Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

> BỘ MÁY XOÁY MÒN NGÂN SÁCH


Một xã có đến mấy trăm viên chức, xã tự đề ra các khoản thu áp vào mỗi đầu dân để nuôi cái bộ máy đó, nhưng theo luật sư Lê Đức Tiết: “Đây không phải là hiện tượng cá biệt”. BVB cho rằng đó chỉ là chuyện nhỏ, bởi như báo chí đưa tin, khối các cơ quan Trung ương hiện nay có tới 650.000 đảng viên (?!). Thế nên, “bộ máy xoáy mòn ngân sách, vét sạch ngân khố"...


       * Luật sư Lê Đức Tiết
(Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật
UBTƯMTTQ Việt Nam)
Dư luận từng đã bị sốc khi truyền thông tiết lộ ở một xã của huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa có đến mấy trăm viên chức, trong đó chỉ có 25 người được ngân sách chi trả. Số còn lại là các khoản phí, lệ phí nhân dân đóng góp. Nhiều người ngồi không vẫn ăn lương. Có ý kiến cho rằng đây không phải là hiện tượng cá biệt. Hàng ngày, nhiều tin tức không tốt lành được đăng tải trên các trang báo khiến lòng dân bất an như: dịch bệnh gia cầm, gia súc luôn xảy ra; buôn lậu, hàng giả khắp nơi; giá sữa, giá thuốc liên tục tăng cao; rau, quả, thịt chứa nhiều độc tố bày bán tràn lan; xăng dầu bị pha trộn; khai thác trộm khoáng sản xảy ra công khai; lâm tặc mặc sức hoành hành, thậm chí gỗ sưa giữa phố phường Hà Nội cũng bị chặt trộm; nhiều loại phí, lệ phí tự mọc ra. Ấy vậy mà khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, các nhà chức trách đều đổ cho là do… thiếu cán bộ!
               Những biểu hiện như: Bành trướng tổ chức; hành chính hóa hoạt động xã hội; can thiệp quá sâu vào đời sống dân sự là ba khuynh hướng chung của nhiều nhà nước hiện nay. Hoạt động mưu sinh của con người ngày càng đa dạng, dân số ngày càng đông là những nguyên nhân chính làm cho hoạt động quản lý của bộ máy nhà nước ngày càng mở rộng. Đó là lý do khách quan. Nhưng những nhà quản lý khôn ngoan không bao giờ để cho bộ máy nhà nước phình to một cách tự phát như người mắc bệnh béo phì.
                 Có 4 giải pháp cơ bản để làm cho bộ máy nhà nước trở nên tinh, gọn, trong sạch và quản lý có hiệu lực cao.

Thứ nhất, cần định rõ chức năng, nhiệm vụ bộ máy các cấp: Trung ương (TƯ); cấp tỉnh, thành phố; cấp huyện, quận; và cấp xã, phường. Chức năng chính của cơ quan cấp TƯ là những hoạch định chiến lược phát triển đất nước. Làm việc ở các cơ quan TƯ phải là bộ óc chiến lược xuất sắc. Phải cơ cấu lại sự phát triển nền kinh tế là sự thừa nhận trên thực tế rằng chiến lược phát triển đã sai hướng hoặc không rõ ràng. Nguyên nhân là do thiếu vắng những chuyên gia đầu đàn . Trùng lặp, ôm đồm, sự vụ của cơ quan quản lý cấp chiến lược sẽ làm cho bộ máy các cấp luôn bị động, luôn buộc phải có các giải pháp tình thế, luôn đòi hỏi phải tăng biên chế. Rốt cuộc cái đầu trở nên to quá khổ. Không đòi hỏi phải có nhiều bộ. Ít bộ, nhưng tuyển dụng được nhiều nhà hoạch định chiến lược sáng suốt là cách tốt nhất để tinh giản bộ máy cấp TƯ.
Chức năng chính của cấp tỉnh là cụ thể hóa phương hướng chiến lược dài hạn của TƯ cho phù hợp với các đặc điểm, các thế mạnh về kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương mình. Bộ máy cấp tỉnh không nhất thiết phải có tất cả các tổ chức mà TƯ có. Bộ máy cấp tỉnh chỉ bao gồm các tổ chức, chuyên gia thuộc các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa đặc trưng của địa phương. Làm như vậy sẽ tránh được tình trạng tỉnh nào cũng có khu công nghiệp, nhà máy xi măng, đường, bia, rượu… nhưng thiếu nguyên liệu sản xuất, hàng hóa làm ra thiếu tính cạnh tranh, rốt cuộc gây lãng phí lớn về đất đai, đất đai, nhân lực, tiền bạc.
Chức năng của cấp huyện, quận là đôn đốc, kiểm tra việc thực thi và sự tuân thủ pháp luật trong quá trình thực thi các chủ trương, kế hoạch của TƯ và cấp tỉnh, thành phố ở địa phương mình. Viên chức cấp huyện, quận là những cán bộ đốc chiến năng động, nhạy bén, có trình độ chuyên môn sâu thuộc lĩnh vực phụ trách. Tuyệt đối không giao cho cấp huyện, quận quyền lập quy. Khi có quyền lập quy, cấp huyện quận dễ biến nó thành quyền lập pháp và trở thành những nhà nước con trong nhà nước chung. Vụ Chủ tịch UBND ở một huyện ra những văn bản trái với Luật Đất đai gây bức xúc dư luận trong cả nước là một ví dụ. Tổ chức cấp quận, huyện hiện nay có tất cả các cơ quan như ở TƯ vì các cơ quan trung ương muốn có chân rết xuống tận huyện, quận. Ở huyện, quận có cả cơ quan quyền lực (hội đồng nhân dân) và cơ quan tư pháp (Công an huyện, Kiểm sát huyện, Tòa án huyện). Nếu bỏ HĐND cấp huyện và cơ quan tư pháp tổ chức theo khu vực thì biên chế nhà nước sẽ giảm thiểu đi rất nhiều.
Cấp xã, phường là cấp hoạt động tự quản về mọi mặt theo pháp luật và theo kế hoạch chung của tỉnh. Giao quyền tự quản rộng rãi cho cấp xã, phường là cách làm tốt nhất để phát huy được tính chủ động, năng động tối đa của nhân dân đồng thời ngăn ngừa có hiệu quả nạn hách dịch, lạm quyền, ức hiếp dân của cán bộ, viên chức thoái hóa cấp cơ sở.

Thứ hai, cần thi tuyển để tìm người thạo việc. Nhiều nước đã thực thi chế độ thi tuyển viên chức và bỏ chế độ biên chế suốt đời. Viên chức có quyền lựa chọn nơi làm việc có mức lương cao hơn xứng với tài năng của họ. Với chế độ thi tuyển để tìm người, mọi viên chức buộc phải tự giác thường xuyên học tập, trau dồi đạo đức, nâng cao trình độ và luôn mẫn cán trong công việc. Nó sẽ tránh được tình trạng biến công sở thành vườn trẻ – một cụm từ mà dư luận thường dùng để phê phán tình trạng viên chức nhà nước tìm cách đưa con em của mình vào làm việc trong biên chế nhà nước cho dù họ không đủ kiến thức, năng lực đảm nhiệm công vụ.
          Thứ ba, nên xã hội hóa hoạt động quản lý nhà nước. Đây là một trong những phương hướng chính của việc tinh giản bộ máy nhà nước. Nhiều lĩnh vực quản lý của nhà nước đều có thể giao cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) đảm nhiệm trên cơ sở đấu thầu công khai và được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Nhà nước. Lợi ích nhiều mặt trong việc xã hội hóa hoạt động quản lý nhà nước đã được kiểm chứng. Song chính sách này chưa được thực thi một cách rộng rãi là do tính vụ lợi của chính viên chức nhà nước. Để thực thi chính sách xã hội hóa hoạt động quản lý nhà nước thì phải phá bỏ cho được rào cản từ cơ quan, viên chức nhà nước gây ra.
Thứ tư, thiết lập cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra rộng khắp, nhạy bén và có hiệu lực. Sản xuất, xây dựng mà thiếu kiểm tra thì sản phẩm làm ra thường kém chất lượng. Con người, tổ chức thiếu kiểm tra thì dễ bị tha hóa, hư hỏng. Đó là kết luận đã được thừa nhận. Việt Nam hiện có một hệ thống kiểm tra rộng khắp bao gồm: kiểm tra Đảng; giám sát của Quốc hội; thanh tra Chính phủ, các Bộ, các ngành, các địa phương; giám sát, thanh tra, kiểm tra nhân dân. Nhưng kết quả rất hạn chế. Nguyên nhân không phải do thiếu người kiểm tra mà là do hoạt động kiểm tra còn mang nặng tính hình thức. Nguyên nhân chính là hoạt động kiểm tra, giám sát thiếu tính độc lập, khách quan, còn phụ thuộc nhiều vào quyết định của người chủ trì.
 
Tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII, việc Chính phủ tuyên bố do khó khăn về ngân sách nên hoãn tăng lương theo lộ trình đã làm không khí thảo luận nóng lên. Lý do eo hẹp về ngân sách không thuyết phục được các đại biểu Quốc hội và dư luận nhân dân.Vậy đâu là nguyên nhân? Có hàng loạt nguyên nhân được nêu ra và bàn luận trong xã hội. Đa số đểu có nhận xét chung rằng nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm phát sinh mọi bất cập, xét đến cùng, đều do tình trạng trùng lặp về lãnh đạo, quản lý, do sự cồng kềnh về tổ chức bộ máy, do đội ngũ viên chức đông nhưng trách nhiệm không rõ ràng, không nghiêm. Ông Mai Ái Trực có lần nói với phóng viên báo chí rằng ông là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng không thể kỷ luật nổi một cán bộ địa chính xã sai phạm. Năm 2006, biên chế cả nước là 1.778.734 người. Tại kỳ họp Quốc hội khóa XII, đại biểu Nguyễn Đình Xuân ở Bộ Nội vụ, cho biết, trong 10 năm (2001-2010) biên chế TƯ tăng 7,4%, biên chế địa phương tăng 41,2%. Trong dân gian có câu ngạn ngữ mang đậm tính triết lý nhân văn được truyền tụng từ lâu đời rằng: "Chín con dê với mười người chăn dắt thì gia chủ không còn thịt dê để ăn”. Na-pô-lê-ông – Hoàng đế nước Pháp có câu nói nổi tiếng: "Đừng để viên chức ngồi không”.
Nhiều người nước ngoài nhận xét rằng viên chức Việt Nam rất thoải mái trong thi hành công vụ và rất tùy hứng trong giờ giấc làm việc. Để nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, không thể để tiếp tục xẩy ra tình trạng có người không biết thổi sáo nhưng vẫn chễm chệ ngồi trong ban nhạc của nhà vua. Chuyện kể rằng có nhà vua muốn thử tài các nhạc công, đã ra lệnh cho từng người một phải biểu diễn tài nghệ của họ trước mặt nhà vua. Có anh thổi sáo nhưng không biết thổi. Khi biểu diễn anh ta chỉ hờ đặt sáo lên miệng. Ngồi không ăn lộc của nhà vua đã nhiều năm nhưng không ai phát hiện. Đến khi sắp lộ mặt, anh ta nhanh chóng trốn khỏi cung đình về quê trở lại với nghề cày cuốc vốn là nghề đích thực của anh ta. Chuyện xưa như trái đất. Nhưng đây đó hiện tượng này vẫn còn tiếp diễn dưới muôn hình vạn trạng.
Ls LĐT
 

1 nhận xét:

  1. Lại còn bộ máy không ít người; Đảng và các đoàn thể trong khối mặt trận. Một loạt ban này, ban nọ, hội này hội kia cũng ngốn vào cái túi ngân sách. Muốn tăng lương phải giảm khoảng 45% người đang hưởng lương hiện nay. Nếu cần thì nhà nước cứ làm thử một huyện, quận, giảm biên chế (cả 3 khối: chính quyền, đảng, đoàn thể) chắc chắn công việc vẫn vận hành, mọi việc đâu vào đấy. Và khi ấy không còn la ó "đừng để viên chức ngồi không".

    Trả lờiXóa