Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

> CŨNG LÀ “TRI THIÊN MỆNH”

           * Bùi Văn Bồng
        Mới rồi, tôi có dịp trao đổi, nhàn đàm với hai người bạn đồng môn, cùng tổ học tập ở Đại học Tổng hợp Văn - Hà Nội năm xưa. Nay họ đều là giáo sư, tiến sĩ.
                Một anh nói:
- Suốt đời đi theo Đảng, nay với Đảng, mình phải làm thế nào cho phải nhỉ?
Tôi hỏi:
 - Nói gì, chưa hiểu?
            Anh bạn chặc lưỡi, lắc đầu, gãi tai, một lúc sau mới nói:
      - Thì ý mình là còn mấy tháng nữa sẽ nghỉ hưu. Đang băn khoăn xin ra khỏi Đảng hay là hồ sơ chuyển Đảng về nơi cư trú thì cứ để đấy, xin thôi không sinh hoạt Đảng nữa? Cái “chất” của Đảng ta xưa khác, nay khác. Mình vào Đảng cũng hơi sớm, 40 năm tuổi Đảng rồi. Thấy Đảng ta đầu tiên là lý tưởng, đến đi sâu quá rồi sa đà vào lý luận, do rất lơ mơ coi nhẹ thực tiễn mà mắc bệnh quan liêu, nay thì chỉ thấy lý sự và lý cùn, nhiều vị cũng không hơn Lý Toét...
            Lắc đầu:
       - Ngồi sinh hoạt chi bộ thấy mình là đảng viên mà thấp cổ bé họng, họp chi bộ trong bối cảnh này cũng chẳng để làm gì. Quả thực có nhiều đảng viên phàn nàn là nói không ai nghe, mọi lời góp ý cứ bị trôi tuột. Riết rồi không biết nói cái gì nữa. Vào họp chi bộ ngồi im, hết cuộc về, bí thư chi bộ thích nói cái gì thì nói. Ví dụ, những điều đảng viên bức xúc, nhưng kiến nghị chẳng ai nghe. Hôm rồi, việc triển khai tự phê và phê được chuẩn bị khá kỹ, nói là phải nghiêm khắc, quyết liệt, không dung hòa, không thả hiệp…Rồi “tắm, gội cái đầu trước, làm từ trên xuống, nhưng rồi chẳng đi đến đâu. Hừ, vẫn là nói không đi đôi với làm, nói hay, làm dở ẹt. Bí thư chi bộ phổ biến cho tất cả các đảng viên: “Hội nghị Trung ương 6 thành công tốt đẹp. Phải nói thế, phát ngôn ra dân cũng phải nói vậy, nói khác là không đúng với tinh thần đảng viên”(?!). Không biết cái “tinh thần đảng viên” mà ông ta nói là gì? Là phải tiếp tục sống theo cái nếp quen tự dối lòng mình và dối cả với dân à?
               Anh bạn kia nói:
           - Tôi cũng nhớ, hôm kết nạp Đảng cách đây 40 năm, giơ tay tuyên thệ, thuộc lòng các nhiệm vụ, điều lệ, nguyên tắc. Trên bàn thờ Tổ quốc có cờ Đảng, cờ nước, ảnh Bác và câu khẩu hiệu đỏ chói: “Suốt đời hy sinh phân đấu cho lý tưởng cộng sản”. Thì đó, thề là làm, gương mẫu, trong sạch, liêm khiết, chuyên tâm lo cho công việc Đảng, nhà nước giao. Nay coi như suốt đời cống hiến rồi đó. Thấy tình trạng suy thoái toàn diện của “bộ phận không nhỏ” trong đảng hiện nay mà thấy không còn biết tin vào đâu được! Buồn. Chán! Cái lý tưởng mà mình đã suốt đời theo đuổi, nay lai phải bàn đến kế sách, sửa luật thế nào để "người cày có ruộng". Khẩu hiệu này Đảng đã nêu ra tư khi thành lập Đảng hơn 82 năm rồi, gần cả thế kỷ mà vẫn phải ta đấu tranh với chính ta để  để "người cày có ruộng". Nông dân bị mất đất nhiều quá, lại cũng xảy ra đàn áp, trấn dẹp, ức hiếp người dân. Rồi đấu tranh cho mọi công dân được sống tự do, công bằng, dân chủ...Đúng là sự phấn đấu kiên trì, không mệt mỏi. Thế thì biết luận giải thế nào?
       Lúc sau, anh ta lại nói:
           - Cũng thấm cuộc đời rồi. Sinh ra phải thời loạn lạc, chiến tranh liên miên; lớn lên gặp chặng gian nan; nghỉ hưu thấy đời lắm chuyện dở, gàn.
Nghe hai anh bạn nói vậy, tôi cũng tham gia:
- Tôi có chơi thân với nhà thơ Nguyễn Hoài Nhơn. Anh ta sinh 1956, tuổi Thân, nay cũng sang kỳ xế bóng rồi. Tôi thích cái chất sâu xa mà hóm trong thơ Nguyễn Hoài Nhơn. Hôm rồi, đọc bài cảm tác trong tập thơ “Tự biết” của Nhơn, cũng lý giải “Ngũ thập niên”, xem ra cũng là hợp với lẽ của đạo Khổng: “Ngũ thập tri thiên mệnh”, tức là người 50 tuổi mới biết được mệnh trời. Cái tự biết của người đã từng đi nhiều nơi, trải biến nhiều gian nan, khốn khó, vào sinh ra tử, nay hầu như đã quá đủ để chiêm nghiệm và cũng đủ để chưng cất thành thơ: “Tôi chống ngọn bút bi như chống cuốc/ Toát mồ hôi khi nhìn lại những sá cày/ Con chữ thôi miên lần hồi thơ phú/ Bưng bát cơm, vơi quá nửa đắng cay”.
     Anh bạn sắp nghỉ hưu nói:
-  Nói chung, cái truyền thống chưa ai đúc kết, kiểm chứng mức độ, nhưng đã từ lâu lắm rồi Đảng ta lấy vũ khí phê-tự phê để mà “tự xử”, mới rồi thấy nhiều việc "tự xử", ai dám cãi? Chuyện nghỉ hưu có chuyển Đảng về chi bộ cơ sở để sinh hoạt tiếp hay không sẽ tính tiếp, mình là đảng viên cũng có quyền “tự xử” chứ! Khỏi cần hỏi ý kiến ý cọ của  ai, khỏi phụ thuộc mấy ông tổ chức-tổ tôm-tổ rối  nào hết. Tiếp tục sinh hoạt Đảng hay bỏ sinh hoạt? Ra khỏi Đảng hay để hồ sơ làm kỷ niệm một đời theo Đảng đến mức sẵn sàng quên thân, gian truân, căng óc một đời cống hiến thì tùy mình. Đúng thế, tự nguyện xin vào Đảng, nay lại "tự xử", tức là tự mình làm cách nào mà thấy hồ hởi nhất, thanh thản nhất, khỏi dính dáng phiền toái nhất, có thể cười vô tư như thỏ!...
           Ngừng một lát, nhăn cả da trán, nhíu đôi mày thưa, anh bạn tôi phất tay: "Lắm lúc tự hỏi, Đảng là ai và gồm những ai? Đảng làm gì? Mối quan hệ Đảng - Dân, Đảng và cuộc sống  xã hội như thế nào? Xưa, có thể trả lời được, nay chịu, nếu cứ rập khuôn, lý thuyết, thuộc bài mà trả lời như xưa thì trật lấc. Thôi, ta nói chuyện khác, cho nhẹ bớt cái đầu. Chuyện này nói hoài cũng chẳng đi đến đâu, không giải quyết được gì, mất công, mệt óc, thêm sinh bệnh, tổn thọ!".

B.V.B

5 nhận xét:

  1. Năm nay, đầu năm cả nước tưng bừng khí thế mới, vì thấy Đảng ra được nghị quyết T.Ư 4.Rồi đồng thời cũng bừa bộn, phức tạp, rối mù dư luận, banh tành các vụ Tiên Lãng, văn Giang, Vụ Bản, chợ Bỉm Sơn, Dwong Nội, Đắc Nông...như là sự công khai thách thức, làm ván bài lật ngữa, chống lại Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4. Rõ là cuọc đấu tranh quyết liệt để khẳng định sự tồn tại, lấy lại uy tín, niềm tin với Đảng, sự tồn vong của chế độ như thế nào? Thế nhưng, sau Hội nghị T.Ư 6 mới rồi, toàn đảng, toàn dân hết hy vọng, Thượng đỉnh cầm quyền lãnh đạo đất nước mà như vậy cả sao? Nguy cơ "tự diễn biến" ngay trong nội bộ Đảng là thấy rõ, dù khỏa lấp cũng vậy mà thôi. Nếu như không ra NQTƯ 4 thì có khi còn thấy yên lành hơm, dù là tự huyễn hoặc, mấy chục năm nay dã vậy rồi, nay giở ruốc, tung rối, cào xới lên rồi chẳng làm được gì. Chán chường, ngao ngán, hết tin là phải!

    Trả lờiXóa
  2. Tôi đồng tình với Kim Liên ở câu kết: "Nếu như không ra NQTƯ 4 thì có khi còn thấy yên lành hơn, dù là tự huyễn hoặc, mấy chục năm nay dã vậy rồi, nay giở ruốc, tung rối, cào xới lên rồi chẳng làm được gì. Chán chường, ngao ngán, hết tin là phải!".

    Hiện thời, niềm tin của Nhân Dân đã và đang bị THÁCH THỨC đến TỘT CÙNG. Mấy ngày nay, trên hội trường QH, thấy hình ảnh ĐĂM CHIÊU của tổng bí thư trực tiếp chứng kiến các ông Vương đình Huệ, Nguyễn văn Bình "trổ tài" chữ nghĩa, lý luận... mà NẪU RUỘT.

    Tham nhũng LÀ AI, Ở ĐÂU? Xin thưa NÓ ở NGAY TRONG LÒNG MỖI QUAN CHỨC !
    Vấn đề là KHÔNG THẬT SỰ muốn TRIỆT nó, nên người ta có cách này, cách kia ĐỂ nó... mà NÊN NÔNG NỖI NÀY.

    Nhân dân ta, trong đó có tôi và các đồng môn trong bài, phải nghĩ gì, làm gì và sống ra sao với thời cuộc nhiễu nhương NÀY ?
    (MỘT BAN ĐỒNG MÔN).

    Trả lờiXóa
  3. Đừng để
    Bộ phận “khá to”(*) nó ở đâu?
    Nó luồn, nó rúc, nó chui sâu
    Ngọn đèn “nghị quyết” giơ cao cổ
    Thanh kiếm “nhân dân” giáng xuống đầu
    Tham nhũng, quan liêu…tìm đường trốn
    Cửa quyền, lãng phí…cố chìm cầu ?
    Đảng viên, dân chúng cùng chung sức
    Đừng để chúng luồn, chúng trốn mau!
    ----------------------------
    (*) Không nhỏ = khá to

    Trả lờiXóa
  4. Tôi với anh, chắc chúng ta cùng thế hệ
    Kết nạp đảng, chúng ta đều tuyên thệ
    ....

    Tôi đã không còn viết blog nữa, cũng như những người lương thiện, tôi đã biết sợ cái xấu, những nỗi niềm đau đáu đành giữ lại nhâm nhi. Tôi chọn những bài viết của những người " Lính cảm tử" trước nền chuyên chính lưu lại về đây. Tôi chia sẻ cùng anh, nếu anh muốn đọc chỉ cần gõ cụm từ ĐỌC & SUY NGẪM là sẽ thấy

    http://tinblog-entrychonloc.blogspot.com/

    Trả lờiXóa
  5. Các bác cho em nhập hội với, em cũng sắp nghỉ hưu, nhưng đã "tự xử" cách đây hơn chục năm rồi, không đến nỗi giờ mới phải nghĩ như các bác, thôi nghĩ mà làm chi, nghỉ luôn cho khỏe, các bác ạ!

    Trả lờiXóa