hỏi Ruỹnh:
             - Sửa nhà à?
               Ruỹnh đáp:
              - Nhà cửa gì đâu, xây cái mộ cho bà Từ Rung. Bà ấy chết mười năm rồi, tôi mới sang tiểu, bây giờ  xây mộ.
             Tôi hỏi:
             - Tưởng bà ấy có một con duy nhất hy sinh, là bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhà nước lo ?
              Ruỹnh cười buồn:
              - Người ta đòi giấy khai sinh, giấy chứng nhận hộ tịch hộ tiếc lôi thôi lắm. Bà Từ Rung đi gặp cứt chó, thấy thắng Chiến đỏ hon hỏn, cạnh đống cứt, nhặt về nuôi, làm đếch gì có giấy tờ?
             Hè phố bên kia đã có mấy người í ới gọi Ruỹnh sang hát . Ruỹnh nói với tôi:
            - Đằng ấy còn ở nhà, tối tớ lại nói chuyện tiếp. Bây giờ tớ phải đi hát kiếm  mấy đồng trả tiền xi đã.
              Nói xong Ruỹnh chống nạng thấm thách qua đường, bà bán nước nòi với tôi:
              - Chú ấy đi hát sẩm khắp nơi, kiếm được đồng nào  làm từ thiên và cho mẹ liệt sỹ đồng ấy, chú ấy chỉ ăn ngày một khúc bánh mì chay, khổ thế!
                                                                 Đồi "thịt băm"
              Tôi ngồi quán nước , nghe tiếng nhị , tiếng phách, và tiếng hát của Ruỹnh ở bên kia đường:

                                  Đây tiền vay ODA
                         Đây tiền công trái đấy là thuế thân
                            Đều là xương máu nhân dân
                        Nay dân tín nhiệm giao thần Pờ-Mu
                             Mong thần tính toán chỉn chu
                        Đừng quen cái thói quá mù ra mưa...
 
                             Thần Pờ-Mu cúi đầu thưa
                     Chúng con xin quyết làm vừa lòng trên
                                  "Gốc có vững ,cây mới bền"...
                         Pờ-Mu đã biết phải nên làm gì
                               Đầu tiên là mở sổ chi
                       Cho các quan nhất, quan nhì, quan tam,...
                                  Thứ hai là xếp chỗ làm
                     Con cháu quan nhất quan tam quan nhì
                                Thứ ba là rải đường đi
                          Cũng phân lớn bé nhất nhì ba tư
                                Bé thì tiền bỏ bao thư
                         Lớn thì nhà đất xe dư biếu xài...
 
                             Dưới trên không sót một ai
                     Pờ- Mu ngất nghểu trong ngoài đều êm
                            Mặc cho cầu sập đường rêm
                         Tiền chi dự án đội lên mấy lần
                            Nantre thay thép công trình
                      Xi măng mác thấp biến thành mác cao
                           Nhựa đường trộn lẫn bùn ao
                         Nhà thầu to nhỏ thi nhau rút tiền
 
                               Phố này biệt thự moc lên
                        Phố kia hoành tráng mặt tiền vi- la
                             Công ty gần, trang trại xa
                           Đường dự án mở xe ra xe vào
                                Vợ già đổi lấy gái bao
                            Cô tặng xe xịn, cô trao nhà lầu
                                 Tiền dư cá độ túc cầu
                         Đô la mấy triệu thua đau cóc cần
                            Thương thay ông chủ nhân dân
                          Gặp bọn đầy tớ là thần Pờ-Mu

           Hình như Ruỹnh đang hát về một vụ tiêu cực nào đấy thì phải.Tôi bỗng cảm thấy day dứt vì câu nói của Ruỹnh lúc nãy: “Tớ phải đi hát kiếm mấy đồng trả tiền gói xi”. Ôi một kỹ sư, thương binh, hơn sáu chục tuổi không vợ con, không của cải, lòng đau đáu nhớ thương những người bạn đã ngã xuống trên biên cương Tổ Quốc, ngày ngày đi hát rong ở hè phố kiếm tiền làm từ thiện và xây nấm mộ cho bà mẹ liệt sỹ. Bên cạnh đó lại có những kẻ “đầy tớ dân” lập nhóm lập phe lợi ích, tham lạm hàng chục hàng trăm nghìn tỷ đồng,sống như đế vương. Sự bất công ấy quằn quại trong mỗi câu hát của bạn tôi, người hát sẩm hè phố.
      MD

3 nhận xét:

  1. Tôi nghe tên Minh Diên lâu rồi, dọc của ông cũng nhiều vì ông là cây bút phóng sự nổi tiếng của báo Tiến Phong. Nghe tin ông bị nan không viết nữa, bây giờ lại xuất hiện liên tục trên trang web Bui Văn Bồng thật xuất sắc. Đọc những bài viết của ông thấy nhiều điều cần suy ngẫm bởi tính ẩn dụ của nó.Những cây bút tâm huyết như ông giờ hiếm lắm. Cám ơn ông Minh Diện và ông Bùi Văn Bông , chúc hai ông mạnh khỏe. Tôi Vũ Anh Tuấn , Hà Nội.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm động và phẩn uất quá !!!

    Trả lờiXóa
  3. Dau quá các anh ơi! Hồn anh còn ở nơi đâu ? Về đây chứng kiến nỗi đau nhân quần !Đau thắt ruột các anh ơi.

    Trả lờiXóa