Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

> GIÁO DỤC VIỆT NAM TRONG “THÔN ĐỊA CẦU” ?

Bùi Văn Bồng
        Giá trị giáo dục là khuôn mẫu để đào luyện con người hoàn thiện từ cái gốc đạo đức đến năng lực tri thức nay hầu như không còn đầy đủ nguyên nghĩa của nó nữa. Nhà trường trở thành địa chỉ để các bậc cha mẹ gửi gắm đặt kỳ vọng con cháu mình có bằng cấp, vào đời bằng những tấm bằng để… “kiếm  cơm”. Giáo dục là vươn đạt tới tầm vĩ mô cho cả cuộc đời một con người, tầm chiến lược.
Nhưng với những tác động xen lồng đưa chính trị vào giáo dục một cách áp đặt, có khi như cố sức nhồ nhét phi tự nhiên hóa, công thức, khô cứng thi lại sinh ra phản tác dụng và kìm hãm tính độc lập, sáng tạo, khả năng tự chủ thế hệ trẻ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Giáo dục phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, nhanh chóng xây dựng nước ta thành một xã hội học tập. Từ sự khẳng định: Sự phát triển của con người là liên tục… Con người là một thể thống nhất với sự phát triển liên tục, không thể chia cắt được trong không gian, trong thời gian…Khoa học giáo dục phải là một hệ thống quy luật tổng hợp, chịu sự tác động của các quy luật phát triển kinh tế - xã hội, quy luật nhận thức, quy luật tâm lý xã hội, quy luật phát triển sinh lý, quy luật kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.
        Những tác động thực trang vấn nạn xã hội như chính sách nhân sự, khuyến tài không rõ ráng, thiếu tính pháp lý, sinh ra tùy tiện à thực dụng. Nanhọc giả bằng thật đã công khai một thứ dịch vụ phá bung nền giáo dục. Sự giả dói lên ngôi, lên cả bục giảng của nhà trường cho tuổi vị thành niên, của trường Đảng, trường bồi dưỡng chính trị và cả chính sách dùng người sau đào tạo. Cái gốc đạo đức bị héo mòn dần, thậm chí ở nhà chưa hỏng, mấy năm đi học lại bị trật đường ray, vạch chỉ, khuôn phép, tư chất làm người mà cha mẹ đã lấy gia đình làm nền tảng ban đầu. Kiến thức gắn với khoa học, cần chính xác. Nhưng đạo đức, lối sống lại tùy thuộc phương pháp, môi trường, nguồn tiếp nhận giáo huấn, làm gương.
                Mới đây, tôi đọc bài “Một nền giáo dục bất khả” đăng trên trang Bauxite Việt nam (BVN), tác giả Nguyễn Thị Từ Huy đã lý giải về sự cập kênh, lệch pha giữa cái chính xác của khoa học và cái giả dối của đạo đức: “Tại sao bất khả? Cách điều hành của nhà nước (trong đó có bộ máy của Bộ chủ quản là Bộ Giáo dục), cách vận hành của bộ máy chính quyền, của bộ máy pháp luật…Cách ứng xử hành động của chính bản thân giáo viên cũng khiến cho bài giảng của giáo viên thành ra giả dối. Vì thế, về cơ bản, hệ thống trường học ở Việt Nam hiện nay không thực hiện được chức năng giáo dục, chỉ thực hiện được chức năng cung cấp kiến thức, tay nghề, tức là chức năng đào tạo”.
                 Cũng theo tác giả Nguyễn Thị Từ Huy: Một năm trước, tại hội thảo “Văn chương lâm nguy của Todorov và các vấn đề về lý luận văn học” do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học tổ chức, tôi từng phát biểu rằng nếu giờ đây (tức là vào thời điểm hội thảo) phân công cho tôi giảng một bài mà nội dung có liên quan đến lòng yêu nước thì tôi sẽ rất lúng túng. Quả thật là tôi sẽ giảng cho học sinh sinh viên như thế nào khi những người yêu nước bị đàn áp, bị đạp vào mặt, bị kết tội, bị tống vào tù hay vào trại phục hồi nhân phẩm? Hay tôi sẽ làm như không biết chuyện gì xảy ra, và lúc đó sinh viên học sinh sẽ nhìn tôi ra sao, bởi vì họ biết trong thực tế mọi chuyện đang diễn ra như thế nào? Dĩ nhiên, họ sẽ khinh bỉ tôi, họ sẽ xem tôi là kẻ nhát gan, giả dối, thủ đoạn hèn hạ và lúc đó tất nhiên tôi không đáng làm thầy của họ.
                  Đầu tháng 10-2002, Hội nghị Quốc gia về Liên kết Hợp tác-Phát triển Giáo dục Đại học Việt Nam tổ chức tại T.p  Hồ Chí Minh, phần lớn các tham luận, pha rbiện, ý kiến đều đặt ra vấn đề tính đồng bộ, tính khoa học và toàn cầu hoa strong giáo dục. Về cải cách, hay đổi mới nền giáo dục trong xu thế thời đại theo hướng toàn cầu hóa phát triển nhanh và cực mạnh, trong “thế giới phẳng” mà giáo sư  Trần Văn Đoàn (Đại học Đài Loan) phát biểu tại Hội nghị gọi cả thế giới hiện nay phải được hiểu là “thôn địa cầu” (global village).
              Nơi cái “thôn” còn quá nhỏ hẹp so với vũ trụ này, con người tuy tự do, tiến bộ hơn, nhưng cũng dễ dàng bị tha hóa, trói buộc, yếu đuối và ít tự chủ hơn. Gs. Trấn Văn Đoàn thẳng thắn phân tích, dẫn liệu và lý giải rằng: “Con người tuy thỏa mãn được một cách dễ dàng những ước muốn thầm kín, nhưng họ cũng rất có thể lại bị chính những ước muốn này trói buộc, làm họ càng khổ sở, càng thiếu sót. Trong một thế giới như vậy, chỉ có ai mạnh, người đó mới có thể không bị thế giới này trói buộc. Ngược lại, họ lại có thể thống trị được chính cái thế giới này.
                 Nhưng người mạnh ngày nay không còn là loại người có sức lực của một người hùng Trần Bình Trọng, một võ sĩ Hạng Võ, một lực sĩ Kinh Kha, mà là người đầy trí tuệ, có thể kinh bang tế thế như nhà đại chiến lược Nguyễn Trãi. Hơn thế nữa, người mạnh không phải là người sở hữu đất đai nhà cửa hay tư bản…Người mạnh cũng không còn là chính phủ, hay những người nắm giữ quyền thế, tức nhà nước…
                  Cái ý sâu xa của Gs. Trần Văn Đoàn là nếu có chăng họ (kẻ có nhiều của và chức quyền cao) chỉ mạnh trong một phi vụ hay một âm mưu. Độ bền có nền tảng, cơ sở phải là sức mạnh của đạo đức, lý trí, sự cống hiến cho “thôn địa cầu”, là người có thể khám phá ra những cái mới lạ, những vấn đề mới, những giải pháp mới, và nhất là con đường mới mà nhân loại sẽ phải theo như nhà thông thái Nguyễn Trường Tộ... Những tầm như Nguyễn Trãi, và nhất là như các đại khoa học và triết gia mới chính là những người đã khiến con người mạnh hơn, nhân bản hơn; khiến xã hội tiến bộ hơn; khiến quốc gia hưng thịnh hơn; và lẽ dĩ nhiên khiến loài người càng xứng đáng là con người
                 Gs. Họ Trần đã nêu lên thực trạng và một trong những hướng mở căn bản: Để giúp thế hệ Việt sau đủ khả năng sống mạnh (tức dân giàu nước mạnh, ccông bằng, dân chủ văn minh - như nhà nước đang đeo đuổi), và trở lên mạnh trong một thế giới hậu hiện đại (postmodern world), hậu kỹ nghệ (postindustrial), viễn thông… đầy nghịch lý như vậy, nền giáo dục nước nhà cần phải cập nhật, sửa đổi, và nếu cần thiết, cần thay đổi một cách toàn diện, từ lối suy tư thường nhật tới quan niệm về khoa học, từ cách thế làm việc tới phương thế trao đổi, từ phương pháp quản lý tới đường lối giao thương, từ ngôn ngữ quen thuộc cho tới ngôn ngữ chuyên môn, từ cách cư xử truyền thống tới lối tiếp cận với các nền văn minh và văn hóa khác”.  
               Suy cho cùng, giáo dục là công việc thường xuyên không ngừng nghỉ, tiên phong đi trước, đón đầu sự phát triển của nhân loại, chứ không phải chỉ chờ đợi những cái nhân loại và lịch sử đã có sẽ mangg đến cho mình. Nó phải luôn luôn giữ vai trò, nhiệm vụ  khai sáng.  Con người tự hoàn thiện và tự khẳng định, cũng là tự đào thải mình. Một dân tộc không tiến kịp xã hội, tụt hậu trước thời đại thì coi như tự mình tách biệt ra khỏi “thôn địa cầu” trong thế giới phẳng hiện nay.
Những nhà lãnh đạo, chính khách, những nhà hoạch định chiến lược, quản lý giáo dục và bản thân những nhà giáo dục cần để tâm nghiên cứu và hiện thực hoá quan điểm mang tầm chiến lược đó để có thể đổi thay mạnh mẽ của nền giáo dục nước nhà, đáp ứng tốt yêu cầu mới của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế toàn cầu.
Cải cách, đổi mới hay gì đi chăng nữa mà không đi từ căn nguyên cái gốc đạo đức có sức bền mang giá trị thuần Việt, phong cách Việt, tinh thần Việt, lại bị “chính trị hóa” học đường, giả dối và thực dụng, “tiền tệ hóa”, thương mại  dịch vụ hóa hóa giáo dục-đào tạo thì hệ lụy bị triệt tiêu nội lực con người, mất đồng bộ, bị cập kênh, lệch pha, xuống cấp, lạc hậu về giáo dục vẫn là nguy cơ làm hèn yếu, thậm chí đi đến thảm họa bị triệt tiêu  dân tộc.

B.V.B

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét