Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

> Con của một gia đình "phức tạp" LẶNG LẼ TỎA SÁNG

* THU HÀ
                   Ông là GS. TS Lê Quang Long, người đã có hơn 64 năm phục vụ trong ngành giáo dục…Có người gọi ông là giáo sư “không có tuổi già”; còn Gs. TsKH, Nhà giáo ưu tú Trần Kiên (nguyên Chủ nhiệm khoa Sinh học, Đại học Sư phạm Hà Nội) viết về ông trong cuốn hồi ký (năm 2008) như thế này: Hệ thống kiến thức bài giảng của thầy được cấu trúc với những nét độc đáo và đặc sắc, trong đó có sự nhuần nhuyễn hợp lý giữa khái niệm, định nghĩa với các ví dụ về những sự kiện khoa học của bài giảng…

Từ cuộc sống nhung lụa…
                         Trong ngôi nhà riêng cách xa trung tâm thành phố Hà Nội, vị giáo sư sắp bước sang tuổi 90 tiếp chúng tôi với chất giọng “đặc” Huế, tưởng như khó nghe nhưng lại rất rõ ràng. Ông kể: “Gia đình tôi thuộc diện “phức tạp”, có nhiều liên quan đến chế độ phong kiến. Mẹ tôi là công chúa thứ 9 của vua Thành Thái; là chị ruột của vua Duy Tân; chị họ vua Bảo Đại. Sau khi ông ngoại Thành Thái và cậu Duy Tân âm mưu chống Pháp bại lộ, bị đày ra đảo Réunion (châu Phi), mẹ tôi thoát khỏi cung cấm, ra ngoài và gặp cha tôi. Cha tôi đã từng làm tuần vũ Ninh Thuận, bố chánh Bình Định, đại diện Nam Triều canh toàn quyền Đông Dương Decoux, Thủ hiến 16 tỉnh Trung bộ…”.

Vị giáo sư “không có tuổi già” đã cống hiến và phục vụ ngành giáo dục hơn 64 năm không biết mệt mỏi
                7 anh em ruột của ông đều có chức quyền cao trong chế độ cũ, có quan hệ xã hội mật thiết với thực dân Pháp. Riêng ông lại thấy bức bối và đau khổ trước cảnh lầm than của đồng bào và mang nỗi nhục của người dân mất nước. Khi còn là sinh viên trường Đại học Y Hà Nội, ông hiểu rõ hoàn cảnh đất nước qua từng trang báo, qua chuyện gia đình. Và qua “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc, ông càng hiểu sâu sắc hơn và ý thức được những việc một người thanh niên yêu nước cần làm.
... đi theo cách mạng!
                Khi Nhật đảo chính Pháp, trường Y đóng cửa, ông trở về Huế và gia nhập trường Thanh niên tiền tuyến. Tham gia biểu tình chống chính quyền ở Huế và thực dân Pháp, rồi ông trở thành một trong những người lập chiến công đầu tiên trong việc bắt sống phái đoàn của Tướng Đờ Gôn đến Huế…Sau khi tham gia giải phóng Huế, ông cùng 4 người bạn khác được phái sang Lào, làm cố vấn quân sự cho Hoàng thân Xuphanuvông.
                 Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông được cử đi học một lớp đào tạo giáo viên Văn cấp tốc do các thầy Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Trần Đình Đàn dạy và được tuyển chọn vào dạy ở trường Quốc học Huế. Ông vinh dự đứng trong đội ngũ các giáo viên phổ thông đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mới giành độc lập. Sự nghiệp dạy học cũng gắn với cuộc đời ông từ đấy.
Dạy học bằng… nghệ thuật
                   Để đến với môn Sinh học và trở thành GS. TS Sinh học của một trường đại học danh tiếng cả nước- Đại học Sư phạm Hà Nội, GS. TS Lê Quang Long đã trải qua nhiều gian truân và thử thách do “vấn đề” lý lịch. Trước đó, ông từng là giáo viên dạy Văn, Pháp văn, Anh văn và có lúc dạy vẽ.
                   Chính phương pháp truyền thụ đặc biệt của ông khiến nhiều thế hệ học trò từ Bắc chí Nam không thể nào quên người thầy “đặc biệt” này.
                  “Các ví dụ thầy đưa ra, ngoài thủ thuật khơi gợi tính tò mò của sinh viên, nó còn đầy đủ đến kỳ lạ và chính xác đến ngạc nhiên về năm tháng, nơi xảy ra, nguồn gốc sự việc. Cái hay trong bài giảng của thầy là nghệ thuật dẫn dắt sinh viên đi từ phát hiện này sang phát hiện khác; kích thích tính tò mò, làm cho sinh viên muốn khám phá ra nhiều cái, mà những cái đó lại chính là những điều mà thầy định nói (trọng tâm của bài). Có thể nói thầy đã đạt được đỉnh cao trong nghệ thuật dạy học…”, GS. TS Trần Kiên, một trong những học trò của ông, viết.
                 PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD và ĐT, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam, nhớ về những giờ giảng của người thầy: Thầy Lê Quang Long có biệt tài vẽ rất đẹp. Thầy có thể vẽ đầu con mèo bằng tay trái, đồng thời tay phải vẽ thân con mèo, khi hai viên phấn chạm nhau cũng là lúc con mèo được hoàn thành. Chuyện thầy thường ngoặc tay ra phía sau vẽ hình minh họa, trong khi vẫn ngoảnh mặt về phía sinh viên giảng khiến học trò thích thú… Cứ như vậy, thầy dẫn dắt họ vào với bài giảng lúc nào không hay.
                              Nói về phương pháp dạy học của mình, thầy Long khiêm tốn: Bao giờ tôi cũng bắt đầu bài giảng bằng những câu chuyện. Ví dụ khi dạy sinh viên về nhân bản vô tính (cụ thể là con cừu Doly), tôi bắt đầu bằng câu “Mưa lâm thâm ướt dầm lá hẹ, anh thương một người có mẹ không cha”, cả lớp nghe xong lao xao. Tôi hỏi, trong thực tế có hay không có một người có mẹ mà lại không có cha, sinh viên lại bàn luận xôn xao. Tôi lập tức đưa ra vấn đề trên thế giới có chuyện con cừu được sinh ra có mẹ mà không có cha. Sinh viên tỏ ra thích thú với vấn đề này và họ hồ hởi chờ đợi lời giải đáp…
                   Khi GS Hồ Ngọc Đại gặp Hiệu trưởng trường Sư phạm, lúc đó là GS.TS Đinh Quang Báo, nhờ giới thiệu giảng viên tham gia một chương trình quốc gia mà ông đang phụ trách, thầy Báo đã giới thiệu một giáo viên có tiếng, nhiều năm là chiến sĩ thi đua, song GS Đại đã mời thầy Long vì cần một người thầy có nghệ thuật giảng dạy.
                   Không chỉ đóng góp cho nền giáo dục non trẻ của Việt Nam, GS. TS Lê Quang Long còn có công lao không nhỏ trong việc khôi phục nền đại học Campuchia sau nạn diệt chủng Pôn Pốt.
                 Theo đề nghị của Campuchia, phái đoàn Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình làm trưởng đoàn đã sang truyền đạt kiến thức cho những người đồng nghiệp tương lai- những người sẽ đặt nền móng cho nền đại học Campuchia. GS. TS Lê Quang Long đã giúp bạn biên soạn và xây dựng 3 bộ giáo trình bằng tiếng Pháp… Với những đóng góp cho nền đại học Campuchia, ông đã được Thủ tướng Hun-xen ký tặng Huân chương Hữu nghị Việt Nam- Campuchia.
Bạn của nhà nông
                       Ông là một trong ba người đầu tiên của Việt Nam bảo vệ thành công luận án bồi dưỡng cấp II (tương đương với luận án phó tiến sĩ của Liên Xô), “khai sinh” ra hệ đào tạo tiến sĩ ở các trường đại học, viện nghiên cứu ngày nay. Những công trình nghiên cứu của ông lúc đó thường mang tính lý luận, nhưng ông đã hoàn toàn chuyển hướng nghiên cứu sau khi nhận được sự góp ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại một cuộc triển lãm. Lúc ấy, với công trình nghiên cứu chống rét cho cá, ông trưng bày máy móc rất công phu. Không được gặp trực tiếp Bác, nhưng ông nghe sinh viên kể lại rằng, Bác xem xong chỉ nói một câu nhẹ nhàng: Thầy của các cháu nghiên cứu thế này thì nông dân họ áp dụng sao được. Cần nghiên cứu vấn đề hiện đại nhất, nhưng phải thiết thực nhất.
                    Từ gợi mở của Hồ Chủ tịch, thầy Long đã tự hỏi: Làm thế nào để nâng cao đời sống của người dân, trong khi phần lớn bà con đều thiếu chất dinh dưỡng. Trong điều kiện thành phố ao hồ chật hẹp, làm thế nào để nuôi cá, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Trong “hành trình” đi tìm lời giải, ông chợt nhớ tới việc nhiều lần thấy người dân bốc mộ, dưới quan tài nhung nhúc cá trê.
                          “Nếu một sào ao bình thường người ta nuôi được 3 tạ cá, vậy mình làm một cái hố tương tự, liệu có nuôi được một tấn cá không?”. Từ suy nghĩ đó, sau một năm nghiên cứu, thầy Long cùng các sinh viên đã tạo được một bể cá, nuôi cá trê con, mỗi ngày cho ăn và chỉ đổ vào đó một ca nước. Kết quả thật đáng kinh ngạc, sau một thời gian, mỗi lít thể tích ứng với một ki-lô-gam cá. Như vậy, với bể thể tích 1.000 lít, nhóm nghiên cứu của thầy Long đã thu về được một tấn cá.
                 Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã học tập phương pháp nuôi cá năng suất cao của thầy, và không ít người đã thành công như mong đợi.
Thầy Lê Quang Long trao đổi cùng Ban biên tập của NXB Giáo dục về bộ Từ điển các loài động vật (được in và tái bản 8 lần trong 3 năm) - bộ sách đã giành huy chương Bạc về sách hay, sách đẹp năm 2007
                  Đầu tư nghiên cứu nhằm giải quyết tốt những vấn đề nông dân đang gặp khó khăn là công việc luôn khiến thầy Long say mê, yêu thích. Khi đất nước vừa thống nhất, nhiều nông trường được thành lập ở ven biển. Phần lớn nông trường đều lúng túng trong việc nuôi vịt và cá quả, vì thiếu chất tanh vịt không lớn được, còn nuôi cá năng suất cao như cá quả lại thiếu nguồn thức ăn. Vậy là ông nghĩ tới việc nuôi cá rô phi để tạo nguồn thức ăn cho vịt và cá quả. Sau 7 năm nghiên cứu, ông đã thành công trong việc triển khai phương pháp nuôi cá rô phi-loại cá sinh sản nhanh- ở nước lợ. Cá rô sinh sản nhiều đến nỗi cá quả không ăn hết. Thêm nữa, khi thủy triều lên, cá rô phi tràn vào đồng và mắc cạn, nông trường chỉ việc lùa vịt tới ăn cá. Đàn vịt lớn nhanh như thổi và cho rất nhiều trứng.
                 Gắn bó với nông dân, nhiều đề tài nghiên cứu của ông tiếp tục ra đời, ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn và được đánh giá cao như: Thúc đẩy cá lớn nhanh (năm 1970 và 1972); Thăm dò triển vọng của phương pháp chọn trứng ấp và dự đoán tỷ lệ nở ở các hợp tác xã nuôi vịt ở Di Long (Hà Sơn Bình) và Vũ Dy (Vĩnh Phú) qua một số chỉ tiêu hình thái (năm 1975); Cải tiến khâu thụ tinh nhân tạo trong lợn nuôi (trong đó có 5 công trình vào các năm 1970, 1972, 1973, 1977, 1978); Nghiên cứu nghề nuôi hai giống cá rô phi miền Bắc và rô phi vằn miền Nam (năm 1980); Nghiên cứu cải tiến nội dung giảng dạy và xây dựng chương trình Sinh học các cấp (các năm 1970, 1974, 1975, 1977, 1980, 2004, 2006)…
Vẫn lặng lẽ tỏa sáng
                64 năm liền phục vụ trong ngành giáo dục, về hưu gần 20 năm nay, song thầy Long vẫn tiếp tục giảng dạy tại khoa Sinh, trường Đại học Sư phạm Hà Nội và nhiều trường đại học khác, vẫn lặng lẽ làm người “đưa đò”, chở bao thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.
                   Không chỉ giảng dạy, thầy Long còn dốc bầu nhiệt huyết cho việc viết sách. Tính từ năm 1970 đến 2009, ông đã viết gần 100 đầu sách, trong đó 50 đầu sách được viết trong những năm về hưu. Đó là những giáo trình đại học, sách giáo khoa phổ thông, sách tham khảo, chuyên đề sau đại học và từ điển. Ông trở thành tác giả được Nhà xuất bản Giáo dục tín nhiệm với những đầu sách hay, sách đẹp, được tái bản nhiều lần như: Bộ ba Từ điển tranh về động vật, về thực vật; Từ điển Sinh học phổ thông; ba tập Chuyện lạ có thật về động vật, về thực vật, về con người…
                     Một trong những công trình nghiên cứu mang giá trị cao của ông là cuốn Hóa điện phản xạ và trí nhớ (xuất bản năm 1973, tái bản năm 2003). Trong lời giới thiệu, GS. TS Tạ Quang Bửu có đoạn viết: “Vì cuốn sách viết rất rõ ràng và hấp dẫn về những vấn đề quan trọng nên tôi đã đọc một mạch và sau khi đọc xong, sách để lại cho tôi một cảm giác thoải mái vì đã tiếp thu được rất nhiều mà không phải lao động nhiều lắm”.
                    Với tinh thần của một nhà khoa học làm việc không mệt mỏi, thầy Lê Quang Long đã làm chủ tịch, phản biện hoặc ủy viên của 72 hội đồng quốc gia chấm luận án phó tiến sĩ, thạc sĩ ở các trường đại học. Gần đây nhất, vị giáo sư “không có tuổi già” còn được cử làm Phó Chủ tịch, Ủy viên ban cố vấn biên tập kỷ yếu cho 4 hội thảo quốc tế tại Hà Nội về Sinh học (năm 2000); Bảo vệ môi trường (năm 2002); Kinh tế tri thức (năm 2004); Tâm lý – Giáo dục (năm 2005). Mỗi cuốn dày 700 đến 800 trang, gồm gần 400 báo cáo bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp…
                    Có một điều lạ rằng, một nhà giáo tận tụy với nghề, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp khoa học kỹ thuật của nước nhà như thế, cho đến nay GS.TS Lê Quang Long vẫn chưa nhận được một danh hiệu nào, dù là danh hiệu nhà giáo ưu tú ... (Liệu nguyên do có phải ông có một lý lịch, là con của một gia đình "phức tap"?- BVB).   Khi chúng tôi thắc mắc với ông về điều ấy, ông chỉ cười và nói: Đi theo cách mạng, tôi được cả giang sơn, độc lập và thống nhất. Đây là điều mà Hồ Chủ tịch và Đảng đã làm được, là điều mà tôi ao ước, điều mà gia đình tôi không làm nổi dù đã ở ngôi cao nhất. Và ông tự nhận mình là nhà giáo yêu nước, cống hiến sức mình vì nhân dân, vì Tổ quốc.
                  Tuy vậy, các thế hệ học trò của thầy vẫn luôn trăn trở. PGS. TS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ: “Thầy Lê Quang Long là thầy dạy, sau này là đồng nghiệp của tôi. Tôi kính trọng tài năng, đạo đức và mong muốn thầy trở thành Nhà giáo nhân dân trong nhiều năm về trước. Nhiều lần tôi đã đề nghị thầy làm thủ tục theo cơ chế của Nhà nước nhưng thầy Long không làm vì cho rằng phục vụ nhân dân tốt là được rồi. Nhưng tôi nghĩ rằng một người xứng đáng như thầy phải được Nhà nước biết đến. Nếu thầy được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân thì đây không chỉ là niềm vinh dự của các thế hệ học trò mà còn là của sự nghiệp giáo dục”.
     T.H          

2 nhận xét:

  1. Đọc bài của đại tá Bùi Văn Bồng vừa cảm phục một trí thức lớn,hết lòng vì đất nước và nhân dân như thầy Lê Quang Long ,nhưng cũng lấy làm lạ một danh dự "Nhà giáo ưu tú" con con mà cho đến tận cuối đời -ngoài 90 tuổi thầy cũng chưa được vinh danh ? Thật đáng trách...thay!

    Trả lờiXóa
  2. Khi XH trắng đen lẫn lộn, kẻ cướp thắng thế huyênh hoang, tiền bạc lấn át đạo đức và luật pháp thì các loại bằng cấp, các danh hiệu thi đua cũng nhốn nháo.
    Chưa được vinh danh, nhưng Thầy Lê Quang Long xứng đáng "Nhà giáo ưu tú" trong lòng dân.

    Trả lờiXóa