Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

> COC - chả là ‘CÁI CÓC GÌ’ đối với Trung Quốc

Hội nghị Thượng đỉnh các nước ASEAN
                                                                         Bùi Văn Bồng   
              Mấy ngày qua, dư luận tại các nước ASEAN và trên thế giới quan tâm đến vấn đề Biển Đông, nhất là sắp có một “Bộ quy tắc ứng xử COC”.

              Cách đây hơn 10 năm, từ đầu năm 2002, các nước ASEAN đã thống nhất với nhau đưa ra Tuyên bố DOC. Hơn 10 năm qua, dù tỏ thái độ không tán thành, muốn kéo rê thời gian, chần chừ mãi, Trung Quốc mới chịu ký bản thỏa thuận DOC. Do nhiều yếu tố liên quan đến thực trạng trong nước và mối quan hệ quốc tế vào thời điểm đó, buộc Trung Quốc phải ký như để “cho xong chuyện”. Nhưng ngay sau đó, Trung Quốc lại tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra, vẫn lờ tịt như chưa hề có DOC.

              Trung Quốc gia tăng các hoạt động xâm lấn, gây tranh chấp trên vùng biển-đảo thuộc chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam và các nước trong khu vực. Vậy là các nước ASEAN lại thấy sự ràng buộc pháp lý của DOC hầu như còn nhiều khiếm khuyết, chưa có những quy tắc ứng xử mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý ở mức cao.  Trong khi đó, Trung Quốc lại đang tìm cách cố tình  né tránh các điều ràng buộc về pháp lý, tức là né tránh những căn cứ pháp lý do Việt Nam và các nước đưa ra mà không có lợi cho phía Trung Quốc.
Trong các Hội nghị, diễn đàn cấp cao ASEAN, một chủ đề mà các lãnh đạo mong muốn là thúc đẩy sớm để tiến hành trao đổi một cách chính thức về COC giữa ASEAN và Trung Quốc. Đây không chỉ là trao đổi giữa ASEAN và Trung Quốc mà các nước ngoài khu vực cũng mong muốn các bên đạt được đồng thuận vào đi vào thảo luận xây dựng Bộ quy tắc ứng xử này vì COC sẽ đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực nhưng cũng tác động đến các nước.
Sự né tránh rõ nhất là tại hai Hội nghị Thượng đỉnh và Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN từ đầu năm đến nay tại Cam-pu-chia. Ngay từ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 20 hồi tháng 4-2012, Trung Quốc đã dùng nhiều thủ đoạn, kể cả dùng tiền “động viên” Cam-phu-chia để ông Hun Sen không đưa vấn đề Biển Đông vào Chương trình nghị sự. Thái độ của Trung Quốc và Cam-pu-chia - nước chủ nhà với vai trò đương nhiệm Chủ tịch ASEAN - đã gây sốc đối với các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông và việc thống nhất nội dung, các bước soạn thảo, đi đến ký kết COC.
Đến nay các nước trong ASEAN vẫn mong muốn  Trung Quốc chấp nhận và có thái độ đàng hoàng nhằm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC có tính chất pháp lý ràng buộc cao hơn, nói cách khác là đưa ra những biện pháp tốt hơn để đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, ở Biển Đông. Nhưng đây là vấn đề sẽ vấp phải nhiều khó khăn, ách tắc, không hề dễ dàng mà có được sự đồng thuận của Trung Quốc với các nước ASEAN. Bởi ai còn lạ gì Trung Quốc với bản chất bành trướng, tham lam, cái gì có lợi nhất cho mình thì Trung Quốc mới chấp nhận. Các nước ASEAN còn thông qua Bộ quy tắc ứng xử COC để đưa ra những biện pháp tốt hơn nhằm bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, nhất là an ninh ổn định trên Biển Đông.
Thực chất, tính chất pháp lý ràng buộc chính là mục tiêu của COC. Khiếm khuyết của DOC là ra đời từ 2002 nhưng phải 9 năm sau mới thống nhất với nhau về các nguyên tắc hướng dẫn thực thi. Vì thế tiến tới COC phải làm sao để khi đưa ra là có thể thực hiện được ngay. Điểm mới chính là ở tính chất pháp lý của nó cao hơn và có các cơ chế đảm bảo Bộ quy tắc ứng xử được thực hiện, nếu nước nào cố tình vi phạm cũng có biện pháp xử lý. Biện pháp của ai? Với các nước ASEAN thì Trung Quốc vốn coi họ là “tép riu”, chẳng thể làm gì được đâu. 
            Việt Namlà điều phối viên trong 3 năm qua giữa ASEAN và Trung Quốc. Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò, đưa ra thống nhất được trong các nước ASEAN về những nguyên tắc, thành tố cơ bản để đi đến COC. Bên hành lang Quốc hội ngày 31-10, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định rằng: Các nước ASEAN đã thống nhất các thành tố cơ bản của Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên trên biển Đông để đàm phán với Trung Quốc.
Bộ trưởng Pham Bình Minh cũng thẳng thắn nêu lên  rằng: Đây là thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc nên phải được cả ASEAN và Trung Quốc đồng ý để cùng đi vào thỏa thuận. Nhưng quan trọng nhất là các nước ASEAN phải thống nhất được với nhau về những nguyên tắc, thống nhất thành tố cơ bản của COC. Còn với Trung Quốc là “câu chuyện của đàm phán, diễn biến của thương lượng”. Đến nay, cơ bản các nước ASEAN đã thống nhất vấn đề này. Tuy nhiên, mong muốn đàm phán với Trung Quốc trong năm nay là kỳ vọng lớn nhưng chắc khó đạt được.
Theo ông Phạm Bình Minh: Các nước ASEAN đã thống nhất với nhau được những thành tố cơ bản của Bộ quy tắc COC, nay đi vào đàm phán để xây dựng COC. Tháng 9, ở New York (Mỹ), các ngoại trưởng ASEAN họp không chính thức thống nhất với nhau tiếp tục thúc đẩy COC và đã trao đổi với phía Trung Quốc. Trung Quốc đã đồng ý là có thể bắt đầu tham khảo không chính thức về vấn đề này và hy vọng rằng chúng ta sẽ có được sự trao đổi chính thức giữa ASEAN và Trung Quốc.
Cái cách nói lấp lửng, thiếu dứt khóat, không thiện chí của Trung Quốc rõ ràng là thái độ phản ứng với COC ngay từ khi các nước ASEAN chưa đưa COC ra để Trung Quốc cùng ký, rằng: “TQ có thể tham khảo không chính thức…”.
Ông Minh nói: “DOC, COC không phải nguyên lý để giải quyết tranh chấp về chủ quyền hoặc về một hòn đảo nào. COC tiến tới bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực để các bên cùng cam kết không gây ra xung đột, đánh chiếm, chiếm đóng, chứ không phải cơ chế giải quyết chủ quyền, lãnh thổ.Vấn đề Biển Đông, COC, DOC là đa phương. Chúng ta tuyên bố những vấn đề gì chỉ liên quan đến hai nước, giữa hai nước thì tự xử lý theo nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Còn vấn đề Biển Đông liên quan đến nhiều nước, tranh chấp ở Trường Sa liên quan nhiều nước thì phải đa phương”.
Nếu nói như ông Bộ trưởng Phạm Bình Minh thì COC cũng “cóc” giải quyết được gì cho căn cơ, bài bản và quả nhiên là ít hiệu lực. Bởi vì cả DOC và COC “không phải là nguyên lý để giải quyết tranh chấp về chủ quyền”, vậy thì làm sao có “hòa bình, ổn định?”. Hơn nữa, ngay trong dự thảo COC cũng không bóc tách, phân dịnh rõ ràng đâu là đa phương, cái nào là song phương?
 Vì thế, phải nhìn nhận rằng, nếu đem COC ra “xin chữ ký” của Trung Quốc thì rất nhiều khả năng Trung Quốc sẽ “hùng hồn” ném ra những nghịch lý và cả sự ngang ngược để đủ trò bắt bẻ nhiều nội dung quan trọng có tính ràng buộc pháp lý, qua đó lợi dụng cơ hội này Trung Quốc sẽ không bỏ qua những thủ đoạn đưa ra sức ép mới với các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông. Mà cho dẫu lần này Trung Quốc có ký COC thì cũng như 10 năm trước đã đặt bút ký thỏa thuận DOC, rất khó có thể tin rằng qua đây, với COC cộng lực cùng DOC,  tình hình an ninh cho Biển Đông và khu vực sẽ sáng sủa hơn. Với Trung Quốc thì cho dù  DOC, COC rồi còn các thứ văn bản pháp lý, ký kết, thỏa thuận, quy tắc, quy định gì khác do ASEAN đưa ra thì trong con mắt giới cầm quyền Trung Nam Hải chỉ là mớ văn bản rẻ tiền, cũng chỉ nằm trên giấy mà thôi. Hơn 10 năm trước đã có DOC không là gì với Trung Quốc, nay thêm COC nữa thì cũng không bằng thể bằng CNOOC - Công ty dầu khí của Trung Quốc - đang vươn dài những vòi bạch tuộc hút các mỏ dầu đã khoanh vào cái "Lưỡi Bò" cực đại trên Biển Đông. Tóm lại là: COC chả là cái “cóc gì” đối với Trung Quốc!
B.V.B
------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét