Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

> Dấu ấn nụ cười và Nỗi niềm VÕ VĂN KIỆT


        * NGUYỄN MINH NHỊ
Tôi có thói quen từ nhỏ là hay cảnh giác với người và hoàn cảnh lạ, đặc biệt là luôn giữ khoảng cách với người có nhiều quyền và nhiều tiền. Sau nầy, đối với lãnh đạo tôi cũng giữ khoảng cách như vậy. Từ đó nảy sinh tính khắc khe với lãnh đạo và dễ dãi với bạn bè, thuộc cấp.


Dấu ấn
Tôi biết cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lần đầu (1988) tại cuộc hội nghị mà ông là Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng chủ trì tại dinh Thống Nhất. Lần ấy tôi mới là giám đốc sở nông nghiệp, nhưng được thay mặt Ủy ban tỉnh làm trưởng đoàn đi dự hội nghị, với tâm trạng nặng nề về chánh sách đất đai mất lòng dân và không nhất quán lúc đó cũng như những chủ trương chánh sách cải tạo công-nông-thương nghiệp, cấm chợ ngăn sông... còn ràng ràng đây, gây thiệt hại nặng nề cho đất nước qua hơn 10 năm nên khi nghe ông phê phán"cán bộ miền Tây nhậu quá trời, lãng phí vô biên". Tôi như bị "chạm nọc". Không phải tôi ở trong phe nhậu, nhưng chữ "lãng phí" nói ra đây là chuyện vặt. Chuyện lớn tày trời là sự lãng phí ghê gớm về thời gian và vật chất với những cơ chế chánh sách làm nghèo dân chúng và làm đất nước bị tụt hậu xa lắc so các nước trong vùng từng nghèo và lạc hậu hơn - cũng mới hơn một thập kỷ nay thôi - mà nay ta mơ được như họ. Khi lên phát biểu tôi nhấn mạnh khuyết điểm nầy của trung ương, gây lảng phí không thể chỉ tính bằng tiền và đặc biệt là vấn đề đất đai thì cả nước như "gà mắc tóc". Tuy biết tôi không ám chỉ cá nhân ông, nhưng tôi thấy ông có vẻ bực bội vì lời lẻ nặng nề, thậm chí có ông phó bộ văn phòng Trung ương hỏi một anh trong đoàn An Giang dự họp: "Thằng đó là ai mà ngang tàng vậy?!". Tôi biết mình bị mếch lòng cấp trên nhưng không sao, quen rồi!.
Cập nhật thông tin về ông từ khi ông còn làm Bí thư Khu ủy Khu 9 với thành tích oanh liệt chống bình định lấn chiếm sau Hiệp định Pari, rồi khi ông về làm Chủ tịch rồi Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh với táo bạo "xé rào" tìm cách cho dân có gạo ăn và khôi phục sản xuất, lưu thông hàng hóa, kể cả xuất nhập khẩu (mà cả nước đang tắt tị) ... Điển hình là Thành phố tự đầu tư làm thủy điện Trị An và chiêu an được giới trí thức - văn nghệ sĩ trước 1975 còn ở lại thành phố. Thành phố còn cố giử được những gì tốt đẹp mà nó từng có như trật tự, vệ sinh đường phố; văn hóa ứng xử phóng khoáng, thân thiện, chân thành của "tuýp" người Nam Bộ. Tôi bắt đầu chú ý ông với lòng thiện cảm. Rồi ông về Trung ương làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì tôi lại không nghe thêm tin lành về ông mà thậm chí có thông tin "trái chiều". Tôi như xe bị "trả số" vào thời điểm tôi dự hội nghị như vừa kể và cho rằng người ta chỉ cần lóe sáng một lần thì cũng đã quí lắm rồi.

Rồi ông lại tiếp tục gây sự chú ý cả nước bằng công trình đường dây 500 Bắc - Nam, bằng thành công bước đầu của Chương trình khai thác Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, chương trình phủ xanh đồi núi trọc, chương trình thóat lũ ra biển Tây, chương trình làm nhà vượt lũ cho dân nghèo và cụm-tuyến dân cư vượt lũ... Đặc biệt chỉ thị 200 về nước sạch và môi trường: cấp nước sạch cho dân nông thôn và xóa nhà vệ sinh trên ao-hồ-sông-rạch cũng như chỉ thị cấm tiệt được việc đốt pháo Tết mà nhiều người không cho là thành công vì tập quán ngàn đời trong dân chúng. Con cá Tra, Ba-Sa được "sạch", thoát khỏi hình ảnh cây cầu "tỏm" và xuất khẩu thu về hàng tỷ đô-la/năm trước hết là nhờ chỉ thị 200 của ông. Tôi lại tiếp tục cập nhật những chủ trương của ông có liên quan đến vùng sông nước vì nó đều xuất phát từ An Giang lan tỏa ra cả đồng bằng Sông Cửu long, có cái ra cả nước như trồng rừng trên đất trống, đồi núi trọc. Nhưng mãi đến ngày 2/9/1998 tôi mới bắt đầu vỡ òa niềm tin đối với ông.

Hôm ấy ông đi thị sát tình hình lũ lụt bằng trực thăng. Khi vào hội trường Ủy ban tỉnh họp với lãnh đạo An Giang, câu đầu tiên ông nói: "Dân mình còn nghèo quá!. Từ trên máy bay nhìn xuống tôi thấy còn quá nhiều là "chòi mòng", nhà gì mà trống huơ trống hoác". Câu nói ấy gây cho tôi xúc động kỳ lạ!. Tôi bắt đầu nhớ lại những gì ông làm cho An Giang, cho đồng bằng Cửu long và cho cả nước mà khi thực hiện tôi chỉ biết lo làm cật lực, không kịp suy nghĩ, không cảm nhận được hết ở giác độ nhân văn và tầm cao trí tuệ của một lãnh đạo. Có lần tôi nghe kể lại rằng khi được bầu làm Thủ tướng, ông nói với các đồng chí lãnh đạo cấp cao (đại ý): "Bác Hồ là lãnh tụ, nay không còn. Anh em mình không ai là lãnh tụ cả, chỉ có cùng nhau gồng gánh sự nghiệp nầy thôi". Thủ tướng mà tự nhận mình chưa phải là hàng lãnh tụ. Và, từ câu đầu tiên sau khi xuống trực thăng, ông như bất chợt cho tôi cái tứ thơ. Về nhà tôi làm ngay bài thơ tặng ông với tựa đề "Thủ tướng của nhân dân" và câu đầu tiên là từ ngữ cảnh ấy: "Trên cao nhìn thấu những lều tranh". Có thể tạm ngắt đoạn nầy là 10 năm kể từ khi tôi gặp ông lần đầu.

Cuối năm 1999, trong lần về lại An giang chủ trì hội thảo "Kinh Vĩnh tế - Thoại Ngọc Hầu", lúc nầy ông là Cố vấn Ban chấp hành TW Đảng. Hôm ấy, sau bửa cơm thân tình còn lại chỉ mấy người, tôi đọc bài thơ làm năm trước và hát bài "Người lính già vui vẻ" tặng ông. Ông thật sự xúc động về bài thơ và có lẻ cả bài hát của nhạc sĩ Thanh Trúc nửa. Ông thân tình nhìn tôi: "Mầy tổng kết cuộc đời tao hả!". Khi về thành phố, thư ký ông điện thoại nhắn tôi xin bài hát ấy. Sau nầy nghe anh em cận vệ nói lại là thỉnh thoảng ở nhà không ai, ông lấy bài hát ra hát (đọc) khe khẻ một mình!. Sau nầy có lần hát lại bài nầy tự nhiên tôi như thấy ông đang lắng nghe. Và tôi lại thấy mắt mình cay cay, không hát được hết bài - và từ đó tôi không hát bài nầy nữa!.

Tôi làm Phó Chủ tịch tỉnh 10 năm - cho đến khi ông không còn làm Thủ tướng - tương ứng chặng đường kể trên. Thời gian ấy An Giang trực tiếp nhận chỉ đạo từ ông, bản thân tôi làm đầu tắt mặt tối nhưng cảm thấy hứng khởi lạ thường. Tiếc rằng không có điều kiện tiếp cận nhiều hơn để học ông nhiều điều mà sau nầy thấy không còn cơ hội. Khi tôi làm chủ tịch tỉnh (2001 - 2004) thì cũng là lúc ông không còn là Cố Vấn BCH TW, nhưng những gì học được ở ông trong thời gian 10 năm ấy đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ khá thuận lợi, được nội bộ và nhân dân ghi nhận. Thỉnh thoảng có khó khăn tôi lại gặp ông nhờ chỉ bảo. Tuy không là người trực tiếp lãnh đạo, nhưng ông là chổ dựa tin cậy cho tôi - mà chắc là cũng của nhiều người lắm!. Không tin sao được, chỉ kể về nông nghiệp đồng bằng Cửu Long trong thời gian 10 năm ấy, riêng chương trình khai thác Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã làm cho sản lượng lúa các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và một phần ở hai tỉnh Tiền Giang, Long An những năm sau đó tăng thêm khỏang 10 triệu tấn, chiếm 50 phần trăm sản lượng toàn vùng và bằng toàn bộ sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm của cả nước. Tôi nghĩ đây là dấu ấn xóa đói nghèo ở Việt Nam sẽ được ghi vào lịch sử phát triển của đất nước và cũng là bài học xóa đói nghèo mà Liên Hiệp Quốc từng hết lời ca ngợi Việt Nam!.
 
Khi còn sanh tiền, kể cả lúc đương chức, người ta hay nói "Dấu ấn Võ Văn Kiệt" khi đề cấp đến những công trình, những chủ trương, quyết sách của ông mang lại ích nước lợi nhà như là một sự tôn vinh hiếm có. Chỉ riêng công trình thoát lũ ra Biển Tây mà cái trục là kinh Vĩnh Tế - T5 - Tuần Thống, nếu không phải là ông thì chưa biết bao giờ mới có, và phèn trong cái rốn Tứ giác Long Xuyên biết bao giờ rửa sạch. Vì vậy Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân An Giang đặt tên kinh T5 là kinh Võ Văn Kiệt với cụm bia - tượng ghi dấu ấn của ông trên vùng sông nước một thời cơ cực mà nay thành trù phú với một vạn héc-ta đất lúa 2 -3 vụ/năm và hai xã mới ra đời với cả vạn dân tứ xứ nghèo khổ về đây lập nên cơ nghiệp - chỉ kể riêng ở An Giang. Đây cũng là một dấu ấn son ông để lại tặng đời!

Nụ cười
Mười năm sau - cho đến ngày ông về với "Thế giới người hiền", tôi mới có thời gian chiêm nghiệm, khám phá về ông, những tố chất của một lãnh tụ: Nói ít, hỏi nhiều, biết im lặng lắng nghe và nhất là sự gắn bó thân tình, trân trọng mà giản dị giửa lãnh tụ với quần chúng; tình yêu thương, lòng vị tha - hóa giải, chân thành mà thẳng thắng, bộc trực mà tế nhị, thủy chung mà đúng mực với mọi người. Lòng tin của tôi đối với ông nó đến một cách tự nhiên, bắt đầu từ câu chuyện ông kể tôi nghe về công lao của các nhân sĩ, trí thức, doanh nhân yêu nước ở Miền Nam trong hai cuộc kháng chiến rồi kết luận: "Người ta theo cách mạng nếu mất là cả sự nghiệp làm ăn giàu có, vợ đẹp con xinh, còn mình nếu có mất chỉ mất có cái quần đùi, vậy mà lại nói người ta yêu nước, có công không bằng mình. Chính chổ nầy lại mới thấy uy tín Bác Hồ lớn lắm". Trong khi người ta hay giành công, câu nói ấy đối với tôi như mở ra bầu trời rộng, là mới nghe lần đầu, hay lắm, hay đến tôi phải ngẩn ngơ và nghiệm mãi!.
Tranh thủ những lần gặp gỡ, tôi hỏi ông nhiều chuyện "xưa và nay" về những khúc quanh lịch sử của Đảng, về những lãnh đạo cấp cao nhất có vai trò gắn liền với những khúc quanh ấy, cả về ông mà tôi chỉ nghe qua tin đồn, về những nhân sĩ - trí thức-văn nghệ sĩ Miền Nam một thời, kể cả một vài nhân vật có vai vế trong chánh quyền Sài gòn ... Đặc biệt là với các Chúa Nguyễn và Triều Nguyễn cũng như các công thần thời ấy mà nay vẫn còn tranh cải công và tội. Ông từ tốn sẽ chia mà không hề giữ kẽ, có đoạn ông dừng lại rồi như bâng khuâng, dằng dặc nỗi niềm. Tôi thắc mắc tại sao anh em Nam Bộ được rút về Trung ương phần nhiều làm cấp phó?. Ông không trả lời thẳng mà kể lại chuyện những cán bộ, có cả nữ rất xuất sắc, là nhân tài, là dân miền ngoài, có người còn huyết thống hoàng tộc, nhưng ông chỉ đề lên cấp thứ trưởng mà không được, trong khi Thủ tướng Ý khen ông: "Có một nữ ngoại trưởng xuất sắc". Tôi trở thành học trò ông hồi nào không biết, học trò đúng nghĩa. Chỉ một thầy một trò. Có buổi "học" suốt hơn ba tiếng đến mức bảo vệ phải can để cho ông được nghĩ. Tôi thấy mình trưởng thành hơn về mọi mặt.

Từ công trình thoát lũ ra Biển Tây tôi mới hiểu những công trình lớn của cả nước trước đó như thủy điện Trị An, đường dây 500 Bắc Nam, khai thác hai "rún phèn" ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, quyết định đầu tư lọc dầu Dung quốc...là những công trình có rất nhiều ý kiến khác nhau giửa các nhà khoa học và các nhà quản lý. Vậy mà ông dám quyết định, trong khi bản thân không có một mảnh bằng bảo chứng. Đó là do ông có cách để các nhà khoa học: các kỷ sư, tiến sĩ, viện sĩ; các nhà quản lý: bộ trưởng, thứ trưởng; các vụ, viện và các nhà đầu tư; các cán bộ địa phương và cả dân chúng có hiểu biết, tin ông mà bộc lộ hết kiến thức, kinh nghiệm và cả suy nghĩ của họ với nhiều chiều khác nhau, không lo sợ, không rào đón. Cái hay của tầm lãnh đạo là biết tin, biết lắng nghe, chịu khó lắng nghe từ nhiều phía, hỏi nhiều lần để nghe cho kỷ...và để rồi có đủ tự tin và tự trọng, năng lực và trách nhiệm quyết đoán chuẩn xác. Đó là bản lĩnh lãnh đạo, bản lĩnh Võ Văn Kiệt - Thủ Tướng của nhân dân. Lãnh đạo có nhiều bằng cấp có khi chưa đủ, có bằng khoa học chuyên ngành thì thường thiếu tổng quát. Nhưng là lãnh đạo, trước hết phải có "bằng cấp dùng người", để như ngày xưa " Chúa sáng có tôi hiền". Ngày nay cũng vậy. Ông là người được nhân dân, nhất là nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học cả ba miền đều mến phục. Bạn bè tôi có cả ba miền đều nói với tôi câu ấy. Thật hiếm có người như vậy!. Và tôi thấy người nào trân trọng ông thì chính họ, ít lắm cũng có cái làm cho tôi trân trọng. Hôm quốc tang ông, có ngôi chùa nổi danh ở miền ngoài, sư trụ trì đọc ai điếu có dùng câu: "Ngài băng hà" mà ngày xưa chỉ dùng cho hoàng đế, nay lại dùng để chỉ cái chết của vị Thủ tướng của mình. Thật là chưa từng có!.

Ông có phong cách hơi lạ so nhiều người. Có mấy lần sau khi làm việc, ông bảo tôi đưa ông đến nhà thăm mấy người bạn cũ. Tôi định rước họ lại cho ông thăm, nhưng ông không chịu. Kể cả cháu của người vợ quá cố, ông cũng bảo tôi đưa ông đến nhà thăm họ. Còn khi tôi đưa ông đi thăm nông dân và cán bộ tận xã, ấp, họ đãi ông món của ruộng đồng, uống rượu đế...ông rất vui, và cũng đủ sức uống "với mổi cậu một ly". Khi vui như vậy ông hay trách bảo vệ và thầy thuốc đi cùng: "Tao bị mấy tay nầy làm khó. Làm như thịt tao thơm lắm nên luôn luôn sợ có người muốn làm thịt (ám sát), còn tao ăn chớ có biểu nó ăn đâu mà nó sợ đủ thứ, không cho". Ông thủy chung, khiêm tốn, chân tình và giản dị vậy đó.

Ông có nụ cười sảng khoái, độ lượng, truyền cảm hiếm có như ta thường thấy qua hình ảnh ông xuất hiện trước công chúng, nhất là với lực lượng Thanh niên xung phong, các nhân sĩ, trí thức Sài gòn những năm đầu sau giải phóng. Có lần tôi hỏi ông về Trịnh công Sơn sao không được vinh danh chi cả, ông nói: "Nó cũng hỏi tao câu đó: Em có tội tình gì mà anh S. đì em hoài? - Mầy biết tao trả lời sao không? - Tao nói vậy chớ tao còn bị ổng đì nửa mà!". Ông lại cười tự nhiên vui vẻ rồi tiếp: "Tao trả lời vậy rồi tự nhiên tao thấy hay!". Có lần tôi nghe một người kể lại: Có nhà nghiên cứu lý luận chê ông cùng một số lãnh đạo cấp cao không có đọc nguyên tác Mác-Lênin, ông cũng cười sảng khoái thay cho câu trả lời. Mùa nước năm 1998, chúng tôi đưa ông đi bằng tắc ráng thăm trung tâm Tứ Giác Long Xuyên. Sau khi rời bến, ông hỏi Bí thư tỉnh ủy (Ba Đức): "Đất hoang còn không". Anh báo hết rồi. Trời xuôi, anh em dẫn lạc đường, chạy lòng vòng qua các con kinh cấp 2, cấp 3 trong vùng mất cả tiếng. Tôi bực quá cự nự anh em được tôi phân công đi tiền trạm một ngày trước. Ông lật đật đở lời anh em: "Cũng hay, nhờ lạc mới biết đất còn hoang nhiều quá". Tôi bị "bể" bất ngờ và nhìn qua thấy ông Bí thư của tôi cũng cười sượng ngắt. Khi qua dưới cây cầu khỉ ông chỉ và hỏi tôi: "Nghe nói hết rồi mà?". Tôi lật đật: "Chổ nầy không có đường vào hai bên cầu. Và cũng phải còn vài cây để biết nông thôn mình một thời có cây cầu loại nầy hay lắm. Và, để làm thơ nửa ông Sáu ơi!". Ông cười: "Cũng là một lời giải thích". Nhẹ nhàng vậy mà nhớ hoài!. Hôm từ Côn Đảo về ghé An Giang làm việc, Chánh văn phòng Đoàn Mạnh Giao mang về con kỳ đà. Vào mâm, một lát sau anh Giao mới khệ nệ bưng thịt kỳ đà lên. Anh nói: "Nhà bếp không biết làm, tôi phải phụ, sợ dai nên nấu hơi lâu". Nói rồi anh đưa đủa gắp trước như để "nghiệm thu". Tôi lẹ miệng hỏi: "Dai không?". Anh chau mày nói: "Trời ơi! 50 tuổi Đảng". Ý anh nói nó già quá nên rất dai, nhưng lỡ lời. Tôi chờ phản ứng của ông. Nhưng ông nhìn anh Giao rồi cười độ lượng và mắng một câu nhẹ nhàng: "Cái thằng nầy!". Những khi đi kiểm tra thực hiện chỉ thị 200 về vệ sinh - môi trường, khi anh em báo cáo khó khăn do dân chưa quen, thậm chí có cán bộ về hưu trí còn cự nự; trước khi chỉ đạo phải tiếp tục quyết liệt với giải pháp làm nhà vệ sinh tự hoại rẻ tiền và phải cho dân nghèo vay tiền để làm, ông tỏ ra cảm thông: "Tụi mình quen làm "quận công" rồi" - và cười hiền, nhắc lại nguyên câu: "Nhất quận công/ Nhì i... a đồng mà". Năm con gái tôi 18 tuổi đi bầu cử Hội đồng tỉnh. Trước khi đi nó hỏi ai cấm đốt pháo hở ba?. Tôi hỏi chi vậy?. Nó nói để con gạt tên ông đó. Tôi kể chuyện ấy cho ông nghe. Ông cười hiền: "Tao cũng thấy buồn. Mà anh em đề nghị thay vào bằng kéo hết còi xe, tàu, đổ chuông ở các nhà thờ, thánh thất...lúc giao thừa. Như vậy sao cũng thấy lơm cơm quá. Chưa được!". Ông có những nụ cười như vậy đó, thay cho lời mà ta cảm nhận được ý hay tứ đẹp. "Nụ cười Võ Văn Kiệt"!.

Nỗi niềm
Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi thấy ông buồn. Đó là khi ông kể về cái nghèo của bà con dân tộc huyện Mường Tè mà ông chọn làm huyện điểm xóa đói nghèo. Rồi chuyện nâng cấp đô thị SaPa. Ông nói: "Đô thị phát triển, các khu kinh tế mở ra người dân tộc mình lại lùi xa vào rừng trở lại. Tao có ông bạn người dân tộc ở Mường Tè nói với tao như vậy, và mổi lần đến thăm đều mang nếp, gà xuống cho. Ông nhận tao là anh em kết nghĩa". Ông luôn băn khoan về sự "tăng trưởng kinh tế cả nước đang làm một bộ phận không nhỏ dân nghèo bị dạt ra lề cuộc sống". Có lần ông gọi tôi đến nhà bảo về bàn với anh em ra tờ báo cho nông dân đọc, lúc đầu là cho, dần dần quen rồi sẽ bán. Ông than: "Báo mình có đến sáu bảy trăm tờ mà không tới nông dân, vì báo kinh doanh, ít viết về nông dân nông thôn quá". Về quan hệ với nước lớn láng giềng và các nước lớn khác, ông có vẻ nặng nề, day dứt về những cú lừa và bắt nạt trắng trợn của họ trong quá khứ, hiện tại và lo lắng cho tương lai .
Về công tác cán bộ, có lần ông nói đầy vẻ ưu tư: "Quyền lực là ma túy, nó làm cho người ta say và biến chất dễ nhất. Quyền lực và tham nhũng cách nhau cái ranh rất mỏng. Cán bộ mình loại ấy nay không ít đâu. Có cậu biết ý tôi không tán thành loại đó nên đều né tôi hết". Khi tôi hỏi ông về mối quan hệ giửa ông với cố Tổng bí thư Nguyễn văn Linh và sự kiện đường dây 500 ông không trả lời mà chỉ nói: "Ổng kêu tao là cậu em của bả", rồi kể tôi nghe đoạn cuối câu chuyện mà tôi muốn biết. Đó là sáng sớm trước giờ khánh thành đường dây, người ông nhớ đầu tiên và mang chai sâmpanh vào trại giam thăm là anh Vũ Ngọc Hải đang lúc anh Hải còn tập thể dục. Rất cảm động và bất ngờ!. Ông gắn huy hiệu kỷ niệm công trình đường dây lên ngực anh Hải rồi khui rượu, cùng chúc mừng thắng lợi!. Nhưng có lẻ sâu lắng nhất là câu chuyện ông kể về phu nhân của ông cùng con trai hy sinh trên chuyến tàu Thuận Phong vào thăm ông bị trực thăng Mỹ bắn là tôi thấy ông buồn rưng rưng nước mắt!. Lần cuối cùng tôi gặp ông tại 16 Tú Xương là sau Đại hội XI mấy tháng. Lần ấy ông nói với tôi là phải cùng anh em lo nước ngọt cho dân và đối phó với biến đổi khí hậu sẽ nhận chìm đồng bằng sông Cửu long. Ông ưu tư và như đang bận rộn suy nghĩ cho một công việc gì trọng đại lắm. Hóa ra là chuyện đó, chuyện lũ bão, nước biển dâng, chuyện lo cho dân nghèo, kể cả chuyện lo cho nông dân có báo đọc... Nó chiếm hết nỗi niềm của ông - Nỗi niềm Võ Văn Kiệt!.

Những câu chuyện trên có thể bổ sung cho những "Dấu ấn Võ Văn Kiệt", "Nụ cười Võ Văn Kiệt" mà sách báo đã viết nhiều . Và cũng còn nguyên đó "Nỗi niềm Võ Văn Kiệt" lặng lẽ theo ông về bên kia thế giới. Tôi nghĩ vậy!.

Về cá nhân tôi, khi sắp hết nhiệm kỳ Chủ tịch, cấp trên tính rút tôi về làm Phó cho một Ban. Khi xin ý, ông khuyên tôi làm Trưởng ấp sẽ thiết thực hơn. Nhưng khi biết trên rút tôi về làm chuyên trách chống tham nhũng đến 65 tuổi mới nghỉ mà tôi từ chối thì ông lại động viên: "Làm đi, chổ nầy máu lửa đó". Nhưng khi tôi kiên quyết xin nghỉ hưu luôn thì tôi thấy ông hơi buồn và nói như vớt vát: "Nghỉ, nhưng nhớ mầy còn làm nhiệm vụ Đảng viên nghe". Tôi thấy như mình có lỗi với ông và tôi luôn cảm thấy day dứt.
Hôm trò chuyện cùng cô phóng viên đài truyền hình Vĩnh Long để cô viết bài về ông nhân kỷ nệm ngày sinh lần thứ 90, trước khi kết thúc, cô hỏi tôi nếu phải dùng một từ để nói hết tấm lòng mình đối với Chú Sáu?. Tôi không đủ khái quát trong một từ, chỉ có thể nói ông là người lãnh đạo cao nhứt mà tôi biết, duy nhất với tôi không có khoảng cách, duy nhất mà tôi TIN CẬY !. /.
Long Xuyên, ngày 25/10/2012.

(Theo NLG)
--------------------

1 nhận xét:

  1. Theo như bài của ông và những thông tin tôi đã được biết thì con người Cố thủ tướng là biểu hiễn cao nhất của sự tồn tại mâu thuẫn giữa tâm và tầm của người hiền tài với vai trò lãnh đạo của tập thể. Điều này làm hiệu quả cách mạng không thể cao được.
    Mà sao ông viết bài này với giọng văn nghe chua sót vậy?

    Trả lờiXóa