Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

> HỎNG TỪ HỆ ĐIỀU HÀNH


              Sáng nay, rê chuột, chui vào mấy ngõ ngách trên mạng, len qua cả tường lửa để đến được mấy ngõ trái, ngách phải. Trên trang Ba Sàm, trang BBC thuộc diện “lề trái” có bài của tác giả Nguyễn Hữu Vinh với tựa đề: “Có một Tổng thống Cộng hòa Việt Nam”.
              Đây là một bài viết khơi gợi, phân tích về vị thế, vai trò của cầm quyền, uy tín và trách nhiệm của người đứng đầu, nắm trong tay vận mệnh, lo cho thần dân thiên hạ và sự phát triển của đất nước.
              Bài này lên mạng đã lâu, từ 25-1-2009, khi cụ Nông còn làm Tổng bí thư. Đọc cái tít lên đã thấy gợi trí tò mò. Có lẽ cho là vấn đề khá là nhạy cảm, tác giả đã đưa lên đầu bài lời phi lộ: “Đó chỉ là cái tên giả định như giấc mơ, gợi lên từ những gì được chứng kiến qua cuộc diễu hành và lễ tuyên thệ nhậm chức của vị Tổng thống thứ 44 Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Barack Obama, gây sự chú ý chưa từng có trên toàn thế giới”.
   Qua nghi thức đăng quang, nhậm chức của các nước phương  Tây, nhất là ở những vị trí nguyên thủ quốc gia như Tổng thống, Thủ tướng, Quốc vương... tác giả nêu sự so sánh  "trông người - lại ngẫm đến ta”, đưa ra hệ lụy của sự quá thừa các lễ hội, lễ lạt tốn kém, hình thức, mà những lễ trang trọng ghi đấu ấn cho chặng đường phát triển mới của một dân tộc, một quốc gia, cho từng người dân, trước hết ngay cho chính những người lãnh đạo, lại không giống ai. Nhiều khi chỉ một dòng tin trên báo, vài bữa tiệc nội bộ cơ quan, coi như xong!
Bàn tay nhân sự, cất nhắc, đề bạt, phân công cán bộ
 
Tác giả viết: “Nhưng… tổ chức bộ máy nhà nước sẽ được cải tổ để khỏi phải băn khoăn về quyền lực thực sự của người đứng đầu nhà nước nữa. Ví như Hiến pháp 1946, Điều 44: Chính phủ gồm có Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Phó chủ tịch và Nội các. Nội các có Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng. Có thể có Phó Thủ tướng. Và Điều 47: Chủ tịch nước Việt Namchọn Thủ tướng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết …Nhìn vào đây thấy rõ ngay sự khác biệt rất lớn của mô hình nhà nước thời 1946 và thời nay (thực chất là nửa thế kỷ nay).
Tác giả kết luận rằng: Nói nôm na là khi đó, tương quan quyền lực giữa Chủ tịch/Tổng thống-Thủ tướng giống mô hình thể ché chính trị-xã hội ở nhiều nước Tây Âu đang tồn tại và phát triển hàng thế kỷ; còn ngày nay, nó lại giống với … Liên Xô – một thể chế đã sụp đổ mà hậu quả một phần quan trọng cũng do mô hình tổ chức nhà nước bất hợp lý mà ra”.
Bài viết cũng nêu lên sự quá chậm trễ, trơn lỳ trong cải cách thể chế chính trị trong bộ máy nhà nước, thể hiện bằng công tác tổ chức cán bộ, phương pháp công tác, mội quan hệ nội tại và nội bộ đã mặc định sẵn hết rồi. Suốt hơn nửa thế kỷ cứ theo nếp mòn, lối cũ mà làm: “Cuộc thử nghiệm qua mấy thế hệ và với bài học nhãn tiền của cả một Đông Âu chuyển đổi rồi mà còn tiếp tục bê bết vẫn chưa đủ hay sao? “Đổi mới” mà không đổi thứ quan trọng nhất thì chắc chắc sẽ còn phải vật vã dài dài!”.
             Ngẫm ra, tôi thấy khoái cái từ dùng của tác giả là “vật vã”. Đúng thế, ta gọi Chủ tịch nước, ta gọi Chủ nhiệm ủy ban này, ủy ban kia, rồi cũng có chủ tịch xã, huyện, tỉnh, chủ tịch hội này, chủ nhiệm câu lạc bộ kia, chủ nhiệm HTX…Sao thấy chức danh của ta cứ loạn xì ngầu.
Nhưng đó mới chỉ là tên gọi các chức danh, trong nguyên tắc Điều lệ Đảng còn ghi rõ việc gì cúng “lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách”, nhưng lại không ai có đủ thẩm quyền phụ trách những cá nhân, sinh ra hệ lụy dụ vụ việc tày đình, vấn đề hóc búa, lớn lao cũng chẳng hề có cá nhân nào phải đứng ra chịu trách nhiệm, không ai có quyền quyết định vấn đề gì cả. Mọi chuyện lớn, nhỏ đều phải “tập thể lãnh đạo” chịu trách nhiệm chung là an toàn hơn hết.
 
Ta tự đề ra những cái gọi là chức danh, nguyên tắc để tự trói chân mình. Đảng viên có nhiều người chơi chữ: Nguyên tắc là bóp nghẹt mọi sáng tạo, mất tự quyết, kém tự chủ, vì cứ phải để “nguyên”, ắt là phải “tắc”. Một cá nhân được phân vai vế (chức danh, vị thế, cái ghế) mang tiếng có quyền nhưng không được làm (hành - trong quyền hành), nhưng cũng là kẻ hở để cá nhân mượn cớ có quyền để đi hành thiên hạ, thả sức hành xử tùy tiện, tệ hại với dân mà không bao giờ tự chịu trách nhiệm cá nhân. Một thể chế sinh ra các thể thức lạ hoắc, chẳng giống ai. Lại do những lạ hoắc đó mà sinh ra đủ thứ tùy tiện lạ lùng.
        Từ sự phân tích đó, tác giả nêu hệ lụy rằng: Xã hội cộng sản chủ nghĩa hướng tới tập thể hóa tất, nên lãnh đạo cũng theo lối tập thể, không đề cao cá nhân… Dù vị Chủ tịch có gọi là to nhất nước, nhưng về mặt Đảng lại chưa chắc to nhất, như thế là cắc cớ rồi. Nếu tổ chức to, thì các vị khác thuộc hàng tứ trụ triều đình mà “đăng quang” sẽ ra sao đây?
            Thêm nữa, không như thời mới độc lập 2-9-1945, mô hình nhà nước mang màu sắc cộng hòa rõ nét, vị chủ tịch theo như Hiến pháp những lần sửa đổi sau này có lẽ ít quyền hơn, gần với kiểu được gọi là xã hội chủ nghĩa hơn.
Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ Thomas Jefferson (1743-1826), nói: “Sự phân chia các quyền lực đó theo một cách thức sao cho chức năng của một nhánh chính quyền trong một vấn đề cụ thể thì bị giới hạn bởi chức năng của một nhánh khác có thẩm quyền về cùng vấn đề ấy hoặc về một vấn đề khác có liên quan. Thường được gọi là các biện pháp kiểm soát và đối trọng quyền lực lẫn nhau. Về cốt lõi, đây là một hệ thống nằm ngay bên trong chính quyền nhằm đảm bảo tính trách nhiệm của chính quyền, được gọi là kiểm tra, giám sát bên trong. Vì sự kiểm tra này tạo ra một cơ chế mặc nhiên ai nắm và được phân công sử dụng quyền lực nhà nước cũng phải bị kiểm tra, theo nguyên tắc phòng ngừa, còn cơ chế kiểm tra được tiến hành từ bên ngoài hầu như chỉ được tiến hành một khi đã có hậu quả xảy ra”.
 
Nghị quyết nào cũng nêu, mới nhất là Hội nghi Trung ương 6, là “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng”. Nhưng ai cho tăng cường? Quyền gì để tăng cường? Tăng cường bằng  cách nào? Không tăng cường được thì sẽ ra sao? …Không ai trả lời được! Đảng lãnh đạo "trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện", nhưng Đảng không thể nhảy ra làm những việc thay cho chính quyền, thay cho Nhà nước, chính phủ, hoặc chia việc với chính quyền. Cơ bản là khi chính quyền làm sai, thì vai trò, chức năng của Đảng cần xuất hiện kịp thời, đúng nguyên tắc điều lệ, kỷ luật đảng, theo đúng pháp luật Nhà nước, nếu không làm được như vậy thì Đảng không còn là một Đảng cầm quyên, mất ý nghĩa lãnh đạo, sự tồn tại của Đảng coi như hết uy tín, trở nên vô nghĩa... Khi sự tương thích của bộ máy bị khập khiễng, chắp vá thì coi như bộ máy kém sức hoạt động rõ nét, vận hành liên tục bị trục trặc, nhiều khi lại là nguyen nhân chính gây ra các hiệu ứng ngược lại, trì kéo, tự phá máy. Ta, hiện nayvà nhiều năm qua đã như thế. Vừa rồi, trong chuyến thăm Vườn Quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau), ông Nguyễn Tư Trà, đảng viên hưu trí, nói rằng cả chi bộ họp hôm trước, các đảng viên chuyện phiếm lúc giải lao đã đức kết rằng: Thể chế "ưu việt" của ta là:
                            " Đảng lo trung kiên,
                             Nhà nước không có quyền,
                              Chính phủ chi tiền thả sức,
                              Nhân dân chịu nhiều oan ức, bất công".
Nghĩ ra, tôi thấy đúng! Suy cho cùng, cần thẳng thắn, rất "khoa học, khách quan, biện chứng" mà tự nhận diện rằng thế chế, cơ chế của ta là hỏng cả hệ điều hành, chứ không đơn thuần là "lỗi hệ thống" như lâu nay vẫn quen gọi.
Thực tế đã cho thấy có những cái ghế mà người "ngồi lên đó" hầu như chẳng để làm gì, đã gọi là theo cơ chế, cơ cấu thì có cũng được, không có cũng chẳng sao! Có danh mà không có thực quyền, có quyền mà không biết sử dụng quyền hành. Người này không có thực chất, người kia không có thực quyền, kẻ khác chỉ lo thực dụng, toàn bộ hệ thống chỉ căm cắm lo thực thi, cả hệ điều hành cũ kỹ, lạc hậu, công thức đều xa thực tế. Vậy làm sao có chất lượng, có được hiệu quả thực sự? Cứ kéo dài sự "ổn định chính trị" trong bộ máy, của cả hệ thống quan liêu, trì trệ như thế thì càng kìm hãm sự phát triển. Muốn ổn định chính trị phải thường xuyên tự đổi mới, luôn luôn xuất hiện nhiều vận dụng sáng tạo, sát thực tế, giảm thiểu biên chế tránh cồng kềnh phình to, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động, đừng để hệ thống đứng im. Nhà mà không xây cho chắc, cũ, mục không sửa, năm nào cũng chặt tre chống bão thì càng có nguy cơ sập, tre cũng hết. Nhà lãnh đạo rất cần nghe, chịu nghe những góp ý xây dựng chân thành, không nên thấy khác nếp cũ lối mòn thì cho là có ý đồ chê bai, hạ bệ, chống phá thì rất nguy.
Nhưng nay trong cơ chế thị trường, mở rộng và kêu gọi nhiều nguồn đầu tư nước ngoài, hội nhập WTO, xu thế toàn cầu hóa, thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa, rất cần đường lối, chính sách phù hợp, nhạy bén, thiết thực; nếu không muốn mang cái tiếng là "lý luận thì xám xịt mà cây đời mãi mãi xanh tươi", hoặc là "lý thuyết trên mây, rễ cây cắm đất"...Cái mục tiêu rất kêu: "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn mình" cứ lặp đi lặp lại hoài trong các Nghị quyết, một thực trạng tự giam chân ngay trong các nội dung, mục đích, tiêu chí của sự nghiệp đổi mới...
Không cứ phải nước nào cũng có Tổng thống, nhưng ở đây cần tham khảo những mô hình, thể chế chính trị-xã hội có ưu tế cao, phát huy được cao độ vai trò, quyền lực, trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu mà không đi đến đọc tài, độc đoán, chuyên chế, trên cơ sở phải bảo đảm dân chủ, nhà nước pháp quyền; không thể tranh công, đổ lỗi cho nhau, hoặc ù xọe "hòa cả làng", "nhiều sãi không ai đóng của chùa", "một nhà hai chủ bất hòa / hai vua một nước ắt là không yên"... Khi chế độ chính trị chưa khai thông đi vào đúng quy luật vận hành xã hội, quy luật và khoa học về con người, thì dù thể chế, cơ chế, pháp chế rồi hàng loạt chế tài, chế ngự cũng chỉ là những giải pháp tình thế. Hóa ra, lỗi hệ thống không còn ở phần mềm có thể dùng kỹ thuật, cài đặt phần mềm với các disk, file, các server hỗ trợ để sửa được, mà lỗi hệ thống này đã làm tê liệt toàn bộ hệ điều hành. Tức là hỏng ngay từ gốc của hệ điều hành, hết khả năng cài bổ sung, rất khó khắc phục thiếu hụt, cũng coi như đành bó tay chấm com khi muốn ráng lên hết công sức sửa lại.

Bùi Văn Bồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét